Ngày 30-7-2004 ông Phạm Khắc Siêu - Giám đốc Công ty TNHH Diệp Phượng đến Công an phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn trình báo về những vụ mất trộm tài sản. Theo đơn báo cáo thì tổng số tài sản bị mất 16 loại, bao gồm mô tơ, máy chà nhám, máy khoan điện, máy cưa cầm tay.
|
Thủ phạm Trần Hoàng Sâm |
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, Công an phường Bùi Thị Xuân đã xác định không có dấu hiệu đột nhập từ bên ngoài nên tập trung hướng điều tra vào nội bộ công nhân. Tại phân xưởng, vào thời gian xảy ra mất trộm thì Trần Hoàng Sâm có nhiều dấu hiệu đáng ngờ. Sâm trú ở thôn Thuận Truyền, xã Bình Thuận, Tây Sơn vào làm công nhân tháng 1-2004. Đồng lương ít ỏi nên mọi chi tiêu hàng ngày Sâm đều rất dè dặt. Vậy mà mấy chủ nhật liên tiếp Sâm đều vắng mặt ở công ty. Khi phát hiện mất tài sản cũng không có Sâm tại công ty. Để làm rõ những điều nghi vấn đó, Công an phường Bùi Thị Xuân đã tìm cách tiếp cận gia đình và những người thân của Sâm ở quê và được biết Sâm thường đem những vật dụng như khoan, cưa cầm tay về bán cho một số người hành nghề thợ mộc trong xóm. Cụ thể là 2 ông Võ Thế Oanh và Phạm Ngọc Lợi đã mua cả thảy 3 máy khoan, 1 cưa cầm tay. Từ chứng cứ này, Công an phường Bùi Thị Xuân đã đấu tranh buộc Sâm khai nhận 5 lần lấy trộm tài sản của công ty, gây thiệt hại trên 10 triệu đồng.
Trong quá trình lao động tại phân xưởng, thấy việc quản lý tài sản của công ty có nhiều sơ hở nên hắn đã nảy sinh ý nghĩ trộm cắp. Từ một công nhân thật thà, chí thú lao động làm ăn, trong một giây phút không biết giữ mình Trần Hoàng Sâm đã trở thành một tên tội phạm.
Đây là bài học chung cho các doanh nghiệp trong vấn đề tổ chức sản xuất và quản lý tài sản.
. Tấn Tài |