Là một lập trình viên chuyên nghiệp hoạt động tự do, Lê Hồng Đức được nhiều người trong nước biết đến bởi hàng loạt phần mềm hữu dụng của anh dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tên tuổi của anh cũng đã được nhiều tạp chí công nghệ thông tin (CNTT) lớn trong nước nhắc tới với tư cách là tác giả của những phần mềm quản trị bán hàng đầy sáng tạo. Anh trở nên gần gũi với người Bình Định khi đã chuyển hàng loạt đĩa phần mềm quản trị bán hàng nhờ Báo Bình Định gởi tặng cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
* Từ là một cán bộ tư pháp, cơ duyên nào đưa anh đến với nghề lập trình viên?
|
Lê Hồng Đức |
- Rời chiến trường Camphuchia, tôi về học lại bổ túc văn hóa, sau đó xin vào làm việc ở Phòng Tư pháp huyện Long Khánh (Đồng Nai). Do yêu cầu của công việc và biết chút ít về máy tính nên tôi được cơ quan giao phụ trách CNTT. Năm 1995, lúc đang là Trưởng phòng Tư pháp huyện, tôi được phân công làm Trưởng ban Thư ký kỳ bầu cử HĐND ba cấp. Tôi đã huy động máy vi tính trong huyện để thực hiện việc tổng kết phiếu bầu cử trên phần mềm tự viết. Kết quả cuộc bầu cử ấy vừa nhanh, chính xác lại nhẹ nhàng hơn làm thủ công rất nhiều. Có lẽ từ đó tin học với tôi trở thành nỗi đam mê hơn mọi thứ trên đời.
* Có phải vì nỗi đam mê đó mà anh đã xin nghỉ công tác?
- Tin học đến với tôi bắt đầu từ việc tự mày mò. Tôi chỉ được duy nhất có một lần học môn tin học ở lớp "Tin học căn bản" do Phòng GD-ĐT của huyện Long Khánh mở rồi sau đó là học từ sách vở, qua bạn bè và qua internet... Năm 2000, sau khi phát hiện mình bị bệnh tim, sức khỏe yếu, một phần vì đam mê CNTT nên tôi đã xin nghỉ công tác hẳn để làm một người... viết phần mềm tự do.
* Trong số nhiều phần mềm mà anh viết được, phần mềm nào khiến anh trăn trở nhất?
- Do tự mày mò nên tôi gặp nhiều khó khăn trong việc làm phần mềm nhưng sự đam mê đã giúp tôi vượt qua. Sau nhiều lần không thành công, cuối cùng tôi cũng đã cho ra đời hơn 10 sản phẩm phần mềm tin học hữu dụng. Trong đó, phần mềm Quản trị bán hàng được tung ra thị trường cả nước từ tháng 3-2003 và đã được người sử dụng đánh giá cao. Đây là phần mềm phục vụ cho việc quản lý kinh doanh của các cửa hàng, các doanh nghiệp thương mại có quy mô nhỏ. Quy mô và sự chu đáo của phần mềm còn thể hiện ở bảng hướng dẫn trên 80 trang và hơn 30 câu giải đáp các vấn đề thường gặp qua thực tế sử dụng. Sự hoàn thiện của phần mềm còn thể hiện với phần hướng dẫn bằng tiếng nói, cho phép đưa logo của công ty sử dụng vào các báo cáo, xuất báo cáo ra định dạng world và excel. Đặc biệt tính năng bảo mật của phần mềm cho phép người quản trị qui định chi tiết thẩm quyền của từng nhân viên sử dụng bản quyền… Sau khi nâng cấp, phần mềm Quản trị bán hàng (phiên bản 4.85) có thêm phần hướng dẫn sử dụng trực tiếp bằng lời (người dùng có thể nghe, không còn phải đọc bản hướng dẫn) rất tiện ích. Tôi đã bán ra thị trường hàng ngàn bản các phần mềm trên, trong đó riêng phần mềm Quản trị bán hàng đã tiêu thụ trên 5.000 bản cả cũ và mới. Sắp tới đây tôi chuẩn bị cho ra đời 5 phần mềm tin học hữu dụng khác nhau và đang tiếp tục hoàn chỉnh phần mềm Quản trị kế toán, Hoạch định đầu tư, Lao động tiền lương...
|
Lê Hồng Đức trao tặng phần mềm Quản trị bán hàng cho lãnh đạo Báo Bình Định |
Nếu nói sản phẩm trăn trở nhất có lẽ là Phần mềm Quản trị bán hàng. Ngày xưa vợ chồng tôi cũng đã kinh doanh, nhưng vì không quen với việc tính toán nên cuối cùng thất bại. Sau này tôi nghĩ, CNTT là công cụ rất hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của con người, trong đó có lĩnh vực quản trị kinh doanh, không kể đó là quy mô quản lý nhỏ, vừa hay lớn. Với phần mềm này, tôi muốn góp một phần với cộng đồng để hạn chế bớt bi kịch mà vợ chồng tôi từng gặp phải, chí ít là giải phóng cho nhà kinh doanh ra khỏi cái mớ bòng bong của những con số bằng công cụ CNTT với chi phí thấp nhất, khả năng ứng dụng dễ dàng nhất cho mọi người.
* Anh thường nhắc các phóng viên ở Báo Bình Định là cố gắng giúp anh tặng những phần mềm của anh cho các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu. Vì sao anh dành nhiều ưu ái cho Bình Định như vậy?
- Quê hương là chùm khế ngọt mà, tuy sống ở Đồng Nai đã lâu nhưng tôi vẫn là người Bình Định. Trước đây, tôi có nguyện vọng nếu thành công trong sự nghiệp, tôi sẽ dành phần nào đó cho quê hương của mình. Ngày nay, tuy chưa thành công lắm, nhưng dù sao tự tay làm ra những sản phẩm này nên tôi cũng mong muốn giúp ích được phần nào đó cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Lê Hồng Đức sinh năm 1959 tại Ân Nghĩa, Hoài Ân, Bình Định. Năm 6 tuổi theo mẹ vào Sài Gòn. Tháng 10-1978, đang học lớp 12 tại trường cấp 3 Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai thì anh tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Sau khi xuất ngũ, Lê Hồng Đức học bổ túc văn hóa và công tác ở Phòng Tư pháp huyện Long Khánh. Do yêu cầu của công việc, Lê Hồng Đức theo học khóa trung cấp Pháp lý, chuyên tu ĐH Pháp lý rồi ĐH Mở - bán công (khoa Quản trị kinh doanh). Sau 10 năm làm việc, anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tư pháp huyện năm 31 tuổi. Năm 2000, Đức xin nghỉ công tác để làm một người... viết phần mềm tự do. |
Tôi tự hứa, nếu những doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ở Bình Định thực sự cần thì tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả số lượng phần mềm do tôi sáng tạo ra. Tôi đã có kế hoạch vận động người đồng hương mình, bạn bè... hỗ trợ kinh phí để mua đĩa ghi phần mềm gởi về tặng cho quê hương. Bên cạnh tôi còn có nhiều người đồng hương Bình Định nữa, và ai cũng muốn góp sức để phục vụ cho quê hương dù là những món quà chỉ mang ý nghĩa thể hiện tấm lòng mình.
* Con đường anh đi là lập trình viên tự do liệu có bền vững không? Là một lập trình viên tên tuổi, anh có thể cho những người ở quê hương mình một lời khuyên trên lĩnh vực ứng dụng CNTT?
- Dù là lập trình viên tự do hay lập trình viên ở trong một tổ chức nào đó thì sản phẩm cuối cùng cũng sẽ được đánh giá qua thị trường. Tôi đã từng thất bại và có thể còn thất bại, nhưng đó là do chưa đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tiếp thị và... cơ hội mà bối cảnh xã hội chưa có. Doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể hiện đang chiếm số lượng rất lớn. Đó là những đối tượng cần ứng dụng các tiến bộ của CNTT hơn ai hết để giảm chi phí, để quyết định đầu tư sao cho kinh doanh hiệu quả nhất, với ít rủi ro nhất. Họ dư sức sắm máy tính nhưng không có cơ hội để tiếp cận tin học, Anh ngữ cũng như tích lũy kiến thức về quản trị kinh doanh. Họ cần những phần mềm tiện ích thuần tiếng Việt, dễ sử dụng. Đừng nghĩ rằng kinh doanh nhỏ thì mọi việc giản đơn. Chỉ một cửa hàng tạp hóa cũng đã có hàng trăm nhóm hàng, hằng ngàn mặt hàng với giá cả, nhập - xuất rất khác nhau. Chưa kể công nợ, hàng tồn kho, hạn sử dụng... Quan trọng hơn là những dữ liệu cần cho những quyết định đầu tư, kinh doanh. Các công ty phần mềm, những lập trình viên chuyên nghiệp quên là có họ, hay chính xác hơn, họ quan niệm rằng đầu tư vào những phần mềm phục vụ đối tượng này ít lợi nhuận, không phù hợp "đẳng cấp" của mình... còn tôi đã nghĩ khác.
Điều mà tôi muốn chia sẻ trong việc ứng dụng CNTT là: hãy xuất phát từ mục tiêu, nhu cầu ứng dụng để lựa chọn công cụ có hiệu quả nhất là dễ dùng, chi phí thấp, đáp ứng đủ nhu cầu của mình..
Trước nay nhiều người có suy nghĩ là chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có thể ứng dụng CNTT nhưng thực tế không phải vậy. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể sử dụng tốt CNTT để phục vụ cho mục đích của mình, điều quan trọng là cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả. CNTT bao giờ cũng là động cơ thúc đẩy phát triển của bất kỳ hoạt động nào nếu như sử dụng đúng cách.
. Anh Tú (thực hiện)
|