Vào tù vì hành nghề đồ tể… "lưu động"
18:16', 20/9/ 2004 (GMT+7)

Là một phạm nhân trốn trại đang bị truy nã nên Nguyễn Văn Chư - tên cầm đầu băng trộm bò lưu động - hoạt động vừa táo bạo vừa tinh vi. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng đã thực hiện trót lọt 14 vụ trộm bò, làm cho những hộ nông dân là nạn nhân của chúng điêu đứng vì mất sức kéo.

* Vượt ngục để đi ăn trộm

Các "đồ tể" trước vành móng ngựa (từ trái qua Chư - Trưởng - Lân)

Khoảng 7 giờ 30 sáng ngày 13-6-2003, Nguyễn Văn Chư (sinh năm 1979) quê ở xã Cửu An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đang thi hành án tại trại giam Gia Trung về tội trộm cắp, cùng 15 phạm nhân khác được cán bộ quản giáo đưa đi lao động đã trốn chạy. Từ đó y sống ngoài vòng pháp luật với tên họ khác và bắt đầu gây ra những tội lỗi mới. Vốn là một tên trộm chuyên nghiệp đã hai lần vào tù, nên lần này y chuẩn bị cho việc trộm cắp của mình khá chu đáo. Đầu tiên y tìm mua chiếc xe Honda 67 không giấy tờ để làm phương tiện di chuyển. Và với chiếc xe này, Chư từ thị xã An Khê xuống nhà người cháu vợ là Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở Phước Hiệp, Tuy Phước, lôi kéo Bùi Công Trưởng (1978) là chồng của Hạnh vào con đường trộm bò xẻ thịt.

Phương tiện gây án

Sở dĩ tên Chư chọn Trưởng làm nghề giúp sức bởi vì Trưởng làm nghề xẻ heo. Khi được Trưởng đồng ý, Chư bảo Trưởng đưa y đi giới thiệu với một số người mua bán thịt bò, nhằm chuẩn bị trước nơi tiêu thụ. Tại nhà vợ chồng ông Bùi Văn Sự và Nguyễn Thị Xuân làm nghề bán thịt bò, Trưởng đã giới thiệu Chư tên là Nam, làm nghề mua bán bò ở An Khê. Nghe vậy vợ chồng ông Sự dặn Chư nếu có thịt bò mang xuống bán cho mình.

Sau khi chuẩn bị dụng cụ gây án gồm: một búa, một dao Thái Lan loại nhỏ, một hòn đá mài dao, một số bao ni lông, bao cước... Chư và Trưởng chờ đêm xuống lẻn vào các vùng quê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dắt trộm bò đem ra nơi vắng người, dùng búa đập chết, xẻ thịt lấy hai đùi, hai vai và hai thăn đem bán cho vợ chồng ông Sự và sau đó bán cho một số người mua bán thịt bò tại chợ Đầm, chợ Lớn Quy Nhơn. Trong quá trình hoạt động phạm tội, Nguyễn Văn Chư đã lôi kéo thêm Nguyễn Thành Lân (1978) ở xã An Trung, huyện Kong Ch'ro (Gia Lai) tham gia trộm bò xẻ thịt.

* Trộm bò liên tỉnh

Bằng thủ đoạn đã nêu, từ ngày 20-12-2003 đến ngày 7-2-2004, Chư, Trưởng và Lân đã gây ra 14 vụ trộm bò tại địa bàn các huyện Đăk Pơ, Kong Ch'ro (Gia Lai), huyện Da Dù (Phú Yên), huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (Bình Định). Số bò trộm được (14 con), chúng xẻ thịt bán cho một số người chuyên mua bán thịt bò nói trên, thu được hơn 16,5 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Sau khi vụ án được phát hiện, Trưởng bị bắt quả tang, còn Chư và Lân nửa tháng sau mới bị Công an Bình Định truy lùng bắt giữ khi chúng đang lẩn trốn tại tỉnh Gia Lai.

Ngày 17-9-2004, tại phiên tòa sơ thẩm do Tòa án huyện Vân Canh xét xử, Nguyễn Văn Chư và đồng bọn đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Căn cứ vào mực độ phạm tội và sự ăn năn hối cải thể hiện trong quá trình điều tra cũng như khai báo tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Chư 15 năm 1 tháng 2 ngày tù giam về các tội: trốn khỏi nơi giam, trộm cắp tài sản, trong đó có 24 tháng của bản án cũ chưa thi hành xong; Bùi Công Trưởng 36 tháng tù giam và Nguyễn Thành Lân 9 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản.

. Xuân Linh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lại phát hiện được nhiều đầu đạn trong vựa phế liệu kim loại  (20/09/2004)
Xã Canh Vinh với phong trào "Họ tộc không có người vi phạm an ninh trật tự"  (19/09/2004)
Hiếp dâm trẻ em rồi bỏ xuống giếng: 16 năm tù giam  (19/09/2004)
Đua đòi ăn chơi trở thành kẻ lừa đảo   (17/09/2004)
Vụ giết người tại Cát Thắng (Phù Cát): Y án sơ thẩm   (17/09/2004)
Tin Đầu làng… cuối phố  (17/09/2004)
Lý Thông sa lưới  (17/09/2004)
Vụ án… con bò đực đen   (16/09/2004)
Hai tên cướp giật và cuộc truy lùng xuyên đêm  (15/09/2004)
Gieo gió, gặt bão   (15/09/2004)
Công an TP Quy Nhơn: Bắt 2 tên cướp giật   (15/09/2004)
Hai lần vào tù vẫn không chừa thói trộm cắp  (14/09/2004)
Đầu thú sau hơn 8 năm lẩn trốn  (12/09/2004)
Cảnh giác với bọn cướp giật   (10/09/2004)
Những con thú mặt người   (10/09/2004)