|
Tiến sĩ Phạm Tỵ |
Tiến sĩ Phạm Tỵ sinh năm Ất Tỵ (1965) tại An Nhơn, Bình Định. Tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 1989. Sau gần một năm công tác ở BVĐK TP Quy Nhơn, anh nghỉ việc và tự túc đi học chuyên khoa cấp 1 tại Đại học Y Hà Nội. Năm 1995, Tỵ là 1 trong 6 bác sĩ được tuyển chọn sang Pháp học tập qua một kỳ sát hạch khá khắc nghiệt. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ "Ảnh hưởng của tia laser trên nhu mô não" năm 1998, anh về lại Quy Nhơn. Phạm Tỵ là tiến sĩ ngoại thần kinh đầu tiên ở Việt Nam (hiện cả nước có 3 tiến sĩ về lĩnh vực này) và cũng là người đầu tiên được phong danh hiệu "Người tài năng" của tỉnh, được nhận từ Quỹ hỗ trợ tài năng mỗi tháng 4 triệu đồng.
Gặp bác sĩ Tỵ còn khó hơn gặp… hoa hậu. Lịch mổ ken dày lại phải đèo thêm một lớp học quản lý tại chức. Anh chỉ chịu "gặp gỡ đầu tuần" sau giờ làm việc buổi sáng. Đúng ngọ, tôi xộc vào phòng làm việc và anh cũng vừa từ phòng mổ bước ra.
* Nhiều người vừa làm vừa học và họ nhận được sự trợ giúp rất nhiều của cơ quan chủ quản cũng như các chính sách ưu đãi của Nhà nước, còn anh lại bỏ việc ở BVĐK TP Quy Nhơn để chấp nhận đi học tự túc từ A đến Z?
- Tôi là con thứ 8 trong gia đình nông dân có 10 người con. Gia đình tôi rất nghèo nên việc phải đi học tự túc là điều bất đắc dĩ. Năm 1989 tôi được nhận vào công tác ở khoa Nhi BVĐK TP Quy Nhơn, thực sự tôi thích làm ở khoa Ngoại hơn. Tại đây, tôi lại không được lòng lãnh đạo bởi thường phản ứng việc định bệnh vô lý của một số bác sĩ lớn tuổi và có quyền. Tôi đã xin nghỉ sau một sự cố nhỏ chung quanh chuyện bất đồng ý kiến. Thế là tôi thành người tự do. "Mất việc" đâm ra "được việc", tôi lại được tiếp tục đi học - thực hiện nốt hoài bão đã từng nung nấu từ thời sinh viên…
(Bác sĩ Nguyễn Đồng, người cùng học chuyên khoa cấp 1 tại Hà Nội với Tiến sĩ Phạm Tỵ, hiện là Phó giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định có lần kể câu chuyện cảm động về Phạm Tỵ những ngày học ở Hà Nội. Theo bác sĩ Đồng thì: Phạm Tỵ không cà phê, không thuốc lá và dĩ nhiên là không rượu, bia; không cả… em út. Nếu như nhiều người phải tiêu tốn 3 chỉ vàng cho mỗi tháng đi học thì Phạm Tỵ chỉ tiêu mỗi chỉ vàng cho 3 tháng. Vàng lúc đó chưa tới 200.000 đồng/chỉ, nghĩa là Tỵ chỉ tiêu trung bình 2.000 đồng cho một ngày vào những năm 1990-1991. Vậy mà chỉ 6 tháng sau khi vào học chuyên khoa cấp I, anh lấy luôn 2 bằng C tiếng Anh và tiếng Pháp. Tỵ mà học ngoại ngữ thì các đồng môn phải ngã mũ chào thua).
* Nghe nói anh phải "cày" 10 năm mới "sờ" được cái tiến sĩ?
- Tôi đi học tự túc mà. Cái sướng của người đi học tự túc là được sử dụng thời gian hoàn toàn theo ý mình. Nếu vừa học vừa làm chắc chắn không có cơ quan nào đồng ý để anh đi học với một thời gian như vậy. Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa cấp 1, tôi tiếp tục ở lại Hà Nội nghiên cứu về ngoại thần kinh. Chuyên khoa này hấp dẫn tôi bởi ở nước ta nó còn rất mới mẻ. Hầu như chúng ta chỉ mới phẫu thuật được các bệnh lý về thần kinh chức năng. Ở Hà Nội, tôi đã tìm đọc tất cả những quyển sách viết về lĩnh vực này. Tôi biết 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Đức nên việc nghiên cứu cũng rất thuận lợi. Cứ ngoài giờ thực hành ở Bệnh viện Việt - Đức là tôi lại có mặt ở thư viện quốc gia. Đến năm 1995, tôi được đi Pháp du học theo một chương trình tuyển chọn. Hơn một năm ở Reunes và Paris, tôi hầu như không đi đâu ngoài việc đến thực hành, nghiên cứu bệnh án ở bệnh viện và đọc tài liệu ở các thư viện. Đó là khoảng thời gian tuyệt vời, nó đã giúp tôi hoàn thiện kiến thức về ngoại thần kinh mà tôi đã dày công học tập, nghiên cứu. Nhớ lại lúc tôi chọn đề tài "Ảnh hưởng của tia laser trên nhu mô não" để làm luận án tiến sĩ, ngay cả thầy giáo hướng dẫn tôi cũng ngăn cản và cho rằng đây là một đề tài quá khó, nhưng thời gian học tập, nghiên cứu đã giúp tôi thành công. Tôi trở thành tri kỷ của những quyển sách viết về thần kinh, để rồi đánh bạn với những người bệnh thần kinh bao giờ không biết.
* Anh rời Quy Nhơn vì ẩn ức. Thế mà khi đã thành đạt, anh lại trở về nơi đã để lại trong anh những kỷ niệm không lấy gì làm vui?
- Năm 1997, khi tôi còn đang làm công trình nghiên cứu ở Hà Nội thì ông Mai Ái Trực (hiện là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã gặp tôi, động viên tôi rất nhiều. Thú thật khi ông nói về quê hương, tôi đã rất xúc động. Ông hứa sẽ tạo mọi điều kiện để tôi phát huy khả năng của mình. Không phải tôi dễ tin vào một lời hứa nhưng tôi đã tin vào một tấm lòng. Vả lại tôi có quá nhiều kỷ niệm cùng những người thân ở quê hương nên tôi quyết định về lại Bình Định, tôi tin rằng ở đây tôi có thể giúp được những người dân quê dải đất miền Trung nghèo khó.
* Và bây giờ anh đã không ân hận gì?
- Vâng, hiện công việc của tôi rất thuận lợi. BVĐK tỉnh Bình Định, Sở Y tế cũng như lãnh đạo tỉnh Bình Định đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho tôi phát huy khả năng của mình. Tôi nhận công tác năm 2000 thì đầu năm 2001, Bệnh viện đã mở thêm khoa Ngoại thần kinh - cột sống theo đề án của tôi. Và tại đây, tôi đã thực hiện được kế hoạch của mình. Chúng tôi đã làm được 95% mặt bệnh về ngoại thần kinh và cột sống mà các bệnh viện lớn tại Paris, New York đang làm. Tại đây mỗi năm chúng tôi đã mổ xấp xỉ 1.000 ca các bệnh về ngoại thần kinh, cột sống cả những ca mổ cấp cứu, bệnh lý và mổ theo chương trình; điều trị được những chứng bệnh mà trước đây chưa bao giờ điều trị được như u não, u tủy, chấn thương cột sống, gai cột sống… Đặc biệt chúng tôi đã dùng kính hiển vi và tia laser trong phẫu thuật sọ não để chữa thành công 5 ca động kinh, tạo hình cột sống giải quyết được 5 ca gù, vẹo. Theo các tài liệu mà tôi có được, thì chỗ chúng tôi là nơi lần đầu tiên trên thế giới mổ sọ não chữa động kinh bằng tia laser. Chúng tôi cũng đã mổ và chỉnh hình hộp sọ để điều trị 50 bệnh nhân hẹp hộp sọ theo cách của riêng mình đạt hiệu quả tốt.
Chúng tôi làm được như vậy là nhờ có sự đầu tư của tỉnh, tỉnh đã bỏ ra cả tỉ bạc để có chiếc kính hiển vi mà anh đã nhìn thấy ở phòng mổ.
* Anh có kế hoạch gì mới để phát triển Khoa Ngoại thần kinh - cột sống này?
- Chúng tôi đã có một dự án mua sắm trang thiết bị mà tỉnh cũng đã đồng ý. Theo đó chúng tôi sẽ hiện đại hóa Khoa Ngoại thần kinh - cột sống của BVĐK tỉnh Bình Định và đuổi kịp các nước tiên tiến về lĩnh vực này. Chúng tôi đã đặt mua những máy móc, thiết bị ở các hãng nước ngoài mà khi nghe đến họ phải trố mắt ngạc nhiên vì không thể tưởng tượng rằng ngay trong đầu thế kỷ này, Việt Nam cũng đã có thể sử dụng những máy móc ấy. Và khi được trang bị đủ máy móc, chúng tôi sẽ phẫu thuật điều trị bệnh paskinson, một loại bệnh mà ở nước ta chưa có nơi nào triển khai điều trị; điều trị u não ác tính bằng tia laser kết hợp với hóa chất đồng thời hoàn thiện các phẫu thuật khó như: dị dạng cột sống cổ, gù vẹo cột sống, u nền sọ…
* Hình như anh không được một số đồng nghiệp ủng hộ, nhất là việc anh chống đối tệ phong bì lót tay trước một ca mổ, còn một số nhân viên dưới quyền anh thì rên rỉ làm việc với "bác" Tỵ quá cực khổ, cường độ lao động nhiều mà thu nhập không được bao nhiêu…
- Tôi luôn nghĩ rằng, một bác sĩ có tư cách thì phải coi việc nhận phong bì trước khi chữa bệnh cho người là điều tệ hại. Chẳng lẽ nếu không nhận phong bì thì anh lại không làm tốt công việc của mình là điều trị tốt nhất cho họ? Tôi trân trọng mọi tình cảm của bệnh nhân sau khi đã được điều trị khỏi bệnh. Riêng trong quá trình điều trị thì tôi coi đó là sự xúc phạm. Còn cường độ làm việc ở khoa chúng tôi đúng là rất nặng. Chúng tôi luôn ở trong tình trạng vượt 200% chỉ tiêu giường bệnh. Lịch mổ phải luôn bố trí trước 2 tuần. Không chấp nhận làm việc như thế thì bệnh nhân sẽ phải chờ đợi rất lâu. Tôi cũng đã có ý kiến với Ban giám đốc nếu bất cứ nhân viên nào ở chỗ tôi xin chuyển đi khoa khác tôi cũng sẵn sàng đồng ý và Ban giám đốc cũng sẽ tạo điều kiện cho chuyển. Tôi nghĩ làm việc khoa tôi tuy mệt thật nhưng bù lại sẽ rất tốt cho những ai có óc cầu tiến.
***
Đồng hồ đã chỉ 13 giờ 30. Cả chủ và khách đều muốn "thần kinh" bởi bụng đang réo ào ào. Tôi "khoe" với Tỵ rằng đây là lần đầu tiên trong đời phải thực hiện phỏng vấn "xuyên trưa". Còn Tỵ chỉ nheo mắt cười: "Tôi thì vẫn thường xuyên phải "xuyên trưa". Bạn của "thần kinh" mà!".
. Quang Khanh - thực hiện |