Bác sĩ Trần Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn:
Làm bác sĩ thì quy chế chuyên môn là mệnh lệnh tối thượng
14:5', 27/12/ 2004 (GMT+7)

Nước da trắng ngần cùng khuôn mặt phúc hậu, thoạt trông dễ tưởng chị là con người xuê xoa dễ chịu nhưng vị bác sĩ được Tổng LĐLĐVN tặng danh hiệu "Phụ nữ tài năng sáng tạo" này lại rất sắc sảo trong công tác lãnh đạo ở bệnh viện và nghiêm túc trong công tác nghiên cứu khoa học.

* Giữa lúc chiến trường ở miền Nam ác liệt, chị lại theo đuổi ngành y, phải chăng chị cũng đã có ý định xông pha lửa đạn?

Bác sĩ Trần Thị Thu nhận Huân chương Lao động hạng Ba

- Thời ấy, là thanh niên ai cũng vậy thôi. Bạn bè tôi có nhiều người đã tham gia thanh niên xung phong đi vào chiến trường. Tôi ước muốn được chăm sóc sức khỏe cho nhiều người nên đã chọn ngành y và luôn sẵn sàng tư thế nếu được điều động vào chiến trường. Tôi được kết nạp Đảng khi vừa tốt nghiệp đại học và sau đó lại được điều động về Trường Trung học Y tế Nghệ Tĩnh. Ở đây, về công tác chuyên môn tôi được phân công phụ trách Phòng Nội - Nhi - Lây và kiêm luôn chức vụ Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường.

* Nghe nói trong thời gian giảng dạy ở trường này, chị đã được tỉnh Nghệ Tĩnh phong cho danh hiệu "Thầy thuốc như mẹ hiền", một danh hiệu cao quý mà thường chỉ được phong cho những thầy thuốc có nhiều công lao và trực tiếp cứu chữa bệnh nhân.

- Tôi có nhiều may mắn khi được tin cậy giao nhiều trọng trách ở tuổi dưới 30. Tuy nhiên cùng với sự tin cậy ấy, bản thân tôi cũng hết sức nỗ lực trong mỗi công việc được giao và do vậy được cấp trên chú ý. Và danh hiệu "Thầy thuốc như mẹ hiền" mà tỉnh phong tặng cho tôi lúc ấy như là một sự ghi nhận về những nỗ lực trong công tác giảng dạy, quản lý và sinh hoạt đoàn thể. Với tôi danh hiệu này đã động viên tôi rất nhiều và nó như là một bước ngoặt mới trên con đường chữa bệnh cứu người bởi từ đó tôi luôn ý thức rằng mình đã là một "thầy thuốc như mẹ hiền".

* Năm 1976, anh Trần Hữu Vỹ, chồng chị, đã phải mang đứa con mới 2 tuổi về quê hương Bình Định công tác sau thời gian dài tập kết; còn chị phải đến năm 1979 mới chính thức trở về Bình Định. Vì sao chị phải xa đứa con còn quá nhỏ như vậy?

Bác sĩ Thu (bìa phải) đi kiểm tra sức khỏe bệnh nhân

- Ồ, anh biết đấy, không có người mẹ nào lại muốn sống xa con, nhất là khi nó lại còn quá nhỏ. Tuy nhiên, những trọng trách mà tôi đang đảm nhận tại Trường Trung học Y tế Nghệ Tĩnh không thể nào chuyển giao ngày một ngày hai được, nhất là trong điều kiện cán bộ thời ấy rất thiếu, và thế là tôi đã phải mất đến 3 năm mới đoàn tụ gia đình. Trong thời gian đó tôi vẫn tranh thủ mỗi năm vài ba lần vào thăm cháu. Tuy nhiên sở dĩ tôi an tâm giao con cho chồng chăm sóc vì anh Vỹ nhà tôi rất tuyệt vời. Là kỹ sư nông nghiệp song anh lại là một người đàn ông rất giỏi giang trong việc nhà và chăm sóc con cái. Cả cuộc đời, tôi đã nhờ vả anh ấy rất nhiều. Có thể nói sự thành công của tôi hiện nay, công lao của anh ấy có một nửa.

Cuối năm 1988, Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn (BVĐKQN) ra đời. Trong giai đoạn đất nước vừa thoát ra thời kỳ bao cấp, ngành y tế xuống cấp, trì trệ và đối mặt với nhiều nguy cơ tiêu cực, BVĐKQN đã đặt mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có y đức và tài năng, tạo ra một hình mẫu bệnh viện tận tụy phục vụ bệnh nhân, không để bệnh nhân phiền hà, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực đồng thời nhanh chóng hiện đại hóa các trang thiết bị của bệnh viện. Từ lúc còn là phó giám đốc (1988) đến lúc được đề bạt làm giám đốc bệnh viện, bác sĩ Trần Thị Thu đã có nhiều đóng góp đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu này, đưa BVĐKQN đạt nhiều thành tích đáng kể được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III (1988-1991), rồi Huân chương Lao động hạng Nhì (1992-1997) và hiện đang được xem xét tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

* 8 năm làm Phó giám đốc rồi 8 năm làm Giám đốc BVĐKQN, chị đã cảm thấy thỏa mãn với mục tiêu đặt ra cho BVĐKQN?

- Mục tiêu là cái đặt ra để chúng ta vươn đến. Nếu bảo rằng đã thỏa mãn mục tiêu thì khó. Song tôi cảm thấy rất tự hào trong suốt thời gian gắn bó với bệnh viện chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ khá mạnh. Hiện chúng tôi có 94 cán bộ đại học và trên đại học trong tổng số 380 cán bộ công chức của Trung tâm y tế. Chúng tôi có 8 bác sĩ học chuyên khoa 1; 3 bác sĩ học cao học; 10 bác sĩ học chuyên khoa sơ bộ và chuyên khoa sâu, 3 kỹ thuật viên học cao học... Còn việc hiện đại hóa bệnh viện chúng tôi cũng tự hào là một trong những bệnh viện đi đầu trong tỉnh, trong khu vực. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, chúng tôi đã năng động tạo nguồn để mua sắm trang thiết bị hiện đại: Năm 1988 bệnh viện thành lập thì năm 1989 đã triển khai hàng loạt thiết bị hiện đại như siêu âm chẩn đoán; laser sinh học, laser nội mạch, laser phẫu thuật, điện từ trường trong điều trị. Năm 1992 triển khai khoa y học hạt nhân để chẩn đoán và điều trị sớm bệnh bướu cổ, bazedow, bệnh ngoài da và máy nội soi tiêu hóa. Năm 1993 triển khai chạy thận nhân tạo; đưa vào sử dụng do mổ laser plasma. Năm 1998 triển khai tán sỏi tiết niệu, sỏi túi mật. Năm 2000 triển khai mổ u xơ tiền liệt tuyến bằng máy nội soi...

Bác sĩ Trần Thị Thu sinh năm 1949, ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Năm 1973 tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội và về công tác tại Trường Trung học Y tế Nghệ Tĩnh. Năm 1979 theo chồng về Bình Định và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng khám Số 1 thuộc Phòng Y tế Quy Nhơn.

Năm 1984 được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Y tế; năm 1988 làm Phó giám đốc Trung tâm Y tế đến năm 1997 chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm y tế TP Quy Nhơn.

Trong quá trình công tác, BS Trần Thị Thu đã nhận được nhiều bằng khen của LĐLĐ tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng Chính phủ. Năm 1999, chị vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2001 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; ba lần được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Tháng 10-2002 chị là phụ nữ duy nhất ở Bình Định được Tổng LĐLĐVN tặng danh hiệu "Phụ nữ tài năng sáng tạo".

* Chị có cảm thấy rằng các công trình nghiên cứu khoa học giúp chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng danh hiệu "Tài năng sáng tạo nữ" là nhờ ở sự hiện đại hóa nhanh chóng của bệnh viện?

- Có thể coi đấy là một sự tương tác hai chiều. Tôi rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của bệnh viện. Bệnh viện đã duy trì sinh hoạt KHKT mỗi tuần 2 lần và đã tổ chức thực hiện được rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (mỗi năm trung bình có từ 15-20 đề tài cấp cơ sở và cấp tỉnh). Nhiều đề tài đã được báo cáo tại các hội thảo cấp quốc gia, quốc tế. Bản thân tôi đã tham gia một số đề tài được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao như: ứng dụng laser Hene trong điều trị các bệnh viêm nhiễm; cải tiến phương pháp khám quản lý sức khỏe thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự; điều tra và cải tiến phương pháp quản lý bệnh lao tại TP Quy Nhơn; cải tiến phương pháp quản lý bệnh phong tại cộng đồng; nghiên ứng ứng dụng công nghệ tán sỏi tiết niệu từ ngoài cơ thể; nghiên cứu ứng dụng sử dụng nguồn nước sạch ở Nhơn Hội, điều tra mô hình bệnh tật ở TP Quy Nhơn... 3 trong số những đề tài nghiên cứu khoa học mà tôi tham gia được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo và nhờ đó tôi được phong danh hiệu Phụ nữ tài năng sáng tạo.

* Trước khi về nghỉ hưu chị còn có băn khoăn gì về công việc lãnh đạo ở BVĐKQN?

- Đời sống của người thầy thuốc hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn khiến hiện tượng nhận quà cáp của bệnh nhân đây đó vẫn còn xuất hiện, rồi thì thầy thuốc "chân ngoài dài hơn chân trong" và tình trạng một số thầy thuốc chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn vẫn còn. Tôi mong sao người kế nhiệm tôi tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ bệnh nhân. Với tôi đã là người thầy thuốc thì quy chế chuyên môn là mệnh lệnh tối thượng. Làm trái với quy chế có thể dẫn đến hậu quả chết người. Đó là điều mà tôi muốn nhắn nhủ. Vậy thôi.

. Quang Khanh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tác giả kịch bản Văn Trọng Hùng: "Viết kịch, làm thơ: vừa là đam mê, vừa là một phần máu thịt"  (27/12/2004)
Rơchămlan Măng Téo: "Tôi là người luôn mắc nợ…"   (15/11/2004)
NSƯT Nguyễn Kiểm: "Cần nhất là cái tâm với nghề"   (07/11/2004)
Lòng yêu nghề đã giúp tôi vượt qua nhiều thử thách   (01/11/2004)
K'Quy, người Bình Định "dụng võ" nơi buôn sâu Lâm Đồng   (25/10/2004)
Chưa già đâu, tôi còn phải hoàn thành mấy công trình nữa  (25/10/2004)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Tôi vẫn muốn tìm kiếm, khám phá thế giới con người  (17/10/2004)
Titan càng nghèo đi, tôi càng phải suy nghĩ, sáng tạo   (11/10/2004)
Lập trình viên Lê Hồng Đức: Tôi sẽ dành những sản phẩm trí tuệ cho quê hương   (06/10/2004)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (26/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Tôi không thể nghỉ ngơi trong vinh quang  (19/09/2004)
Công nhân vệ sinh Lê Thị Cúc: Nghèo mấy cũng phải cho con học đến cùng  (12/09/2004)
Tôi còn nợ của công ty mình ba việc nữa   (06/09/2004)
Nguyễn Văn Hải: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"   (30/08/2004)
Làm điều tốt cho mọi người thì tâm hồn mình thanh thản  (22/08/2004)