K'Quy, người Bình Định "dụng võ" nơi buôn sâu Lâm Đồng
16:12', 25/10/ 2004 (GMT+7)

Sinh ra, lớn lên, theo cách mạng rồi trưởng thành ở miền xuôi đất võ Bình Định, năm 1982 ông tiên phong lên miền ngược Lâm Đồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Quy nhưng từ khá lâu ở quê hương thứ hai này, bà con vẫn trìu mến quen gọi ông là K'Quy.

1. Ông Nguyễn Văn Quy sinh năm 1951 tại một làng quê nghèo thuộc xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. 11 tuổi, ông đã thoát ly theo cách mạng. 15 tuổi, cậu bé Quy mất cha: Sau một trận đột kích do bị một tên chiêu hồi chỉ điểm, cha ông đã hy sinh. Lòng căm thù giặc cứ sôi lên. Được cách mạng phân công làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, xây dựng cơ sở, Nguyễn Văn Quy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông kịp thời nắm bắt thông tin, vận động, thu phục rất nhiều lượt binh sĩ từ "bên kia chiến tuyến" trở về với cách mạng. Và cứ thế trong hơn sáu năm (1969-1975) lăn xả trên nhiều "vùng nóng" trong lòng địch ở Bình Định, Nguyễn Văn Quy đã tôi luyện nên một khí chất đã đi là quyết đến và phải chiến thắng!

Ông Nguyễn Văn Quy, "người hùng" của thôn 5, Cát Tiên, Lâm Đồng

Năm 1982, ông dẫn đầu 50 hộ dân từ huyện Phù Mỹ lên xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng, chọn vùng đất Cát Tiên để dựng làng, lập ấp định cư. Trước đó các năm "bảy chín, tám mươi", các ngành chức năng đã thực hiện các bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng nên không một hộ nào bị động về chỗ ở, đất canh tác. Xong xuôi, ông Quy được phân công làm cán bộ tiếp dân của 3 xã Bờ Rum (Gia Viễn, Nam Ninh, Tiên Hoàng ngày nay). "Số phận đã níu chân tôi với làng buôn vùng đất Cát Tiên này ngay từ buổi đầu gặp gỡ …" - ông tâm sự.

 

2. Năm 1990, ông Quy bắt đầu hành trình "thám hiểm" khu rừng núi 5 buôn của Cát Tiên gồm: Bù Gia Rá, Châu Mạ, Bi Nai, Bù Sa và Bờ Đơ. Phương tiện đi duy nhất là… đi bộ. Buôn trung tâm cách huyện lỵ Cát Tiên 35km; còn buôn cách buôn từ 7 km đến 15km. Tất cả tính bằng đường rừng, cheo leo và đầy hiểm trở. Ông nhớ lại: "Đồng bào Châu Mạ mình bấy giờ trông quá nghèo khó, lạc hậu. Nghĩ phải ăn cùng, ở cùng, làm cùng với bà con để vận động từng buôn sớm định canh định cư. Đề xuất của tôi sau đó được lãnh đạo chấp thuận. Tôi mừng không xiết kể…".

Rồi ông vào giữa rừng dựng một lán trại bằng tre nứa, đào một cái giếng nước to. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đến thăm căn vặn: "Có chắc làm được không mà ở một mình giữa rừng vậy?". Ông từ tốn: "Dạ, cho cháu chừng này sang năm sẽ trả lời chính thức!".

Nói thế là để tự nêu thêm quyết tâm cho mình, để cấp trên bớt lo, chứ mới ngày đầu vào đây, ông Quy phải đối diện với nhiều thử thách. Chẳng hạn, già làng K'Mơn, thấy kẻ lạ hoắc nào đó dám vào buôn làng "định cư", đã cầm xà gạt xấn tới hỏi gằn: "Mày ở đây không bị cọp ăn thịt cũng bị xà gạt chém chết." Ông Quy bước ra, sau khi "trình diễn" một bài võ roi Bình Định bằng cây... xà beng, nói: "Tôi đến đây là giúp bà con được định canh, định cư, có xe cộ, nhà cửa, lúa, khoai đầy nhà… Cọp nào dám ăn thịt tôi? Kẻ nào dám chém tôi?". Như hảo hán gặp anh hùng, già K'Mơn nể trọng quay gót ra về. Hôm sau, già dẫn mấy chục thanh niên các buôn lân cận đến… bái phục võ nghệ "anh Hai Quy" và xin được thụ giáo. Vậy là, ông đã tạo được thuận lợi bước đầu.

Từ bước khởi đầu thuận lợi này, ông Quy đã có những bước tiếp theo. Gắn với dạy võ, ông đã vận động số "võ sinh" thu gom, nộp cho chính quyền 35 cây súng AK, CKC, Cạc-bin… còn nằm rải rác trong các tay săn thú rừng ở buôn làng. Rồi Đội du kích được thành lập, ông chỉ huy Đội khai hoang 30 ha, đưa giống điều về trồng và dần dần đã cho kết quả.

 

3. Cho đồng bào nhận biết từ hình ảnh trực quan là cách vận động, tuyên truyền thường dùng của ông và cách này mang lại hiệu quả rất nhanh. Hôm đưa thủy điện nhỏ về buôn, đồng bào cứ lo, không khéo sẽ bị "bà rừng" đổ nước lũ lụt, đánh lửa sấm sét xuống làng thì nguy. Ông đã gọi dân làng tập trung đông đủ trước lán trại mình, rồi biểu diễn… điện lửa. Cầm hai dây âm-dương tóe lửa từng chớp, từng chớp, ông lý giải: "Lửa như thế này, bà rừng mà đến đây thì... điện giật chết ngay. Chỗ này là chỗ của bà con mình làm ăn mà". Sau đó, ông cho nước chảy phát điện bật đèn sáng lên, khiến bà con tròn xoe mắt, thán phục: "Cán bộ giỏi thiệt, nói rất đúng!".

"Lần khác, việc hóa giải ó ma lai cũng thiệt căng!" - ông Quy kể tiếp. Đó là lúc ông nhận được tin có 2 người ở một buôn khác vừa bị chém chết vì bị nghi là ó ma lai. Theo tục lệ, người nào bị nghi phải đặt hai bàn tay để đổ chì đang nấu chảy lên trên. Chì chảy xuyên qua hai bàn tay thì người đó là ó ma lai, phải lôi ra dùng xà gạt chém ngay. Đến nơi, ông gọi ngay cả hai "bên nguyên" (người tố cáo) và "bên bị" (người bị tố cáo) lên hỏi mọi sự rồi "tuyên": "Bên nguyên" phải đổ chì để chứng tỏ mình không phải ó ma lai trước đã, sau đó mới tới "bên bị". Nghe hoảng quá, "bên nguyên" xin "Hai Quy tha cho em", hứa không giám nghi oan ó ma lai cho người khác nữa. Sau đó, trường hợp này đã trở thành bài học chung cho cả buôn làng. Từ đó đến nay sự mê tín ó ma lai đã biến mất hoàn toàn trong suy nghĩ cộng đồng. Ai cũng nghe theo lời phân tích vừa hay, vừa đúng của ông…

 

4. Địa bàn 5 buôn mà ông Quy đi "thám hiểm" nói trên, năm 1991 gọi là thôn 5, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên. Ông Quy được cử làm thôn trưởng kiêm bí thư chi bộ với 10 đảng viên tại chỗ là những người trưởng thành trong chiến tranh, tuổi đời từ… 50 tuổi trở lên. Ngày 26-3-2003 thôn 5 nâng lên thành xã Đồng Nai Thượng. Tính ra đã 13 năm máu thịt với làng buôn, 24 tuổi Đảng, ông Hai Quy rồi K'Quy giữ các trọng trách bí thư đảng ủy (với 8 chi bộ gồm 37 đảng viên), chủ tịch HĐND, UBND xã này. Nay, K'Quy đã tạo được một nguồn lực cán bộ kế thừa như Điểu K'Jắc, Điểu K'Lợi, Điểu K'Rá… để chuyển giao lại các chức vụ lãnh đạo HĐND, UBND xã.

Với người dân từ phát nương làm rẫy, chọc lỗ tỉa hạt, sau mười mấy năm nhờ ông hướng dẫn, họ đã có khả năng canh tác chiều sâu, ổn định các vùng cây công nghiệp điều, cà phê, tiêu; cây ăn quả rộng lớn. Điện, đường, trường, trạm hiện diện trên khắp buôn làng. Xã có 225 hộ dân thì 2/3 đã có tivi, xe gắn máy, đầu máy vidéo cùng các phương tiện sinh hoạt khác. K'Quy đếm từng hộ có nhà xây xi-măng, nhà gỗ lát gạch hoa… rồi xòe tay tính với tôi: "Cả thảy gần 70 căn". Bên cạnh đó, an ninh trật tự của xã được giữ vững. Rồi mê tín dị đoan, hủ tục mông muội cũng đã vĩnh viễn đẩy lùi. Diện mạo thôn 5 ngày xưa, Đồng Nai Thượng hôm nay đang sáng đẹp từng ngày.

Từ Nguyễn Văn Quy đến Hai Quy và bây giờ là K'Quy, ông nói, mình đã người của buôn làng rồi, phải ở mãi làm ăn sinh sống với bà con đến quãng đời còn lại thôi vậy. Nói là làm, K'Quy đã lập vườn, dựng nhà kiên cố và đang chuyển dần gia đình từ ngoài huyện lỵ (xã Phù Mỹ, cách 35 km) vào an cư lập nghiệp bền vững ở Đồng Nai Thượng, nơi từng là chiến khu D một thời anh dũng này!

. Văn Việt

(Báo Lâm Đồng)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chưa già đâu, tôi còn phải hoàn thành mấy công trình nữa  (25/10/2004)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Tôi vẫn muốn tìm kiếm, khám phá thế giới con người  (17/10/2004)
Titan càng nghèo đi, tôi càng phải suy nghĩ, sáng tạo   (11/10/2004)
Lập trình viên Lê Hồng Đức: Tôi sẽ dành những sản phẩm trí tuệ cho quê hương   (06/10/2004)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (26/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Tôi không thể nghỉ ngơi trong vinh quang  (19/09/2004)
Công nhân vệ sinh Lê Thị Cúc: Nghèo mấy cũng phải cho con học đến cùng  (12/09/2004)
Tôi còn nợ của công ty mình ba việc nữa   (06/09/2004)
Nguyễn Văn Hải: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"   (30/08/2004)
Làm điều tốt cho mọi người thì tâm hồn mình thanh thản  (22/08/2004)
Người lính năm xưa và ước vọng hôm nay   (16/08/2004)
Nguyễn Kiểm - Một đời sông vẫn chảy   (11/08/2004)
Đã thương thì thương cho trót  (08/08/2004)
NSƯT Hoài Huệ: Tình yêu bài chòi quá lớn trong tôi  (01/08/2004)
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...   (26/07/2004)