Phải bắt buộc đội mũ bảo hiểm
14:51', 25/7/ 2004 (GMT+7)

Sau hơn hai năm có quy định người đi mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm (MBH) trên những tuyến đường bắt buộc, nhưng đến nay quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên, vì sao?

* Bao nhiêu phần trăm người đội MBH?

Đúng 8 giờ ngày chủ nhật 18-7, tôi dừng chân trên QL 1, đoạn ngã ba rẽ vào ga Diêu Trì là đoạn đường bắt buộc đội MBH và thử đếm, trong khoảng hơn 20 phút có đúng 100 mô tô đi qua nhưng chỉ có 8 người đi trên xe đội MBH, trong đó có 3 xe chở 2 người nhưng chỉ có 1 người đội. Tuy ngẫu nhiên, nhưng có lẽ khoảng 8% người đi mô tô đội MBH là đúng với thực tế.

Nhớ lại cách đây hơn hai năm, khi có quy định người đi mô tô, xe máy phải đội MBH trên những tuyến đường bắt buộc thì công tác tuyên truyền được tiến hành một cách rầm rộ, các ngành chức năng vào cuộc một cách khẩn trương và nghiêm túc. Cảnh sát giao thông đóng chốt trên các tuyến đường, ban đầu thì nhắc nhở và sau đó xử phạt một cách gắt gao. Thời điểm đó, dù chưa phải người dân nào cũng đồng tình với quy định đội MBH với nhiều lý do, nhưng qua việc tuyên truyền và kiểm tra xử phạt nghiêm túc của cảnh sát giao thông, hầu hết người đi mô tô, xe máy đều có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh. Lúc đó, phải nói là đã dấy lên một "phong trào người người đội MBH, nhà nhà mua MBH". Đề tài đội MBH được cán bộ, nhân dân bàn tán khá rôm rả. Thậm chí, có nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ phúc lợi hỗ trợ cho toàn thể cán bộ, nhân viên ai cũng phải có MBH và đưa việc phải đội MBH thành nội quy bắt buộc của cơ quan, đơn vị. Ngoài thị trường, MBH bán chạy như tôm tươi, các chợ và quầy hàng, cửa hàng nào cũng đua nhau kinh doanh MBH. Còn nay thì MBH đã vắng bóng trên thị trường. Cả thành phố Quy Nhơn chỉ còn vài cửa hàng ở đường Tăng Bạt Hổ và Lê Hồng Phong là còn bán MBH, nhưng lại đặt tít trên quầy cao cho… bụi phủ.

* Nguyên nhân do đâu?

Việc đội MBH tưởng chừng đã trở thành thói quen, đi vào nề nếp nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu vẫn vào đấy, đến nay rất hiếm người đội MBH. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân và rất dễ nhận ra. Trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục, cũng như việc các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý chỉ rộ lên một thời gian rồi lắng xuống. Việc xử phạt người không đội MBH lại quá nhẹ nhàng, thường chỉ xử phạt từ 20.000 đến 50.000 đồng. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không có ý thức chấp hành. Việc thiếu ý thức này ngay chính người điều khiển mô tô cũng thừa nhận. Ai cũng biết đội MBH rất có lợi, đề phòng rủi ro khi xảy ra tai nạn giao thông đỡ bị chấn thương sọ não. Nhưng do đội MBH rất bất tiện vì nó nặng nề cồng kềnh, không thoải mái khi đội, đồng thời còn hạn chế tầm nhìn nên ít người thích đội. Thời gian trước, không đội MBH còn sợ công an phạt, nhưng sau này không đội cũng chẳng sao, chẳng ai phạt nên không đội nữa. Còn tai nạn giao thông thì "rủi" lắm mới xảy ra!

* Phải bắt buộc đội MBH

Việc đội MBH khi chạy xe trên những tuyến đường bắt buộc là một chủ trương đúng đắn, mang lại lợi ích thiết thực, to lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội nên cần thiết phải có nhiều biện pháp kiên quyết để buộc người dân phải chấp hành. Ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên, thì việc kiểm tra phải thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm cho đến lúc việc đội MBH trở thành thói quen, thành ý thức thường trực trong mỗi con người. Phải tăng mức xử phạt người không chấp hành như nhiều tỉnh, thành đã làm (thí dụ: người điều khiển xe không đội MBH có thể bị giữ xe 10-15 ngày…). Nếu lực lượng kiểm tra không đủ để làm thường xuyên thì 1-2 tháng nên mở một đợt kiểm tra gắt gao. Điều này rất quan trọng trong việc tạo ý thức cho người dân không chỉ trong việc đội MBH mà đối với tất cả các quy định khác của pháp luật. Sự tự giác chấp hành của người dân thường được hình thành từ những biện pháp xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, giáo dục và được duy trì thường xuyên.

. Cao Năm

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lật sõng, 1 học sinh lớp 11 bị chết đuối   (23/07/2004)
Những phút cuối cùng của tử tù Đặng Ngọc Việt   (23/07/2004)
Cường "cướp biển" sa lưới   (23/07/2004)
Phát hiện trên 20 m3 gỗ lậu  (22/07/2004)
4 bị cáo bị phạt gần 10 năm tù  (22/07/2004)
Điều còn lại sau phiên tòa ly hôn   (22/07/2004)
Ăn trộm sắt của sân bay, 6 bị cáo lãnh án 26 năm tù giam   (21/07/2004)
Vì sao chất lượng xét xử án còn hạn chế?   (21/07/2004)
An toàn giao thông đường thủy: Nhiều bức xúc  (21/07/2004)
Thủ phạm nhiều vụ trộm ở Vĩnh Thạnh đã sa lưới   (19/07/2004)
Lần đầu tiên, Tòa án công khai xin lỗi một công dân bị xét xử oan   (19/07/2004)
Lật xe khách: 4 người chết, 8 người khác bị thương   (19/07/2004)
Phát hiện kẻ trộm từ vụ vi phạm luật giao thông   (16/07/2004)
Ba cha con lập thành băng trộm  (16/07/2004)
Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm   (15/07/2004)