85 tuổi, vậy mà hôm trước, mới thấy ông ở hội thảo nọ, hôm sau ông có mặt ở mô hình kia, hay lên với những trang trại, những vùng đất mà ngay cả cánh trẻ cũng thấy… ngại đi. Người đó là cụ Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh.
Ông mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng sự gắn bó của ông với nghề nông:
|
Ông Trình Nghiên (người đi đầu) trong một chuyến đi cơ sở |
+ Cả cuộc đời làm cách mạng của tôi gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngay từ năm 1948, tôi đã là Bí thư Hội Nông dân Cứu quốc của huyện rồi. Năm 1949 lên làm Thường vụ Hội Nông dân tỉnh. Một thời gian sau làm Trưởng ty Canh Nông tỉnh. Tập kết ra miền Bắc cũng làm nông nghiệp, nông thôn. Sau giải phóng, về lại quê hương cũng làm kinh tế hợp tác, rồi Trưởng ban Cải tạo Nông nghiệp, Ban Xây dựng Huyện, cuối cùng lại về Hội Làm vườn. Cho nên tôi thường nói: cả đời tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông thôi.
- Lý do nào khiến bác gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến như vậy?
+ Trong cuộc đời 56 năm làm nông nghiệp, nông thôn của tôi, cũng có thể nói là tôi có đúc kết được một số kinh nghiệm trong thực tế. Và tôi cứ nghĩ thế này: nhà mình đây có tất cả 25 người, thì 16 người đã tốt nghiệp đại học và đương học đại học. Gia đình mình trưởng thành được như vậy là nhờ đâu? Tất cả là nhờ có Đảng. Không có Đảng thì không được vậy đâu. Vậy thì, mình đã có chút ít kinh nghiệm thì cố gắng mà làm, làm để phục vụ nhân dân, vừa là hoàn thành đúng trách nhiệm của đảng viên, nhưng cũng là để giáo dục con cái mình nữa chứ. Cái lý do tôi gắn bó với nghề nông là vậy.
- 85 tuổi nhưng bác vẫn còn làm việc, ngoài lý do như vậy, liệu còn một động cơ nào khác…?
+ Động cơ của tôi chỉ vậy. Tôi làm hoàn toàn không phải vì tiền, cũng chẳng vì quyền lợi, địa vị gì cả. Như về lương bổng, Chủ tịch Hội với một nhân viên bình thường thì như nhau chứ tôi có lãnh hơn đâu, thậm chí, đôi khi tôi lại "sớt" của mình đi nữa đấy chứ. Thỉnh thoảng, tôi có viết báo, lãnh được nhuận bút là tôi chia hết chứ đâu có để làm gì. Có lần, có đồng chí lãnh đạo hỏi tôi có muốn lấy xe không. Tôi nghĩ: lấy xe thì ngoài chuyện quản lý đã phức tạp rồi, mà xe xuống đến nông thôn thì khó đi, nhưng quan trọng hơn là đi xe riêng thì có lợi gì cho dân không mà mình lấy. Cho nên tôi bảo: Thôi, tôi cũng chẳng lấy xe làm gì…
Rồi ông say sưa kể với chúng tôi về các mô hình mà Hội đã xây dựng được. Đó là các mô hình mẫu sản xuất từng loại sản phẩm, từng loại mô hình kinh tế VAC, mô hình cải tạo vườn tạp, mô hình mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa gắn kinh tế kỹ thuật với sản xuất kinh doanh; rồi mô hình cả khu vực, cả làng, cả xã làm kinh tế VAC, mô hình tiêu biểu cho từng vùng sinh thái khác nhau của tỉnh. Đến nay, Hội đã hình thành được 150 mô hình như vậy ở các địa phương trong tỉnh.
- Bác đã đi hết 150 mô hình ấy chưa?
+ Một mô hình thì không chỉ đi một mà phải đi 2, 3 lần ấy chứ. Từ việc chọn để xây dựng mô hình, đến tập huấn, kiểm tra, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình… Chú tính: làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại, nếu mà không đi đến tận nơi, chỉ quản lý theo kiểu hành chính không thôi thì làm sao biết được hội viên cần giúp đỡ cái gì, cần chia sẻ kinh nghiệm gì để mình có thể giúp, có thể hỗ trợ, hướng dẫn. Muốn làm tốt, muốn sát đến từng hội viên thì phải đi. Chính điều này sẽ thôi thúc mình phải đi…
- Chọn ra mô hình thì không khó, vì khi xây dựng một mô hình thì sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Ở đây, vấn đề là làm sao cho người dân khi triển khai thì đạt được kết quả như mô hình?
+ Làm sao cho dân làm được như mô hình - đây cũng chính là điều làm chúng tôi băn khoăn. Xây dựng mô hình không thôi thì rõ ràng là chưa đủ, vấn đề là từ mô hình đó, phải chuyển giao kỹ thuật đến với nông dân, giúp họ biết cách làm, làm vườn thế nào, làm trang trại thế nào, và phải mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho họ cũng như phải chuyển giao những kỹ thuật cụ thể. Đấy chính là nhân rộng mô hình,
- Nhiều người vẫn cứ băn khoăn, không hiểu bác có kinh nghiệm gì để trẻ mãi thế, 85 tuổi mà vẫn bươn bả ở những nơi xa nhất, vẫn đi nhiệt thành như vậy?
+ Làm được điều có ích thì mình vui, mà vui thì khỏe. Nếu có kinh nghiệm thì đó chính là kinh nghiệm vậy. Cái quan trọng là đừng để não mình xơ cứng đi. Phải luôn luôn động não, có suy nghĩ thì trí óc mình sẽ không lõm đi. Làm điều hay, rồi lại nghĩ đến điều hay, điều phải thì trong người sẽ thấy khoan khoái, thấy vui ngay thôi.
Hiện nay, ông là một Chủ tịch Hội Làm vườn vào loại cao tuổi nhất toàn quốc, lại có số hội viên vào loại đông nhất nước (cả nước có 600.000 hội viên, trong khi riêng Bình Định đã có tới 50.000 hội viên), Hội Làm vườn Bình Định lại là nơi đề xuất khá sớm việc phát triển kinh tế trang trại, xây dựng được nhiều mô hình và tìm kiếm được từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau để bổ sung vào kinh phí hoạt động Hội.
- Kinh nghiệm để kiếm nguồn tài trợ kinh phí cho hoạt động Hội của bác là gì?
+ Là phải quyết tâm làm cho được. Có làm được mới xin tài trợ được. Hội Làm vườn có chìa đôi vai vào mà gánh bớt công việc cho họ thì người ta mới ủng hộ và tài trợ chớ. Chẳng hạn, một năm kinh phí Nhà nước cấp cho Hội Làm vườn đâu có mấy chục triệu, không làm được gì nhiều lắm. Nếu không tìm được nguồn tài trợ thì sẽ không có mô hình, không tổ chức tập huấn được. Hội Làm vườn có làm được nên mới được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cấp từ nguồn kinh phí dạy nghề được 180 triệu/năm, rồi chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em hỗ trợ vài chục triệu, rồi kinh phí để làm tờ tin Nông nghiệp và phát triển nông thôn…
- Có những loại cây lúc đầu được phát triển ồ ạt, được tuyên truyền rất dữ. Nhưng sau một thời gian thì lại chẳng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đã bao giờ bác vô tình ủng hộ cho việc phát triển một loại cây nào đó để rồi sau đó lại nhận thấy là đã sai lầm?
+ Cái đó thì cũng có. Có những loại cây, một là do không nắm bắt thị trường, hai là không điều tra thổ nhưỡng, nên dẫn đến thất bại. Không phải là mình đề xướng nhưng cũng có lúc mình ủng hộ, hô hào theo để rồi sau đó, lại cảm thấy băn khoăn, day dứt vì nó đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của dân.
Ông có 6 người con. Cả 6 người đều thành đạt. Trong đó, 2 người con đã nghỉ hưu, vậy mà người cha vẫn miệt mài với kinh tế VAC và trong cả cuộc đời từ khi đi làm cách mạng… chưa có một ngày nghỉ phép.
- Người ta nể bác phải chăng là bởi những người con thành đạt?
+ Tôi chẳng nghĩ thế đâu. Mình có làm được người ta mới thương mình, nể mình chứ. Chứ con mình thành đạt thì việc gì người ta phải nể mình.
- Trong cuộc đời làm nghề nông của mình, điều gì bác thấy vừa lòng nhất và điều gì khiến bác còn băn khoăn nhất?
+ Vừa lòng nhất là nhìn lại thấy mình đã làm được điều phải, lúc nào cũng nghĩ điều phải cho nước, cho dân. Và cũng đừng quên là phải luôn tin ở điều phải. Còn băn khoăn nhất, mong muốn nhất là hiện nay, nông thôn muốn đi lên thì phải chuyển dịch cơ cấu, tiến đến sản xuất hàng hóa. Cái này thì rõ ràng rồi. Tuy nhiên, sản xuất hàng hóa phải gắn thị trường nhưng hiện nay sản phẩm nông dân làm ra chưa tiêu thụ được. Chế biến, tiêu thụ vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. Do vậy, giữa kinh tế Nhà nước, kinh tế trang trại, kinh tế hộ phải được tổ chức lại, phải được gắn với nhau. Nhà nước nói: 3 nhà liên kết, nhưng sự liên kết này chưa rõ…
- Nhưng để tạo ra sự liên kết như vậy, cũng phải tính đến vai trò của Hội Làm vườn?
+ Thì chúng tôi cũng đang nghĩ đến việc hình thành Hợp tác xã các chủ trang trại đấy. Hợp tác xã này sẽ vừa lo đầu vào, đầu ra, vừa thu mua sản phẩm, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, kinh doanh tổng hợp… Các hội viên vừa được thu từ trang trại, vừa được chia lãi thêm, mới giàu, vốn tăng thêm mở rộng sản xuất. Chứ dừng lại hiện nay trang trại cũng chỉ là sản xuất riêng lẻ. Chúng tôi sẽ làm thử mô hình một, hai hợp tác xã như vậy… Cái này chúng tôi đã đề xuất và đã có đề án rồi đấy.
- Xin cảm ơn bác!
. Lê Viết Thọ (thực hiện)
Cụ Trình Nghiên sinh năm 1919 tại xã Cát Lâm, huyện Phù Cát.
Tham gia Hội Nông dân Cứu quốc xã từ năm 1948, Thường vụ Hội Nông dân huyện rồi Trưởng Ty Canh nông tỉnh.
Từ năm 1955 tập kết ra Bắc, làm chuyên viên Ban Công tác Nông thôn Trung ương, rồi Phó phòng Tổ chức.
Năm 1967 làm Vụ phó thuộc Ban Nông nghiệp Trung ương, Tổ trưởng Tổ thí điểm xây dựng Hợp tác xã Trung ương
Từ 1976-1977: chỉ đạo xây dựng HTX thí điểm Phước Thắng (Tuy Phước), xây dựng huyện Tuy Phước.
Từ 1978-1983: Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Nông nghiệp Tỉnh ủy.
Từ 1983-1988: Phó ban Xây dựng huyện.
Tháng 8-1988: nghỉ hưu, làm Phó Chủ tịch Hôi Làm vườn tỉnh.
Từ năm 1992: Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh.
Năm 2002: được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.
| |