Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, Chủ Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga:
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt
10:55', 26/4/ 2004 (GMT+7)

Nhiều người gọi chị là cô giáo, người khác gọi chị là nhà từ thiện, người khác nữa lại bảo chị đích thị là một nhà doanh nghiệp... nhưng chị chẳng thích danh hiệu nào trong số ấy, chị nói: "Thật lòng tôi chỉ muốn được làm một người tốt".

Ông Phạm Bá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm gian hàng Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga tại hội chợ

Hơn 10 năm mò mẫm tổ chức ra một mô hình dạy nghề mới toanh: dạy nghề cho người tàn tật, Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga đã trải qua biết bao thăng trầm và bản thân chị cũng đã nhiều lần tưởng như hụt hơi, quỵ ngã nhưng rồi chị lại đứng lên, Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga ngày càng vững mạnh.

* Cơ duyên nào khiến chị trở thành nhà bảo trợ cho người tàn tật?

- Năm 1991, cô em gái tôi bị tai nạn giao thông, suốt 2 năm ròng đi nuôi em từ các nhà thương ở Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hà Nội... tôi đã gặp quá nhiều người bị khuyết tật. Tôi thường nghĩ về tương lai của họ cũng như nghĩ về tương lai của em gái tôi. Họ sẽ phải làm gì để có một cuộc sống đàng hoàng? Vốn có một cơ sở đan len nho nhỏ với mươi học trò ở thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, tôi nghĩ tới việc sẽ dạy nghề miễn phí cho họ. Tháng 5-1993, tôi xuống Quy Nhơn tìm đến các bệnh viện và vào cả Trung tâm phục hồi chức năng để tìm người tàn tật ngỏ ý giúp đỡ họ học nghề nhưng đi suốt cả ngày và tiếp xúc với cả chục người tàn tật tôi đều nhận từ họ cái lắc đầu dửng dưng. Hình như họ không tin tôi lắm. Cuối ngày hôm đó tôi ghé thăm nhà một người quen có nhiều mối quan hệ xã hội và khi nghe tôi bày tỏ ý tưởng, anh ấy đã giúp đỡ. Anh đưa tôi đến Sở Lao động - TB&XH và từ đây, Ban giám đốc của Sở đã giới thiệu tôi đến Trung tâm xúc tiến việc làm (TTXTVL) của Sở và cơ hội đã mở ra.

* Những người tàn tật còn chưa tin chị, làm sao mà TTXTVL lại có thể tin tưởng giao cơ sở cho chị mở lớp dạy nghề?

Cùng đi tham quan với các em học sinh khiếm thính của cơ sở

- Khi nghe tôi trình bày ý tưởng và đề nghị Trung tâm chỉ cần giúp cho tôi một vài phòng học, bàn ghế và làm công tác tuyển người tàn tật có nhu cầu học nghề, còn lại máy móc, giáo viên và cả hàng len để học sinh thực tập tôi sẽ tự túc, Giám đốc TTXTVL lúc đó là anh Huỳnh Quang Trắc (hiện là Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh) đã chấp nhận lời đề nghị này. Tôi nhớ như in câu nói của anh Trắc: "Tôi chưa biết cô là người thế nào, công việc ra sao, nhưng tôi chấp nhận để cô làm ra sao rồi từ chỗ "ra sao" đó mình sẽ làm cho nó ra sao". Một câu nói tưởng lòng vòng khó hiểu nhưng lại hết sức cụ thể, nó vừa bày tỏ lòng tin của anh đối với tôi lại vừa khích lệ công việc của tôi. Vậy là 2 tháng sau, tháng 7-1993, lớp dạy nghề miễn phí cho người tàn tật trực thuộc TTXTVL ra đời tại cơ sở của Trung tâm, nhà số 18 - đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn.

* Quản lý vài mươi học sinh khuyết tật, rồi phải lo ăn, ở, sinh hoạt, đời sống tinh thần cho các em... hẳn chị đã gặp không ít  khó khăn?

- Khó khăn trăm bề. Nhưng tôi đã vượt qua được nhờ tình yêu thương đối với các em; sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, ban ngành, những người hảo tâm và đặc biệt là sự động viên của các chị bên Hội LHPN tỉnh. Điều may mắn nhất đối với tôi là những năm ấy sản phẩm đan len làm ra bán rất chạy. Tháng 7 mở lớp thì tháng 10 đã mở được cửa hàng giới thiệu sản phẩm và trong 3 năm đầu, mỗi năm lớp học đã sản xuất và tiêu thụ cả tấn len! Nhiều em sau vài tháng học nghề đã có thể nhận lương theo sản phẩm.

Đến năm 1997, trước những chính sách mở của Nhà nước về việc cho tư nhân thành lập các cơ sở dạy nghề cho người tàn tật, cùng với những điều kiện thuận lợi khác, tôi đã mạnh dạn thuê nhà 100 Phan Bội Châu này và thành lập Cơ sở dạy nghề Nguyễn Nga. Nhưng sau đó là chuỗi ngày đầy khó khăn của cơ sở. Mặt hàng đan len không còn hít trên thị trường; các em tàn tật xin vào học nghề lại quá đông. Trước tình hình đó cơ sở phải mở rộng các ngành hàng. Ngoài dạy đan len, chúng tôi còn tổ chức dạy các lớp may quần áo, túi xách, balô, bóp ví... và dạy cả nghề tiện gỗ. Không có nguyên liệu cho các em sản xuất, tôi đã phải thuyết phục gia đình thế chấp ngôi nhà lấy mấy trăm triệu đồng mua nguyên liệu là hàng thổ cẩm địa phương nhưng do du di với cách làm của các em tàn tật mới học việc, tôi đã suýt phá sản vì hàng đống áo quần, bóp ví, ba lô, túi xách... làm ra xấu tệ, không ai mua. Hàng ứ đọng gần cả năm trời, tôi và cả các em lúc nào mặt mày cũng như nhà có đám. May sao, cuối năm đó, tôi cũng bán được.

* Có bao giờ chị coi những điều kiện đó như là một lợi thế để bán hàng?

- Không bao giờ! Tôi luôn nhắc nhở các em: "Người ta chỉ thương người tàn tật chứ không bao giờ mua sản phẩm tàn tật".

* Xin lỗi, chị có thể không trả lời câu hỏi này: Hiện cơ sở của chị có những nguồn thu nào?

- Hiện nay cơ sở của chúng tôi có mấy nguồn thu: Nguồn thu từ sản phẩm do các em làm ra; nguồn thu từ lệ phí học văn hóa của 100 em khiếm thính và nguồn thu từ các khoản ủng hộ thường xuyên và không thường xuyên của các nhà từ thiện; doanh thu từ bán sản phẩm hàng tháng. Nói chung những khoản thu này cũng đủ để trang trải các hoạt động của cơ sở. Bản thân tôi từ năm 1998 đến nay, cũng chỉ là người làm công ăn lương.

* Chị là chủ một cơ sở dạy nghề tư nhân, nói vậy chị lại là người làm công cho chính chị?

Nguyễn Thị Thanh Nga sinh năm 1963. Quê quán thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn. Tốt nghiệp Phổ thông trung học năm 1983; Tốt nghiệp đại học khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh (lớp đại học từ xa) năm 1998.

- Từ năm 1998, tôi đã sắp xếp lại tổ chức cho Cơ sở dạy nghề. Lãnh đạo cơ sở hiện nay là một tập thể gồm 5 người. Tất cả những tài sản nào là của tôi, tôi đã khoanh lại và kiểm kê chặt chẽ, coi như tôi cho cơ sở mượn. Tất cả các khoản thu, chi chúng tôi đều công khai trong tập thể này. Các khoản ủng hộ từ các nhà từ thiện, chúng tôi sử dụng vào việc gì đều có báo cáo cụ thể gửi cho người ủng hộ.

* Vậy mỗi tháng chị được nhận bao nhiêu tiền lương?

- Lương của tôi sở mỗi tháng là 1,5 triệu đồng.

* Cứ như lời chị nói thì Cơ sở đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, vậy chị còn mơ ước gì nữa không?

- Càng làm tôi càng thấy mình còn thiếu rất nhiều thứ. Khi mở lớp dạy nghề cho người tàn tật, tôi mới biết rằng để họ học được nghề trước hết phải dạy văn hóa cho họ. Có vốn văn hóa nhất định, có nghề nghiệp lại phải lo chăm lo cho họ về mặt sức khỏe và cả đời sống tinh thần. Từ đầu năm nay, tôi đã lập một dự án xin mở rộng Cơ sở thành Trung tâm giáo dục - dạy nghề trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của dự án là giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quy mô đào tạo của trung tâm là 300 học sinh/năm. Trung tâm sẽ tổ chức giáo dục văn hóa, giáo dục nghề nghiệp và bồi dưỡng năng khiếu cho các em. Nhiều cá nhân và tổ chức từ thiện đã sẵn sàng ủng hộ việc xây dựng Trung tâm này ngay khi được tỉnh cấp đất. Bản thân tôi cũng rất sẵn sàng hiến tất cả những gì đang có của Cơ sở cho trung tâm này. Nếu trung tâm thuộc sự quản lý của Nhà nước cũng rất tốt, tôi sẽ xin được vào làm thuê như đã làm lâu nay. Vấn đề là làm sao để trẻ khuyết tật có cơ hội để được học tập, vui chơi như bao trẻ bình thường khác.

. Quang Khanh - thực hiện

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)