NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"
17:32', 9/5/ 2004 (GMT+7)

Lúc tôi đến, NSND Võ Sỹ Thừa đang ngồi thon lỏn trên chiếc ghế nhựa trước nhà hóng gió. "Trời bức quá, tôi phải ra đây cho đỡ. Chứ trong nhà hầm dữ quá…" - ông nói. Nhìn dáng người giờ đã nhỏ choắt như con chim sẻ của ông, ít ai có thể hình dung được, ông từng là một Khương Linh Tá, Quan Công, Quang Trung… trên sân khấu.

- Có người bảo, nghệ thuật là duyên nghiệp, còn với bác?

+ Tôi mê tuồng từ hồi còn học sinh kia. Sau khi đậu yếu lược, đang lở dở đệ nhất niên thì hai ông bà già qua đời, do vậy mà tôi thôi luôn. Trong nhà, vốn đã có một gánh hát của ông chú ruột, vậy là sẵn niềm yêu thích từ nhỏ, tôi đi hát liền… (cười). Năm đấy, tôi đâu chừng khoảng 14 tuổi. Được cái, tôi học tuồng cũng mau. Rồi tôi giao nhà cho bà chị ruột, đi hát khắp các trường hát: Đập Đá, Bình Định, Ân Thường… và học với rất nhiều ông thầy: Bầu Ba Thơm, Chánh Ca Lục... Ban đêm hát trường, ban ngày muốn học vai gì thì thầy dạy vai nấy. Đi hát là để được học nghề thôi, chứ không phải để lấy tiền. Do vậy mà tôi trưởng thành trong nghề sớm, 20 tuổi tôi đã nổi danh, có ai mê tuồng mà chẳng biết "Thừa Phù Ly".

- Và bác thành công trên sân khấu, được nhiều người biết tiếng, trước hết cũng từ những vai trong tuồng Đào Tấn?

NSND Võ Sỹ Thừa (bên trái)

+ Tất cả các vai ruột của tôi đều gắn với tuồng Đào Tấn. Và tôi thành công trên sân khấu cũng qua những vai diễn trong tuồng Đào Tấn. Khi diễn Tiết Cương chẳng hạn, tôi học thuộc văn tuồng, mà càng học lại càng phục Đào Tấn. Mà nghiệm lại, đúng là chỉ với tuồng Đào Tấn, với văn tuồng ấy, mới mong nổi danh được, chớ viết lộp chộp như một số tác giả bây giờ thì sao mà hát hay, diễn tốt được. Cho nên tôi vẫn nói "Tổ cho tôi sự nghiệp" là vậy. (Nói rồi, ông tặng tôi câu hát).

- Giọng bác xem chừng vẫn ngọt dữ?

+ (Nghe tôi khen, ông cười) Còn tốt lắm chớ. Tết rồi, có cuộc họp nào mà họ không bắt tui hát. Ngay như bây giờ, ngồi nghe mấy đứa nhỏ hát, thấy dở, tui chê. Vậy là phải đứng lên hát mẫu, chứ hổng lẽ chê rồi bỏ đó coi đâu được. Mà tụi trẻ bây giờ cũng bướng lắm, phải hát tốt thì nó mới nghe.

- "Thừa Phù Ly" thì đúng là rất nổi danh ở các trường hát Bình Định. Nhưng nghe đâu là "Thừa Phù Ly" còn được nhiều cô mê lắm?

+ (Nghe hỏi vậy, ông hỉ hả...) Hổng phải tự khen chứ nói thật ra lúc ấy mình cũng đẹp trai thật. Người ta nói: cái thằng đẹp trai mà nó lại có tài. Cho nên nhiều cô đào hát diễn với tôi và mê tôi luôn. "Mê" ở đây có lẽ chính là yêu cái tiếng hát. Nhưng hồi đó tui còn nhỏ lắm, chưa biết "lãng mạn" gì mấy đâu... Nhưng với tôi, gọi là tri kỷ, vừa trong tình cảm, vừa trong nghề nghiệp, thì đúng là chỉ một người…

- Bác lập gia đình hẳn cũng với một trong số những cô mê bác hồi đó?

+ Hổng phải. Tôi lập gia đình năm 22 tuổi. Bả hồi đó là chi hội trưởng phụ nữ. Tôi đang làm xã đội trưởng. Làm việc, gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau chứ hát hò gì đâu. Còn bà sau, NSƯT Bích Hải, thì đúng là gặp nhau và mến nhau ngay trên sân khấu, mà ở miền Bắc kia.

- Năm 1954 đi tập kết, rồi năm 1965 lại vượt Trường Sơn trở về Nam khi mà tuổi đã tròm trèm 40 và ngay giữa lúc bác đang chuẩn bị sang Liên Xô học. Điều gì thôi thúc bác trở lại chiến trường khu V?

NSND Võ Sỹ Thừa sinh năm 1929 tại Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định. Theo nghề hát từ năm 14 tuổi. Phong cách Võ Sỹ Thừa là sự kết hợp nhuần nhuyễn các dòng tuồng Quảng Nam, Bình Định cộng với nét độc đáo của tuồng Bắc. Xuất sắc với các vai: Tôn Quyền, Kim Hùng, Cao Hoài Đức, Bao Công, Đào Phi Phụng, Quan Công, vua Trụ, Quang Trung... Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1983 và NSND năm 1986.

+ Hồi đó anh Năm Công (tức Võ Chí Công, khi đó là Bí thư Khu ủy khu V), điện ra Bộ Văn hóa để xin Đội tuồng Liên khu V, mà phải có Sỹ Thừa kia. Ông Mai Vi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa hồi ấy, có hỏi ý kiến tôi. Tôi nói: "Thôi, anh cho tui về trỏng, về với quê hương. Nếu còn sống, tôi lại ra đi học chứ lo gì!". Vậy là tôi lại vượt Trường Sơn. Nhưng mới vào được mấy tháng, vừa ló đầu xuống vùng trung du Hoài Ân thì địch tóm được. Vậy là chịu đời 7 năm trong tù, hết Pleiku, Cần Thơ rồi Phú Quốc.

Vào trại giam Pleiku trúng ngày tết, tôi biểu diễn luôn. Đêm ấy, tôi diễn để phục vụ cho anh em tù binh. Bọn chúng biết, nên bọn mật thám và cố vấn Mỹ đều kéo đến xem. Diễn Trần Bình Trọng đến đoạn: Chưa giết hết chúng bay/Uống rượu làm sao được, tôi đá cái khay rượu bay cái chéo trúng mặt tên cố vấn Mỹ. (Ông cười khà... khà…, rồi tiếp) Mấy thằng đó tức lắm. Sáng ra, nó bắt lên phòng, nhổ mất bốn răng hàm dưới. Đày ra Phú Quốc, tôi lại hát. Không có ngày lễ nào tôi hổng hát. Trần Bình Trọng này, rồi Chị Ngộ, Hoàng Phi Hổ... Cũng vì hát mà mỗi ngày, tôi bị bọn cai ngục "thăm hỏi" vài ba bận. Có lần ở Phú Quốc, nhân Quốc khánh 2-9, tôi độc diễn vai lão Bảng trong tuồng Chị Ngộ. Tụi nó đánh tôi từ sáng đến chiều, chết đi sống lại. Cũng may là mình có dzõ (võ) chứ hổng phải tay thường, nên chịu trận cũng được... Mà dzõ mấy, nó đánh riết rồi tôi cũng phải đi bằng gậy, vậy mà vẫn hát. Nhất là những ngày nghe tin Bác mất, chúng tôi đập tay vào vách, khóc nức nở. Buồn quá, tôi hát nam ai, nam thương, nghe cứ như cắt vào trong ruột....

- Vượt qua được những gian khổ trong nhà tù như vậy, hẳn bác phải có một ý chí ghê gớm và một sức khỏe không tồi?

+ Trước hết phải nói là nhờ cái chất tuồng sẵn trong người. Khi trong mình có một lý tưởng, một đam mê, thì mình sẽ vượt qua được những khó khăn. Còn sức khỏe ư? Thầy Nguyễn Nho Túy nhận xét: Sỹ Thừa nhanh như sóc mạnh như hổ, qua bao nhiêu trận đòn vẫn khỏe, vẫn biểu diễn. Còn một ông nhà báo thì từng viết về tôi Nghệ sĩ Võ Sỹ Thừa có thừa võ sĩ. Ngay sau này, khi làm Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, già cả rồi, nhưng vẫn có sức để dẫn quân diễn từ Nam chí Bắc.

- Phải chăng cũng chính chất tuồng ấy đã giúp bác vượt qua tật bệnh, và cái máu văn đủ võ thừa ấy vẫn vẹn nguyên trong bác đến giờ?

+ Chất tuồng, và cả sự quan tâm của chính quyền, ngành văn hóa và bạn bè khắp nước nữa chứ, nếu không thì tôi đâu có ngồi nói chuyện với cậu được như bây giờ. Hồi đó là năm 1993, tự nhiên vậy rồi tôi ngã bệnh. Bác sĩ nói là viêm xương khớp, phải ngồi xe lăn. Đận ấy, bà nhà tôi cũng bị huyết áp trở lại. Chồng bị liệt, vợ bò bốn chân trong nhà. Nhạc sĩ Trần Hoàn vô, ổng cám cảnh, than trời: "Sao cậu khổ dữ. Cậu đóng bi kịch nhiều, nên bi kịch nó trút lên đầu cậu rồi!". Năm 1997, một năm sau ngày bả mất, mấy đứa con đưa tôi ra Hà Nội. Cũng tính là phải sang Đức kia, nhưng đâu ngờ trong nước cũng làm được. Vô Bệnh viện Việt - Đức, họ mổ lắp xương giả vô và một năm sau thì tôi đi lại được, nhưng cái sức khỏe như hồi xưa thì không còn.

- Chuyên đóng kép võ, rồi sau này lại vào vai các anh hùng dân tộc như Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung... cũng là một cái thuận. Nhưng nghe nói, bác vào vai Nguyễn Trãi cũng ngọt lắm. Trong những vai diễn ấy, vai nào bác tâm đắc hơn cả?

+ Trúng miếng nghề của tôi đúng là vai Quang Trung vì vai này gần với phong cách tuồng truyền thống. Tính ra, tôi có 15 năm đóng Quang Trung. Còn nhiều người, nghe nói Sỹ Thừa đóng Nguyễn Trãi thì lạ lắm. Lạ vì trong tuồng truyền thống, tôi chỉ chuyên đóng kép võ. Ngay cả kép văn thì cũng là văn pha võ chứ không có loại văn ruột như Nguyễn Trãi. Vậy mà tôi đóng cũng được đấy chớ?

- Nhưng lạ nhất có lẽ là chuyện bác đóng vai Bác Hồ?

+ Đưa hình tượng Bác Hồ lên sân khấu thì đúng là cũng có người làm rồi. Nhưng Bác Hồ trên sân khấu hát bội thì chưa ai làm. Mà tôi đóng là có hát hẳn hoi đấy nhá. Hồi đó, cũng có người phản đối. May mà anh Tín (tức đồng chí Nguyễn Trung Tín, Bí thư Tỉnh ủy lúc đó) rất vững. Ảnh nói: "Nguyễn Trãi, Quang Trung thì có hát bội bao giờ, vậy mà Sỹ Thừa đóng cũng đạt huy chương vàng đấy thôi". Còn tôi lại nghĩ, trong tuồng đã có các anh hùng dân tộc hát Nam, nay tiếp thu truyền thống cho vai Bác Hồ hát Nam có sao đâu. Mà đúng, vở Sáng mãi niềm tin khi đi hội diễn, đoạt tới 6 huy chương vàng.

- Nhân nói "Sáng mãi niềm tin" - một vở tuồng đề tài hiện đại - theo bác, tuồng đi vào đề tài hiện đại, liệu có ngại "gieo vừng ra ngô"?

+ Mấy vở tôi làm sau này: Ba Tơ khởi nghĩa, Giấu mặt... cũng là hiện đại cả đấy thôi, mà cũng ngọt như thường. Hay cậu xem Nắng soi dòng suối Păng Pơi đang dựng lại đấy, đề tài hiện đại nhưng rất tuồng. Đi vào đề tài hiện đại, nhưng không có nghĩa là anh có thể diễn như kịch nói. Vấn đề là phải nắm vững, đi trúng đặc trưng của tuồng. Đặc trưng ấy, theo tôi, là cách điệu hóa.

- Trong ba người con của bác, hình như chỉ một Tuyết Mai có theo nghiệp tuồng?

+ Đã là nghiệp thì như cái duyên, ai vương nấy gặp thôi. Ba người con, thằng quý tử thì làm tiếp thị, siêu thị chi chi đó trong Sài Gòn. Con Thu Hương thì làm biên đạo múa, cũng gọi là có dính đến sân khấu. Chỉ có vợ chồng con Tuyết Mai là thực sự nối nghiệp hát của tui.

- Hẳn họ học được nghề từ bác nhiều?

+ Thì người ta nói "không thầy đố mầy làm nên". Đây tụi nó có thầy trong nhà mà. Mà đâu chỉ tụi nó, mấy đứa quanh đây thỉnh thoảng lại tìm đến tận nhà học tôi cả.

- Với thế hệ hiện nay của Nhà hát, ví dụ như Xuân Hợi, Tuyết Mai chẳng hạn, liệu bác đã thấy yên tâm rằng vốn nghề nghiệp của ông cha vẫn được tiếp bước?

+ Bây giờ mà diễn Sơn Hậu thì thằng con rể tui là NSƯT Xuân Hợi đóng Khương Linh Tá cũng gần như tôi chứ hổng giỡn đâu! Mà đâu chỉ mình Hợi, đám trẻ hiện nay, am hiểu cơ bản về nghệ thuật, hát tốt, múa đẹp. Nhưng nói thì nói vậy chứ vốn nghề thì bao giờ mà học cho hết được. Vấn đề là phải có tình yêu nghề. Có cái đó rồi thì học mấy cũng không chán và có vậy mới tiến được.

Bước khỏi tấm màn nhung sân khấu, về với đời thường, NSND Võ Sỹ Thừa vẫn là ông già 75 tuổi, sống thảnh thơi trong Cái lô cốt cuối cùng của đời ta như ông thường tự trào về căn phòng khiêm tốn mình đang ở. Cái không thể thiếu với ông bây giờ là vài chậu cây cảnh và tiếng chim râm ran mỗi sáng. Và rồi đêm đêm, sân khấu Nhà hát sáng đèn, lại thấy ông chống gậy xem tuồng "Để xem tụi trẻ diễn, và tiếp thêm hy vọng vào tương lai của nghề hát" - ông nói vậy.

. Lê Viết Thọ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)