Sáng ngày 17-12, lần đầu tiên ở Bình Định một phòng triển lãm tranh (art gallery) mang tính chất kinh doanh lâu dài được khai trương ở Khu Trung tâm Thương mại Quy Nhơn. Với các thành phố lớn và các địa điểm du lịch, art gallery không có gì xa lạ nhưng ở Quy Nhơn thì kinh doanh văn hóa dạng này còn rất mới mẻ. Phòng triển lãm tranh đầu tiên này là hệ quả cuộc phối ngẫu rất đẹp giữa chị Nguyễn Thị Xuân Lan, chủ nhân của Gallery Golden Life và họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền. Art gallery đã mở ra một hướng đi mới cho những người làm nghệ thuật ở Bình Định đồng thời đưa nghệ thuật hội họa đến gần hơn với công chúng. Ngay trong ngày khai trương, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai người bạn làm nên địa chỉ mới mẻ này.
* Nguyễn Thị Xuân Lan: Đây sẽ là một địa chỉ văn hóa chứ không phải kinh doanh đơn thuần
Trong ngày khai trương, gương mặt người phụ nữ ở tuổi 37 này lộ vẻ hân hoan khác thường, chị rất cởi mở trước mọi câu hỏi của nhà báo.
|
Nguyễn Chơn Hiền bên bức tranh "Ký ức vườn quê" |
+ Art gallery một phạm trù rất mới mẻ với người dân Bình Định, trong khi du khách đến TP Quy Nhơn chưa nhiều, chị lại phải trả đến 8 triệu đồng tiền thuê mặt bằng mỗi tháng, tôi thấy chị thật quá liều lĩnh?
- Đúng là hơi liều nhưng tôi cũng có cơ sở để liều chứ! Thành phố của chúng ta đang phát triển, nhất là sau khi khu Kinh tế Nhơn Hội mở ra; du lịch ở Bình Định đang chuyển động mạnh mẽ và rất có tương lai; bên cạnh đó, ở Quy Nhơn cũng đã có những khu biệt thự và rất nhiều ngôi nhà xinh đẹp; thị hiếu thẩm mỹ của người dân Quy Nhơn cũng đã được nâng lên… Đó chính là những cơ sở để tôi tin rằng về lâu dài Art gallery của chúng tôi sẽ sống được.
+ Từng trải qua hơn chục năm làm công tác dịch vụ du lịch, thậm chí tháng trước chị còn là phó giám đốc phụ trách kinh doanh một khách sạn lớn ở Quy Nhơn, vậy mà chị đã bỏ tất cả để chọn con đường đầy rủi ro này?
- Tôi đang được làm một công việc mà mình rất yêu thích đấy chứ! Những năm tháng công tác trong ngành Du lịch cùng với thời gian học đại học ngành Quản trị kinh doanh, tôi nảy sinh ý tưởng sẽ mở art gallery và bây giờ là thời điểm thích hợp. Tôi biết chắc chắn rằng trước mắt sẽ có nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cầm cự được bằng việc cùng lúc kinh doanh quán bar ở tầng hai của mặt bằng này. Tôi yêu hội họa từ bé và tuổi thiếu nhi tôi cũng đã từng được chọn đi thi vẽ cấp thành phố đấy! Cách đây không lâu, một người bạn của tôi khi xây dựng xong một ngôi nhà đẹp đã đi tìm mua một bức tranh mà không biết mua ở đâu, đành phải gửi mua ở tận Sài Gòn. Tranh chưa hẳn đã hợp ý mình mà giá lại rất đắt! Vả lại, lâu nay người dân ở thành phố chúng ta mỗi khi tặng quà cho nhau thường chỉ nghĩ đến rượu, thuốc lá… những thứ mà giá trị được quy ra tiền rất cụ thể chứ chưa hề có thói quen tặng một bức tranh. Tôi nghĩ nếu quà tặng là một bức tranh sẽ rất hay vì nó sẽ trở nên vô giá nếu người được tặng thích thú.
+ Không hiểu sao chị lại chọn họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền chứ không phải là ai khác để làm cuộc triển lãm "mở hàng" cho Art gallery của chị?
- Thực ra tôi cũng chỉ mới được biết anh Hiền vài tháng nay. Ngay từ lần gặp đầu tiên tôi đã quý mến anh ấy. Anh ấy có vẻ phóng khoáng, nhẹ nhàng, dễ chịu và khi tôi đề cập đến việc hợp tác, anh ấy đã có những quyết định rất nhanh chóng chứ không như một vài họa sĩ mà tôi đã từng gặp.
+ Sau triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền, Art gallery của chị sẽ dành cho ai nữa?
- Mấy hôm nay cũng đã có một vài họa sĩ và cả những nhà nhiếp ảnh chủ động đặt vấn đề nhưng quan điểm của tôi là sẽ luôn làm mới gallery của mình để tránh sự nhàm chán cho người đến thưởng thức cũng như giúp cho khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn. Việc làm mới cũng có thể là làm lại tất cả cũng có thể chỉ thay đổi một phần. Với Art gallery này, tôi muốn biến nó thành một địa chỉ văn hóa chứ không phải kinh doanh đơn thuần…
* Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền: Tôi hy vọng sẽ bán được tranh nhưng không coi đó là nguồn sống
Những ngày trước thường thấy vẻ mệt mỏi do làm việc quá sức trong cái dáng người hơi gầy của Chơn Hiền, nhưng ngày khai mạc triển lãm tranh trông anh khác hẳn.
+ Tôi rất ngạc nhiên là tại cuộc triển lãm ở Gallery này anh đã chọn treo đến 40 bức tranh, hầu hết là tranh mới sáng tác. Vừa công tác ở Sở VHTT vừa dạy nhiều lớp vẽ luyện thi đại học, anh cầm cọ lúc nào mà có nhiều tranh như vậy?
|
Chị Nguyễn Thị Xuân Lan (bìa phải) giới thiệu tranh với người xem tranh |
- Tôi cảm ơn Nhà nước đã cho tôi được nghỉ 2 ngày trong tuần, đó là thời gian ít ỏi tôi dành cho niềm đam mê bên cây cọ. Quả thực, tôi có quá ít thời gian cho cái nghiệp họa sĩ của mình nên tôi phải lao động cật lực, cả mồng một Tết bạn bè vẫn thấy tôi cầm cọ. Tôi vốn học chuyên khoa về tranh lụa nhưng bây giờ thì phải vẽ tranh sơn dầu vì vẽ sơn dầu có thể tiếp nối nếu dở dang còn tranh lụa thì phải vẽ liền một mạch.
+ Xem tranh của anh, có cảm giác anh là người hạnh phúc bởi mọi thứ thể hiện trong tranh đều tròn đầy, viên mãn; một chút trăn trở nếu có cũng chỉ là trong ký ức… Anh có vẻ là người không khoái các trường phái trừu tượng, siêu thực?
- Tôi có vợ và 2 con, cuộc sống và công việc đều tốt đẹp. Tôi hài lòng với cái tổ ấm của mình, nên nếu thấy một sự bình yên trong tranh của tôi cũng là điều dễ hiểu. Còn về quan niệm sáng tác, tôi thấy rằng người xem tranh nói chung và người Bình Định nói riêng, hầu như đều rất thờ ơ với tranh trừu tượng, siêu thực. Bằng chứng là cuộc triển lãm tranh của 3 tác giả Bình Định xa quê vừa qua hầu như rất ít người để mắt đến. Tôi muốn cho người xem tranh hiểu mình từ những thông điệp đơn giản nhất và chọn lối đi cho riêng mình.
+ Ở triển lãm tranh lần thứ nhất, tông màu chủ đạo trong tranh của anh là xanh - đỏ, còn ở lần này lại thấy toàn một màu hồng cho cả phòng tranh, anh có thể lý giải sự thay đổi này không?
- Ồ, một phát hiện thú vị đấy! Tôi hoàn toàn không biết điều này, ngay cả khi chọn màu để vẽ cho mỗi bức tranh, tôi cũng không nghĩ là mình đã chú ý đến màu hồng nhiều như thế. Có lẽ đây là một sự thay đổi tự thân, ngoài ý thức nên tôi không thể lý giải được.
+ Vẽ tranh đưa vào Gallery để tiếp cận với thị trường chắc chắn sẽ khác với vẽ bằng sự ngẫu hứng của cảm xúc. Khi đưa tranh đến Gallery này anh có nghĩ đâu là "hàng thị trường" còn đâu là "hàng độc" chỉ làm "của để dành" không?
- Tôi chưa nghĩ tới điều đó. Tôi đã mang tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tôi có đến với Gallery này để hợp tác với cô Xuân Lan. Tôi cũng chưa biết được "hàng thị trường" sẽ hợp với xu hướng nào. Có thể, bây giờ tôi sẽ bắt đầu quan tâm đến điều đó.
+ Nhân vật trong tranh của anh phần lớn là phụ nữ, điều này có lẽ anh lý giải được?
- Thượng đế ban cho phụ nữ vẻ đẹp mà tôi chắc là không chỉ riêng tôi rung động. Ca ngợi vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là sở thích của tôi. Ngoài ra, tôi có một miền quê rất đẹp và cũng rất dữ dội trong ký ức của mình, gần đây tôi luôn trăn trở về nó. Bức "Ký ức vườn quê" và "Chuyến tàu về quê hương" là những bức tranh tâm huyết của tôi trong triển lãm này.
+ Anh có hy vọng sẽ bán được tranh tại Gallery này không?
- Thực sự tôi không coi việc bán tranh làm nguồn sống vì thực tế bao nhiêu năm cầm cọ, những bức tranh tôi bán được chưa đủ để tôi mua màu, mua lụa… nhưng bây giờ khi hợp tác với Gallery này tôi hy vọng sẽ bán được tranh.
Ở Bình Định không thiếu những họa sĩ có tài nhưng quả thật chưa ai có thể sống được bằng nghề vẽ tranh. Một số họa sĩ gửi tranh tại các gallery ở những thành phố lớn thì luôn bị chặn đầu chặn đuôi, thậm chí nếu có người mua tranh thì chủ gallery cứ vô tư phù phép bán tranh đã chép lại còn tranh nguyên bản thì vẫn cứ nằm chờ… Gallery Golden Life mở ra ở TP Quy Nhơn cũng đồng nghĩa với việc mở ra một niềm hy vọng đưa tranh tiếp cận với đời sống và giúp các họa sĩ tỉnh nhà có cơ hội sống được bằng niềm đam mê của mình.
. Quang Khanh
Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền sinh năm 1962. Quê quán thôn Tân Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Tốt nghiệp cử nhân Nghệ thuật Huế năm 1986. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Có tranh triển lãm toàn quốc, KV5 nam miền Trung - Tây Nguyên. Triển lãm tranh cá nhân lần thứ nhất năm 1998 tại TP Quy Nhơn.
Giải thưởng:
- Giải B giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ I (1990-1995)
- Giải A giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ II (1996-2000)
- Tặng thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam KV5, các năm: 1997, 1999, 2001
Hiện công tác tại Sở VHTT Bình Định. |