Bác sĩ Phan Cảnh Cương, Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn:
Nếu phải chọn một, tôi chọn chuyên môn
14:4', 27/12/ 2004 (GMT+7)

Gặp ông lần đầu, ít ai nghĩ đây là một bác sĩ phẫu thuật hay một vị giám đốc. Trông ông giống với một cán bộ hành chính hơn. "Chính công việc đã tạo nên tôi" - ông nói.

* Được đào tạo về khoa ngoại, chuyên ngoại bụng, nhưng bây giờ công việc chính của anh là phẫu thuật chỉnh hình, hơi lệch so với ngành học ban đầu là do anh chủ động lựa chọn hay do cơ duyên đẩy đưa?

BS Cương (ngồi giữa) và các chuyên gia Chữ thập đỏ quốc tế đang kiểm tra một bệnh nhân trước khi phẫu thuật (ảnh: T.H)

- Phải nói là cái duyên. Hồi đó, chúng tôi đi thực tập ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Quảng Ngãi. 3 tháng cuối cùng nhóm thực tập sinh chúng tôi đã chứng kiến một bệnh nhân bị giẫm phải mìn. Mọi người bàn phải cắt cụt các chi của anh ta. Tôi thì cản, bảo còn nước còn tát. Bạn bè khích: "Giỏi thì thử đi!". Vậy là tôi mày mò, ráp lại từng mảnh xương vỡ. Kết quả chẳng cần phải cắt chi. Sau đận đó, tôi được bác sĩ Tô Văn Sáu, làm việc ở Khoa Ngoại của Bệnh viện, rủ tham gia vào các ca phẫu thuật. Năm 1984, khi ra trường, giấy tiếp nhận là của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Nghĩa Bình (cũ), tưởng là được điều về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhưng chẳng hiểu sao lại được điều về Trung tâm (TT) này và tôi gắn bó với TT từ đó.

* Làm việc trong môi trường không đúng với chuyên môn, cơ sở vật chất hồi đó lại thiếu thốn, hẳn không khỏi có những lúc anh cảm thấy không an tâm?

- Quả thật, tôi cũng dao động suốt hai năm liền. Nhưng rồi chứng kiến cảnh những người bệnh phải khổ sở vì bệnh tật, tôi mới "ngộ" ra rằng mình được đào tạo là để phục vụ nhân dân, vậy sao lại kén chọn. Tư tưởng đã thông thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Từ đó, tôi để tâm nghiên cứu, mày mò, học của người đi trước, bạn đồng nghiệp và các chuyên gia nước ngoài. Năm 1993, tôi được cử đi Ấn Độ học trong 6 tháng, sau đó lại tiếp tục đi học ở Thái Lan. Hai lần đi học nước ngoài, tôi tha về trên hai tạ sách chuyên môn, khảo cứu. Cứ thế, tôi tự đọc, tự mày mò nghiên cứu tài liệu, sách bằng vốn liếng tiếng Anh trình độ C của mình. Có thể nói, người thầy lớn nhất của tôi là sách vở. Hàng ngày, vừa làm vừa nghiên cứu, tiếp xúc với bệnh nhân, cảm nhận được ánh mắt của người bệnh và gia đình họ gởi gắm vào mình, dần dà tôi cũng chẳng biết mình yêu nghề từ lúc nào nữa.

Trước năm 1990, ngoài việc sản xuất các dụng cụ chỉnh hình cung cấp cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhiệm vụ chủ yếu của TT là phẫu thuật hỗ trợ cho công việc chỉnh hình. Khối y học chủ yếu phục vụ cho chỉnh hình. Những xương, mỏm cụt nào không khớp với dụng cụ chỉnh hình thì mới tiến hành phẫu thuật. Nhưng từ năm 1990 trở đi, khi bệnh nhân cụt chi do chiến tranh đã giảm, TT chuyển mô hình điều trị bệnh tật, giải quyết khuyết tật chi trên và chi dưới. Từ năm 1995, TT tiến hành phẫu thuật không chỉ phục vụ cho chỉnh hình mà cho cả người bệnh. Số ca phẫu thuật tăng đột biến. Trước những năm 90 chỉ là vài chục ca/năm, nhưng sau này bình quân 100 đến 150 ca/năm. Nhất là từ năm 2000 trở lại đây, trung bình một năm TT phẫu thuật từ 700 đến 1.000 ca, trong đó, riêng bản thân bác sĩ Cương mỗi năm mổ cho khoảng 700 ca.

* Khi chuyển mô hình điều trị như vậy, đội ngũ cán bộ của TT cũng có sự thay đổi để phù hợp?

BS Cương đang khám cho một bệnh nhi (ảnh: T.X.Chi)

- Tất nhiên là phải vậy. Từ mô hình đã được học tập ở các nước đến mô hình điều trị thực tế ở TT, tôi thấy rằng yếu tố con người mới là quyết định, còn máy móc chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Hiện nay, đội ngũ bác sĩ ở TT chỉ có 5 người, 3 trong số này đã được đào tạo chuyên khoa cấp I; các y tá phụ mổ, gây mê, kể cả đội ngũ cán bộ kỹ thuật vật lý trị liệu đều được cử đi đào tạo bài bản. Đôi khi còn có cả các chuyên gia nước ngoài tình nguyện hướng dẫn. Tuy nhiên, điều đầu tiên tôi đòi hỏi BS khi về đây là lòng yêu nghề, sự tận tâm với người bệnh. Chuyên môn yếu có thể bồi dưỡng được nhưng lương tâm, y đức của người thầy thuốc thì tự tâm họ phải tu dưỡng.

Với đội ngũ cán bộ hiện nay, chúng tôi đã đi đào tạo lại cho các BS ở các bệnh viện tuyến y tế cơ sở ở Kon Tum, Nha Trang (Khánh Hòa), đào tạo 50-60 kỹ thuật viên vật lý trị liệu của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây không phải là chức năng của Bộ giao nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tế của các BV muốn phát triển ngành này. Cũng nói thêm là TT may mắn được sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ của Tân Tây Lan, SAP Mỹ, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, Tổ chức Tầm nhìn Thế giới thường xuyên cử chuyên gia qua hướng dẫn.

Hai năm trở lại đây, TT đã tiến hành phẫu thuật cho khoảng 500 ca khuyết tật vận động do di chứng của bại não, đem lại kết quả thành công mỹ mãn. Đây cũng là TT đầu tiên trên cả nước tiến hành loại phẫu thuật này. Từ năm 1997, qua nghiên cứu tài liệu của nước ngoài, bác sĩ Cương đã ấp ủ ý tưởng thực hiện phẫu thuật những di chứng của bại não.

* Tiến hành phẫu thuật những di chứng của bại não, một việc làm quá mới mẻ chắc anh không dễ được ủng hộ?

- Đúng vậy! Không chỉ BS ở ngoài mà ngay cả người ở trong TT cũng phản đối vì họ cho rằng đây là điều khó khăn, mà các nơi khác, kể cả thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều không làm. Chúng tôi đã kết hợp giữa phẫu thuật với điều trị phục hồi chức năng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tôi đã đạt kết quả mỹ mãn, rút ngắn thời gian điều trị xuống rất nhiều. Chẳng hạn như đối với các cháu không cầm nắm được, nếu chỉ điều trị bằng phương pháp phục hồi chức năng, có thể mất từ 5 đến 7 năm mà kết quả vẫn không chắc chắn. Nhưng nếu được phẫu thuật, thêm vài tháng điều trị kết hợp nữa thì đã có kết quả khả quan. Tôi cứ nhớ mãi lời một người dân tộc thiểu số ở Kon Tum đưa con xuống điều trị: "Hồi chưa mổ, con tôi rất tội nghiệp... nhưng giờ nó đứng dậy đi được rồi, tôi nghĩ nó là con người đích thực rồi". Sắp tới đây, tôi sẽ tiếp tục thực hiện thêm 20 ca phẫu thuật cho người khuyết tật vận động, trong đó 80% là do di chứng của bại não do Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế tài trợ.

* Vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn, có ngày thực hiện liên tiếp 10 ca mổ từ sáng đến bảy, tám giờ tối. Có khi nào anh cảm thấy quá căng thẳng không?

- Cho đến lúc này thì chưa. Chiều bay từ Hà Nội về Quy Nhơn, sáng sớm hôm sau tôi vẫn có thể mổ như thường. Người ta hỏi tôi sức ở đâu thì tôi chỉ biết đó là từ lòng yêu nghề, cảm thông với bệnh nhân và may mắn có được một đội ngũ cán bộ giỏi và hiểu mình. Về công tác quản lý, trên phân công thì tôi cố gắng hoàn thành công việc. Nhưng nói thật nếu chọn giữa làm quản lý và chuyên môn tôi xin chọn chuyên môn.

* Nói một chút riêng tư, trông anh có vẻ ngoài không giống với những gì người ta thường hình dung về một bác sĩ phẫu thuật?

Bác sĩ Phan Cảnh Cương, sinh năm 1957, tại Nhơn Phong, An Nhơn, Bình Định.

Từ 1977 đến 1984 học Đại học Y Huế.

Từ năm 1984 công tác tại TT Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn (thuộc Bộ LĐ-TB&XH). Phó Giám đốc TT từ năm 1993 đến 1997. Từ năm 1997 đến nay Giám đốc TT.

Được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2000.

Ngày 2-12 vừa qua, TT Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Bản thân bác sĩ Cương được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

- Tôi chẳng có vẻ gì giống với một nhà phẫu thuật hay khoa học gì cả. Chính công việc nó đã xây tôi lên ấy chứ. Là bác sĩ ngoại khoa thì phải chỉn chu, chính xác đến từng milimét một, còn tôi thì lại luôn quên giờ hẹn, hay đi họp trễ và thường chẳng bao giờ ngồi cho hết một buổi họp vì phải về TT để mổ bệnh nhân.

* "Nội tướng" của anh cũng là người trong ngành, và chị vừa mới được đề bạt lên làm quản lý. Hai người bận rộn vậy, làm sao sắp xếp được thời gian chu toàn công việc gia đình và lo cho con cái?

- Vợ tôi cũng là bác sĩ vừa mới được đề bạt làm Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chúng tôi quen nhau từ thời còn là sinh viên ở Huế. Cùng nghề nên dễ hiểu và thông cảm cho nhau. Mỗi khi đi học chúng tôi đều phải sắp xếp sao cho khỏi trùng nhau, phải có một người ở nhà lo cho con, kẹt quá thì nhờ ông bà ở dưới quê lên chăm sóc các cháu. Chúng tôi có hai cháu, một gái một trai, cháu lớn học cấp 3 tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, cháu nhỏ mới học lớp 3.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm bác sĩ thì quy chế chuyên môn là mệnh lệnh tối thượng   (27/12/2004)
Tác giả kịch bản Văn Trọng Hùng: "Viết kịch, làm thơ: vừa là đam mê, vừa là một phần máu thịt"  (27/12/2004)
Rơchămlan Măng Téo: "Tôi là người luôn mắc nợ…"   (15/11/2004)
NSƯT Nguyễn Kiểm: "Cần nhất là cái tâm với nghề"   (07/11/2004)
Lòng yêu nghề đã giúp tôi vượt qua nhiều thử thách   (01/11/2004)
K'Quy, người Bình Định "dụng võ" nơi buôn sâu Lâm Đồng   (25/10/2004)
Chưa già đâu, tôi còn phải hoàn thành mấy công trình nữa  (25/10/2004)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt: Tôi vẫn muốn tìm kiếm, khám phá thế giới con người  (17/10/2004)
Titan càng nghèo đi, tôi càng phải suy nghĩ, sáng tạo   (11/10/2004)
Lập trình viên Lê Hồng Đức: Tôi sẽ dành những sản phẩm trí tuệ cho quê hương   (06/10/2004)
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi: Giải pháp nào có lợi cho chất lượng giáo dục là tôi làm  (26/09/2004)
HLV Dương Ngọc Hùng: Tôi không thể nghỉ ngơi trong vinh quang  (19/09/2004)
Công nhân vệ sinh Lê Thị Cúc: Nghèo mấy cũng phải cho con học đến cùng  (12/09/2004)
Tôi còn nợ của công ty mình ba việc nữa   (06/09/2004)
Nguyễn Văn Hải: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"   (30/08/2004)