Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ
15:23', 23/5/ 2004 (GMT+7)

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi làm việc với bà đó là cách nói chuyện rất hòa nhã, dịu dàng. Bà tâm sự: "Từ khi lên đây làm việc mình đâm ra đằm tính hơn trước". Nghe bà nói mà tôi thấy lạ, vì bà hàng ngày phải tiếp xúc với những thành phần được coi là bất hảo trong xã hội như người nghiện ma túy, gái mại dâm. Nhưng ngẫm lại thì có lý bởi theo bà: Với đối tượng này, xẵng giọng với họ cũng chẳng ăn thua gì mà phải "lạt mềm buộc chặt".

* Trang trại yên tĩnh

Dạo quanh một vòng quanh Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội (TT) dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 5 vẫn không làm tôi khó chịu bởi lẽ, một màu xanh cây trái trải ngút tầm mắt. Trung tâm rộng 4 ha, chuyên quản lý các đối tượng nghiện ma túy, gái mại dâm và cả những người nhiễm HIV/AIDS nhưng lại tĩnh lặng trông giống như một trang trại. Ở đây có 250 cây xoài, 50 cây điều và hàng chục cây ăn quả khác như đu đủ, vú sữa. Còn các loại rau màu thì nhiều vô kể. Chỉ tính tiền bán hành, tỏi mỗi năm đã đem về cho TT vài ba triệu. Rồi có cả bò, heo và gà nữa...

- Chị đã biến nơi quản lý giáo dục các đối tượng tệ nạn xã hội thành trang trại?

+ Lần đầu tiên khi tôi lên đây, tịnh không có một bóng cây. Tôi bàn với Ban giám đốc phải trồng cây lấy bóng mát. Tình cờ khi được những người dân trong vùng mời ăn xoài, mít nhà họ trồng nhân ngày mồng 5-5 âm lịch, tôi liền xin giống về ươm. Thấy cây chịu đất, tôi động viên mọi người trong cơ quan trích lương mua cây giống. Trồng hai năm thì xoài cho trái. Mừng quá, tôi xin với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho tôi làm Đề án trồng xoài và nuôi bò. Đây cũng là cách để cải tạo, giáo dục các học viên lao động phối hợp với dạy nghề, đồng thời cải thiện thêm đời sống. Đàn bò giờ có 25 con. Mỗi năm xuất chuồng chừng 30 con heo.

* Cách ly người nhiễm HIV là giết họ

Năm 1997, khi bà Cúc có ý định thông báo tình trạng nhiễm HIV cho các đối tượng nghiện ma túy trong TT, không ít người e ngại vì khi đó đây là một việc làm táo bạo. Thậm chí có người còn bảo: "Bộ không sợ người ta đánh cho méo mồm hay sao".

- Vậy mà chị đã cả gan?

+ Cũng đành phải vậy chứ biết làm sao. Hồi đó (1996-1999), số đối tượng của Trung tâm hàng năm lên đến 130-140 người. Riêng số người nghiện bị nhiễm HIV có trên dưới 50 người. Tình hình đó mà không thông báo cho họ biết để họ tự phòng cho mình và cho cả người khác thì thế nào cũng nguy.

- Thông báo như vậy chẳng khác nào tuyên án tử cho họ. Chị có tính đến phản ứng của người được thông báo?

+ Có chứ, anh em cán bộ phải bàn đi bàn lại mấy bận. Người đầu tiên tôi chọn để thông báo là anh Hùng "hột mít" (đã chết) thuộc vào dạng đại ca trong phòng. Tôi còn nhớ, mới đầu nghe tin, mặt của anh ta cắt không còn hột máu, hai mắt đỏ ngầu. Nhưng khi tôi tiếp: "Cũng còn mấy người nữa, em à. Chị nói cho em biết nhưng em đừng cho bọn họ hay" thì sắc mặt anh ta đỡ xanh hơn một chút. Và cứ lần lượt như thế cho đến người cuối cùng.

- Đã có lần nào, chị bị đánh "méo mồm"?

+ Méo mồm thì không nhưng vỡ đầu thì có rồi (cười).

- Theo chị, tốt nhất là để họ tự phòng tránh?

+ Đúng vậy, vì không ai phòng cho mình tốt hơn bản thân mình. Quan điểm của tôi là hãy để cho chính người nhiễm có ý thức tự phòng tránh bởi không ai làm điều đó tốt hơn họ. Người bình thường đôi khi vẫn chủ quan, nhưng người nhiễm thì không nếu một khi đã ý thức được căn bệnh này và muốn phòng cho người không nhiễm. Chính họ, chứ không ai khác, mới ngăn chặn được đại dịch này lây lan. Kinh nghiệm của tôi là không thể tách rời họ. Nếu làm vậy là mình đã giết người ta. Họ cũng cần được sống, được vui chơi hòa nhập với cuộc đời này. Chỉ khi nào họ chuyển sang giai đoạn AIDS thì mới cách ly họ và chính anh em bị nhiễm chăm sóc lại họ.

* "Người thật việc thật" và dự án ấp ủ từ lâu

Tôi cũng đã từng xem các "diễn viên nghiệp dư" của Đội văn nghệ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của TT diễn một đêm. Họ diễn rất sôi nổi và hào hứng. Trong những giây phút đó, họ tạm quên đi mình là những người bị tử thần đeo bám, tạm quên đi thân phận của mình để sống thật với vai diễn. Họ kể về cuộc đời mình cho người khác biết...

- Liệu lần này chị đã đi quá xa chăng?

+ Năm 2000, TT thành lập Đội văn nghệ tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Mới đầu chỉ gói gọn trong khuôn viên ở TT. Nhưng sau đó tôi nghĩ là nên để các anh chị em diễn ở bên ngoài, như thế hiệu quả tuyên truyền mới cao. Ông Peter, đại diện Tổ chức FHI rất ủng hộ và góp ý thêm cho chúng tôi. Vở kịch đầu tiên chúng tôi diễn là "Tiếng nói của lương tâm" do anh Trương Quốc Hùng, một người bị nhiễm HIV viết kịch bản và lời thoại. Các anh chị em, kể cả người nhiễm và gái mại dâm, đều tham gia. Ngày 1-12-2001, chúng tôi công diễn lần đầu trước hàng ngàn người tại Hội trường Quang Trung. Thú thật, lúc đầu tôi và các cán bộ ở TT cũng run lắm, chỉ sợ các đối tượng bỏ trốn hoặc gặp những người quá khích. Nhưng khi vở diễn kết thúc, tiếng vỗ tay vang lên thì tôi biết mình đã thành công. Thừa thắng xông lên, Đội văn nghệ của TT được mời đi diễn ở khắp nơi.

- Nhưng còn tâm trạng của những diễn viên?

+ Mới đầu, khi đặt vấn đề này, anh chị em cũng ngần ngại. Nhưng sau chúng tôi động viên anh chị em thì họ chấp nhận, thậm chí còn rất hào hứng tham gia nữa chứ. Tiết mục tự thuật về cuộc đời mình, đầu tiên là do anh Trương Quốc Hùng đảm nhiệm. Năm 2003 anh Hùng chết thì chị Lê Thị Nuôi tiếp tục.

- Nói một chút về cuộc sống riêng của chị. Việc chị sáng đi, tối về liên tục trong 10 năm qua, cơ quan lại xa nhà cả chục cây số có ảnh hưởng gì đến cuộc sống hạnh phúc gia đình?

+ Lúc đầu ông xã cũng hơi khó chịu nhưng bây giờ thì ổng hiểu, thông cảm và còn ủng hộ việc làm của mình nữa chứ. Buổi sáng tôi dậy sớm đi chợ, mua thức ăn về bỏ sẵn trong tủ lạnh. Buổi trưa, mấy cha con về tự nấu ăn. Đi chợ sớm nên thịt vẫn là "bài ca muôn thuở". Buổi tối, khi không có việc bận, tôi cố về ăn cơm cùng gia đình. Khi nào ổng nóng giận thì mình chịu nhún và ngọt ngào. Rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy.

- Cảm giác của chị khi lần đầu nhận nhiệm vụ này?

+ Tôi có cảm giác một ngày ở đây dài như cả tuần lễ. Khi tiếp xúc với các đối tượng gái mại dâm, người nghiện ma túy tôi thấy xa lạ và ngăn cách bởi mình chưa biết họ. Cũng phải mất một năm tôi mới quen và yên tâm công tác.

- Và bây giờ?

+ Càng đi sâu tìm hiểu từng thân phận của mỗi người tôi càng bị lôi cuốn. Không phải ai cũng xấu. Có người vì đua đòi nhưng cũng có người vì số phận xô đẩy. Giờ tôi đã xác định mình sẽ gắn bó với họ cho đến ngày mình nghỉ hưu.

- Dự định sắp tới của chị?

+ Nếu được, tôi sẽ thành lập Câu lạc bộ những người tình nguyện phòng chống HIV/AIDS ở bên ngoài cộng đồng. Tôi đã đi thăm một số người bị nhiễm HIV sống ngoài cộng đồng. Nhiều người rất khổ. Chẳng hạn như chị T.V, bị nhiễm HIV sống ngoài cộng đồng. Hai mẹ con chị sống trong một căn chòi ở khu nghĩa địa Tàu. Rồi vợ con anh S. "mành", anh ta chết ở TT này, nhưng vợ con anh ta ở ngoài cũng đã bị nhiễm… Dự án này sẽ hướng đến những đối tượng đó, tư vấn và đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn, tiếp cận người bệnh và cả những người thân của họ có biện pháp phòng tránh. Đây là dự án tôi ấp ủ đã lâu. Nói thật, sau này tôi về hưu tôi vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này.

***

Khi chúng tôi thực hiện bài phỏng vấn này thì chị đang chuẩn bị tài liệu để ra Hà Nội dự cuộc thi Ngày Sáng tạo Việt Nam 2004 được tổ chức vào hai ngày 20-21 tháng 5 do Ngân hàng Thế giới khởi xướng và tài trợ. Chủ đề của cuộc thi năm nay là Những sáng kiến phòng chống HIV/AIDS. Dự án của chị tên là "Chuyện của chúng tôi" (những người nhiễm HIV/AIDS) đã được lọt vào chung kết. Chúc chị "mã đáo thành công".

. Thu Hà

 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, sinh năm 1954 ở Mỹ Chánh, Phù Mỹ.

Năm 13 tuổi tham gia cách mạng đến năm 14 tuổi thì bị địch bắt. Năm 1973 bà được trao trả và ra Bắc học tập.

Năm 1976 - 1994, làm việc tại Phòng chính sách người có công ở Sở LĐ-TB&XH.

Năm 1995 đến nay: làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh.

Bà Cúc đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh.

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)