|
TS Nguyễn Thị Tố Trân chơi với con |
- Khi con người ta còn trẻ thì việc học hành, đỗ đạt sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Người trẻ có sức lực và thường tiếp thu rất nhanh những cái mới, nhất là trong các lĩnh vực về công nghệ thông tin, ngoại ngữ và chính điều đó đã giúp họ nhanh chóng chiếm lĩnh tri thức. Một ưu thế khác của tuổi trẻ là dám nghĩ, dám làm và không muốn đi theo các lối mòn…
* Nói vậy, chắc chắn chị cũng đã biết "khai thác" tối đa những ưu thế đó để giành được học vị tiến sĩ khi mới ở tuổi 29.
- Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho người trẻ tuổi đi học và các bạn trẻ đang "tận dụng" những cơ hội này. Ở thời điểm hiện nay, lớp chúng tôi đạt học vị tiến sĩ được coi là trẻ, là "hiện tượng" nhưng chỉ khoảng 4-5 năm nữa thôi, ở Bình Định sẽ có nhiều bạn trẻ tuổi dưới 30 đạt được những bằng cấp cao trong học vấn.
* Nghe nói, chị được "đặc cách" thi nghiên cứu sinh mà không qua cao học; lại được biết chị là cháu gái của một lãnh đạo cao cấp ở tỉnh, có phải chị đã được "ưu tiên" theo cái nghĩa mà người đời vẫn thường gọi là "con ông cháu cha"?
- Đúng, tôi là cháu ruột gọi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngoạn bằng cậu. Nhưng giữa việc học của tôi và việc cậu tôi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh chẳng có liên quan gì mấy. Năm 1996, khi tốt nghiệp đại học tôi đã có giấy chuyển tiếp học sau đại học. Nhưng khi đó gia đình chưa đủ điều kiện để cho tôi học tiếp nên khuyên tôi về, vừa làm vừa học. Khi tỉnh có chủ trương cho cán bộ trẻ đi học, tôi đã đăng ký đi thi nghiên cứu sinh. Ra đến ngoài Bộ thì trường hợp của tôi là một trường hợp đặc biệt cần phải xét vì từ trước đến nay chưa có lệ sinh viên khá, giỏi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, sau khi xem xét bảng điểm, giấy chứng nhận tốt nghiệp thủ khoa và giấy chuyển tiếp học sau đại học của Trường Đại học Nông Lâm, các thầy ngoài Viện đã đồng ý cho tôi được làm nghiên cứu sinh theo diện đặc cách. Thật tình mà nói, ở tỉnh, nếu không phải là "cháu ông Ngoạn", có thể người ta sẽ không để ý đến hồ sơ của tôi. Nhưng khi hồ sơ đã được đưa lên đến tới Bộ thì không ai biết ông cậu tôi là ai nữa rồi. Bởi thế, nếu không bằng thực lực thì chắc chắn tôi sẽ không thi đậu và lấy được bằng tiến sĩ.
TS Nguyễn Thị Tố Trân sinh ngày 18-1-1973, tại Phú Phong, Tây Sơn. Là học sinh giỏi, học sinh chuyên văn của Trường Quốc học Quy Nhơn. Thi đậu vào Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp thủ khoa khóa 1990-1995. Ra trường, công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định. Năm 1996 là nghiên cứu sinh tiến sĩ. Năm 2002, trở thành tiến sĩ nông học, chuyên ngành bảo vệ thực vật trẻ nhất nước. Hiện chị là cán bộ kỹ thuật thuộc Phòng Kỹ thuật - Thanh tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định. |
Người ta luôn có định kiến về con ông này, cháu ông nọ và trên thực tế cũng đã có rất nhiều người dựa vào đó để đạt mục đích của mình. Đúng là mối quan hệ "con ông cháu cha" như cái bàn đạp mà nhờ nó mình sẽ xuất phát dễ dàng hơn người khác một chút. Nhưng nếu không có năng lực thật sự thì cậu tôi cũng không thể "giữ ghế" mà bao che cho tôi. Mặt khác, trong ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, người có trình độ như thế nào sẽ được thể hiện rất rõ. Nếu chỉ dựa vào ô dù thì nói sẽ không ai nghe, thậm chí còn phản tác dụng nữa.
* Tên đề tài bảo vệ luận án tiến sĩ của chị là "Điều tra, nghiên cứu sâu bệnh hạt xoài của Bình Định", hình như chưa có ai đề cập tới vấn đề này. Phải chăng chị cũng là mẫu người thích khám phá, thích vượt lên phía trước?
- Cây ăn quả, đặc biệt là cây xoài chỉ có từ vĩ tuyến 14 (Huế) và phát triển được chỉ từ Bình Định trở vào phía trong. Tôi chọn đề tài này vì xoài là một loại cây tỉnh đang có chủ trương phát triển. Các đề tài về cây lúa, cây màu, cây đậu, cây ngô… người ta đã "dậm nát" cả rồi. Cái sướng của người đi vào các đề tài mới là khai phá đến đâu thì được chấp nhận đến đó. Tuy nhiên, nghiên cứu xoài thì phải đi điều tra xa vì những trang trại trồng xoài thường nằm tận các hốc núi. Hơn nữa, điều tra trên cây xoài hiện giờ vẫn chưa có một phương pháp chuẩn nên phải vừa làm vừa mày mò. Chỉ riêng chuyện phải bắc thang leo xoài đối với phụ nữ như tôi cũng đã khổ. Hồi đó, bạn trai tôi (là ông xã bây giờ), phải chở tôi đến hết vườn xoài này đến vườn xoài khác, đã cằn nhằn: "Không hiểu sao em lại chọn cái đề tài suốt ngày cứ leo tót lên cây như khỉ"… Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lúc đó còn khá thiếu thốn về phương tiện nên làm xong mẫu nào tôi phải gởi ra tận Hà Nội để nhờ định danh. Tuy cực, nhưng thời gian nghiên cứu cũng là lúc tôi được bổ sung kiến thức nhiều nhất.
Đến Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, chúng tôi đã gặp Tố Trân và các đồng nghiệp đang chuẩn bị xuống hướng dẫn cho nông dân sử dụng bẫy Peramon (bẫy sâu trên cây rau, cây đậu). Bẫy gồm những chất dẫn dụ đựng trong ống nhựa, treo trong những hũ đựng nước xà phòng ở trên ruộng. Bướm của con sâu nghe mùi sẽ bay vào, chết ở trong đó. Như vậy, nó sẽ không đẻ trứng, không sinh ra sâu. Nông dân treo bẫy độ mười ngày, rồi rút miếng Peramon đó ra thay miếng khác vào… Bẫy hiệu quả, họ khỏi phải vác bình đi xịt thuốc sâu vừa tốn kém, vừa có hại cho cây trồng và người sử dụng.
* Người nông dân xưa nay đều thích làm theo kinh nghiệm. Liệu họ có "hít" với cái kiểu làm mới như chị không?
- Nếu hướng dẫn mà nông dân không nghe thì mình làm cho họ thấy. Làm lần thứ nhất họ không tin thì sẽ tiếp tục làm lần thứ hai, thứ ba… Nhìn thấy hiệu quả, họ sẽ tin. Vừa rồi, chúng tôi triển khai làm nhà lưới để trồng rau an toàn. Các bác nông dân tỏ ra không tin lắm, vì không biết có hiệu quả hay không. Chúng tôi đã phải trấn an: "Bác cứ trồng rau đi, nếu không hiệu quả thì tụi con đền, còn cái nhà lưới là tụi con xây cho bác..." Khi đưa các loại phân vi sinh xuống hướng dẫn bà con sử dụng thay thế cho phân u rê, có người đã rên rỉ vì nửa sào rau bị chết cháy đen thui. Hỏi ra mới biết, bác nông dân này sợ dùng phân vi sinh không an toàn nên đã tưới thêm u rê vào. Tôi chỉ cho bác xem ruộng bên cạnh dùng phân vi sinh rau đang lên tốt bời bời. Lúc đó, bác mới tin. Khi nông dân đã vấp một lần thì lời nói của mình sẽ rất có trọng lượng ở những lần sau…
* Xuất thân từ chốn thị thành vốn không quen "chân lấm tay bùn" vậy mà bây giờ chị lại quanh năm lội ruộng, có bất đắc dĩ không?
- Nghề bám đồng ruộng này cực lắm, nhưng quen rồi lại thấy thích… Có thời gian, người dân trong Quy Hòa trồng xoài nhiều năm không có trái. Tôi đã vào giúp họ đặt bẫy ruồi… Nhờ đó, những năm sau xoài bắt đầu ra trái, rất sai… Họ đã đón xe ra tận Chi cục khoe với tôi. Từ đó, tôi bị lôi xoành xoạch vào Quy Hòa để chỉ cho họ cách trồng ớt, trồng rau… những lần như thế tôi thấy rất vui vì mình đã giúp ích được cho bà con. Hiệu quả kinh tế của nghề nông so với ngành khác không bao nhiêu, nhưng đối với người nông dân thì thật là đáng kể. Bởi từ đó họ có thể xóa đói, giảm nghèo.
* Thường nhiều phụ nữ khi đạt được đỉnh cao học vấn hay để muộn màng đường chồng con. Còn chị thì gia đình, sự nghiệp đều sớm đủ.
- Đối với tôi học là học, chơi là chơi. Đến cơ quan là làm việc còn về nhà là xem ti vi, đọc sách, nghe nhạc, chở con đi chơi. Hồi còn sinh viên tôi cũng nổi tiếng là chơi nhiều, nhưng học thì vẫn học. Điều cơ bản là biết bố trí thời gian học sao cho hợp lý. Chuyện ăn, ngủ, chơi, học và cả yêu đối với tôi đều diễn ra một cách bình thường. Tôi không quan niệm chuyện học của mình căng thẳng đến mức chả làm được việc gì khác. Tôi quen ông xã (bây giờ) từ khi bắt đầu làm đề tài. Làm đề tài xong thì cưới. Cưới xong đi báo cáo cơ sở. Rồi có con. Đến khi ra Hà Nội báo cáo chính thức thì con đã tròn một năm… Phụ nữ thường có những giới hạn, nếu cứ để học xong mới tính chuyện yêu đương, chồng con thì... muộn quá phải không? Giả dụ như bây giờ lấy được bằng tiến sĩ rồi tôi mới tính đến chuyện quen một ai đó thì chưa chắc đã lấy được chồng vì các anh có khi nhìn thấy cái bằng tiến sĩ to lù lù lại bỏ chạy mất dép…
* Bây giờ có đủ rồi, chị còn dự định gì nữa không?
- Với công việc, tôi mong muốn được làm "rau an toàn" trên một quy hoạch tổng thể, thiết thực hơn. Hiện nay, chúng tôi đang làm "rau an toàn" nhưng còn rất manh mún, do đó, kinh phí bỏ ra lớn nhưng cuối cùng cái chung về rau an toàn vẫn chưa thực hiện được. Cả tỉnh hiện chỉ có một cửa hàng rau an toàn và số người được ăn rau an toàn còn rất ít. Mong sao đề án phát triển rau an toàn trên diện tích khoảng 600 ha cho cả tỉnh với kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng được triển khai. Lúc đó sẽ có rất nhiều người, trong đó có gia đình tôi, gia đình chị được ăn rau an toàn. Còn với những người nông dân sẽ không phải sử dụng thuốc trừ sâu nữa vì nó sẽ gây nhiễm độc cho chính bản thân họ.
. Quỳnh Hoa