Viện KSND tối cao vừa có quyết định truy tố 13 bị can (trong đó có 9 cán bộ hải quan tỉnh Bình Định) trong vụ nhập lậu 12.000 bộ linh kiện xe máy trị giá hơn 21 tỉ đồng. Điều đáng nói là trong vụ án nghiêm trọng này, ông Ngô Hữu Chính - nguyên Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Định đã dàn dựng một "phi vụ" buôn lậu lớn qua Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn, làm hàng loạt cán bộ hải quan (trong đó có con trai ông) phải ra hầu tòa.
|
Một lô hàng lậu của Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp Miền Trung bị phát hiện tại Quy Nhơn |
Vụ án bắt đầu từ việc ngày 11-10-2002 Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu công nghiệp Phú Yên (gọi tắt là Công ty Phú Yên) được Bộ Thương mại cấp giấy phép cho nhập khẩu 22.000 bộ linh kiện xe 2 bánh gắn máy để lắp ráp tại huyện Tuy Hòa. Công ty Phú Yên đã nhập 10.000 bộ, còn lại chỉ tiêu chưa nhập là 12.000 bộ linh kiện. Biết được sự việc trên, ông Ngô Hữu Chính - Cục trưởng Hải quan Bình Định đã giới thiệu Trương Đình Xuân - Giám đốc Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp Miền Trung (gọi tắt là Công ty Miền Trung) gặp Trần Quang Bình (giám đốc Công ty Phú Yên) để bàn bạc việc mua lại chỉ tiêu trên (buổi làm việc có sự chứng kiến của Cục trưởng Ngô Hữu Chính).
Trương Đình Xuân đã vay Ngân hàng Ngoại thương Quy Nhơn hơn 63,4 tỉ đồng và trực tiếp sang Trung Quốc đàm phán đặt mua hàng của Công ty Chonqing. Sau khi hàng về cảng Quy Nhơn, Xuân đã chỉ đạo Phó giám đốc Thành trực tiếp xuống cảng nhận hàng và chuyển về kho của công ty và chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ hải quan (đến nay số cán bộ hải quan khai báo mỗi người đã nhận của Thành từ 5-20 triệu đồng). Để thông quan trót lọt lô hàng trên, bị can Trần Điền - Chi cục trưởng Hải quan cảng Quy Nhơn đã quyết định phương thức "kiểm hóa theo xác suất" tỷ lệ 5% (trái với quy định phải áp dụng tỷ lệ 10% hoặc kiểm tra toàn bộ). Trần Điền thừa nhận việc cho thông quan lô hàng này là có ý kiến chỉ đạo của Cục trưởng Ngô Hữu Chính.
Tối 26-12-2002, khi tổ kiểm hóa hải quan phát hiện trong lô hàng trên có mặt hàng sai danh mục tờ khai là cụm động cơ nguyên chiếc với số lượng lớn, Điền đã gọi điện cho Cục trưởng Chính về lô hàng đang tạm dừng kiểm hóa và phát hiện số hàng sai danh mục nhập khẩu. Cục trưởng Ngô Hữu Chính cho chủ trương: kiểm tra qua loa, có thể không cần kiểm tra và chỉ đạo toàn bộ lô hàng 12.000 bộ linh kiện xe máy phải được thông quan ngay trong ngày 27-12-2002.
Vào 20h50 tối 26-12-2002, ông Nguyễn Đức Nga - Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan nhận được điện thoại của ông Mai Xuân Chính là cán bộ thuộc Hải đội 2 của Cục báo cáo về việc Chi cục Hải quan Bình Định đang tiến hành kiểm hóa lô hàng linh kiện xe máy có biểu hiện là xe máy nguyên chiếc tháo rời. Sau khi nhận được thông tin trên, ông Nga đã gọi điện ngay cho Cục trưởng Hải quan Bình Định Ngô Hữu Chính về nghi vấn nói trên và đề nghị ông Chính cho tăng cường giám sát, kiểm tra lại, ông Chính trả lời là sẽ cho kiểm tra.
Viện KSND tối cao quyết định: truy tố 3 bị can Trương Đình Xuân, Lê Văn Thành, Trần Quang Bình về tội buôn lậu theo điểm a khoản 4 điều 153 BLHS; truy tố 8 bị can nguyên là cán bộ hải quan Bình Định: Trần Điền, Trần Phi Long, Trần Vĩnh Phước, Ngô Lê Phương, Ngô Hữu Tuấn, Tô Văn Minh, Bùi Bá Hùng, Võ Tuấn về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 điều 281 BLHS; truy tố bị can Ngô Hữu Chính, nguyên Cục trưởng Hải quan Bình Định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285 BLHS; truy tố bị can Đào Minh Tùng về tội che giấu tội phạm, theo khoản 1 điều 313 BLHS. |
Sau khi lô hàng trên được thông quan và có dư luận nghi vấn là nhập lậu, trong các ngày 4 và 7-1-2003, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rồi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định liên tục mời Cục Hải quan lên báo cáo về lô hàng có biểu hiện nghi vấn nhập lậu xe máy nguyên chiếc. Ngô Hữu Chính và Trần Điền tiếp tục báo cáo lô hàng nhập khẩu đúng danh mục tờ khai; Hải quan cửa khẩu kiểm tra không phát hiện có sai phạm. Kết thúc các buổi làm việc, khi được yêu cầu Cục Hải quan tiến hành kiểm tra và báo cáo thì Ngô Hữu Chính đều "phớt lờ".
Từ lô hàng nhập lậu, Công ty Miền Trung đã lắp ráp được 853 xe các loại. Để hợp thức hóa được số xe này và tiêu thụ trên thị trường, Công ty Miền Trung đã làm hồ sơ gửi Công ty Phú Yên để làm thủ tục đăng kiểm, rồi bán 270 xe đã lắp ráp. Để hợp thức hóa số hàng nhập khẩu ngoài danh mục tờ khai, Trương Đình Xuân đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền mua hóa đơn khống của một số doanh nghiệp trong nước để hợp thức hóa cho số linh kiện xe máy nhập lậu, rồi vận chuyển số hàng để trong kho nhà máy đi cất giấu tại các kho khác. Nhưng việc làm này đã bị quản lý thị trường tỉnh Bình Định phát hiện và tiến hành kiểm tra, lập biên bản tạm giữ hàng. Cơ quan điều tra (Bộ Công an) sau đó cũng đã làm rõ việc các cán bộ hải quan Quy Nhơn, Bình Định gồm: Trần Điền, Trần Phi Long, Trần Vĩnh Phước, Tô Văn Minh, Ngô Lê Phương (con trai Ngô Hữu Chính), Ngô Hữu Tuấn, Bùi Bá Hùng, Võ Tuấn khi kiểm hóa phát hiện có hàng nhập ngoài danh mục đã không làm tròn trách nhiệm, cho thông quan toàn bộ lô hàng.
Đáng lưu ý, xét thấy hành vi phạm tội của Ngô Hữu Chính, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thay đổi quyết định khởi tố bị can này từ tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang tội buôn lậu. Nhưng sau đó, ngày 10-8-2004, Viện KSND tối cao đã thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội buôn lậu sang tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tại cơ quan điều tra, bị can Ngô Hữu Chính khai không chỉ đạo Trần Điền về việc cho thông quan lô hàng; Chính thừa nhận có nhận được điện thoại của ông Nguyễn Đức Nga nhưng Chính cho rằng ông Nga không chỉ đạo hay thông báo gì về việc kiểm tra lô hàng. Viện KSND tối cao xác định bị can Ngô Hữu Chính, nguyên Cục trưởng Hải quan Bình Định đã thiếu trách nhiệm, không tổ chức phúc tập, kiểm tra sau khi thông quan.
. Theo Thanh Niên |