Ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng giám đốc công ty BIMAL:
Titan càng nghèo đi, tôi càng phải suy nghĩ, sáng tạo
11:20', 11/10/ 2004 (GMT+7)

"Cách đây 20 năm, titan ở Bình Định chỉ việc hốt lên là bán được; 10 năm qua, phải qua công đoạn khai thác lấy tỉ lệ 5%; 10 năm sau nữa sẽ chỉ còn là những bãi thải, muốn có titan phải trải qua công đoạn sàng lọc khắc nghiệt, tỉ lệ chỉ còn 1%... Do vậy muốn công ty đứng vững, tôi buộc phải không ngừng suy nghĩ, sáng tạo ra những thiết bị phù hợp", Tổng giám đốc Công ty liên doanh khai thác khoáng sản Bimal Huỳnh Ngọc Châu tâm sự như vậy. Có lẽ nhờ thế mà ông trở thành "vua sáng tạo" ở Bình Định với thành tích 7 năm liền được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Ông Huỳnh Ngọc Châu (bìa phải) chụp hình lưu niệm với Chủ tịch Tổng LĐLĐ Cù Thị Hậu tại Hội nghị Biểu dương lao động giỏi - lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ toàn quốc năm 2000

Năm 1984, rời quân ngũ, cầm mảnh bằng kỹ sư mỏ-địa chất, Huỳnh Ngọc Châu trở về Quy Nhơn kiếm việc làm. Một lần, bước chân lang thang của ông bỗng dừng lại trước một tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ: "Công trường khai thác titan và than bùn Quy Nhơn" nằm khiêm tốn bên đường Bạch Đằng. Một công trường chỉ với 5-6 con người hoạt động nhờ vào việc thuê mướn người đưa cát đen từ xã Nhơn Lý vào dầng, sàng thủ công lấy titan đem bán cho những người làm vỏ bọc que hàn. Công trường không lấy gì làm danh giá do công việc nặng nhọc, lương thấp nên khi một kỹ sư ngỏ lời xin việc, các cán bộ tổ chức ở thị xã Quy Nhơn lúc ấy đã tỏ ra rất ngạc nhiên. Ông được nhận vào làm cán bộ kỹ thuật giám sát mỏ. 6 năm sau, ông được đề bạt làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty khai thác khoáng sản Bình Định.

+ Từ "Công trường khai thác titan và than bùn" đến "Xí nghiệp Titan", rồi "Công ty khai thác khoáng sản" là một bước phát triển nhanh và đầy bất trắc, nhưng ông đã trụ vững và nhanh chóng được đề bạt phó giám đốc. Ông có thấy mình thuộc loại may mắn?

- Thực lòng, những ngày đầu vào công tác ở công trường, tôi rất nản. Tôi bị say sóng nên rất mệt khi phải ra Nhơn Lý giám sát mỏ. Công trường nghèo nàn, giữa bãi cát nắng chói chang chỉ có tấm bạt che và chiếc ghế. Rồi khó khăn về thị trường tiêu thụ bởi titan chỉ bán được cho một số xưởng sản xuất que hàn ở TP Hồ Chí Minh, có thời gian đến 2 năm, không bán được hàng, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn, đơn vị đứng trước sự phá sản... Chính lúc đó đã thúc giục tôi phải nỗ lực làm một điều gì đó để duy trì sản xuất. Bản thân tôi đã chủ động đề xuất cho lãnh đạo công ty nhiều giải pháp tháo gỡ, mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 1990 tôi được đề bạt làm phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, đó là cơ hội để tôi chủ động hơn trong việc thực hiện các giải pháp của mình góp phần cho sự phát triển của công ty.

+ Từ khi còn là cán bộ kỹ thuật, ông đã từng làm chuyển biến tình hình sản xuất của công ty bằng việc thiết kế, chế tạo máy tuyển từ đa năng trục quay, ông có thể nói rõ hơn về giải pháp kỹ thuật mang tính đột phá này?

Xưởng tuyển quặng thô di động, giải pháp kỹ thuật của KS Huỳnh Ngọc Châu đạt giải đặc biệt trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I năm 2000-2001

- Khi thị trường có nhu cầu hơn, công ty đã mở rộng sản xuất và thay thế việc dầng, sàng thủ công bằng thiết bị bàn đãi và máy tuyển từ mua về từ Viện Luyện kim Hà Nội. Nhưng các thiết bị này khi đưa vào sản xuất tỏ ra không phù hợp, nó có vẻ là vật chỉ dùng trong phòng thí nghiệm hơn là để sản xuất. Không thể mua ở đâu được, tôi buộc phải nghĩ cách tự làm, thế là giải pháp "thiết kế chế tạo máy tuyển từ đa năng trục quay" ra đời. Hiệu quả mà chiếc máy này mang lại là đã nâng được sản phẩm Ilmenite từ 48% lên 51% TiO2, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và năm 1990, công ty đã xuất bán được 2.000 tấn Ilmenite sang Nhật Bản nhờ chiếc máy này. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu Ilmenite, tạo đà cho việc ra đời và phát triển của ngành titan Việt Nam.

+ Là kỹ sư mỏ-địa chất, ngành nghề học chẳng có liên quan gì đến cơ khí và chế tạo máy vậy mà ông lại có thể lăn xả vào làm được hàng loạt máy móc, thiết bị. Chắc là ông đã phải tự học rất nhiều?

- Tự học cũng có nhưng điều quan trọng hơn là tôi may mắn xuất thân từ một gia đình công nhân cơ khí. Bố tôi từng là thợ cơ khí bậc 7/7 và từng nhận được nhiều Bằng Lao động sáng tạo. Mẹ tôi lại cũng từng là công nhân thợ nguội. Thuở nhỏ tôi sống trong làng công nhân của nhà máy đóng tàu Hải Phòng; hàng ngày được nhìn thấy công việc của người thợ cơ khí, thậm chí tôi còn giúp mẹ tôi khi nhận làm gia công các loại bu-lon, ốc vít... Người từng sống ở nông thôn thì cắt cỏ, chăn trâu được coi là những mảng ký ức đẹp đẽ còn ký ức của tôi là bu-lon, ốc vít và hình ảnh những người thợ lấm lem dầu mỡ... Công việc hoàn thành máy tuyển từ đa năng trục quay có sự giúp đỡ rất nhiều của bố tôi. Chính tay ông đã làm ra một số thiết bị trong chiếc máy ấy.

Tháng 4-1995, Công ty liên doanh khoáng sản Bimal được thành lập, kỹ sư Huỳnh Ngọc Châu được điều sang làm Tổng giám đốc. Trên cương vị mới đầy thử thách, ông đã tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo của mình. Hàng loạt giải pháp kỹ thuật, sáng kiến cải tiến của ông ra đời đã làm lợi cho công ty hàng tỉ đồng. Trong tủ lưu hồ sơ nghiên cứu khoa học của LĐLĐ tỉnh trong vòng 8 năm qua, còn giữ được hơn chục báo cáo công trình của ông như: "Lát đá chẻ trên cát để làm đường vận chuyển trên mỏ", "Tuyển quặng thô không hồi lưu nước", "Thiết kế chế tạo Vít xoắn tuyển quặng", "Thay đổi công nghệ tuyển quặng sản phẩm phụ từ bàn đãi nước sang bàn đãi khí", "Chế tạo bơm cao su dùng cho bơm quặng", "Thiết kế chế tạo phân ly côn tuyển quặng", "Chế tạo hệ thống trộn đều quặng"... Đáng chú ý trong số này có một giải pháp kỹ thuật đoạt giải đặc biệt trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ I năm 2000-2001, đó là giải pháp "Xưởng tuyển quặng thô di động".

Ông Huỳnh Ngọc Châu, sinh năm 1955. Quê quán Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Tốt nghiệp Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội năm 1979. Từ năm 1979 đến năm 1984 phục vụ trong quân đội. Năm 1984 ra quân, công tác tại Công trường khai thác titan và than bùn Quy Nhơn. Năm 1990 là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty khai thác khoáng sản Bình Định. Năm 1995 được điều về làm Tổng giám đốc Công ty Bimal.

Trong quá trình công tác, ông Huỳnh Ngọc Châu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 7 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000. Ngoài ra, ông đã nhiều lần được Bộ Công nghiệp, UBND tỉnh tặng bằng khen.

+ Có gì đặc biệt trong giải pháp "Xưởng tuyển quặng thô di động" mà ông đã đoạt giải thưởng "đặc biệt"?

- Về mặt ý nghĩa thì đó là một đột phá mới về thiết bị và công nghệ tuyển quặng sa khoáng cho ngành tuyển khoáng Việt Nam. Đối với các công ty khoáng sản trong nước, trước khi giải pháp này ra đời (1998) thì hầu hết đều sử dụng vít xoắn Trung Quốc để tuyển, khai thác bằng các bơm gang. Tuyển kiểu này, năng suất thấp, công nhân làm việc nặng nhọc, tổn thất quặng lớn, công việc hoàn thổ sau khai thác khó khăn. Riêng Công ty Bimal sử dụng xưởng tuyển cố định theo công nghệ nước ngoài tuy năng suất cao nhưng cái khó là vận chuyển nguyên liệu ngày một xa, hoàn thổ gây nhiều tốn kém. Chính xưởng tuyển quặng thô di động đã khắc phục được những khó khăn đó. Ngay trong năm đầu áp dụng giải pháp, đã làm lợi cho công ty 2,7 tỉ đồng. Nó đặc biệt như vậy nên hiện nay hầu hết các công ty khoáng sản lớn trong nước như: Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình... đều đã sử dụng giải pháp này.

+ Xin chia sẻ với ông điều này, hiện nay nhiều công ty liên doanh với nước ngoài lâm vào tình trạng phía đối tác cứ muốn "nuốt trọn" bằng đủ mọi thủ đoạn, ở Bình Định ta cũng đang có trường hợp như vậy, không biết Công ty Bimal có tình trạng đó không?

- Tôi cũng xin thông báo để anh mừng, dù rằng đối tác Malaysia chiếm giữ đến 60% vốn pháp định nhưng từ nhiều năm nay, họ vẫn giao toàn bộ quyền quyết định cho chúng tôi. Dù là công ty liên doanh nhưng 100% CBCNV của công ty đều là người Việt Nam. Phía đối tác chỉ biết việc kinh doanh của đơn vị thông qua kiểm toán quốc tế hàng năm. Ngay từ khi mới đặt chân đến Việt Nam, họ đã bị chinh phục bằng việc chúng tôi đã tự nghiên cứu lắp đặt hơn 300 tấn thiết bị máy móc trang bị cho các xưởng tuyển được nhập từ Úc và Malaysia, làm lợi cho công ty 600 triệu đồng. Rồi qua quá trình làm ăn, bằng tinh thần lao động độc lập, tự chủ, sáng tạo, có trách nhiệm cao, tạo được hiệu quả tốt trong SXKD họ ngày càng tin tưởng và tôn trọng chúng tôi.

. Quang Khanh (thực hiện)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lập trình viên Lê Hồng Đức: Tôi sẽ dành những sản phẩm trí tuệ cho quê hương   (06/10/2004)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (26/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Tôi không thể nghỉ ngơi trong vinh quang  (19/09/2004)
Công nhân vệ sinh Lê Thị Cúc: Nghèo mấy cũng phải cho con học đến cùng  (12/09/2004)
Tôi còn nợ của công ty mình ba việc nữa   (06/09/2004)
Nguyễn Văn Hải: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"   (30/08/2004)
Làm điều tốt cho mọi người thì tâm hồn mình thanh thản  (22/08/2004)
Người lính năm xưa và ước vọng hôm nay   (16/08/2004)
Nguyễn Kiểm - Một đời sông vẫn chảy   (11/08/2004)
Đã thương thì thương cho trót  (08/08/2004)
NSƯT Hoài Huệ: Tình yêu bài chòi quá lớn trong tôi  (01/08/2004)
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...   (26/07/2004)
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình  (18/07/2004)
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)