Người ta biết nhiều đến chị là một nghệ sĩ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi người ta lại biết đến chị là một "nghị sĩ" yêu mến nông dân đến thiết tha trong mỗi lần phát biểu ở diễn đàn Quốc hội. Chị giờ sống một mình trong một con hẻm trên đường An Dương Vương, TP Quy Nhơn mà chị tự đặt tên: đường Mỵ Châu với những niềm vui và ưu tư ngày ngày trải đều lên trang giấy.
|
Nhà thơ Lệ Thu trò chuyện cùng đồng chí Nông Đức Mạnh khi là đại biểu Quốc hội Bình Định |
Loay hoay mãi tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ của chị nằm trong một con hẻm của đường An Dương Vương. Chị than phiền con đường không có tên nên nhiều người muốn đến thăm mà không tìm ra. Cả các em sinh viên đến để nói chuyện thơ với chị hoặc nghiên cứu về thơ chị để làm luận văn tốt nghiệp cũng phải năm lần bảy lượt mới tìm ra ngôi nhà của chị. Tức thế chị bèn làm mấy câu thơ: Nhà tôi ở phố Mỵ Châu/ Ngả chờ Trọng Thủy trước lầu COSEVCO.
"Cứ thấy hẻm An Dương Vương thì đặt đại tên đường là Mỵ Châu vậy thôi chứ chính thức thì chưa nghe có nơi nào lấy tên nàng công chúa có "trái tim nhầm chỗ để trên đầu" này ra đặt tên đường" - chị nói vậy rồi chia tay mấy người bạn thơ đồng niên "ưu tiên cho nhà báo lâu ngày mới gặp" cuộc chuyện trò.
- Đọc một số bài thơ như "Phước Hòa quê ngoại", "Làng ven sông"… hay như bài "Về lại miền cổ tháp" mà chị mới làm cách đây vài tháng, thấy vùng quê Bình Lâm, xã Phước Hòa của chị mang một vẻ đẹp man mác, huyền ảo như cổ tích. Chị xa quê năm 14 tuổi, ký ức về miền quê này chưa nhiều sao có thể làm rung động chị mạnh mẽ đến như vậy?
+ Dưới con mắt của tôi vùng quê Tuy Phước rất đẹp. Làng Bình Lâm lại là vùng đế đô của cố quốc Chiêm xưa còn có dấu tích tháp cổ nên luôn gây cho tôi nhiều cảm xúc. Từ 2 tuổi tôi đã sống với bà ngoại ở đây và đã trải qua một thời thơ ấu đầy gian khó nên tôi càng yêu mảnh đất này.
- Chị khởi nghiệp là một nhà báo, rồi làm thơ và trở thành nhà thơ thực thụ, chị có cho rằng những năm tháng làm báo là rất hữu ích cho cuộc đời làm thơ của chị ?
|
Nhà thơ Lệ Thu |
+ Những năm tháng làm báo, nhất là khi làm báo ở chiến trường là quãng thời gian khó khăn, gian khổ song tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi. Ở đấy, vốn sống của tôi được vun đắp rất nhiều; cảm xúc của tôi luôn đầy ắp; lý tưởng được mài sắc và các mối quan hệ giữa con người với con người luôn được thử thách, rèn giũa. Tôi thấy hình như giữa đời sống và cảm xúc sáng tạo tỉ lệ nghịch với nhau. Càng sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, đầy bất trắc và thử thách thì cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ mới được khơi gợi nhiều và do vậy tác phẩm mới lấp lánh.
- Chị lãnh đạo Hội VHNT Bình Định trong thời điểm đầy khó khăn, nhất là tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài, khó tìm thấy tiếng nói chung trong ban chấp hành… Giờ, sau gần 7 năm nghỉ ngơi, chắc chị đã đủ thời gian để ngẫm nghĩ về những ngày tháng đó ?
+ Trước hết, xin nói rằng tôi hoàn toàn không ân hận gì về những ngày tháng tôi lãnh đạo Hội VHNT. Được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội, tâm huyết của tôi là muốn xây dựng một đội ngũ sáng tác văn nghệ giàu sức sống, tiếp nối một cách xứng đáng mảnh đất giàu truyền thống thi ca mà những nhà thơ tiền bối như Yến Lan, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… đã làm nên. Tôi cho rằng lực lượng sáng tác ở Bình Định đều tốt, họ hiền lành và tâm huyết đối với quê hương. Tiếc rằng trong thời điểm ấy có một số người không phải là văn nghệ sĩ nhưng số phận run rủi họ lại khoác vào chiếc áo văn nghệ và những hành vi của họ đã gây phiền hà cho những người tâm huyết với văn chương nghệ thuật, làm ảnh hưởng đến không khí văn nghệ của tỉnh nhà. Sâu xa của vấn đề lúc đó là mối quan hệ giữa con người với con người, sao mà nó chật chội quá mức. Có lẽ do một số người không thắng nổi chủ nghĩa cá nhân mà ra thôi! Thú thật lúc đó có những con người mà tôi cảm thấy chán chứ không ghét được.
- Chị bảo có những kẻ khoác áo văn nghệ vậy theo chị, thế nào là người làm văn nghệ đích thực?
+ Thay cho câu trả lời, tôi xin đọc anh nghe bài thơ này nhé.
Chị mở tập sách "Đến với thơ Lệ Thu" tìm bài thơ "Tự nhủ" rồi cất giọng: "Đừng viết về niềm vui khi lòng ta thực sự buồn/ Đừng viết về nỗi buồn khi ta quá cách xa những cuộc đời bất hạnh./ Những con sóng đi tìm bầu bạn/ Những trái tim chân thật đợi chờ/ Phải biết làm người trước lúc làm thơ/ Phải biết nhận về mình phần chát chua cay đắng, để vị ngọt cuộc đời còn đọng ở câu thơ… / Chiều vãn nắng, bóng tối mình không đổ xuống những chồi xanh".
Giọng chị vẫn trẻ trung, sang sảng…
- Nghe chị đọc thơ mà nhớ thời chị hùng biện ở diễn đàn Quốc hội. Để có những ý kiến phát biểu giàu tính thuyết phục như vậy chắc chị phải đọc nhiều lắm?
|
Nhà thơ Lệ Thu thời còn là phóng viên chiến trường Trung Trung bộ của Đài Phát thanh Giải phóng |
+ Đó cũng là những ngày tháng rất đẹp của cuộc đời tôi. Tôi xác định đại biểu Quốc hội không phải là quan chức mà là đại biểu của dân. Là dân văn nghệ, tôi có nỗi ám ảnh của từ "nghị gật" mà một nhà văn đã hình tượng nên. Những năm tháng đó, tôi luôn phải học tập, đọc luật và nghiên cứu rất kỹ các văn bản từ Văn phòng Quốc hội chuyển về để rồi ở mỗi kỳ họp tôi đều có những ý kiến phát biểu xác đáng. Tôi xuất phát từ nhà nông nên các phát biểu của tôi luôn đứng về phía người nông dân, nhất là nông dân nghèo. Những ý kiến về chống tham nhũng, chống tiêu cực của tôi trên diễn đàn Quốc hội cũng rất được lưu ý.
- Chị là người thành đạt trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật và cả trên chính trường, song hình như hạnh phúc và tình yêu lại không mỉm cười với chị?
+ Luật bù trừ mà! Biết đâu chính cái sự "không mỉm cười" kia lại giúp thăng hoa cho cái sự "thành đạt" nọ. Nam Cao nói "hạnh phúc như chiếc chăn hẹp" mà tôi thì lại rất sợ người khác bị hụt vì mình. Là nói vậy thôi, hạnh phúc là do quan niệm của mỗi người. Tôi nghĩ: trong đời gặp một người xứng đáng luôn hiểu mình và chia sẻ được buồn vui với mình, làm cho mình tự tin, có ích và cao thượng hơn thì dù có chung sống với nhau hay không, có con cái với nhau hay không, hạnh phúc cũng luôn mỉm cười với họ…
- Nhưng ngay cả với người con trai duy nhất chị vẫn để cho anh ấy sống xa chị?
+ Là tôi thích như vậy thôi. Tôi không quan niệm "trẻ cậy cha già cậy con". Thời trẻ vì chiến tranh con trai tôi đã phải sống xa tôi. Dẫu vậy suốt cuộc đời mình, tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được của một người mẹ cho con được thành đạt. Hiện con tôi đang công tác ở Vụ Hợp tác phát triển (Bộ NN&PTNT). Chúng tôi vẫn thường xuyên trò chuyện qua internet.
- Thấy chị mua sắm máy vi tính và kết nối internet, có vẻ như chị còn đang tiếp tục công việc viết lách?
+ Thì tôi vẫn đang làm thơ đấy. Hàng ngày nhiều bạn thơ vong niên và đồng niên vẫn đến nhà tôi thăm chơi và chia sẻ với tôi những tác phẩm mới của mình. Tôi cũng lấy đó làm niềm vui. Thời làm báo, tôi có viết nhật ký. Bây giờ giở ra thấy mối mọt đã bắt đầu xâm phạm và tôi đang nảy ra ý định đọc lại quyển nhật ký này và viết hồi ký.
. Quang Khanh (thực hiện)
Nhà thơ Lệ Thu tên thật là Trần Lệ Thu sinh năm 1940 tại xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước. Năm 14 tuổi, Lệ Thu theo cha tập kết ra Bắc, học ở các trường HSMN tại Hải Phòng. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐHTH Hà Nội, chị về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, làm Phó phòng biên tập chương trình phát thanh "Người phụ nữ mới". Năm 1973, Lệ Thu được cử đi B làm Phó đoàn phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng thường trú tại Trung Trung bộ. Sau giải phóng, chị về công tác tại Sở VHTT Nghĩa Bình. Năm 1979, Hội VHNT Nghĩa Bình thành lập, chị được điều về làm Ủy viên Thường vụ BCH; năm 1984 làm Phó tổng thư ký; năm 1992, Đại hội Hội VHNT Bình Định lần thứ nhất chị được bầu làm Chủ tịch và là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997); hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
* Tác phẩm đã in:
- Xứ sở loài chim yến - Hội VHNT Nghĩa Bình - 1980
- Niềm vui cửa biển - NXB Tác phẩm mới - 1983
- Hương gửi lại - NXB Tác phẩm mới - 1990
- Nguyện Cầu - NXB Văn học - 1991
- Chân dung tình yêu - NXB Văn học - 1996
- Tri kỷ - NXB Hội Nhà văn - 2000
- Khoảng trời thương nhớ (tuyển tập những bài thơ về Bình Định - 2000)
- Đến với thơ Lệ Thu - NXB Thanh Niên - 2000.
* Giải thưởng:
Hai lần đạt giải A Giải Đào Tấn - Xuân Diệu |