Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Thanh Tùng:
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"
17:15', 13/6/ 2004 (GMT+7)

13 tháng đã trôi qua và người dân trên các bản làng Vĩnh Thạnh nay đã quen với hình ảnh người Bí thư Huyện ủy mới của mình: Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thanh Tùng. Chân thành, cởi mở, lại chịu khó đi lên vùng sâu, vùng xa, sinh hoạt hòa đồng với đồng bào là những điều khiến họ cảm thấy tin tưởng ở người cán bộ luân chuyển này…

- Lên công tác ở miền núi, một trong những trở ngại đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ. Với anh thì sao?

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Thanh Tùng (bên phải) uống rượu cần với đồng bào

+ Thì tôi học tiếng Ba na. Đây cũng là một trong những công việc đầu tiên của tôi khi nhận quyết định lên Vĩnh Thạnh. Tôi có hẳn một quyển sổ ghi chép những từ, câu thông dụng, rồi khi gặp tình huống nào chưa biết thì nhờ anh em trong cơ quan chỉ bảo thêm cách đọc, cách viết. Học tiếng, rồi tìm hiểu cả phong tục, tập quán của đồng bào nữa. Đồng bào thấy mình nói được tiếng Ba na, thấy mình thật sự hòa đồng thì mừng lắm.

- Đến bây giờ thì anh nói tiếng Ba na đã thành thạo?

+ Cũng mới dừng ở mức độ giao tiếp bình thường thôi. Nhưng bây giờ mà xuống làng thì sinh hoạt, nói chuyện với bà con bằng tiếng Ba na cũng tàm tạm.

- Từng làm báo ở chiến trường Campuchia, rồi trở thành cán bộ tuyên giáo, đi nghiên cứu sinh… nghĩa là toàn những công việc bên bàn giấy cả, khi nhận nhiệm vụ lên Vĩnh Thạnh làm Bí thư Huyện ủy, đối diện với hàng loạt vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, cảm giác của anh thế nào?

+ Trước, tôi làm công tác Tuyên giáo, mà cũng chỉ phụ trách một mảng, một lĩnh vực là tuyên huấn. Và mặc dù tôi cũng thường xuyên đi công tác cơ sở, đã lên Vĩnh Thạnh không ít lần, nhưng chủ yếu là đi sâu theo dõi, nắm tình hình công tác tư tưởng thôi. Nay về làm Bí thư Huyện ủy, phải theo dõi và chỉ đạo toàn diện hơn, trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng chính quyền… lúc đầu, phải nói là cũng khá ngỡ ngàng.

- Vậy việc đầu tiên anh làm sau khi nhậm chức là gì?

+ Việc đầu tiên là đi công tác cơ sở. Phải nói là gần như 3-4 tháng đầu là thời gian dành cho cơ sở. Đi để hình dung về địa bàn mình phụ trách. Vừa đi, vừa khảo sát. Đến bây giờ thì tôi đã đi hết các làng rồi, kể cả những nơi xa nhất.

- 13 tháng, hẳn anh đã kịp hiểu những người cộng sự của mình ở Vĩnh Thạnh. Anh đánh giá thế nào về họ?

+ Đội ngũ cán bộ ở Vĩnh Thạnh nhìn chung năng lực khá đồng đều. Anh em rất đoàn kết, vì cái chung.

- Vĩnh Thạnh có một cách làm hay là hàng tháng tổ chức trực báo trực tiếp tại một xã (do đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách địa bàn đó chủ trì) với các ban, ngành trong huyện. Cách làm này phải chăng đã giúp các xã tháo gỡ khó khăn tại chỗ? Và theo anh, liệu đây có phải chỉ là một giải pháp tạm thời, khi mà công tác cải cách hành chính của chúng ta thực hiện chưa đủ mạnh?

+ Cách làm này đã có từ Bí thư tiền nhiệm (đồng chí Lê Văn Diện) và hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì thành nếp ở Vĩnh Thạnh. Tôi thấy đây là cách làm khá hay. Hay vì không chỉ dừng lại ở việc các ban, ngành trong huyện trực tiếp xuống xã, cùng các địa phương này tháo gỡ khó khăn ngay tại chỗ; mà qua đó, giúp các ngành trong huyện trực tiếp nắm bắt tình hình thực tế, để có những định hướng trở lại cho các xã.

- Đến nay, anh đã hình dung một cách cơ bản như thế nào về sự phát triển của Vĩnh Thạnh trong tương lai?

+ Vĩnh Thạnh cũng như các huyện miền núi khác trong tỉnh, từng là căn cứ địa của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến. Phải nói là bà con miền núi rất có truyền thống cách mạng, rất tin Đảng và chấp hành tốt mọi chính sách của Đảng. Chính lòng tin ấy đã tạo ra sự ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ở đâu thì tình hình tôn giáo phức tạp, nhưng ở Vĩnh Thạnh thì hoàn toàn không có. Đây là điều rất đáng mừng.

Còn về những thế mạnh để Vĩnh Thạnh phát triển, tôi nghĩ thế này, thứ nhất là phát triển chăn nuôi, thứ hai là trồng cây công nghiệp và thứ ba là phát triển du lịch sinh thái. Mà theo tôi, du lịch sẽ là khâu đột phá của Vĩnh Thạnh trong hướng phát triển tương lai.

Tiềm năng là vậy nhưng vấn đề là làm cho bà con, nhất là bà con miền núi nhận thức được và có quyết tâm biến tiềm năng trở thành hiện thực?

Đã là nhận thức thì không thể một sớm một chiều mà phải từ từ. Vấn đề ở đây chính là phải hình thành những "kênh" tuyên truyền thật sự có hiệu quả, tác động vào nhận thức, giúp bà con hiểu và tiếp cận được với tiến bộ kỹ thuật, từ đó có ý chí và biết cách vươn lên làm giàu. Nhưng cũng phải nói là hiện nay nhận thức của bà con cũng đã thay đổi nhiều: biết trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi… đó là cả một sự thay đổi rất lớn rồi. Đã xuất hiện những tấm gương hộ gia đình biết đầu tư, vươn lên làm giàu từ trên chính đất đai của mình.

- Giờ thì anh đã thấy gắn bó với mảnh đất thượng nguồn này chưa?

+ Giờ thì Vĩnh Thạnh đã như quê hương của tôi. Tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình sẽ chỉ làm việc ở đây hết 3 năm luân chuyển rồi đi cả. Tôi làm với tâm thức một người con làm cho quê hương của mình. Cứ mỗi lần đi công tác ở đâu xa về, lên đến đầu địa giới Vĩnh Thạnh, trong mắt tràn ngập hình ảnh của những cánh rừng đại ngàn, là đã thấy ấm áp trong lòng rồi. Bà con ở đây cũng vậy, rất thương mình. Mỗi lần đến, bà con quý lắm, không có cơm nóng thì lấy cơm nguội ra mời ăn...

- Làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh được 13 tháng, anh đã thấy mình làm được nhiều việc chưa?

+ 13 tháng thì cũng chưa đủ để làm được gì nhiều. Có những việc không thể một sớm một chiều mà có sự thay đổi được. Nhưng nếu lên Vĩnh Thạnh bây giờ, anh sẽ thấy cả Vĩnh Thạnh hiện đang như một công trường. Nào đường tránh hồ Định Bình, rồi công trình hồ Định Bình đang thi công, các điểm tái định cư, hồ Tà Niêng, hồ Hà Nhe… Vĩnh Thạnh hiện nay đang tập trung vừa ổn định tái định cư, vừa vận động bà con đi đến các điểm tái định cư, vừa phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

- Thực hiện luân chuyển cán bộ có nhiều cái lợi. Ngoài việc người cán bộ luân chuyển vừa gắn bó với địa phương mới, có thêm kinh nghiệm từ thực tế, nắm và giải quyết nhiều vấn đề ở địa phương; vừa có trách nhiệm trước Đảng, trước tổ chức và địa phương mới về công việc; còn một thuận lợi khác là họ không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ mà bình thường ai cũng gặp phải?

+ Ở đâu cũng vậy phải khách quan trong công việc. Cần nhất là đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải tùy theo tính chất từng công việc mà đưa ra bàn bạc tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Do vậy mà tạo được sự đoàn kết, nhất trí, sự hợp tác, giúp đỡ để hoàn thành công việc.

- Làm Bí thư một huyện miền núi như Vĩnh Thạnh, hẳn không mấy rảnh rang. Như hiện nay, anh còn có thời gian đọc báo, xem sách?

+ Phải tranh thủ thời gian để đọc báo, ít nhất phải đọc cho được cái tít. Bài nào, vấn đề nào cần cho công việc của mình, thì đọc kỹ. Còn sách vở, đúng là không còn thời gian.

- Lên công tác ở Vĩnh Thạnh, gia đình vẫn ở Quy Nhơn, con lại đang tuổi đi học. Nhưng không ít ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ anh không về mà ở lại đi cơ sở. Vậy anh có gặp khó khăn nào từ phía gia đình không?

+ Vợ tôi là giáo viên nên có thời gian và điều kiện bảo ban và kèm cặp việc học cho hai con. Hiện nay, con gái lớn của tôi đang học 12, đứa nhỏ đang lớp 2, cũng không quá nhỏ nữa. Do vậy, mình cũng cảm thấy rất yên tâm.

. Lê Viết Thọ - Thực hiện

  

TS Nguyễn Thanh Tùng sinh năm 1960 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Năm 1982: tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

Từ tháng 4-1982 đến 1984: đi nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia, làm báo Mặt trận 479 (Quân khu 7).

Tháng 4-1984: trợ giảng tại Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1985: làm việc tại Phòng Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định. Năm 1990: Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Từ 1994 - 1999: Nghiên cứu sinh tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học năm 1999 với đề tài: "Quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về công nghiệp hóa đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1980-1996)".

Năm 2001: Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tháng 5-2003: Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)
"Tôi là bạn của… thần kinh"   (19/04/2004)
Tôi ước sao ai cũng được dùng "rau an toàn"   (19/04/2004)
Đất và người Bình Định là nguồn mạch của văn chương   (19/04/2004)