Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận
11:15', 21/4/ 2004 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1974) ở Cơ sở dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga (Quy Nhơn) được biết đến như người mẹ, người chị của hàng trăm bạn khuyết tật đến đây học nghề. Qua hơn 10 năm gắn bó với cơ sở, chị đã trở thành tấm gương tiêu biểu của những con người đồng cảnh ngộ…

Chị Tuyết đang làm dự án trên máy vi tính

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Phụ trách cơ sở dạy nghề người khuyết tật Nguyễn Nga - cho biết: "Tuy đôi chân bị khuyết tật, nhưng Tuyết hiện đang đảm trách nhiệm vụ khá quan trọng ở cơ sở với vai trò là thư ký. Công việc hàng ngày của Tuyết là soạn thảo văn bản, trực điện thoại, tiếp khách… và cũng là người đại diện của đơn vị để tham dự các cuộc họp của người khuyết tật trong cả nước". Ngoài ra, Tuyết còn là nhóm trưởng của bút nhóm "Hoa xương rồng" với 12 thành viên đồng cảnh ngộ khuyết tật. Dưới sự dẫn dắt của chị, nhiều năm qua, bút nhóm này đã lớn mạnh không ngừng với nhiều bài viết, bài thơ chất lượng được đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí như Bình Định, Áo trắng, Văn nghệ Bình Định…

Chị Tuyết là con đầu của gia đình 7 người con ở xã Cát Lâm (Phù Cát). Năm lên 3 tuổi, căn bệnh bại liệt đã làm đôi chân chị không thể đi được. Năm lên 7, với khát khao được học chữ, chị đã nhờ người bạn hàng xóm cõng đến trường. Vốn chẳng thích nương tựa vào ai, sau vài hôm, chị tự đến trường bằng đôi nạng gỗ trên quãng đường dài 5 km. "Nhiều hôm, trưa đi học về, bụng đói rã rời, mình bứt lúa lép ven đường nhai cho qua cơn đói. Chẳng may một hôm, có người phát hiện, bảo mình ăn trộm lúa, vậy là mình bị ba cho một trận đòn tơi bời. Nhưng sau đó, khi mọi người hiểu ra thì lại cảm thấy yêu thương mình hơn" - Chị Tuyết kể lại chuyện này như một kỷ niệm đẹp của những ngày đầu tiên đến trường. Sau 9 năm vật lộn với quãng đường hơn 5 cây số trên đôi nạng để đến trường, chị đã tốt nghiệp THCS - thủ khoa của trường.

Chính niềm vui đó và những năm tháng quăng mình trên đường mòn đến trường, chị đã tự đứng vững và đi bằng đôi chân của chính mình. Rời lũy tre làng, chị lên huyện học và tiếp tục con đường lên đại học. Đang học luyện thi dở chừng, cha chị đột ngột qua đời, chị đành quay về với ý tưởng tìm việc làm đỡ đần cho má nuôi em.

Sau khi tìm việc làm ở nhiều nơi, năm 1993 chị đến với cơ sở dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật Nguyễn Nga ngay từ những ngày đầu cơ sở mới chiêu sinh. Ở đây, chị như được tăng thêm nghị lực bởi sống chung những người đồng cảnh ngộ, bạn bè có nhau. Và từ đó, chị đã trở thành con chim đầu đàn cho các thế hệ người khuyết tật đến học nghề ở cơ sở Nguyễn Nga…

Không bằng lòng với hiện tại, chị đã thi và trở thành tân sinh viên của khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Quy Nhơn để thực hiện những hoài bão của mình. Chị cho biết: "Sau khi học xong lớp đại học ngoại ngữ, mình sẽ tự dịch những bài thơ, bài viết của bút nhóm "Hoa xương rồng" để giới thiệu cho bạn bè thế giới qua những tạp chí trên trang web nước ngoài. Mình muốn thế giới hiểu rõ hơn về những người khuyết tật ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng với nghị lực phi thường của họ".

Nét mặt chị Tuyết trở nên rạng rỡ khi nói về dự tính cho tương lai của mình. Được biết, sắp tới đây, chị Tuyết sẽ kết hôn với một nhà thơ đồng cảnh ngộ. Xin chúc chị đạt được ước mơ và hạnh phúc.

. Anh Tú

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)