Giáo sư... "Gas"
17:11', 20/4/ 2004 (GMT+7)

Xe gắn máy, xe buýt loại nhỏ sẽ chạy bằng nhiên liệu LPG, tiết kiệm được 20-40% chi phí so với dùng xăng. Đó là công trình nghiên cứu thành công của GS-TS Bùi Văn Ga, một người Bình Định hiện đang công tác tại Đà Nẵng. Đặc biệt công trình này mở ra hướng sử dụng nguyên liệu sạch, bảo vệ môi trường.

GS-TS Bùi Văn Ga bên chiếc xe ô tô chạy bằng nhiên liệu LPG

Khí dầu mỏ hóa lỏng LPG (Liquified Petroleum Gas) từ lâu đã được sử dụng cho ô tô tại các nước phát triển như Nhật Bản, Ý, Hà Lan, Áo... Gần đây, nhiên liệu này đã được sử dụng cho xe ba bánh Tuk Tuk chở khách ở Thái Lan và Bangladesh, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, lại giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam, số người sử dụng ô tô còn ít, trong khi đó có hơn 10 triệu xe gắn máy đang lưu hành. Xăng ngày càng tăng giá, xe máy - phương tiện đi lại chính của người dân Việt Nam - ngày càng nhiều. Muốn dùng LPG thay xăng trên xe máy phải có hệ thống chuyển đổi nhiên liệu. Từ trăn trở đó, sau 5 năm nghiên cứu, GS-TS Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng, đã chế tạo thành công chiếc xe gắn máy hoạt động được với hai loại nhiên liệu LPG/xăng. Đây là một thành công được giới khoa học đánh giá cao, nhiều người trìu mến gọi ông là... giáo sư "Gas"!

* Từ "con đường xanh" ở Paris

Paris (Pháp) vào một buổi chiều mùa hè năm 1994. Trong khi nhiều xe khác bị ngăn lại, chiếc ô tô dùng nhiên liệu sạch LPG được phép đưa Bùi Văn Ga thẳng tiến vào một "con đường xanh", gợi mở cho ông những suy nghĩ ban đầu về một chiếc xe "sạch" trên đường phố Việt Nam. Lúc bấy giờ, Bùi Văn Ga đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học tại Đại học Trung tâm Lyon (Ecole Centrale de Lyon). Trở về Việt Nam vào năm 1997, ông bắt đầu triển khai ý tưởng.

Vấn đề cơ bản đặt ra lúc này là làm thế nào để thiết kế được một hệ thống hai nhiên liệu LPG/xăng nhỏ gọn, có thể lắp đặt trên xe gắn máy cỡ nhỏ mà không làm thay đổi kiểu dáng hay kết cấu của chúng. Hệ thống này cho phép xe có thể chạy bằng xăng hay bằng LPG. Bắt tay vào việc, tiến sĩ Ga gặp phải những cái nhìn ái ngại của mọi người. Đó là vào thời gian thử nghiệm, lúc nào ông cũng phải chở theo một... bình gas cồng kềnh sau xe gắn máy của mình. Những người hàng xóm, những người bà con thắc mắc chẳng biết ông Ga làm gì mà "quái" thật, chẳng lẽ là tiến sĩ mà phải kiêm luôn nghề... bơm gas dạo để kiếm sống?! Vợ ông, con ông chẳng dám ngồi xe ông vì sợ bình gas... phát nổ! Ông im lặng và tiếp tục tìm kiếm giải pháp kỹ thuật để cải tiến.

* Đến chiếc xe sạch "Made in Bùi Văn Ga"

Đưa cho tôi xem một xấp tài liệu và bản vẽ kỹ thuật, GS-TS Bùi Văn Ga giải thích ngắn gọn: "Dựa theo nguyên lý của hệ thống nhiên liệu LPG trên ô tô, tôi cải tạo bộ chế hòa khí xăng nguyên thủy của xe gắn máy thành bộ chế hòa khí hai nhiên liệu LPG/xăng. Bộ chế hòa khí xăng được giữ nguyên, van tiết lưu được lắp nối tiếp trên ống dẫn hướng của quả gas. Khi van nhiên liệu chuyển sang vị trí dùng xăng, động cơ hoạt động bằng xăng như trước khi cải tạo. Khi van nhiên liệu chuyển sang vị trí dùng gas, nhiên liệu LPG qua van tiết lưu rồi vào họng bộ chế hòa khí để đốt cháy, giúp động cơ hoạt động. Vậy thôi...!". "Thành quả của hơn 5 năm vắt trán phát minh và chế tạo, giờ chỉ tóm gọn trong vòng 100 chữ thôi sao, thưa GS?" - tôi hỏi. GS-TS Ga chỉ cười rồi dắt tôi đi xem chiếc xe Wave 110 cc (Trung Quốc) mang biển số 43K5 - 4079 của ông. Nếu GS Ga không nói, tôi chẳng thể nào biết được chiếc xe máy đã được lắp thêm bộ phụ kiện để chạy gas bởi mẫu mã, kết cấu và động cơ xe không hề bị thay đổi. Toàn bộ hệ thống nhiên liệu ông thiết kế đều rất nhỏ gọn, bố trí hợp lý bên trong thân xe. Trước khi đề nghị chạy thử, tôi ngần ngại: "Liệu có... "phát nổ" không?". GS-TS Ga cười: "Chạy cả năm nay rồi, chẳng sao. Đường đèo, đường dốc đều êm ru, không hề gặp sự cố".

Bên cạnh tính năng giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường với nồng độ các chất thải như CO (carbon oxit) và HCl (hydro clorua) được giảm đến 80% so với dùng xăng, hiệu quả kinh tế của chiếc xe gas khiến tất cả mọi người phải lưu tâm, nhất là trong tình trạng giá xăng dầu ngày càng leo thang: Tiết kiệm được hơn 40% chi phí so với dùng xăng. Cụ thể, qua 10.000 km chạy thử, mức độ tiêu hao nhiên liệu trung bình là 1 kg gas/110 km. "Một điều không kém phần quan trọng nữa là vấn đề tâm lý về sự an toàn được giải tỏa hoàn toàn. Bằng cách giảm áp suất gas xuống còn 28 mbar và sử dụng van chân không thay cho van điện từ để ngắt đường cung cấp LPG khi động cơ dừng, bảo đảm an toàn và không làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của bình điện" - GS-TS Bùi Văn Ga giải thích thêm.

* Muốn xài xe LPG, chỉ tốn dưới 1 triệu đồng

Tháng 8-2003, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp bằng sáng chế độc quyền cho phát minh của GS-TS Bùi Văn Ga. Bây giờ, chỉ cần chờ cái gật đầu cho phép lưu hành của Cục Đăng kiểm Việt Nam nữa là hàng loạt xe gắn máy hai nhiên liệu "Made in Bùi Văn Ga" có thể bon bon trên xa lộ được rồi. Hiện nay, bất kỳ một xí nghiệp cơ khí thông thường nào cũng chế tạo được phần lớn các phụ kiện cho hệ thống LPG/xăng mà không đòi hỏi máy móc, thiết bị phức tạp. Những phụ kiện tiêu chuẩn đi kèm đều đã có và đang được bán rộng rãi trên thị trường. "Chỉ cần tốn chưa tới 1 triệu đồng là có thể chuyển đổi từ xe máy chạy xăng sang chạy hai nhiên liệu LPG/xăng. Dân mình còn nghèo, tôi nỗ lực hết mình để người tiêu dùng ít tốn kém" - GS-TS Ga nói.

Có lẽ, "khuyết điểm" duy nhất còn lại cho đến lúc này của hệ thống LPG/xăng là phải nạp LPG vào bình chứa theo phương pháp thủ công. Nguyên nhân là tại Việt Nam mới chỉ có những trạm nạp gas tự động dành riêng cho ô tô (taxi là chính), phổ biến ở TPHCM. Sau khi thực hiện thử nghiệm nạp LPG tự động thành công, từ đề xuất của GS-TS Bùi Văn Ga, chi nhánh gas Petrolimex Đà Nẵng đã đồng ý xây dựng một trạm nạp gas cho ô tô và xe máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nay mai. Như vậy, trong một ngày rất gần, mơ ước và sáng chế của giáo sư "Gas" sẽ được trọn vẹn. Bản thân ông cũng không còn phải tự tay bê bình gas to đùng để gắn van chiết nạp vào xe.

* Xuất khẩu... ngược xe máy LPG/xăng

Không chỉ tiết kiệm chi phí nhiên liệu, công trình của GS-TS Bùi Văn Ga có giá trị cao về bảo vệ môi trường. Với xe gắn máy, lượng CO thải ra giảm đến 80% so với dùng nguyên liệu xăng; với xe buýt nhỏ lượng CO giảm 75% - 90%.

Hình ảnh trong mơ về một đường phố Việt Nam xanh, sạch bởi những chiếc xe chạy bằng hệ thống hai nhiên liệu LPG/xăng của GS-TS Bùi Văn Ga càng gần với hiện thực hơn lúc nào hết khi lúc này đây, ông đã ký kết hợp đồng với Công ty Cơ khí Hai Thành - TPHCM sản xuất hàng loạt bình gas tiêu chuẩn quốc tế dùng cho xe gắn máy chạy LPG. Chưa hết, để phát huy hiệu quả của phát minh LPG/xăng, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Môi trường của Đại học Đà Nẵng và Công ty Cơ khí Ô tô - Thiết bị Điện Đà Nẵng cũng đã hợp tác, đầu tư dây chuyền sản xuất xe gắn máy áp dụng hệ thống hai nhiên liệu trên. Thông tin mới nhất GS-TS Ga vừa cho tôi biết là vào tháng 4-2004 này, ông sẽ ra Hà Nội đặt vấn đề hợp tác sản xuất phụ kiện cho hệ thống LPG của xe máy và ô tô với Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự. "Tôi muốn ngay khi một chiếc xe máy xuất xưởng, trên mình nó đã được gắn sẵn hệ thống hai nhiên liệu LPG/xăng của tôi. Tiện lợi như thế, tôi tin là nó sẽ "sống" được" - GS Ga quả quyết.

Chưa dừng lại ở đó, GS-TS Bùi Văn Ga còn cụ thể hóa dự định xuất khẩu xe gắn máy có gắn LPG sang nước ngoài. Ban đầu, tôi chưa tin vào kế hoạch xuất khẩu... ngược này vì tuyệt đại đa số xe máy ở nước ta phải nhập từ nước ngoài, nhưng trước bản ghi nhớ ký tắt với tổ chức Synerg - For - Action của Pháp mà GS-TS Ga chìa ra trước mặt, sự hoài nghi của tôi hoàn toàn biến mất. Theo đó, nhóm nghiên cứu của ông sẽ sản xuất hơn 1 triệu chiếc xe 110 cc và 200 cc chạy bằng LPG/xăng để bán sang Pháp và Nga. Ông Ga cho biết: "Ban đầu là thử nghiệm, sau đó sẽ làm hàng loạt và cho xuất khẩu. Một bộ phận dân cư ở hai nước này và một số nước châu Phi sẽ dùng nhiều loại xe này".

* "Khát vọng xanh"

Thành công với bộ chế hòa khí hai nhiên liệu trên xe gắn máy, sau một thời gian phân tích tình hình sử dụng ô tô tại các đô thị lớn Việt Nam, nhóm nhà khoa học Bùi Văn Ga và các cộng sự gồm tiến sĩ Trần Văn Nam và thạc sĩ Hồ Tấn Quyền tiếp tục nghiên cứu và áp dụng hệ thống LPG/xăng cho xe buýt cỡ nhỏ. Theo nhóm nghiên cứu, việc sử dụng những xe buýt cỡ lớn để chở khách trong những thành phố đông đúc ở nước ta như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng... là không hợp lý, bởi xe mất tính cơ động, thường trễ giờ. Trong khi đó, nếu bê nguyên xi bộ chế hòa khí LPG cho ô tô chạy ở nước ngoài với tốc độ cao (trung bình 130 km/giờ) cho ô tô chạy với tốc độ "rùa bò" trên các con phố ở Việt Nam thì sẽ phản tác dụng. Bởi vì, theo GS-TS Bùi Văn Ga, phần lớn thời gian hoạt động của ô tô trên các phố ở đô thị Việt Nam đều ở chế độ tải thấp, do đó sẽ rất tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm nặng. Từ đó, chiếc Daihatsu mang biển số 43E-0724 được "xẻ thịt" để thử nghiệm. Sau khi lắp thêm hệ thống LPG/xăng được nhóm chế tạo riêng, chiếc xe buýt được đặt tên là "Greenbus" (xe buýt xanh) này đã chạy thử trên nhiều địa hình khác nhau và tính ưu việt đã thể hiện rất rõ: Tiết kiệm được hơn 20% nhiên liệu, đồng thời mức độ phát thải CO giảm 75% - 90% và mức độ phát thải HCl giảm khoảng 40% - 50% khi chuyển nhiên liệu từ xăng sang LPG.

Lần cuối gặp tôi trước khi đi thỉnh giảng tại Đại học Joseph Fourier (Pháp), GS-TS Bùi Văn Ga báo tin vui: Trong năm nay, TP Đà Nẵng sẽ sản xuất và đưa vào vận hành khoảng 20 chiếc Greenbus. Ngoài ra, Chính phủ Áo đã tài trợ 3,5 triệu USD lắp đặt phòng nghiên cứu ô tô tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Vậy là khát vọng về những chiếc xe xanh của một thành phố xanh đã thành sự thật. "Xe chạy bằng xăng và dầu diesel sẽ dần biến mất. Theo xu thế của thời đại, nhiên liệu sạch sẽ lên ngôi"- GS "Gas" khẳng định như vậy và không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khác nữa, cũng tin đó là điều thực tế.

. Theo Người Lao Động

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)