Chân chất thuốc Nam
18:2', 26/4/ 2004 (GMT+7)

Không hiểu sao, mỗi khi hình dung về ông, tôi lại nghĩ đến những vị thuốc Nam. Cũng không hẳn bởi ông là người làm cái nghề y học cổ truyền. Có lẽ, bởi ông cũng như những vị thuốc Nam, chân chất, mộc mạc, âm thầm cống hiến cho cuộc đời. Ông là bác sĩ Hồ Minh Hùng - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Định.

Bác sĩ Hồ Minh Hùng đang thăm mạch cho bệnh  nhân

Chưa gặp bác sĩ Hùng, tôi đã được nghe nhiều người kháo rằng ông rất giỏi trị viêm tắc động mạch. Lại có chuyện, có bệnh nhân, được một bệnh viện bên tây y cho về, tìm đến ông và cuối cùng lại khỏi. "Quái lạ, tưởng y học cổ truyền chỉ chữa những bệnh nhẹ, bệnh mãn tính, bệnh của người già, ai ngờ, ngay cả những bệnh mà tây y bó tay, y học cổ truyền cũng có đất dụng võ…". Tự nghĩ vậy, và tôi cứ hình dung hẳn đây là một ông lang già như bao cụ ông hốt thuốc nam, thuốc bắc khác, chí ít thì cũng dong dỏng cao.

Đến khi, gặp ông thì tôi mới… bé cái nhầm. Đó là một người đàn ông trung niên, tóc hoa râm, không cao, hơi đậm người và… chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác hơi vất vả, tất bật thế nào.

* Chỉ còn thấy thương người bệnh

Mãi sau, qua câu chuyện với ông, tôi mới thấy cái cảm giác của mình cũng có phần hữu lý. Này nhé, làm bác sĩ, lại là một trưởng khoa như quan niệm là ngồi khám bệnh và kê đơn, cùng lắm là hướng dẫn thêm về chuyên môn cho điều dưỡng, hộ lý. Còn với ông thì không, ngoài những công việc như trên, lại còn phải luôn chân luôn tay bên bệnh nhân. Hết châm cứu, rồi thủy châm, tập cho bệnh nhân vận động, chăm sóc bệnh nhân... Nhất là những ca viêm tắc động mạch nặng, các chi đã teo và đang bị hoại tử, cũng lại ông xông vào rửa, thay băng, cắt vết thương…

"Sao anh không giao cho anh em họ làm" - tôi hỏi. "Thì mình cũng phải xắn tay vào làm với anh em. Với lại, đứng trước người bệnh, thì còn nề hà gì bác sĩ hay hộ lý" - ông nói. Tôi lại hỏi: "Vậy những khi tiếp xúc với bệnh nhân hoại tử như vậy, anh có thấy ngại?". Ông trả lời: "Nói thật là lúc mới bắt đầu làm, mình cũng thấy ngại ngại, nhưng làm riết rồi quen. Với lại, trước nỗi đau của người bệnh, mọi cảm giác ngại như vậy đều trở thành chuyện nhỏ. Lúc bắt tay vào làm, không chỉ mình mà tất cả các anh em ở đây, chỉ còn thấy thương người bệnh". 

Tôi hỏi ông về trường hợp bị viêm tắc động mạch đã được ông chữa khỏi mà tôi chỉ mới kịp nghe loáng thoáng kia. Biết ông là người kiệm nói về mình, bác sĩ Lê Phước Nin, Phó giám đốc Bệnh viện, đỡ lời: "Hồi đó, vào tháng 9 năm 2001, một bệnh nhân tên là Đoàn Thị Lực ở tổ 2, khu vực 3, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn bị viêm tắc động mạch, hoại tử nguyên cả bắp chân trái, các đầu chi đều đen hết, hai tay sưng vù, tắc cả động mạch, tĩnh mạch ở các chi. Sau một thời gian điều trị ở các bệnh viện, kể cả vào thành phố Hồ Chí Minh cũng không dứt, con cháu đưa bà vào Bệnh viện này, cũng chỉ nghĩ còn nước còn tát vậy thôi. Mới nằm được một tuần, đau quá, bà cứ đòi chết lên chết xuống và muốn được về nhà. Các bác sĩ thuyết phục mãi mới chịu ở lại. Vậy mà bác sĩ Hùng điều trị được khoảng một tuần thì thấy đỡ đau, từ đó bà cụ mới tin tưởng và chịu ở lại yên tâm điều trị. Tính ra, bà cụ phải điều trị hai lần, mỗi lần mất trọn một tháng trời, vết thương vùng cơ bắp đỡ hẳn, chỉ còn khoảng 2cm, đi lại được và xuất viện vào cuối tháng 4 năm 2002".

* Bắt đầu từ một đồng cảm

Quê ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, sau khi học xong phổ thông, năm 1978, ông thi vào Đại học Y thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984, ra trường, ông có 5 năm là sĩ quan dự bị ở Quân khu 7. Năm 1989, ông chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và công tác ở đây từ đấy đến giờ. Ông nói vắn tắt về cuộc đời mình là vậy.  

Hỏi lý do để ông theo đuổi cái nghiệp vất vả này, ông cười: "Hồi đó, một phần là do nhà trường phân, một phần là mình chọn. Nói thật, trong nhà mình cũng có ông nội làm nghề thuốc, ba mình hồi đầu cũng làm, chỉ ngưng sau khi đi bộ đội. Hồi nhỏ, cứ nhìn ông già bốc thuốc cũng mê, nhưng cũng chưa có ý nghĩa sẽ theo nghề thuốc Nam. Nhưng sau khi vào học ngành y, được phân đi thực tập ở các bệnh viện, mới quyết tâm theo hẳn mảng y học cổ truyền. Số là hồi đó, thuốc men còn khan lắm. Nhiều khi, bệnh nhân đau mà không có thuốc. Càng đồng cảm với người bệnh bao nhiêu, càng thấy bức xúc. Trong khi đó, nguồn cây thuốc trong dân gian thì nhiều và chưa khai thác được hết, mà nhiều bài cũng hay dữ lắm, đâu có kém gì thuốc Tây. Vậy tại sao mình không theo y học cổ truyền, chả dám nghĩ là giữ gìn vốn quý cha ông gì cho cam, chỉ vì làm y học cổ truyền thì không đến nỗi quá bức xúc về  thuốc men, dược liệu".

Ngoảnh qua ngoảnh lại, đến giờ ông đã có 15 năm trong nghề, vậy mà chưa lúc nào, ông có ý định bỏ nghề. Dẫu vẫn biết mức thu nhập ở Bệnh viện này vẫn còn khá thấp. Ngoài lương, mỗi tháng một cán bộ Bệnh viện chỉ có thêm khoảng 80 - 90 ngàn đồng/người. Trong khi đó, lượng bệnh nhân lại đông, đa phần là người có tuổi, bị bệnh mãn tính nên cũng hơi khó tính. Do vậy, các bác sĩ, điều dưỡng đều phải biết ý mà "chìu" các cụ.

* Sợ xa chuyên môn

"Công việc cứ thế mà cuốn tôi đi" - bác sĩ Hùng cười và nói vậy khi nhìn lại về quãng thời gian 15 năm gắn bó với nghề thuốc của mình. Hàng ngày, người bác sĩ này vẫn đi từ xã Phước Sơn (Tuy Phước) về Quy Nhơn làm việc. Ông nói: "Bây giờ có cái xe máy còn đỡ chứ trước đây đi xe đạp, từ Phước Sơn về Quy Nhơn nhất là vào mùa mưa thì đúng là trần sanh...". Đến nay, vợ, con ông vẫn bươn bả trên mặt ruộng đất quê nhà.

Bác sĩ Nin cho biết: "Nói thật, với anh em bác sĩ trong Bệnh viện, bác sĩ Hùng vừa như một người đàn anh, vừa nhiều kinh nghiệm trong nghề, vừa giỏi về chuyên môn. Có lúc, Ban Giám đốc đã bàn nhau đưa anh Hùng về làm ở Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, nhưng ảnh cứ lắc đầu quầy quậy". "Mình sợ xa bệnh nhân, xa chuyên môn lắm" - ông giải thích gọn với tôi như vậy. Rồi ông lại kể với tôi, một cách say sưa về những cây thuốc, vị thuốc, những kinh nghiệm mà ông học được từ dân gian, từ sách vở, từ những người đi trước, về những dự định hãy còn ấp ủ về những nghiên cứu mới để tìm những cây thuốc, bài thuốc phù hợp...

Nghe ông kể chuyện thao thao, thay cho cái hình ảnh một con người tất bật, lận đận trong ấn tượng ban đầu, trước mặt tôi, ông như hóa thân thành người khác, sôi nổi, say sưa, chân thành.

Cái ấn tượng đó càng rõ hơn khi theo chân người bác sĩ này xuống các buồng bệnh. Trên khuôn mặt ông, tôi thấy không lúc nào thiếu một nụ cười. "Cụ đã đỡ thêm chút nào chưa", "Cụ gắng chịu đau chút nha!" "Còn đau lắm không cụ"… ông cứ ân cần vừa hỏi chuyện, vừa thoăn thoắt các thao tác thủy châm. Cái khoảng cách giữa một bác sĩ với bệnh nhân hẳn nhiên đã không còn. 

Nhìn cái miệt mài của ông một khi đã bị cuốn vào trong công việc, rồi nhìn cái lịch làm việc vốn hãy còn kín đặc của ông, tôi hiểu, đã đến lúc mình phải trả người bác sĩ này về với những bệnh nhân. "Lương y như từ mẫu", qua cái dáng đi tất bật của ông, tôi tự hiểu, đó không còn là một câu khẩu hiệu suông, để treo lên những bức tường bệnh viện, mà đã thật sự hóa thân vào đời sống ở đây.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)