Nhà văn Trần Thị Huyền Trang:
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương
6:53', 19/4/ 2004 (GMT+7)

Nhà văn Trần Thị Huyền Trang (thứ hai từ trái sang) và các bạn văn tại Hội nghị văn học miền Trung 2002

Nhìn vào những trang viết khá đa dạng về thể loại của Trần Thị Huyền Trang - thơ, truyện, bút ký, biên khảo - gọi chị là nhà thơ, nhà văn hay nhà nghiên cứu đều được. Điều đó còn được bảo chứng bằng danh hiệu hội viên ba Hội chuyên ngành Trung ương và các giải thưởng uy tín mà chị đạt được trong hoạt động sáng tạo. Viết khỏe, đa năng, tận tụy với công việc, lại chu đáo chuyện gia đình, phụ nữ như chị, dễ mấy ai…

* Trong truyện Cố hương, chị tả một nhân vật: "Tối đến ông nằm nghe tiếng ễnh ương, se sắt nhớ những cơn mưa tuổi thơ dại… Ôi, những cơn mưa chuyển mùa, cơm mẹ nấu đội bung nắp vung vẫn chín, vẫn ngọt ngon cho đến tận miếng cháy đáy nồi…". Qua trang viết ấy, hiển hiện một vùng hiện thực đầy ắp âm thanh, mùi vị: tiếng nhạc ngựa, bài ca cổ xưa, ngọn gió trong ngần mùi hoa cau, những món ăn dân dã, cả niềm vui bạn bè rộn rã và nỗi hoài nhớ như tiếng thở dài… Có một "cố hương" nào cho văn chương của chị?

- Quê sinh của tôi là Phù Cát, nhưng trọn quãng đời ấu thơ và thời thiếu nữ của tôi trải qua tại thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn. Xóm xưa tôi ở là xóm Hoàng Thành Bắc, một cái tên mang trầm tích đất Vua. Những mái trường đầu đời của tôi là ở đây, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ truyền thuyết về một nghĩa sĩ Tây Sơn tử trận mà hồn không nát, đêm đêm đội nón chóp bạc, cưỡi ngựa bạch đi tuần để canh giấc ngủ cho dân. Từ ánh trăng hoàng thành, những mái chùa, ngọn tháp… cảnh vật được lồng trong huyền thoại tăng phần lay động. Có thể nói, mảnh đất Bình Định nói chung và An Nhơn nói riêng đã đi vào trong tôi bằng những con đường rất ruột rà. Từ những chuyến xe thổ mộ vụt qua nhà mỗi tinh mơ hay mỗi chiều nhập nhoạng đã gieo vào tâm thức tôi tiếng leng keng trong trẻo của lục lạc ngựa. Từ những món quà xế của An Nhơn, một chén đậu hũ trắng óng ngan ngát mùi đường thắng với gừng, một chiếc bánh bèo đầy đặn ở giữa xoáy tròn lúm đồng tiền mộc mạc. Và phải nói là tôi có hình thành chút duyên nợ gì với văn chương cũng bắt đầu từ cái thị trấn nhỏ ấy. Hồi đó, trong những phiên chợ được mẹ cho theo, tay nắm áo mẹ, nhưng ánh mắt tôi luôn để lại phía sau. Giữa than đốt, trầu nguồn, gạo châu, củi quế… hiện ra một bà cụ bên nong sách cũ. Trong khi mẹ mặc cả, mua bán, thì tôi bị cuốn vào những câu chuyện cổ tích, những trang truyện tranh kỳ ảo trong cái nong tre của bà cụ. Sau này, mỗi khi nhớ đến phiên chợ Bình Định thì tôi lại thấy hiện lên bóng một bà già lưng còng, bàn tay răn reo vuốt góc từng quyển sách một cách trang trọng, ánh mắt hiền từ không một lần từ chối nỗi mê sách của tôi.

* Có thể nói, lịch sử và văn hóa dân tộc là không gian hiện thực thứ hai trong tác phẩm của chị? Không gian ấy đã được kiến lập từ khi nào trên những trang viết?

- Tôi công tác ở ngành văn hóa - thông tin. Hoạt động báo chí và văn chương "buộc" tôi phải để tâm đến lịch sử. Đó là những công việc có những nét tương đồng, đều đòi hỏi sự trong sáng của lương tâm, tinh tường trong nhìn nhận vấn đề và ngay thẳng trong ngôn luận. Hơn nữa, một trong những nhiệm vụ của người viết là mang đến cho công chúng những thông tin mang nội dung văn hóa. Để làm được điều đó, người viết cần phải có một kiến thức tổng quan về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội. Có những vấn đề đụng chạm đến lịch sử, nếu người biên tập không am hiểu lịch sử thì rất nguy hiểm. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cảm quan lịch sử giúp người viết có cái nhìn sâu hơn đối với những vấn đề đương đại… Những bài học rút ra từ lịch sử là những bài học vô cùng quý báu. Trong những năm ròng rã sưu tầm vốn văn hóa dân gian và tiếp cận với các nguồn sử liệu văn bản, cộng với sử liệu sống là các nhà thơ, các nhà nghiên cứu lão thành của quê hương, tôi đã được hiểu thêm về lịch sử vùng đất của mình trên nhiều bình diện.

* Tôi nhớ trong một bài viết của mình, nhà thơ Vân Long từng nhận định: "Thơ Trần Thị Huyền Trang đa dạng ở sự chiếm hữu các phương thức biểu hiện. Từ một bệ phóng vững chắc, chị có được những sáng tạo mới và vươn tới những cấu tứ thơ trí tuệ". Bệ phóng ấy là gì, thưa chị?

- Cội nguồn của thơ tôi là quê hương, là văn học dân gian và văn học cổ điển. Học của Ngày xưa, nhưng phải viết bằng hồn của Bây giờ. Tôi nghĩ những gì tôi làm được là rất nhỏ bé so với ân tình của nhân dân và nguồn cội. Văn chương dù cao quý vẫn không thể tách rời đời sống. Bản thân đời sống gồ ghề, nhiều thử thách nhưng cũng nhiều nâng đỡ là điểm khởi đầu và cũng là cái đích đến của văn chương.

* Nhiều bạn văn vẫn thường hay nhắc đến cái ổ tò vò 20m2 trong khu tập thể Sở Văn hóa - Thông tin. Những năm tháng ấy, đời sống khá eo hẹp. Cũng là thời gian chị ra đời liên tiếp vài ba đầu sách?

- Đúng là hồi đó đời sống khá vất vả. Nhưng có lẽ, sự vất vả ấy của thường nhật chính là muối từ cuộc sống chăng?

* Tất bật với công việc sự vụ, lại lặng lẽ lo toan chăm sóc gia đình với mấy đứa con và một ông chồng thi sĩ thứ thiệt, với chị, đó là hương thơm hay mật đắng?

- Nhiều khi tôi tự hỏi: Nếu không có chồng và con tôi, tôi sẽ sống thế nào nhỉ? Chắc chắn là sẽ rất tẻ nhạt. Bảo rằng hoạt động chuyên môn, công việc gia đình không ảnh hưởng gì đến chuyện viết lách cũng không phải, nhưng tôi nghĩ một khi đã ấp ủ điều muốn nói với cuộc đời, thì không có nỗi bận bịu nào ngăn lại được. Cũng như tình yêu ấy mà, có ai vì bận quá mà không tỏ tình được không? Nghiệp viết cũng vậy, trong nó hàm chứa sự thôi thúc của cả tình yêu và trách nhiệm. Có những giai đoạn tôi phải thức suốt đêm để viết, chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Và cái hạnh phúc vì được bày tỏ qua trang viết chính là sự bù đắp xứng đáng rồi.

* Một chiếc xe đạp cà tàng, hai vợ chồng thi sĩ đi thực tế về với các vùng quê. Buổi trưa, lại ghé vào một gốc cây nào đó, giở nắm cơm nắm... Và bây giờ, khi đã lên đời xe rồi, vẫn túc ta túc tắc với những chuyến đi. Những chuyến đi chỉ là để được đi, giải tỏa cho sự thèm đi, hay đã trong một lập trình sẵn?

- Chúng tôi rất thèm đi. Khi ta ra ngoài, những thanh âm đời sống ùa vào, như những tiếng gọi đòi được hồi âm vậy. Có những tên làng, tên núi lần đầu tiên được nghe, nó ngân vang một cái gì tinh khôi lắm. Cảm giác ấy không có gì đánh đổi được. Nhiều khi, đi chỉ là ngẫu hứng nhưng gặt hái được rất nhiều.

* Nhà thơ Văn Công Hùng nhận xét: "Văn của chị thủ thỉ nhẹ nhàng, các nhân vật có cái gì cổ cổ tội nghiệp". Vậy mà, ngoài đời, chị lại khá sắc sảo. Có sự đối lập gì ở đây?

- Thế anh đã nghe nhà văn Hồng Nhu bảo rằng "Văn Trần Thị Huyền Trang dữ dội và ôm trùm" chưa? Có lẽ phải hỏi các nhân vật của tôi thôi!

* Nhiều người cứ băn khoăn, không hiểu một nữ sĩ đất võ thì có quan tâm đến hình thức của mình?

- Có lẽ, tôi là người thích được thấy người khác đẹp hơn.

. Lê Viết Thọ - thực hiện

 

Trần Thị Huyền Trang: Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Bình Định, Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Bình Định.

Tác phẩm: Hàn Mặc Tử, hương thơm và mật đắng (chân dung văn học), Nxb. Hội Nhà văn, 1991; Nhạn thần cô (truyện ký lịch sử), Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định xuất bản, 1993; Những đêm da trời xanh (tập thơ), Nxb. Văn học, 1994; Muối ngày qua (tập thơ), Nxb. Hội Nhà văn, 2000; Một lứa bên trời (tập truyện ngắn), Nxb Hội Nhà văn, 2000.

Giải thưởng: Giải A Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam về thơ với tập Muối ngày qua - 2000. Giải B cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1998 - 2000. Ba lần đoạt giải A Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (18/04/2004)