Rơchămlan Măng Téo: "Tôi là người luôn mắc nợ…"
12:0', 15/11/ 2004 (GMT+7)

Gần bảy mươi tuổi, cuộc đời ông từ một chú mục đồng trở thành một học sinh miền Nam trên đất Bắc. Cách mạng đã cho ông tri thức để làm bác sĩ, làm cán bộ lãnh đạo tỉnh. Bôn ba từ Nam chí Bắc để rồi cuối đời ông lại quay về Hòn Ông (Vân Canh) làm cuộc hành trình ngược thời gian: tìm về cội nguồn dân tộc, ghi chép khảo cứu để lưu giữ nền văn hóa của dân tộc Chăm H'roi.

- Ông vốn là một bác sĩ, sao lại trở thành "nhà nghiên cứu" văn hóa dân tộc?

Ông Rơchămlan Măng Téo

+ Tôi mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ. Năm lên mười tuổi, người mẹ bị bạo bệnh qua đời. Tôi vẫn còn nhớ như in, trước lúc qua đời bà còn chỉ vào bụng và bảo "có cái gì trong này, lấy ra là thở được". Tất cả họ hàng người thân bất lực nhìn mẹ tôi lịm dần… Sau này tôi mới biết đó là hậu quả của bệnh sốt rét mà mẹ cũng như nhiều người dân quê thường mắc phải. Mười tuổi tôi được ông ngoại đón về nuôi. Hồi đó, nhà ngoại rất nhiều trâu-bò, ngày lại ngày tôi lang thang trên những triền núi cao cùng đám trâu-bò của ông tôi. Đêm đêm, ông ngoại thường thủ thỉ buồn vui cuộc đời. Và những câu chuyện thần thoại trên đỉnh núi Hòn Ông, là nơi phát tích của người dân tộc Chăm H'roi đã truyền cho tôi một tâm thức hướng về cội nguồn. Đối với dân tộc Chăm H'roi núi Hòn Ông giống như núi Tản Viên của người Kinh. Đó là đỉnh cao nhất trong thế giới tâm linh họ, nơi có thánh thần hành lễ và trị vì cõi nhân gian. Tôi còn nhớ ngoại mô tả cảnh bồng lai trên đỉnh Hòn Ông, khơi dậy trong tâm hồn tôi một chốn bình yên vĩnh hằng. Nơi ấy không có bệnh tật, chiến tranh, chỉ có con người thương yêu nhau và "có xa nhau nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa".

Chiến tranh đã lấy đi sự yên bình của làng quê. Tôi rời bỏ tuổi thơ êm đềm với những câu chuyện cổ tích đêm trăng để trở thành du kích. Hiệp định Genever, tôi lên chuyến tàu cuối cùng để ra Bắc. Xa quê hương, trong lòng tôi vẫn ám ảnh hình ảnh người mẹ qua đời, và những câu chuyện chim công, chim phượng trên đỉnh Hòn Ông. Trong những ngày đầu tiên trên đất Bắc, tôi tham gia đủ công việc mà Đảng phân công. Lúc là anh phụ trách Đội thiếu nhi, khi tham gia cải cách ruộng đất. Đi nhiều nơi, tiếp cận đủ sắc tộc, càng thêm hun đúc trong tâm hồn tôi nỗi nặng nợ với quê nhà, với dân tộc mình. Hiểu thêm nét văn hóa của mỗi dân tộc, tôi lại càng quý trọng bản sắc của dân tộc mình. Một điều mà tôi luôn luôn ấp ủ là làm sao ghi lại và bảo tồn bản sắc ấy. Năm 1965 tôi được vào học ngành Y khoa, nung nấu ước mơ sẽ trở về chữa bệnh cho dân làng. Học xong, tôi trở về quê hương Bình Định theo chân những đoàn quân giải phóng, chữa bệnh, mổ xẻ khắp chiến trường. Hòn Ông - Vân Canh khi ấy chỉ cách đường hành quân vài chục cây số mà vẫn xa xôi bởi sự cách ngăn của chiến sự. Năm 1975, đất nước thống nhất, tôi trở về quê. Ngày đầu tiên trở lại quê nhà cũng là những ngày nỗi đau mất mát lại hiển hiện, ngày đêm cả buôn làng vọng tiếng chiêng ma, dịch sốt rét lan tràn… Tôi bắt đầu triệu tập ngay 23 thanh niên nam nữ và mở lớp huấn luyện cấp tốc chống dịch. Đêm chong đèn học tập, ngày đi vào tận buôn làng chữa bệnh và vận động nếp sống phòng dịch. Ổn định tình hình, tôi đảm nhận vị trí lãnh đạo Phòng y tế huyện nhà. Rồi chủ tịch, Bí thư Huyện ủy… Đây là thời gian tôi đi khắp nơi trong địa bàn, thuộc lòng từng gốc cây, khe suối. Đi để hiểu được dân tình, rồi ra quyết sách, cũng trong những chuyến đi này tôi âm thầm chuẩn bị cho một dự định đã ấp ủ: tìm hiểu và ghi chép từng câu dân ca, phong tục của đồng bào. Làm chủ tịch được vài năm, Đảng lại tiếp tục phân công tôi về tỉnh, thế là lại xa rời núi rừng. Suốt gần 10 năm công tác ở tỉnh, cuối tuần tôi đều trở về nhà, nơi có những già làng tin yêu và đến với tôi. Lại ghi chép, tìm hiểu làm tư liệu. Thuở niên thiếu tôi đã trở thành du kích, rồi từ đó cuộc đời như cánh chim bay khắp phương trời. Càng đi, tôi lại càng thương nhớ những câu chuyện huyền hoặc mà ông ngoại kể trong những đêm trăng… Tôi tự thấy mắc nợ với dân tộc của mình, một dân tộc còn nhiều lận đận.

- Hiện tại ông đã "trang trải" được món nợ nào chưa?

Ông Téo tranh thủ cả ban đêm để nghe những người già nói về văn hóa Chăm H'roi

+ Năm 1998 khi đã đủ tuổi nghỉ hưu, tôi rời thị thành, trở về buôn làng bắt tay vào việc ghi chép lưu giữ những di sản văn hóa của dân tộc. Cái khó khăn mà tôi gặp phải đó là ngôn ngữ. Chữ viết Chăm H'roi không có, tôi phải thẩm thấu nghiền ngẫm nền văn hóa này bằng tiếng phổ thông. Chỉ trong thời gian ngắn, cuốn sách đầu tiên tôi từng trải nghiệm, đúc kết ngay từ khi còn là cán bộ đương chức ra đời. Đó là cuốn Mấy vấn đề về văn hóa văn nghệ Chăm H'roi. Cũng trong năm đó, cuốn sách này được trao giải Ba của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ngày nhận được giải thưởng tôi đã khóc, khóc không chỉ vì vinh dự của riêng mình, mà từ đây văn hóa của dân tộc Chăm H'roi đã được "trước bạ". Bốn triệu đồng nhận được từ giải thưởng, tôi dành cho chi phí photo nhân bản sách đem phát cho các già làng và dân chúng như một hành động báo công với dân tộc mình. Thành công bước đầu càng thôi thúc tôi rằng: người Chăm H'roi phải có chữ viết để chuyển tải, và ghi chép tự tình. Với chiếc xe đạp cà tàng, ngày cũng như đêm tôi trở về buôn làng xa xôi, lắng nghe từng giọng nói, phân tích từng âm tiết, đánh vần từng chữ một. Một công trình mới đã bắt đầu manh nha - Bộ chữ viết cho người Chăm H'roi. Lúc đầu vài trăm chữ thông dụng, dễ đọc, dần dần tôi đã phiên âm bằng ký tự la tinh, nhờ các chuyên gia của Viện Ngôn ngữ tư vấn, bổ túc. Đánh giá triển vọng bước đầu, Viện Ngôn ngữ đã cử cán bộ vào Vân Canh, cùng ăn ở để hoàn tất bốn ngàn từ vựng. Toàn bộ công trình này đã được chuyển ra Viện để hoàn tất rồi chờ chính thức thông qua. Khi có chủ trương phát thanh tiếng Chăm H'roi, tôi đã dạy chữ viết cho cô phát thanh viên đài huyện hàng năm trời. Bây giờ chương trình tiếng Chăm H'roi đã đến với người dân bằng bản tin được thực hiện bằng chữ viết Chăm H'roi mỗi tuần hai buổi. Ngày đầu tiên của chương trình phát thanh bằng tiếng Chăm H'roi được phát đi làm xôn xao cả buôn làng. Tôi không nhớ mình đã nghĩ về điều gì khi nhìn cô phát thanh viên cầm bản tin vừa dịch đọc trôi chảy bằng tiếng Chăm H'roi, song đó là thời khắc ấn tượng nhất trong đời tôi... Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình cho đất nước, ở tuổi về hưu, tôi có cảm giác thời gian không ủng hộ mình. Chính vì thế, trong lòng luôn luôn có trạng thái đối nghịch nhau: vội vàng, cần mẫn, kiên trì. Tác phẩm mới ra đời: Núi chúa Hòn Ông. Đây là tác phẩm mà tôi rất tâm đắc. Đối với dân tộc Chăm H'roi, đây là nơi khởi đầu của vạn vật, là vùng đất thiêng, con cháu dân tộc Chăm H'roi đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì thì tâm thức cũng luôn luôn hướng về vùng đất này. Trong tác phẩm này, tôi ghi chép tất cả những gì mà ông ngoại kể lại từ thời thơ ấu, những truyền thuyết lan truyền trong dân gian.

Một tác phẩm nữa bằng hình thức song ngữ (Chăm H'roi-Việt) cũng vừa hoàn tất: Tục ngữ, ca dao, dân ca Chăm H'roi. Đó là những câu hát huê tình, những đúc kết kinh nghiệm sản xuất, chống chọi với thiên nhiên… Trong 5 năm qua, đã có 5 tác phẩm ra đời, những khảo cứu, ghi chép sưu tầm xoay quanh các chủ đề về cuộc sống của dân tộc Chăm H'roi.

- Ông còn ấp ủ những dự định nào cho tương lai nữa không?

+ Bây giờ tôi đang lo hình ảnh, vải vóc để bắt tay vào một công trình nghiên cứu mới: Trang phục Chăm H'roi. Tôi còn ấp ủ một đề tài: viết sử dân tộc mình bằng chữ Chăm H'roi. Điều mà tôi lo sợ nhất bây giờ là thời gian…

. Duy Thông - Công Tâm (Thực hiện)

 

Người Chăm H'roi vốn có nguồn gốc từ dân tộc Chăm. Cuối thế kỷ XV, một nhóm người Chăm ở vùng Thọ Lộc, xã Nhơn Thọ (huyện An Nhơn bây giờ) đã chuyển lên cư trú vùng chân núi Hòn Ông rồi lan tỏa theo hai bên bờ sông Hà Thanh, ngược lên những con suối thượng nguồn. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử biến động đã cộng cư với người Bahnar ở vùng núi phía tây Bình Định nên có đời sống văn hóa khác với người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

Hơn 500 năm thăng trầm, người Chăm H'roi đã sống ở vùng đất này. Trải bao năm tháng chiến tranh giặc giã, phiêu tán, nhưng cái hồn dân tộc Chăm H'roi vẫn thế, như ánh sáng mặt trời ngàn năm nay vẫn cứ ngày ngày soi sáng trên đỉnh Hòn Ông...

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NSƯT Nguyễn Kiểm: "Cần nhất là cái tâm với nghề"   (07/11/2004)
Lòng yêu nghề đã giúp tôi vượt qua nhiều thử thách   (01/11/2004)
K'Quy, người Bình Định "dụng võ" nơi buôn sâu Lâm Đồng   (25/10/2004)
Chưa già đâu, tôi còn phải hoàn thành mấy công trình nữa  (25/10/2004)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Tôi vẫn muốn tìm kiếm, khám phá thế giới con người  (17/10/2004)
Titan càng nghèo đi, tôi càng phải suy nghĩ, sáng tạo   (11/10/2004)
Lập trình viên Lê Hồng Đức: Tôi sẽ dành những sản phẩm trí tuệ cho quê hương   (06/10/2004)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (26/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Tôi không thể nghỉ ngơi trong vinh quang  (19/09/2004)
Công nhân vệ sinh Lê Thị Cúc: Nghèo mấy cũng phải cho con học đến cùng  (12/09/2004)
Tôi còn nợ của công ty mình ba việc nữa   (06/09/2004)
Nguyễn Văn Hải: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"   (30/08/2004)
Làm điều tốt cho mọi người thì tâm hồn mình thanh thản  (22/08/2004)
Người lính năm xưa và ước vọng hôm nay   (16/08/2004)
Nguyễn Kiểm - Một đời sông vẫn chảy   (11/08/2004)