Trong 6 tháng đầu năm 2004, ngành Tòa án tỉnh đã giải quyết được 1.393 vụ án trong tổng số 1.882 vụ án đã thụ lý đạt 74%. So với cùng kỳ năm trước, 6 tháng qua số lượng các loại vụ án mà TAND tỉnh và TAND các huyện, thành phố phải thụ lý, giải quyết đều tăng. Tuy nhiên, qua đó cho thấy số vụ án xét xử chưa đạt chất lượng vẫn còn cao.
|
Một phiên tòa sơ thẩm hình sự của TAND TP Quy Nhơn |
Điều này thể hiện qua các loại vụ án xét xử cấp sơ thẩm, lên cấp phúc thẩm bị hủy, cải sửa án không phải là ít. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Văn Đào, Chánh án TAND tỉnh lý giải: Hiện nay TAND tỉnh chỉ có 10 thẩm phán, 21 vị hội thẩm nhân dân, còn ở Tòa án các huyện, thành phố số thẩm phán là 44. So với số biên chế được cấp thì hiện nay TAND tỉnh thiếu 6, TAND các huyện, thành phố thiếu 9 thẩm phán. Bình quân một thẩm phán ở TAND tỉnh mỗi tháng xét xử khoảng 7 vụ án hình sự, còn ở TAND TP Quy Nhơn, bình quân mỗi tháng thẩm phán xét xử từ 7- 8 vụ. So với mức giao án xét xử của TANDTC thì số vụ án xét xử từ TAND tỉnh đến TAND các huyện đồng bằng trong tỉnh đều tăng.
Công tác giải quyết và xét xử các loại án là một công việc phức tạp, phụ thuộc nhiều vào sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, mà hệ thống pháp luật nước ta chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Một số vướng mắc về áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan liên ngành pháp luật hướng dẫn kịp thời nên làm cho mỗi nơi hiểu và vận dụng theo cách riêng của mình, dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó cũng còn một số ít thẩm phán, hội thẩm nhân dân trình độ nghiệp vụ, chuyên môn hạn chế, nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, không chịu khó đọc các văn bản mới nên bị lạc hậu, vận dụng sai, và cũng có phần nể nang làm cho việc xét xử không khách quan, không đúng pháp luật.
Còn về đánh giá tỷ lệ số loại vụ án bị hủy, cải sửa án sơ thẩm thì có 2 ý kiến, chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng nên dựa và lượng án sơ thẩm đã xét xử, số bản án không có kháng cáo, kháng nghị là những bản án đã được đồng tình, so với số bản án bị Tòa án cấp trên hủy, cải sửa. Còn ý kiến khác là dựa số bản án bị kháng cáo, kháng nghị so với số bản án bị hủy, cải sửa để tính tỷ lệ.
Để khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trên, ông Văn Đào cho biết: Trong thời gian tới ngành sẽ trình Chánh án TAND tối cao quyết định, bổ nhiệm thẩm phán cho TAND tỉnh, huyện nhằm hạn chế tình trạng thẩm phán phải xét xử nhiều, dành thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án kỹ hơn, xét xử chất lượng hơn. Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân, tập huấn chuyên sâu Bộ luật Tố tụng hình sự. Tăng cường kiểm tra nghiệp vụ Tòa án cấp huyện, thành phố để kịp thời phát hiện những sai sót, nhằm uốn nắn kịp thời.
. Phước Lộc |