Gia nhập vào làng nhiếp ảnh hơi muộn, nhưng Đào Tiến Đạt đã có bước tiến bộ nhanh nếu không muốn nói là một hiện tượng khi liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hiện anh đã có trong tay hơn 40 giải thưởng các loại trong đó có 17 giải quốc tế: 1 HCV Argentina, 1 huy chương MCE Philipinnes, 3 HCĐ Áo và Hồng Kông…
- Tôi còn nhớ trước đây anh làm việc ở một lĩnh vực khác, hầu như chưa bao giờ cầm máy ảnh. Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với nhiếp ảnh nghệ thuật?
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt |
+ Vâng, trước đây khái niệm về nhiếp ảnh trong tôi rất mơ hồ. Lúc đó gia đình gặp chuyện buồn, nên tôi rơi vào sự khủng hoảng tinh thần. Tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về những tấm ảnh của Lewis W.Hine, phản ánh những vấn đề về trẻ em đầy tính nhân văn. Bài báo đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ và tôi đã tìm đến với nhiếp ảnh từ đó. Tôi còn nhớ rất rõ, ngày 20-7-1998 là ngày đầu tiên tôi đi thực tế chụp ảnh. Đến tiệm Photo KING (ở ngã ba Phú Tài) mua 2 cuộn phim Konica; thấy tôi loay hoay mãi không lắp được phim, anh chủ hiệu mỉm cười thông cảm, chỉ tôi cách lắp phim và hướng dẫn một vài thao tác chụp ảnh. Đó chính là bài học nhiếp ảnh đầu tiên của tôi.
- Còn bây giờ sau hơn 6 năm cầm máy, anh có thể nói gì về nhiếp ảnh?
+ Với tôi bây giờ nhiếp ảnh nghệ thuật như một thứ tín ngưỡng, nó hướng tâm hồn mình đến cái chân - thiện - mỹ. Tôi không hình dung được sẽ ra sao nếu không được chụp ảnh nữa.
- Trong mấy năm qua anh liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Vậy đâu là bí quyết thành công của anh?
+ Cũng chẳng có gì gọi là bí quyết. Trước hết tôi tìm thầy để học và may mắn gặp được thầy giỏi. Ban đầu mọi thứ đều rối rắm, nhưng tôi kiên trì học hỏi và chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi lần bấm máy. Với những người chơi ảnh nghệ thuật, những cuộc thi ảnh là một "kênh" quan trọng để công bố tác phẩm đến với mọi người. Thông tin về các cuộc thi ảnh quốc tế được công bố hàng năm trên Website của FIAP (Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế), của PSA (Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ), các báo, tạp chí chuyên ngành. Sau khi nghiên cứu kỹ thể lệ cuộc thi, tôi mới chọn những ảnh ưng ý nhất gửi dự thi với mong muốn thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, giãi bày những suy nghĩ, tình cảm mà mình đã gửi gắm vào tác phẩm. Dĩ nhiên nếu đạt giải là niềm hạnh phúc lớn lao, điều đó có nghĩa là những ý tưởng của mình đã có sự đồng cảm. Còn nếu không đạt giải thì cũng nên xem là chuyện bình thường. Cái đẹp là duy nhất, nhưng cảm thụ cái đẹp lại không phải lúc nào cũng đồng nhất. Thực tế đã có những tác phẩm đoạt giải cao ở cuộc thi này nhưng không được đánh giá cao ở cuộc thi khác.
- Còn mục tiêu kinh tế, lẽ nào anh không nghĩ đến điều này? Ảnh nghệ thuật là môn chơi khá tốn kém, cũng cần có sự bù đắp lại chớ.
+ Đúng là chơi ảnh khá tốn kém. Đây là loại hình nghệ thuật mang tính đặc thù; để có tác phẩm phải đi thực tế, tiếp cận đối tượng; phải chi phí ăn ở, đi lại tốn kém. Nếu các giải có kèm theo tiền thưởng thì là điều rất tốt, giúp tái tạo lại sức lao động. Nhưng tôi nghĩ cũng không nên đặt nặng vấn đề này. Các giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế mà tôi đã đạt được chưa có một giải thưởng nào kèm theo tiền thưởng; tôi chỉ nhận được các loại huy chương, bằng khen, bằng chứng nhận và các tập sách ảnh (in các tác phẩm đạt giải). Với tôi, tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế như đến với một "sân chơi" lớn; qua đó người nghệ sĩ được giao lưu, học hỏi để nâng cao nghề nghiệp và trưởng thành.
Ngoài các giải trong nước và quốc tế, ảnh nghệ thuật của Đào Tiến Đạt còn có hơn 100 lượt được tham dự triển lãm ở trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Braxin, Úc… Mới đây, 3 tác phẩm "Bước ngoặt 1", "Bước ngoặt 2" và "Hai thế hệ" đã được chọn triển lãm tại Viện Bảo tàng Tării Crisurilor - Oraclea, Romania.
- Như vậy hiện nay anh vẫn còn "cơm nhà áo vợ" để đi chụp ảnh. Những giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế vẫn chưa giúp được gì cho anh trong việc cải thiện kinh tế gia đình?
|
Đào Tiến Đạt trong một chuyến thực tế tại Vân Canh |
+ Tôi cũng đã bán được một ít tác phẩm. Gần đây có một bức ảnh bán được 2 triệu đồng. Tôi cũng được mời chụp một số ảnh lịch, ảnh quảng cáo cho các cơ quan, doanh nghiệp. Nhưng không nhiều lắm. Nguồn thu nhập chính của gia đình vẫn là dựa vào cửa hàng tạp hóa và dịch vụ cho thuê băng hình của "bà xã". Ơn trời, cô ấy cũng rất thông cảm, ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghe cô ấy nói với bạn bè: "Đàn ông nào chẳng có chuyện đam mê. Mê chơi ảnh còn đỡ hơn ối thứ đấy chứ!". Nói chung hiện nay ở Bình Định người chơi ảnh nghệ thuật chưa thể sống được bằng nghề. Nhưng tôi tin khi kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhiều người có nhu cầu chơi ảnh nghệ thuật thì tình hình sẽ khác. Tôi biết hiện ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang nhiều người sống tốt với nghề này.
- Sở trường của anh là chụp ảnh con người với những sinh hoạt đời thường và với những thủ pháp truyền thống. Tới đây anh có định thể nghiệm gì mới?
+ Tôi chụp mọi đề tài khi thấy cảm xúc. Nhưng con người là đối tượng có sức hấp dẫn đặc biệt với tôi. Xưa nay văn chương, nghệ thuật khai thác triệt để con người và cuộc sống nhưng tôi tin rằng không bao giờ vơi cạn. Tôi vẫn muốn tìm kiếm, khám phá thế giới con người ở mọi góc độ, mọi tâm tư tình cảm. Nếu có thay đổi thì đó là thay đổi về hình thức thể hiện. Lâu nay tôi chụp ảnh theo phương pháp truyền thống, nghĩa là sử dụng các thủ pháp kỹ thuật căn bản, chớp lấy khoảnh khắc "đắt giá" nhất để bấm máy, không can thiệp nhiều về kỹ xảo. Nhưng hiện trên ảnh trường quốc tế còn có một dòng ảnh thể nghiệm đang được nhiều người sử dụng. Ở đó người ta dùng mọi thủ pháp, phương tiện nhằm biến đổi hình ảnh, tạo ra những yếu tố mới lạ để thỏa mãn ý đồ nghệ thuật của tác giả. Dòng ảnh này khai thác triệt để khả năng ứng dụng của ảnh kỹ thuật số, các phần mềm photoshop… Tuy nhiên, cho dù là dòng ảnh nào, thì điều cốt lõi vẫn là cái hồn của ảnh, nó quyết định tác phẩm sống cùng năm tháng hay chết yểu khi mới lọt lòng. Vì vậy nhiếp ảnh nghệ thuật đòi hỏi ở người nghệ sĩ khả năng tư duy nghệ thuật, vốn sống, tri thức và rèn luyện kỹ năng liên tục.
Trước khi ra về tôi còn kịp nghe anh "bật mí" anh vừa giành được một giải thưởng của FIAP. Nhưng sau đó anh lại dặn: "Anh đừng nói gì vội, thông báo gửi về viết chữ Braxin, không dịch được nên cũng chưa chắc chắn lắm". Đào Tiến Đạt bao giờ cũng vậy - thận trọng, cân nhắc từ việc làm đến lời nói. Tôi hiểu tính anh, nhưng không thể không viết ra, bởi nó cứ "ấm ức" không chịu được.
. Ngọc Minh (thực hiện)
Đào Tiến Đạt tên thật là Đào Ngọc Xứng, sinh năm 1956, tại xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ; hiện thường trú tại thành phố Quy Nhơn. Anh là hội viên Hội VHNT tỉnh và là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam duy nhất ở Bình Định. Với những đóng góp cho sự nghiệp nhiếp ảnh, anh được nhận Bằng khen của UBND tỉnh 4 năm liền (2000-2003); được Hội Nhiếp ảnh Mỹ ghi tên vào WHO IS WHO IN PHOTOGRAPHY - Những người nổi tiếng về nhiếp ảnh (liên tiếp các năm 2001, 2002, 2003) và phong tặng tước hiệu "One Star Large Color Print Exhibitor" - Một sao thể loại ảnh màu (năm 2003). | |