Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng
16:19', 6/6/ 2004 (GMT+7)

Một người đàn bà nông thôn nghèo khó có đến 8 đứa con ruột lại nuôi thêm 10 đứa con nuôi. Vậy mà, những năm tháng cuối đời, bà lại cảm thấy buồn vì ngôi nhà của mình thật trống trải, hiu quạnh. Ngẫm lại cuộc đời mình, bà triết lý: "Lá rụng về cội, cái luật ở đời, thương xuống chớ ít thấy thương lên!"

Bà Cao Thị Phước

Trong lá đơn của bà Cao Thị Phước gởi cho Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh có trình bày một ý nguyện: Hiện giờ bà đang nuôi cháu Võ Thị Thu Sang, một đứa trẻ mồ côi mà bà đã nhặt được tại chợ Diêu Trì cách đây 11 năm. Sang đang học lớp 5c Trường tiểu học số 2 Phước Thành. Bà Phước rất lo tuổi đã cao, sức đã yếu, sợ không đủ sức cưu mang cháu đến tuổi trưởng thành…

* Bé Sang là đứa cháu nuôi cuối cùng còn ở lại với ông bà phải không?

+ Cái hồi nuôi con Trinh (đứa con nuôi thứ 9), tôi cũng đã định bụng thôi không nuôi thêm đứa nào nữa. Vậy mà… (đôi mắt bà Phước ngấn nước) đi chợ Diêu Trì, thấy bà con xúm đông đen quanh hàng trứng vịt, tôi đã lại coi. Thấy một đứa bé vừa nhỏ, vừa đen, khoảng chừng 3 tháng tuổi nằm lọt trong chiếc áo tơi bỏ dưới đất. Trông nó xấu quá nên nghe nói bị bỏ mấy ngày rồi mà chưa có ai nhặt. Tôi nhìn nó, đôi mắt đen thui của nó cũng nhìn lại tôi như biết mặt tôi vậy. Thấy tội nghiệp quá, tôi lại ẵm nó về. Năm đó tôi đã trên 50 tuổi rồi. Thằng con trai lớn của tôi cũng vừa mới sinh đứa cháu nội đầu lòng. Vậy là, tôi khai sanh cho nó làm con của thằng lớn. Nó gọi vợ chồng tui là ông nội, bà nội. Con Sang nay đã 11 tuổi. Nó học không giỏi lắm nhưng 5 năm đều là học sinh tiên tiến. Thấy nó ham học, tôi cũng muốn cố hết sức để nuôi nó học lên cấp 2, nhưng sợ rằng "lực bất tòng tâm" nên muốn nhờ Nhà nước quan tâm, giúp đỡ thêm cho cháu.

* Nghe kể, hồi mới 17 tuổi, chưa chồng, bà đã nhặt con rơi về nuôi. Bà không sợ "thiên hạ đàm tiếu" sao?

+ Cha mẹ tôi ở thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước nghèo lắm, má tôi chỉ có độc cái quần đùi để mặc. Năm 17 tuổi, tôi rời gia đình đến thôn Bình An, xã Phước Thành (Tuy Phước) ở với chị gái để học nghề "cô mụ hương thôn" (bà đỡ). Khoảng 46-47 năm về trước, tôi đỡ đẻ cho một cô gái không chồng mà chửa. Cha mẹ cô ấy sợ con gái không lấy được chồng nên nhờ tôi ẵm đứa nhỏ bỏ đi. Buổi chiều hôm ấy, trời lất phất mưa, ôm đứa trẻ đỏ hỏn đang khóc oe oe, tôi đã không nỡ bỏ cháu lại dưới đất lạnh. Tôi ẵm nó về nhà và đặt tên cho cháu là Cao Thị Nghi Dung. Lúc bế nó về, tôi chỉ vì xót thương. Về đến nhà rồi, nghĩ đến tình cảnh "ăn nhờ ở đậu" của mình, hơn nữa, là con gái mới lớn chưa có một chút kinh nghiệm gì về nuôi trẻ nhỏ, tôi bắt đầu lo... Từ đó, tôi đã phải ráng làm việc nhiều hơn để đỡ đần anh chị và kiếm tiền nuôi con. Đêm đêm, tôi ôm con ngủ dưới cái võng rách ở xó bếp. Thời gian sau này, xuống Quy Nhơn học nghề nữ hộ sinh, tôi tranh thủ làm thêm cho một kho thuốc. Thấy tôi chăm chỉ, người phụ trách thường dúi cho tôi vài chục viên thuốc tây. Tôi đã để dành số thuốc đó đem bán lấy tiền mua sữa cho con. Tôi đã định bụng không lấy chồng. Nếu làm ăn khá, kiếm thêm một đứa con trai nữa. Nhưng thời trẻ, tôi là một cô gái "dễ coi", bọn ngụy quân thường kiếm cớ gây sự, đổ cho tôi nuôi con "Việt cộng". Thấy sống một mình không yên, năm 20 tuổi tôi lấy chồng.

* Chồng bà nghĩ gì khi người vợ yêu của ông ấy lên xe hoa về nhà chồng với một đứa con nhỏ trên tay?

+ Ông không nói gì, nhưng qua thái độ của ổng, tôi biết là ông chỉ lo tôi khổ. Bởi vậy, sau này tôi tiếp tục nuôi dài dài, ông cũng chẳng rầy la mà còn thương luôn cả chúng. Như con Sang đang ở với tui bây giờ, bữa ăn nào có miếng cá ngon, ông cũng gắp phần cho nó. Trường học, cách nhà có vài trăm thước mà ông vẫn đưa đón cháu đi học hàng ngày...

* Thế nên bà mới tiếp tục nuôi đứa thứ hai, thứ ba...?

+ Tôi nhặt được thằng Lãnh lúc nó khoảng 13-14 tuổi. Chiến tranh loạn lạc, nó phiêu bạt từ Bồng Sơn vô Quy Nhơn phụ bán phở cho một hàng ăn. Thấy nó khổ quá, người ta dắt về đây cho tôi nuôi. Ở với tôi được ba năm thì nó tìm được cha mẹ ở quê và xin về. Đứa thứ ba là con Tố bằng tuổi đứa con ruột thứ tư của tôi. Bị mẹ ghẻ ngược đãi, nó bỏ nhà đi lang thang, miệng lúc nào cũng lảm nhảm nói, cười. Tôi thấy nó lê lết ở xó chợ, nhặt trái cây thối để ăn nên động lòng dẫn nó về nhà. Hôm dắt nó về, cả xóm ai cũng biết vì trông nó bẩn thỉu, hôi hám, chấy cứ rớt như mè. Ở với tôi được một năm, nó khỏe mạnh, phổng phao ra, biết ăn biết nói... Nhớ cha, nó lại xin về. Rồi tôi nuôi thằng Nuôi. Mẹ nó đi ở cho một người đàn ông xóm này, rồi không hiểu ăn ở với ông chủ ra sao mà có chửa. Cô ta đã uống rễ sầu đông để phá thai nhưng không thành, khi đẻ đã ẵm con vứt ngoài bụi. Thấy tội, tôi lại nhặt nó về đặt tên là Cao Văn Nuôi. Thằng Nuôi 30 tuổi thì tôi tìm vợ cho nó. Chúng nó cưới nhau đã được 4 năm, đẻ cho tôi một đứa cháu trai (bà Phước chỉ vào một cậu bé khoảng 3 tuổi đang ngủ ngon lành trên võng), khỏe mạnh và lanh. Sinh con ra, chúng lại "vứt" con cho tôi nuôi. Tôi cũng đã cất cho chúng cái nhà nho nhỏ khoảng 4 triệu đồng bên đường cái quan. Cho chúng một đám ruộng để "ra riêng". Thằng chồng làm rẫy, con vợ thì đi làm gỗ. Chúng có sức khỏe, bây giờ đã có của ăn, của để coi bộ "no" hơn vợ chồng tui.

Ờ... còn cái ngày tôi nuôi con Nữ, người nó xanh xao, vàng vọt, đuổi ruồi không bay... Nó bị xơ gan cổ trướng nên bụng phình to, da bụng đã mỏng ra như giấy quyến. Ba má nó không có tiền chữa trị nên bỏ luôn, sống nuôi chết chôn. Thương nó, tôi lại đưa về nhà. Hồi đó, nhìn thấy nó ai cũng tránh xa vì sợ lây bịnh. Tôi đã chạy hết thầy này đến thầy khác, lớp thì thuốc nam, lớp thuốc bắc, được một năm sau thì nó khỏi bệnh, đỏ da thắm thịt trở lại. Con dâu tôi đã dạy nó cách làm ăn. Nó nghèo, không vốn liếng nhưng được cái chững, hiền lành. Tôi gả chồng cho nó được vài năm nay. Bây giờ, chúng đã xây cất được nhà cửa, ở cùng xóm với vợ chồng tui nên hàng ngày chúng vẫn qua lại đây luôn...

8 con ruột, 10 con nuôi, cháu chắt nội, ngoại có đến 16 đứa. Vậy mà đến những năm tháng cuối đời, bà Phước lại cảm thấy trống trải, hiu quạnh vì con cái phương trưởng đã lần lượt rời tổ ấm để bay xa.

*Người ta thường nói, con rứt ruột đẻ ra nhiều đứa còn chẳng coi cha mẹ ra sao nữa là con nuôi?

+ Thằng Lãnh, con Trinh... đã rời tôi mà đi. Chắc do hoàn cảnh nên chúng chưa có dịp nào quay trở lại thăm tôi. Nhiều lúc, nằm nhớ đến chúng, tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng... lá rụng về cội mà. Nó về với cha mẹ ruột nếu được sống cuộc sống đầy đủ, sung sướng tôi cũng mừng. Mình già rồi, nếu chết đi đâu có lo được cho nó mãi. Giữ nó lại là mình ích kỷ phải không? Bởi vậy, đứa nào về tôi cho về. Nhưng trước khi đi tôi dặn: "Nếu sống thoải mái thì ở, còn khổ quá thì cứ về với má, má nuôi. Không sao hết! Ở với tôi tuy khổ nhưng không đói mà lại đông anh em quây quần nên vui ( bà cười)

* Dân gian có câu ca: "Người xây non bộ người chơi. Ta gầy nhân đức để đời cho con". Các con bà chắc đã được hưởng hồng phúc ấy?

+ Mấy đứa con tôi hình như rất giống tôi ở chỗ chúng rất biết quan tâm, lo lắng cho người khác nhiều khi còn hơn chính bản thân mình. Chị em trai, gái biết hòa thuận, yêu thương nhau, giúp nhau học hành và lập nghiệp. Hiện giờ các con ruột của tôi, hầu hết đều đã tốt nghiệp đại học và ra ngành, ra nghề. Các con nuôi đứa nào có sức học đến đâu tôi cũng cố nuôi cho ăn học, không phân biệt con nuôi, con đẻ. Tôi nghĩ, đó chính là phước lớn mà vợ chồng tôi đã đem lại cho con cái. Mình ở tốt, cũng như ngọn đèn soi sáng cho lũ nhỏ đi. Mình soi sáng nó đi sáng. Soi tối nó phải đi trong bóng tối. Nhứt định vậy thôi!

. Quỳnh Hoa - thực hiện

 

Bà Cao Thị Phước sinh ngày 25-5-1940 tại thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Năm 20 tuổi bà lấy chồng là ông Võ Thuận và theo chồng về Phước Thành làm ruộng, làm rẫy để sinh nhai.

Ngoài 10 con nuôi bà còn có 8 con ruột là Diệu Hiền, Diệu Hòa, Duy Thịnh, Cao Cường, Thế Thịnh, Mộng Hoa, Mộng Hằng, Mộng Hoài. 5/8 người con đã tốt nghiệp đại học và hiện là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên... đang sinh sống và làm việc tại nhiều địa phương.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)