Hai kỹ sư của Xí nghiệp Chế biến hàng xuất khẩu (XNCBHXK) Cầu Tre: Cao Hồng Hùng và Bùi Việt Dũng đã nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ hoa lài và thực hiện thành công đề tài khoa học "Quy trình công nghệ và thiết bị công nghiệp chiết xuất tinh dầu hoa lài và ứng dụng của tinh dầu hoa lài trong kỹ nghệ ướp trà". Công trình vừa được trao giải khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).
* Từ một đơn đặt hàng
Mọi việc bắt đầu từ sự biến động giá của hoa lài - một loài hoa có hương thơm ngát. Do cây lài ra hoa thay đổi theo thời vụ nên cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhiên liệu.
Cứ khoảng từ tháng ba đến tháng sáu là cây lài ra hoa tập trung và cho năng suất cao, giá hoa lài trong thời điểm này hạ xuống tới mức thấp nhất, chỉ khoảng 2.000 đồng/kg (bình thường 6.000 đồng/kg). Ngược lại, mùa mưa, từ tháng bảy đến tháng mười hai bông lài lại khan hiếm, có giá cao kỷ lục từ 45.000 - 65.000 đồng/kg. Thế nhưng lúc ấy người ta vẫn mua đến nỗi không đủ bông để cung cấp.
Từ sự biến động đó, có người nghĩ cách nghiên cứu, tạo ra các quy trình công nghệ và thiết bị công nghiệp chiết xuất tinh dầu hoa lài nhằm khắc phục những hạn chế khách quan của thời vụ. Mặt khác, khi giải pháp này được hình thành sẽ kích thích người dân tăng gia trồng lài góp phần vào sự phát triển sản xuất ngành tinh dầu nói chung và tinh dầu từ hoa lài nói riêng...
Năm 1999, XN CBHXK Cầu Tre đã đặt hàng Khoa Hóa, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh thực hiện một công trình nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ hoa lài, ứng dụng vào kỹ nghệ ướp trà. Vào thời điểm đó, Cao Hồng Hùng (sinh năm 1974 tại Bình Định), đang là sinh viên chuyên ngành hóa học của trường cũng đang thực hiện các nghiên cứu về mùi hương của các loài hoa.
Quá thích thú khi nhận "đơn đặt hàng" đúng với chuyên ngành mình nên Hùng bắt tay vào việc ngay. Hùng chú trọng khảo sát, phân tích thành phần hóa học, các chỉ số vật lý, chỉ số hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các độc tố kim loại nặng của tinh dầu hoa lài để bảo đảm an toàn khi sử dụng... Nguồn nhiên liệu mà Hùng khảo sát là loài lài Sambac có nhiều ở quận 12- TP Hồ Chí Minh.
Để thực hiện phương pháp chiết xuất tinh dầu hoa lài, Hùng dùng nguyên liệu dầu thô làm dung môi, trích ly tinh dầu hoa lài bằng cách dùng áp lực khuấy trộn để phá vỡ các túi tinh dầu từ hoa nhằm làm cho chúng hòa tan trong dung môi, sau đó lắng, lọc và chưng cất áp suất kém để tách hoàn toàn dung môi ra khỏi tinh dầu (sáp hoa). Sáp hoa lại được hòa tan trong etanol, sau đó được lọc và chưng cất áp suất kém để tách etanol, thế là thu được tinh dầu lài tinh khiết.
Việc trích ly tinh dầu hoa lài không dừng ở mức độ thí nghiệm mà có khả năng đưa vào sản xuất thực tiễn, do vậy Hùng sử dụng nguồn nguyên liệu dung môi thô có sẵn trong nước giá rẻ, dễ kiếm chứ không dùng dung môi ngoại giá cao.
* Đến việc đưa công nghệ vào cuộc sống
Qua nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm, Hùng đã thu được tinh dầu hoa lài theo phương pháp chiết xuất từ hoa lài tự nhiên, đạt hiệu suất trích ly cao (>99%), đặc biệt sản phẩm giữ được mùi thơm đặc trưng của hoa lài tươi.
Đến cuối năm 2001 thì Hùng chuyển giao toàn bộ quy trình chiết xuất hoa lài cho XN CBHXK Cầu Tre. Anh được thưởng 20 triệu đồng và được XN ký hợp đồng vào làm việc, để tiếp tục nghiên cứu khoa học ở XN Cầu Tre.
Và Hùng đã gặp kỹ sư Bùi Việt Dũng, trưởng phòng kỹ thuật của xí nghiệp - cũng là người được giao phó tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ này. Anh Dũng, vốn là kỹ sư điện tử của Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, đã bàn với Hùng nên tiếp tục nghiên cứu tiếp phần hai của công trình là tạo ra hệ thống thiết bị công nghiệp để chiết xuất tinh dầu công nghiệp và ứng dụng vào ướp trà.
Hai kỹ sư đã thiết kế, chế tạo thiết bị công nghiệp trích ly tinh dầu hoa lài có chức năng khuấy trộn với công suất 0,5 tấn bông/mẻ, có ưu điểm bảo đảm tối đa sự phân hủy các cấu tử có trong tinh dầu hoa lài, nhằm giữ được mùi hương tự nhiên của hoa. Dây chuyền thiết bị khép kín từ khâu nguyên liệu đến khâu thành phẩm.
Sau khi có được quy trình công nghệ và cả thiết bị công nghiệp, hai kỹ sư đưa vào sử dụng ngay tại XN CBHXK Cầu Tre với nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, sản xuất ra một loại trà gọi là trà hoa lài. Quy trình công nghệ và thiết bị công nghiệp này ra đời đã giải quyết được khá tốt bài toán "đầu ra - đầu vào" của cây lài ở nước ta. Đó là những lúc bông lài rộ giá có thể xuống mức thấp nhất mà các cơ sở chế biến trà vẫn không thu mua hết, thì xí nghiệp sẽ tiến hành thu mua để sản xuất tinh dầu lưu trữ. Đây là lúc thu mua thích hợp nhất. Cách thu mua kịp thời này đã kích thích người dân tăng gia việc trồng lài.
Giờ đây các sản phẩm trà hoa lài được thực hiện theo quy trình và công nghệ thiết bị của hai kỹ sư Hùng và Dũng đã được đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Đây có thể nói, cũng chính là bước phát triển mới trong công nghệ sản xuất trà ướp hương lài từ tinh dầu hoa lài tự nhiên.
Dù công việc bận rộn nhưng Hùng còn tranh thủ học thêm, và anh vừa lấy xong tấm bằng đại học thứ hai ở Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Hùng cho biết sẽ tiếp tục học lên cao học. Hiện anh đang nghiên cứu về việc tạo... mầu tự nhiên, như mầu vàng nghệ, mầu hạt điều, mầu xanh lá dứa, mầu củ dền, mầu tím thanh long, mầu đỏ trái gấc..., để ứng dụng trong việc sản xuất thực phẩm. Sau đó thì nghiên cứu tạo... "mùi" cho thực phẩm, giúp thực phẩm có các mùi "độc" của các loại thủy-hải sản như: tôm,cua, ghẹ…
. Theo Tài Hoa trẻ |