Dấu ấn thời gian: mái tóc bạc, dáng người không còn mấy nhanh nhẹn, cả cái vẻ ngoài mới trông qua tưởng chừng hơi khó gần… Cũng phải thôi, NSƯT Nguyễn Kiểm (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) đã sắp bước qua cái tuổi "xưa nay hiếm". Nhưng "bập" vào chuyện nghề, lại thấy ông sôi nổi hẳn, mà còn có phần khá hóm hỉnh...
|
NSƯT Nguyễn Kiểm (đầu tiên bên trái) và niềm vui sau thành công của một vở diễn do ông chuyển thể kịch bản |
60 năm tuổi nghề, khoan nhắc đến những tấm huy chương mà NSƯT Nguyễn Kiểm gặt hái trong suốt một đời làm nghệ thuật, chỉ nói đến những vai diễn mà đã tụ hội vào đấy bao cảm mến của người xem, cũng đủ nói lên sức sáng tạo lớn lao của một người nghệ sĩ. Chất giọng thanh, vang xa, âm vực rộng, kỹ thuật luyến láy chuẩn mực: chưa đủ; NSƯT Nguyễn Kiểm còn cẩn trọng trong nghiên cứu từng ánh mắt, dáng điệu, cử chỉ để toát lên thần thái nhân vật. Nhờ vậy, nhiều vai diễn trong số này đã trở thành vai mẫu, mà hễ nhắc đến ông là người ta nhắc đến những vai diễn này.
* "Thực hiện vai diễn là một cuộc tổng dốc lực, từ vận dụng chất xám của bộ óc tư duy nhiều tính cách nhân vật khác nhau, rồi ngày ngày phải bằng thể lực thử nghiệm trên sàn tập với đạo diễn vất vả" - ông từng viết về nghề diễn như vậy. Trong những cuộc "tổng dốc lực" đã kết tinh thành: Tương Tử (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), Chi trưởng (vở Đội kịch chim chèo bẻo, Già Liêu (vở Tiếng sấm Tây Nguyên), Lê Duy Hiên (vở Quang Trung), Quan ngự y (vở Huyền Trân công chúa)… vai diễn nào làm ông mất nhiều tâm sức hơn cả?
- Vai diễn thì nhiều, nhưng công phu nhất là vai già Liêu trong Tiếng sấm Tây Nguyên. Công phu vì đây là một ông già người Gia Rai, khi hát bài chòi thì phải hát như thế nào cho ra chất Tây Nguyên. Nghiên cứu cho ra cái này mới thật gian lao. Cuối cùng, tôi quyết định quay trở về hát theo đúng điệu bài chòi cổ. Tôi cũng đề nghị với đạo diễn thêm những từ bổ nghĩa, chen hát pha nói vào. Và đúng là chỉ có hát bài chòi cổ với đầy đủ cái chất mộc mạc đồng quê từ trong bản chất của những người sinh thành ra nó mới thể hiện được thần thái nhân vật già Liêu. Một vai diễn nữa cũng khá thú vị là vai Chi trưởng trong Đội kịch chim chèo bẻo. Đây là thằng cảnh sát tâm lý chiến, rất ác đấy nhưng lại núp bóng làm nghệ thuật. Để vào vai này, tôi nghiên cứu kỹ và quyết định diễn nhân vật này khác với kịch bản và đã thành công.
Bên cạnh một Nguyễn Kiểm nổi danh qua những vai diễn, còn những Nguyễn Kiểm khác: Nguyễn Kiểm - tác giả với: Biển động tình người, Lâm Sanh - Xuân Nương, Láo thật, Trận mới bắt đầu… gây ấn tượng tốt đẹp trong khán giả. Không chấp nhận những khuôn đúc có sẵn, nhất là trong bộ môn nghệ thuật có khả năng dung nạp rộng rãi này, Nguyễn Kiểm luôn nghiên cứu, rút ra tính chất riêng của bài chòi, cải điệu cho thuận, ngọt; đồng thời vận dụng các điệu hò, lý, vè Nam Trung Bộ đưa vào ca kịch bài chòi hợp lý.
* Liệu việc đưa những điệu hò, lý, vè như vậy vào ca kịch bài chòi có làm mất đi tính nguyên gốc của bài chòi không, thưa ông?
|
NSƯT Nguyễn Kiểm trong vai Quan ngự y (vở Huyền Trân công chúa) |
- Tôi cố gắng đi sâu vào bài chòi, đi đến tận gốc để xác định những điều nghệ nhân xưa mở lối, để rút ra cái tính chất riêng của điệu bài chòi, xem thử đâu là điệu nguyên gốc, đâu là điệu vay mượn. Trong ca kịch bài chòi thì điệu bài chòi phải làm chủ sân khấu. Nó là cốt lõi để lý giải, cắt nghĩa cho cốt truyện. Nhưng bài chòi lại có khả năng dung nạp rộng rãi, có thế độc lập bởi tiết tấu độc đáo không thể hòa tan. Do đó, có thể khai thác, vận dụng các điệu lý, hò, vè của Nam Trung bộ như lý năm canh, lý vọng phu, lý thiên thai, lý ngựa ô, lý Đồng Nai, hò chèo thuyền, hò tát nước, hò kéo lưới, hò mài dừa, vè chàng Lía, vè Thông Tằm… vào ca kịch bài chòi một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo chất bài chòi đậm đặc. Bên cạnh đó, cũng cần cải tạo lối ứng diễn thủ công, tự nhiên của vùng miền, gạt bỏ những luộm thuộm trong thể hiện, đi vào lối diễn tâm lý. Tất cả những công việc này, cũng đều nhằm vun xới cho đặc trưng điệu bài chòi, bồi đắp và giữ gìn chiếc cầu mà ông cha xưa mở bước cho nó đến với thời đại mới.
* "Tuổi xuân của diễn viên sân khấu cứ như những giọt sương trên đầu cành chót lá. Vì thế, việc đào tạo diễn viên bổ sung để giữ thế cân bằng cho sân khấu là không thể không chăm lo" - ông từng viết như vậy và ông đã dành không ít tâm huyết cho công việc đào tạo thế hệ tiếp nối của ca kịch bài chòi, một công việc mà ông từng thổ lộ là rất ít niềm vui. Với 7 lớp học sinh mà ông trực tiếp đào tạo, ông đã cảm thấy hài lòng với những thế hệ tiếp nối này?
- Học trò của tôi, có người đã thành danh, có người đang dần định vị tuổi tên trên sân khấu. Nhưng với tôi, điều đó cũng chưa quan trọng bằng cái tâm với nghề. Tôi quan niệm đã là một người làm nghề, thực sự gọi là có nghề thì phải có đủ 4 yếu tố: một là cuộc sống, hai là vững nghề, ba là có trí tuệ và cái cuối cùng mà lại trở thành cái quyết định nhất vẫn là nhân cách, là cái tâm với nghề. Tôi vẫn nói rằng cuộc đời công bằng lắm. Khi anh đến với mọi người bằng một tình yêu thật sự, thì người ta sẽ đối xử công bằng với anh thôi. Mà cái nghề này thì dù có làm đến chết cũng không có cái đích cuối cùng. Hái được thành quả có chăng cũng chỉ nhờ ở cái đức nghề ấy thôi. Bởi vậy, với tôi, dạy học trò thì dạy nghề chưa phải là quan trọng nhất. Cái chính là vun cho cái đức nghề trước đã. Còn khả năng nghề nghiệp thì có thể trưởng thành dần cùng với những trải nghiệm, lăn lộn trên sân khấu.
Trong những người học trò của ông, có người nay đã là NSƯT, có người nay chuyển sang quản lý văn hóa, nhưng thảy đều hết lòng tri ân người thầy của mình. Không chỉ là vốn liếng từ những bài học được truyền thụ, mà còn bởi những bài học về tình yêu nghề và khát vọng luôn vươn tới mà chính cuộc đời nghệ thuật của ông đã là một minh chứng sống động.
Gặp chúng tôi, NSƯT Nguyễn Kiểm thổ lộ, rằng ông vừa hoàn thành việc chuyển thể cho một kịch bản, vừa buông bút, khép lại tập hồi ký Xuân thất thập viết về cuộc đời làm nghệ thuật của mình, vừa hoàn thành tập thơ 42 bài Vài mẩu đời riêng lại sắp bước vào viết tổng luận cho tập nhạc của ca kịch bài chòi… Gần 70 tuổi đời, mang trong người không ít thứ bệnh, nhưng lão nghệ sĩ vẫn không ngưng nghỉ dòng chảy sáng tạo. Dạy học, sáng tác, chuyển thể kịch bản, dựng vở, sưu tầm - nghiên cứu bấy nhiêu công việc cứ cuốn ông đi. "Năm 2003 mới rồi, vừa dứt tập phim chân dung xong, tôi lại lao vào viết kịch bản hò đối đáp cho Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Mệt đứt hơi, tưởng đã "ngủm" rồi. Hai đứa con la quá. Lũ nó bảo: "Mẹ mất rồi, ba phải giữ sức khỏe!", nhưng ngặt nỗi, làm cái nghề này, chỉ còn biết làm cho đến khi nhắm mắt mới thôi" - ông nói.
* Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của ngành kịch hát dân tộc được phong tặng danh hiệu NSƯT nhưng đến nay, 20 năm đã qua, ông vẫn chưa được nhận danh hiệu NSND. Ông có thấy buồn vì điều đó?
- Quả là sau năm 1975, khi từ miền Bắc trở về quê hương Bình Định cho đến lúc này, tôi chỉ đóng vẻn vẹn hai vai. Tôi nghĩ đơn giản thế này: phải dành đất cho lớp trẻ, còn mình thì phải trở thành máy cái để đào tạo lớp diễn viên tiếp nối chứ. Nhưng Hội đồng bình xét thì lại nghĩ tôi đã bỏ biểu diễn rồi, nên không bình xét nữa. Nhưng họ quên rằng chỉ một ngày truyền dạy vai mẫu cho học trò là bằng cả ba tháng đi diễn đấy. Diễn để dạy nghề cho học trò khác với biểu diễn cho người ta xem chứ. Nhưng tôi cũng không buồn đâu. Vì như tôi nói lúc nãy: cuộc đời vốn vẫn công bằng…
Trước khi chia tay, ông nói: "Tôi tự hào là tôi giàu hơn thiên hạ. Giàu ở đây không phải là giàu tiền, giàu bạc, mà là giàu vốn nghề nghiệp tích lũy được, cũng như một tâm hồn luôn biết đắm say với nghề. Đó là niềm an ủi lớn mà cả đời làm nghề đã dành cho tôi". Còn tôi thì chợt nhớ, đâu đó, một lần, một người làm công tác quản lý văn hóa có nói: "Có những người mà khi họ mất đi thì khoảng trống sẽ được lấp lại. Nhưng anh Ba Kiểm mà mất đi thì khoảng trống đó khó mà lấp được". Chí lý thay.
. Lê Viết Thọ (thực hiện)
NSƯT Nguyễn Kiểm sinh năm 1935, tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Từ năm 1952-1975: diễn viên Đoàn Dân ca Liên khu V. Từ 4-1977 - 5-1982: Phó Đoàn Dân ca kịch Bình Định. Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1984. Năm 1995: nghỉ hưu.
Vai diễn tiêu biểu: Tương Tử (vở Thoại Khanh- Châu Tuấn), Chi trưởng (vở Đội kịch chim chèo bẻo), già Liêu (vở Tiếng sấm Tây Nguyên), Lê Duy Hiên (vở Quang Trung), Quan ngự y (vở Huyền Trân công chúa).
Thành tích: 3 Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm 1958, 1964, 1970. Giải Đặc biệt Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Công trình nghiên cứu: Nguồn gốc và sự phát triển bộ môn sân khấu bài chòi Bình Định (băng hình, 1996), Nghệ thuật biểu diễn của sân khấu bài chòi (sách, 1996).
Sách đã xuất bản: Biển động tình người (tập kịch, 1997), Mở trói (tập kịch ngắn, 1998), Sau tấm màn nhung (truyện ngắn, 1982).
|