81 tuổi, khuôn mặt quắc thước, giọng nói sang sảng nhưng trông ông vẫn có dáng thư sinh lắm. Người thân ít thấy ông buồn, bạn bè thì luôn được nghe cái giọng cười hết cỡ của ông. Một đời ông gắn liền với hát bội Bình Định, với danh nhân Đào Tấn. Lớp hậu sinh muốn hiểu cặn kẽ về hát bội thì cứ tìm đến ông, hoặc đọc những tác phẩm của ông.
* Ông xuất thân là một diễn viên hát bội và trước khi đi tập kết chỉ mới học hết tiểu học, vậy mà ông đã trở thành nhà nghiên cứu tuồng nổi danh?
|
Ông Vũ Ngọc Liễn cầm chầu trong đợt Nhà hát tuồng Đào Tấn lưu diễn ở Cộng hòa Liên bang Đức |
- Tấm thân của tôi là của cha mẹ sinh ra nhưng trí thức của tôi là của cách mạng cho. Với trình độ tiểu học, sau khi tập kết ra Bắc tôi đã phải học rất dữ. Những năm tháng đó, phong trào học tập ở miền Bắc rất sôi động. Hầu như thanh niên chỉ có công tác và học tập, không có chuyện nhậu nhẹt như bây giờ. Thế hệ tôi được may mắn làm học trò của các thầy Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu... Đó là những người thầy rất mẫu mực và phong cách làm việc, nghiên cứu của họ đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tôi sau này.
* Vai diễn cuối cùng trước khi ông từ giã sàn diễn để làm công việc nghiên cứu, ông còn nhớ không?
- Trong nghiệp diễn viên, tôi thành công nhất ở vai diễn Đổng mẫu trong vở Sơn hậu. Đó là vai người mẹ của Đổng Kim Lân. Tôi vóc người nhỏ thó nên thường đóng đào. Trước khi đi học Trung Quốc, tôi có diễn một lần cho các nhà trí thức Hà Nội xem. Tôi rất nhớ lần diễn đó.
* Được biết vào những năm mới giải phóng, nhân vật Đào Tấn hãy còn khá xa lạ, nhiều người thậm chí còn cho vị quan phong kiến này không đáng nhắc đến, nhưng ngay từ năm 1977, khi còn công tác ở Bộ Văn hóa, ông đã tập hợp tư liệu cơ bản cung cấp cho nhà thơ Xuân Diệu để ông dùng uy tín của mình tổ chức thành công Hội nghị khoa học lần I về Đào Tấn, cái mốc quan trọng để đánh giá đúng về những đóng góp lớn lao của vị danh nhân này. Động lực nào khiến ông phải vất vả ngược xuôi cho cái công việc có vẻ không khả thi lắm lúc ấy?
- Tôi mê hát bội từ nhỏ và thực sự ngưỡng mộ cụ Đào Tấn. Ngay từ những năm học ở miền Bắc và Trung Quốc tôi đã nung nấu ý định khi trở về quê hương sẽ làm một điều gì đó cho nền kịch hát độc đáo này và tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về vị hậu tổ tuồng đa tài.
* Tư liệu về Đào Tấn chủ yếu còn tản mác trong dân gian nên khi đi tìm tòi chắc ông gặp nhiều khó khăn lắm?
- Sau giải phóng "bà Nam cung hoàng hậu" của tôi đã dành dụm sắm cho tôi chiếc "đam" cũ. Chính nó đã cùng tôi rong ruổi khắp nơi để nhặt nhạnh những mẩu chuyện chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn. Tôi rất biết ơn các nghệ sĩ Hoàng Chinh, Tư Cá... Chính các anh đã giúp cho tôi nhiều tư liệu, nhất là những tư liệu về Học bộ đường (trường dạy hát bội của Đào Tấn). Tôi cũng đã vào tận Sài Gòn gặp bà Chi Tiên (bà Án Lãm), ông Đào Sư Nhượng là con gái và cháu nội cụ Đào để biết rõ hơn về thân thế một con người mà vài năm sau được Nhà nước công nhận là danh nhân văn hóa.
* Với những tập hợp thành sách của văn tài Đào Tấn và những tác phẩm nghiên cứu về Đào Tấn, ông còn cảm thấy có điều gì chưa thỏa mãn?
- Có thể sau này sẽ có những bổ sung nhưng hiện tại thì tôi đã làm tất cả những gì cần làm. Tôi tin những công trình về Đào Tấn của tôi sẽ giúp ích cho những em sinh viên và cả những ai muốn tìm hiểu về vị danh nhân này.
Bình Định là cái nôi của hát tuồng nhưng trước đây chưa hề có một ai để tâm tìm hiểu thấu đáo lĩnh vực này. Những nghiên cứu về hát bội của ông đã góp phần quan trọng để kiến giải, hệ thống hóa lý luận về bộ môn nghệ thuật độc đáo của quê hương và ông đã trở thành một tên tuổi hàng đầu Việt Nam trên lĩnh vực này. Các trang viết của ông đã giải thích tường minh các thuật ngữ hát bội, hát bộ, hát tuồng; những tương đồng và dị biệt giữa hát bội, hát bội Bình Định, hát bội Nam bộ... Bằng trực cảm và suy lý, ông đã phát hiện những mối quan hệ lý thú giữa múa Chăm, nhạc nhà chùa với vũ đạo và âm nhạc hát bội; những gợi ý về nguồn gốc cấu tạo làn điệu hát bội...
* Trong danh sách những người thực hiện công trình nghiên cứu về nguồn gốc võ cổ truyền Bình Định có tên ông, có vẻ như hát bội đã "hết chuyện" nên ông định rẽ hướng?
- Đâu có. Tôi nghiên cứu võ là để nghiên cứu hát bội đấy chớ! Trong hát bội muốn múa đẹp phải học võ. Lâu nay, trong việc dạy hát bội, chúng ta đã bỏ qua giai đoạn dạy võ thuật mà chỉ dạy theo cách cấu tạo chương trình bằng hệ thống động tác như cầu, ký, niêm, chỉ... chia thành hai bộ: tay và chân rồi ráp lại, ngỡ thế là khoa học, cải tiến, là rút ngắn được thời gian nhưng kết quả cuối cùng xem ra điệu bộ lại xấu hơn nhiều... Theo tôi nên học người xưa về mặt này.
* Là người luôn trăn trở với nghệ thuật hát bội, ông có buồn không khi sân khấu ngày càng vắng khán giả?
- Sân khấu vắng khán giả không phải do hát bội không còn hấp dẫn mà do không có kịch bản hay. Thiên hạ không coi hát bội dở cũng như không coi phim dở vậy thôi. Nhiều kịch bản hát bội bây giờ gượng gạo quá, không hợp với những đặc trưng của nghệ thuật này nên không hít khán giả. Có kịch bản dàn dựng công phu tốn kém nhưng chỉ diễn trong liên hoan rồi xếp xó.
* Ngoài hát bội mà ông tận hiến suốt đời, còn thú vui nào hấp dẫn ông nữa?
- Tôi mê cờ tướng và bóng đá. Cờ tướng giúp tôi kiên trì trong mọi tình huống. Với tôi, trong những ngày này nó còn giúp cho trí não tránh lão hóa. Tôi sở dĩ còn được trẻ như thế này là nhờ mỗi ngày làm vài ba ván cờ. Còn bóng đá hấp dẫn tôi bởi nó có khoảnh khắc khiến con người thành anh hùng hoặc ăn mày. Bóng đá có luật, là mực căn cứ để có thể chê, khen hoặc chửi.
* Đã ngoại bát tuần, với chừng ấy đầu sách và những đóng góp được thừa nhận, ông đã thỏa chí chưa?
- Tôi đã già đâu, còn nhiều việc lắm. Tôi đang theo dõi in Tuồng hát bội và Đào Tấn qua thư tịch bộ ba cùng với Thơ và từ Đào Tấn vừa in xong. Tiếp theo sẽ in Hát bội Bình Định, kịch tuyển. Rồi Kẻ sĩ đất Thang Mộc tập 2. Kế hoạch sau nữa là công bố bản dịch tập Danh liễn hợp toản, tập hợp 500 câu đối cổ đặc sắc. Rồi sau nữa...
. Quang Khanh - Hoài Lương
Vũ Ngọc Liễn tuổi Giáp Tý, năm nay đã bước qua ngưỡng thượng thọ. Quê quán xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn. Năm 1954 tập kết ra Bắc theo đoàn văn công Liên khu V. Từ là một người mới tốt nghiệp tiểu học, 5 năm liền vừa làm công tác biểu diễn vừa tự học, ông đi luôn một lèo lên đại học. Năm 1959 đến năm 1966, tốt nghiệp Hý khúc học viện (Trung Quốc) rồi nghiên cứu sinh tại Trung Quốc hý khúc nghiên cứu viện. Về nước, ông công tác ở Ban Lý luận phê bình rồi phụ trách Thư viện sân khấu, Phòng Nghệ thuật Cục Biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa. Về Bình Định, ông làm trưởng phòng nghiên cứu Nhà hát tuồng Đào Tấn cho tới lúc nghỉ hưu.
Ông viết nhiều thể loại: phiếm luận (bút danh Trung sĩ I nốc), truyện danh nhân, đặc biệt đóng góp lớn nhất là cho sân khấu hát bội nói chung, danh nhân Đào Tấn nói riêng. Những tác phẩm đã in: Thư mục tư liệu về Đào Tấn (chủ biên), Tuồng Đào Tấn I, II (1987, chủ biên), Thơ và từ Đào Tấn (1987, tái bản bổ sung hoàn chỉnh năm 2003), Kẻ sĩ đất Thang Mộc (tập I,1997), Góp nhặt dọc đường (2001).
Giải thưởng: Giải B Giải Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ II (1996-2000); Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu 2002. |
|