"Bé bé xinh xinh", có thể tả về vẻ ngoài của chị như vậy, nhưng bên trong cái vẻ ấy lại là một sức làm việc mẫn cán và năng động. Cộng tất cả công việc của một trưởng khoa, một người mẹ, người vợ chia đều trên cái dáng người chưa tới 45kg của chị sẽ thấy chị đã giỏi giang biết chừng nào.
* Mới được đề bạt làm Trưởng khoa lại phải nhận ngay hai ngành đào tạo còn khá mới mẻ, chị có thấy mình đang "ngồi trên lưng cọp"?
|
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Địa lý - năm 2001 |
- Không phải "ngồi trên lưng" mà tôi đang ngồi trên đầu cọp rồi. Từ năm học này, Bộ GD-ĐT đã cho phép Trường Đại học Quy Nhơn mở thêm hai ngành: Địa lý (chuyên ngành Bản đồ - Viễn thám) và Địa chính. Đây là hai ngành nặng về công nghệ và kỹ thuật đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về con người và cơ sở vật chất, hoàn toàn mới mẻ so với đào tạo sư phạm địa lý. Các ngành này, nhiều trường đại học trong cả nước vẫn chưa dám. Do đó, tôi đã xác định đây là cơ hội của trường, của khoa và cũng là cơ hội rất lớn để mình phấn đấu vươn lên cùng với sự phát triển chung của trường. Bản đồ - Viễn thám là ngành mũi nhọn của quốc gia bao gồm các công việc điều tra cơ bản, thăm dò đánh giá các loại tài nguyên thiên nhiên: khoáng sản, lâm sản, thủy hải sản... bằng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) phục vụ các nhu cầu phát triển KT-XH. Còn đào tạo ngành Địa chính sẽ cung cấp nhân lực cho ngành quản lý đất đai, quy hoạch đô thị, đánh giá và sử dụng đất... mà các địa phương đang rất thiếu người. Hiện nay, trường đã tuyển được 75 sinh viên (SV) khóa đầu tiên cho hai ngành trên. Trong thời gian khoảng một năm rưỡi, SV còn học các môn chung, chúng tôi sẽ cùng với nhà trường từng bước triển khai xây dựng đội ngũ, đầu tư trang thiết bị nhằm đạt được các yêu cầu về đào tạo.
* Người phụ nữ khi đeo đuổi sự nghiệp thường gặp nhiều trắc trở, khó khăn hơn so với nam giới. Bản thân chị cũng không là ngoại lệ?
- Những năm xa nhà ra Hà Nội học cao học và nghiên cứu sinh trong lúc con còn nhỏ, hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn… cộng với những rào cản về thủ tục hành chính nhiều lúc tôi cũng nản chí, để đứng vững, tôi đã phải vượt lên chính mình rất nhiều. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện vật chất, ăn, ở, sinh hoạt, tài liệu nghiên cứu thiếu thốn, phụ nữ chúng tôi còn bị phân tâm bởi trách nhiệm với gia đình và kể cả những lời đố kỵ, thiếu thiện chí của một số người quen quan niệm "Đàn bà học làm gì cho lắm. Ở nhà mà lo cho chồng, cho con…". Những lúc đó nếu không được sự động viên, khích lệ của gia đình hai bên, mà đặc biệt là chồng tôi, thú thật, tôi đã buông xuôi.
* Nhưng tâm lý của đa số đàn ông, là rất ngại những phụ nữ học hành, đỗ đạt cao hơn mình. Trên thực tế cũng đã có nhiều gia đình tan vỡ hạnh phúc vì "đôi đũa lệch"?
- Có lẽ đây cũng là một may mắn đối với tôi. Ông xã tôi (anh La Quang Ánh, cán bộ của Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh - PV) do hoàn cảnh chiến tranh đã phải dở dang sự học. Nhưng, có lẽ vậy nên anh dồn hết sự khao khát học vấn sang tôi. Trong cuộc sống, anh là người am hiểu về chính trị - xã hội, luôn thông cảm, giúp đỡ và làm chỗ dựa tinh thần cho tôi, động viên tôi phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp. Có thể nói, nếu không có chồng san sẻ gánh nặng về gia đình, chăm sóc con cái, tôi không thể lấy được bằng tiến sĩ, không thể dồn hết sức mình cho sự nghiệp như ngày hôm nay. Thành công của tôi, có một nửa là đóng góp của ông "xã" tôi.
* Đó là một thuận lợi để chị có điều kiện chiếm lĩnh từng bậc thang của sự nghiệp một cách vững vàng. Nhưng đâu là bí quyết thành công của riêng chị?
|
Trên đỉnh Tà Zôn - Phan Thiết, nhật thực 24-10-1995 |
- Làm gì mà không tâm huyết thì không làm được. Tôi rất yêu nghề. Khi đã xác định việc làm của mình là đúng, tôi làm đến cùng. Phương châm của tôi, phải biết làm từng bước, "nhảy từ những hòn đá nhỏ qua hòn đá lớn". Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng, dù là khó, khó mấy đi nữa, khi đã quyết tâm và yêu nghề tôi có thể vượt qua tất cả.
* Thế còn trong vai trò quản lý?
- Công việc quản lý đối với tôi còn quá mới mẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng muốn được anh em tin tưởng, muốn gắn kết tập thể trong quan hệ đồng nghiệp, chuyên môn thân ái, giúp đỡ lẫn nhau thì người quản lý phải có lòng nhiệt tình, tận tâm với công việc, thật sự quan tâm, chia sẻ và biết lắng nghe anh em. Phải biết phân công công việc đảm bảo quyền lợi hài hòa, phù hợp cho mỗi thành viên để họ cố gắng hoàn thành bằng tâm, lực của chính mình.
Đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của chị Lương Thị Vân là "Đánh giá yêu cầu phòng hộ đầu nguồn và bảo vệ đất vùng đồi núi tỉnh Bình Định", rồi các dự án mà chị đang tham gia như "Bình đẳng giới và môi trường", "Đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển du lịch bền vững ở Bình Định"…; rồi những cuốn sách, bài viết chị đã thực hiện: "Giáo dục môi trường qua môn Địa lý ở trường phổ thông", " Địa lý tỉnh Bình Định", "Môi trường và con người"… đều ảnh hưởng, gắn bó và có một ý nghĩa nhất định đối với việc nghiên cứu môi trường sống, môi trường sinh thái ở tỉnh Bình Định- một lĩnh vực còn ít người tham gia nghiên cứu.
* Vấn đề môi trường trong mấy thập kỷ gần đây đã nổi lên như một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Với mong muốn mỗi công dân Việt Nam đều có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, Bộ GD-ĐT đã triển khai lồng ghép giáo dục môi trường (GDMT) vào chương trình học phổ thông, bắt đầu từ bậc học mẫu giáo. Tuy nhiên, hiệu quả của dự án này hình như chưa mấy phát huy trong thực tế?
Tiến sĩ Lương Thị Vân, sinh năm 1960 tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Nam 1978, chị tốt nghiệp ngành Địa lý, Trường ĐHSP Huế và làm giảng viên Trường CĐSP Nghĩa Bình đến năm 1990 thì chuyển về dạy tại Trường ĐHSP Quy Nhơn (nay là ĐHQN), trưởng bộ môn Địa lý tự nhiên và bản đồ. Năm 2001, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Địa lý. Năm 2004, được đề bạt giữ chức Trưởng khoa Địa lý, Trường ĐHQN. |
- Việc GDMT trong nhà trường phổ thông là một chương trình quốc gia do Bộ GD-ĐT được UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc) tài trợ, triển khai từ nhiều năm qua ở nhiều môn học, trong đó có môn Địa lý ở các cấp học, các trường học trong cả nước với mục đích cuối cùng là trang bị ý thức trách nhiệm cho mỗi công dân đối với sự phát triển bền vững của trái đất, một khả năng biết đánh giá vẻ đẹp của thiên nhiên và một giá trị nhân cách khắc sâu bởi một nền tảng đạo lý vì môi trường. Mục đích này chỉ có thể đạt được khi chúng ta đồng thời chú trọng cả ba khía cạnh của GDMT là: giáo dục về môi trường, giáo dục vì môi trường và giáo dục bằng môi trường. Tuy nhiên, qua kết quả thu thập sơ bộ của chúng tôi tại một số trường phổ thông thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho thấy, việc triển khai GDMT còn quá mờ nhạt. Nhiều giáo viên còn chưa được tiếp cận với GDMT và cũng không làm gì được vì không được nhà trường quan tâm triển khai, hướng dẫn cụ thể. Vấn đề này còn có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế triển khai chưa đồng bộ giữa ngành và các trường "cái" cũng như sự thiếu quyết tâm của một số lãnh đạo ở trường phổ thông.
* Vậy, là người rất quan tâm và có nhiều công trình nghiên cứu về môi trường, theo chị, cần phải làm thế nào để GDMT đạt được kết quả tốt hơn?
- Ở góc độ là một giám sát viên của chương trình, dự án GDMT tại một trường "cái", tôi cho rằng cần phải coi các chuyên đề về GDMT là các chuyên đề bắt buộc phải học đối với SV các ngành đào tạo sư phạm. Bởi những SV này sẽ là những nhà giáo trực tiếp thực hiện việc đưa nội dung GDMT vào tất cả các môn văn hóa ở trường phổ thông sau này. Và như tôi đã nói ở trên, GDMT chỉ có hiệu quả khi có sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất của các cấp quản lý giáo dục trong xây dựng kế hoạch, đầu tư tài chính, hướng dẫn cách làm và các bước thực hiện cho các đơn vị cơ sở.
. Quỳnh Hoa (thực hiện)
|