Câu chuyện của chúng tôi với tác giả Văn Trọng Hùng diễn ra ngay khi tập kịch Đi tìm chân chúa (Nhà xuất bản Sân khấu, 2004) của ông vừa in xong. 5 kịch bản trong tập sách là kết quả của mười mấy năm lăn lộn cùng sân khấu. Câu chuyện bắt đầu bằng những thổ lộ của chính tác giả về cái "duyên" sân khấu của ông…
|
Văn Trọng Hùng qua nét vẽ Phạm Văn Hạng |
Tôi sinh ra trong gia đình mê hát. Nhà ở gần rạp hát nên không đêm diễn nào mẹ tôi bỏ qua. Không chỉ mê, bà cụ còn rất hiểu tuồng, hiểu từng cái vuốt râu một. Ra cái vai nào thì cặp mắt phải như thế nào, tư thế như thế nào, bà biết hết. Từ hồi nhỏ, tôi đã theo mẹ đi xem tuồng. Rồi lớn lên học văn, khi về Sở VHTT lại phụ trách mảng sân khấu - nghệ thuật, được tiếp xúc với các nghệ nhân, anh em nghệ sĩ... nên càng kết cái "duyên" với sân khấu. Tôi phải mất hơn 10 năm như vậy rồi mới cầm bút.
- Ông đã ra được hai tập thơ và một tập kịch. Vậy lúc nào ông đến với kịch lúc nào dành cho thơ?
+ Có thể nói thế này, những điều gì không chuyển tải được trong kịch thì tôi chuyển tải trong thơ và ngược lại. Thơ và kịch, hai cái đó bổ sung cho nhau. Hơn nữa, trong kịch của tôi có thơ, trong thơ của tôi có kịch. Mà có lẽ chính nhờ có chất thơ nên kịch của tôi bước vào sân khấu kịch hát một cách thuận lợi hơn chăng. Mà thơ hay kịch, với tôi đều vừa là đam mê vừa là một phần máu thịt.
Chú trọng đến mảng miếng sân khấu, ngôn ngữ kịch thấm đẫm chất thơ nhưng có lẽ cái độc đáo của kịch Văn Trọng Hùng là tứ kịch. Chẳng hạn, cái tứ của Đi tìm chân chúa, nằm ở chương cuối, Đào Duy Từ trăng trối lại: "Đắp lũy xây thành để ngăn giặc, không phái là kế sách lâu dài; không đắp lũy xây thành mà vẫn ngăn được giặc, đó mới là việc lớn". Hay trong Tiết Giao trả ngọc, "trả ngọc" mà không phải là "đoạt ngọc". Có "trả ngọc" mới để cho Nguyệt Cô trở lại làm người. Cái tứ "trả ngọc" là cái nhân bản rất riêng của Văn Trọng Hùng. Cứ thế, mỗi kịch bản, ông đều tìm được một cái tứ làm xương sống cho toàn vở kịch.
Từ Nước mắt Diêm Vương, kịch bản đầu tiên của ông được dựng vào năm 1991, đến nay ông đã có trong tay 6 kịch bản, trong đó, có 5 kịch bản đã được dựng trên sân khấu. Những vở kịch của Văn Trọng Hùng hầu hết là kịch lịch sử. Những nhân vật trong kịch của ông: Đào Duy Từ, Quang Trung, Ngọc Hân, đến những nhân vật rút từ kho tàng huyền thoại, lịch sử Trung Hoa: Lưu Bang, Hạng Võ, Đát Kỷ, Trụ Vương, Tiết Giao… đều là những nhân vật tích tụ dòng xoáy thăng trầm thân phận, như tiêu điểm của những thời đoạn đầy xáo trộn, nên qua đó, có thể hình dung thấy những khúc quanh, những ngã rẽ của lịch sử, của kiếp người.
- Tại sao ông lại chọn kịch lịch sử và đi vào số phận của những nhân vật đầy tâm trạng như vậy?
+ Tôi cảm thấy từ lịch sử có thể rút ra nhiều bài học quý giá cho cuộc sống hôm nay. Như nhân vật Đào Duy Từ chẳng hạn. Trong những danh nhân Bình Định, tôi thấy cuộc đời Đào Duy Từ gặp nhiều lận đận. Lúc trẻ, lận đận khoa cử chỉ vì ông là con một người làm nghề xướng ca. Buồn chí vào Nam, lọt vào mắt xanh của Sãi Vương, trở thành công thần khai quốc của chúa Nguyễn, ông có điều kiện thực hiện được chí hướng của mình thì trên đầu đã bạc. Bao dự định dở dang. Từ một số phận một Đào Duy Từ nhiều bi kịch như vậy, người xem có thể tự rút ra mẫu số chung: sử dụng người tài đừng câu chấp vào những điều nhỏ nhặt. Và điều này hẳn không còn là một vấn đề chỉ có tính nhất thời.
- Có người nhận xét: những nhân vật của ông, vừa dính chặt vào bối cảnh lịch sử lại như mang theo nhịp đập của thế giới nhân tình, ông nối dài sự kiện lịch sử bằng những giả định nghệ thuật. Ông giải quyết như thế nào giữa sự thật lịch sử với những sáng tạo riêng của người viết kịch?
+ Sáng tạo của kịch lịch sử dứt khoát là không thể thoát ly lịch sử. Nhưng nếu lịch sử chép như thế nào mà viết như thế ấy thì chẳng cần viết kịch làm gì. Người viết kịch phải nối dài sự kiện lịch sử bằng những giả định nhưng giả định ấy không được mâu thuẫn với lô gích tâm lý, với lịch sử. Đa phần những cái sáng tạo như vậy đều mang chủ ý về mặt tư tưởng cả. Chẳng hạn, trong Đi tìm chân chúa, sử đâu có chép cái câu Đào Duy Từ trước lúc lâm chung bày tỏ với Sãi Vương: Nếu sau này, Người có gặp bậc hiền tài/ Thì đừng câu chấp những điều nhỏ nhặt/Đừng để tài trí họ theo tháng năm khỏa lấp. Nhưng người viết cần sáng tạo ra chỗ đó để nhấn đến vấn đề dùng người. Viết như thế là không thoát ly lịch sử. Hay như sử đâu có chép chuyện Nguyễn Huệ trước khi mất muốn nghe một tiếng đàn của Ngọc Hân. Nhưng tôi thấy cần viết như vậy để nói đến cái tri âm giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân...
- Chú trọng đến đề tài lịch sử, liệu ông có bỏ mất những vấn đề nóng hổi của cuộc sống hiện tại. Hay liệu đó là một sự né tránh?
+ Không phải bỏ, cũng chẳng tránh né. Tôi cho rằng kịch bây giờ phải sống trong trầm luân với đời sống, phải thấm đượm cái nóng bỏng của cuộc sống đương đại. Nhưng vấn đề còn tùy tạng từng tác giả nữa chứ. Là người mê văn học phương Đông, mê lịch sử, nên nếu tôi đi theo hướng kịch lịch sử thì sẽ thuận lợi. Còn những cây bút khác viết đề tài hiện đại thì tôi vẫn hết sức ủng hộ.
- Nhân nói về đề tài hiện đại, Tuồng đã đi vào đề tài hiện đại không ít nhưng gần đây một số người lại còn muốn đưa vào tuồng những thủ pháp như đồng hiện, nhiều không gian cùng tồn tại một lúc trên sân khấu… Với sân khấu truyền thống, liệu đi theo con đường ấy có phải là đang bỏ mất cái sở trường mà đi vào sở đoản. Và rồi xem xong một vở tuồng, người xem cứ ngơ ngẩn, không hiểu vừa xem tuồng hay xem kịch. Quan niệm của ông về vấn đề này?
|
Phút thư giãn sau giờ hành chính |
+ Tôi cũng trăn trở nhiều về vấn đề này. Quan điểm của tôi là cái gì tinh hoa của ông cha thì ta giữ gìn, bảo tồn. Nhưng điều đó không có nghĩa là đóng khung vào những cái đó. Ngay trong tuồng của Đào Tấn cũng vậy. Cụ không câu nệ, cụ cho Trụ Vương uống sâm banh, sữa bò nữa kia mà. Ông cha ta còn sáng tạo được như vậy, sao ta không sáng tạo được. Đó là chưa nói cuộc sống hôm qua và cuộc sống hôm nay luôn có những cái khác nhau. Theo tôi, tuồng có ba điểm, vừa là đặc trưng, nhưng cũng là nhược điểm hiện nay cần khắc phục. Thứ nhất là tiết tấu rất chậm. Thứ hai là tính chất tượng trưng, ước lệ. Trong tuồng cổ, diễn viên chỉ cần ngẩng mặt lên là người xem biết nịnh hay trung. Nhưng cuộc đời thì không phải vậy, trong cuộc sống có những người bề ngoài không lấy gì làm đẹp nhưng tâm hồn rất đẹp, lại có những người mang khuôn mặt đẹp mà lòng thì độc ác. Mặt xấu thì tính cách xấu, cái đó trong tuồng tôi cho là không còn phù hợp. Ba là nhân vật không có chuyển biến về tính cách. Nhưng cuộc sống lại có những người, hôm qua có thể xấu nhưng hôm nay là tốt. Thậm chí trong những con người xấu vẫn có những điều tốt đẹp.
Phải làm thế nào tuồng vừa giữ được tinh hoa của ông cha, nhưng cũng phải có những cách tân là điều tôi và nhiều anh chị em khác trong ngành đang trăn trở.
- Là tác giả kịch bản, nhưng đồng thời cũng là người quản lý ngành, ông có ngại rằng, các đoàn chọn dựng kịch bản của ông là vì họ sợ cái chức giám đốc sở?
+ Có lúc tôi cũng nghĩ như thế. Lúc đầu thú thật là tôi cũng ngại và không gửi tới các đoàn thuộc Sở. Nhưng sau thấy những kịch bản của tôi không phải chỉ có các đoàn thuộc Sở VHTT Bình Định dựng mà các nhà hát, các đoàn nghệ thuật khác từ Nhà hát Tuồng Trung ương, Đoàn Tuồng Thanh Hóa rồi Đoàn Nghệ thuật Cung đình Huế, Nhà hát Bội thành phố Hồ Chí Minh đều dựng cả. Mà các đoàn này họ có ngại gì cái chức giám đốc sở của tôi đâu. Rồi một vài kịch bản của tôi cũng đã đoạt các huy chương này nọ ở cấp Trung ương nữa. Cho nên từ đó tôi mạnh dạn hơn. Hơn nữa, những vở đã được Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định dựng đều do các đoàn đến đặt vấn đề chứ tôi không hề gửi và đề nghị họ dùng kịch bản của tôi.
- Ông có thể tiết lộ về những dự định hiện tại mà ông đang ấp ủ?
+ Tôi đang chuẩn bị in thêm một tập thơ nữa. Còn kịch, hướng sắp tới là tập trung viết về nhân vật Hồ Quý Ly. Đề cương đã hoàn thành, nhưng công việc còn bận rộn quá; nhất là chuẩn bị các hoạt động văn hóa - thông tin cho năm 2005, năm có nhiều ngày lễ lớn…
. Lê Viết Thọ (thực hiện)
Văn Trọng Hùng sinh năm 1954 tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân.
Năm 1968: tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1972: thoát ly lên chiến khu, làm công tác tuyên truyền võ trang rồi công tác trong ngành văn hóa - thông tin cho đến nay. Hiện là Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Định.
Tác phẩm: Dạo khúc nhân tình (tập thơ, 1991), Bóng trúc (tập thơ, 2003), Đi tìm chân chúa (tập kịch, 2004).
Giải thưởng: Hai giải A giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn 1990-1995 và 1996-2000. Các giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Bộ Văn hóa - Thông tin: giải ba (1993), giải chung khảo (1994), giải nhì (1997), một giải nhì, một giải ba (1999), 2 giải nhì (2003). | |