Với mảnh bằng đại học y khoa, từ thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát "thân gái dặm trường", Trần Thị Lệ khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp. Sau nhiều nỗ lực đến tột cùng vừa làm vừa học, chị Lệ đã trở thành giám đốc Nutifood, một công ty thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu của Việt Nam.
|
Chị Trần Thị Lệ |
Có học giả nào đó đã nói: nếu những người lao động bỏ về quê hết thì mọi hoạt động tại TP.HCM bị tê liệt. Đúng vậy, dân số TP.HCM hiện nay đã quá 8 triệu người, trong đó ước có đến 1/3 là người gốc ngoại tỉnh. Họ có thể là người lao động phổ thông, công nhân viên, sinh viên và cũng có cả những ông, bà giám đốc. Chị Trần Thị Lệ là một thành viên trong "hội nhà quê" đó. Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định - một miền quê nghèo như bao miền quê nghèo miền Trung đã hun đúc cho chị Lệ những ước mơ cháy bỏng, một ý chí vươn lên bất tận. Sau khi tốt nghiệp phổ thông chị Trần Thị Lệ khăn gói lên Tây Nguyên học Đại học Y. Năm 1998, chị hoàn thành chương trình đại học, ra trường với tấm bằng bác sĩ đa khoa và quyết định ly hương, vào TP.HCM lập nghiệp.
+ Cái thành phố công nghiệp sôi động này đến là lạ, nó từng tước mất niềm vui, hạnh phúc của bao người nhưng ngược lại cũng tạo ra thật nhiều cơ hội để người ta phát triển, tiến thân. Chị là một người may mắn?
- Khi mới vào đây, tôi là một bác sĩ làm việc hợp đồng cho Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Hồi ấy, tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có lúc sẽ nhảy vào thương trường hoặc làm kinh tế. Năm 1999, không biết cơ duyên nào đưa tôi về làm trợ lý giám đốc điều hành của Cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm. Đến năm 2000, cơ sở này phát triển lên thành Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood), tôi lại được cất nhắc lên… làm giám đốc cho đến nay.
+ Là bác sĩ lại nhảy vào thương trường làm giám đốc hẳn là chị đã gặp rất nhiều khó khăn?
- Biết làm sao được, mình là người "ngoại đạo" mà! Khó khăn với công việc mới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên may mắn là trước khi bước vào điều hành một công ty tôi đã làm trợ lý cho giám đốc điều hành và thời gian này tôi học hỏi được nhiều điều. Trong những lần tiếp xúc với các bậc anh, chị trong nghề tôi đã học được ở họ phương thức quản lý con người và cả chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực dinh dưỡng. Nói cho công bằng, vì là một bác sĩ dinh dưỡng nên tôi cũng có chút lợi thế trong việc kinh doanh ở lĩnh vực này. Có lẽ sự thành công của tôi là nhờ tôi đã vận dụng được kiến thức học tập trong nhà trường lẫn những kiến thức học tập được trong thực tế cuộc sống…
+ Ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, hình như thời tuổi trẻ chị cũng không biết lắm về nghề nông, có phải ba chị cũng làm nghề kinh doanh và chị bây giờ lại nối nghiệp?
- Trước kia ở quê, ba tôi cũng thành lập một cái xưởng nho nhỏ độ vài ba chục công nhân, sản xuất phụ tùng xe đạp cung cấp cho người dân ở tỉnh Bình Định. Ba tôi là người sáng dạ, hay lam hay làm. Ông thường đi vào miền Nam để thu lượm những kiến thức mới hoặc những ngành nghề mới để về áp dụng sản xuất tại địa phương. Tôi từng tham gia giúp ba tôi quản lý và sản xuất nhưng công việc này chỉ gói gọn trong một gia đình, qui mô rất nhỏ. Dù vậy những ngày tháng thơ ấu ấy cũng để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc và là cơ sở ban đầu giúp tôi làm quen với công việc kinh doanh…
+ Thực ra nếu nói về kinh nghiệm kinh doanh thực tế thì chị cũng không có nhiều... Bề dày và kiến thức từ trường y càng không đủ để chị có thể đảm đương trọng trách là người đứng đầu một công ty lớn như hiện nay...
- Vâng, tôi hiểu ý anh. Những điều tôi học được từ ba tôi và những kiến thức từ trường đại học y cho tôi chỉ là nền tảng ban đầu. Vào đây tôi phải học tập rất nhiều. Ngoài việc học tập những người đi trước, hàng đêm tôi cũng xách cặp đi học các khóa bồi dưỡng ngắn ngày về quản lý lao động, marketing, kiến thức kinh doanh, kế toán, tài chính… Hiện nay tôi vừa đi học vừa đi làm không khác gì các sinh viên ngoại tỉnh đang sống ở TP.HCM.
Năm 2002, sản phẩm của Công ty Thực phẩm Đồng Tâm được người tiêu dùng biết đến chỉ qua hình thức… truyền miệng. Tuy nhiên để được người tiêu dùng truyền miệng thì sản phẩm đó phải có cái gì khác biệt. Và, cái khác biệt ở đây chính là chất lượng, đồng thời phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Đứng trước nhiều cơ hội thành công và nguy cơ thất bại, nhất là trước ngưỡng cạnh tranh của thế giới (AFTA, WTO), Công ty Thực phẩm Đồng Tâm đã tìm ra hướng đi riêng cho mình xác định thương hiệu. Vào tháng 10-2002, Ban lãnh đạo công ty, sau nhiều trăn trở, đã quyết định chọn thương hiệu là Nutifood. "Nuti" có nghĩa là dinh dưỡng, mà Công ty lại có dòng sản phẩm nuti cho nên viết gọn là Nutifood (thực phẩm dinh dưỡng). Thương hiệu này có thể nói dễ gọi, dễ nhớ cho người tiêu dùng Việt Nam lẫn nước ngoài.
+ Và từ đó Nutifood đã phát triển với tốc độ chóng mặt?
- Năm 2001, tốc độ tăng trưởng của Nutifood là khoảng 330% so với năm 2000. Sang năm 2002 tốc độ phát triển có phần sụt giảm nhưng vẫn ở mức 265% so với năm 2001. Có thể nói sau 4 năm hoạt động, Nutifood đã tạo được thế đứng vững chắc trên thị trường. Đến nay Nutifood đã có mặt tại 61 tỉnh thành với trên 60.000 điểm bán lẻ. Theo điều tra của một công ty nghiên cứu thị trường, hiện Nutifood được đánh giá là một trong 5 thương hiệu điển hình của Việt Nam và dẫn đầu về thị phần các mặt hàng sữa bột nguyên kem và sữa giành cho trẻ em đang tăng trưởng.
+ Bí quyết nào giúp Nutifood thành công nhanh chóng như vậy?
- Đối với Nutifood chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu, sau đó phải có chính sách hỗ trợ về dinh dưỡng cộng đồng cho người dân. Hiện nay tất cả những chương trình marketing, PR… đều hướng về chương trình dinh dưỡng cộng đồng. Để cạnh tranh tốt thì chất lượng phải phù hợp với thể trạng của người Việt Nam, giá cả phải hợp lý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của Nutifood là chúng tôi đầu tư chiều sâu cho bộ phận nghiên cứu. Bộ phận này chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường bên ngoài, nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng của người dân, cập nhật những kiến thức mới nhất về dinh dưỡng trên thế giới… từ đó đưa ra những công thức dinh dưỡng đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Quỹ đầu tư cho bộ phận nghiên cứu phát triển này chiếm đến 12% tổng lợi nhuận.
Thị trường sữa đang chịu sự cạnh tranh khắc nghiệt, khiến cái đầu và đôi chân của người nữ giám đốc mảnh mai này luôn luôn phải động. Mặc dù con còn nhỏ nhưng đều đặn mỗi tháng chị vẫn đi công tác xa nhằm kiểm tra và thôi thúc việc phát triển thị trường. Khi chúng tôi gặp và trò chuyện với chị thì trước đó vài giờ chị mới từ sân bay về. "Làm ăn bây giờ không kiên cường và nhiều nghị lực thì thua", chị bộc bạch. Bên cạnh những hoạt động kinh doanh, Nutifood còn thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội như phổ biến kiến thức dinh dưỡng cho nhiều đối tượng thông qua việc tài trợ cho các hội nghị, hội thảo khoa học ở các tỉnh thành; tài trợ chiến dịch uống Vitamin A cho các bé từ 6 - 36 tháng tuổi; là một trong 3 sáng lập viên của quỹ Hỗ trợ dinh dưỡng…
+ Nghe nói chị luôn coi nhân viên dưới quyền như là bạn của mình?
- Tôi luôn nghĩ làm sao khi mở mắt ra vào buổi sáng, mọi người vào làm việc trong công ty đều cảm thấy thoải mái thì công việc mới đạt kết quả cao nhất. Tôi luôn coi sự thành công hôm nay là của cả một tập thể. Tôi chỉ là người gắn kết tập thể ấy để tạo nên sức mạnh cho sản phẩm. Tôi có một thói quen là thường đến phòng nhân viên để thăm hỏi, động viên họ. Mỗi lần đến thăm và trò chuyện với họ tôi lại học hỏi được nhiều điều thú vị, bổ ích cho công tác quản lý của mình. Mọi nhân viên đều tự hào về nơi mình làm việc, ngôi nhà thứ 2 của mình, đó là hình ảnh công ty hôm nay và tương lai. Có việc gì khó khăn trước mắt thì tất cả mọi người cùng đồng lòng, tìm cách vượt qua, đấy là truyền thống. Bên cạnh đó, do là cổ phần nên công ty không bị cơ chế ràng buộc để rồi đánh mất cơ hội như những doanh nghiệp nhà nước. Sau này công ty vẫn muốn chia sẻ quyền làm chủ với cán bộ công nhân viên để họ gắn bó và phát triển cùng với công ty.
+ Có một nhà thơ viết: "Quê hương là chùm khế ngọt", còn chị, chị nghĩ gì về quê hương Phù Cát, Bình Định của mình?
- Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, anh hùng trong chiến tranh và anh hùng trong đời sống thực tại. Khi ra đi, tôi cũng như mọi người, luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim. Nếu không có quê hương chắc gì tôi "lớn nổi thành người". Bây giờ có một chút thành công tôi vẫn luôn nghĩ phải làm một cái gì đó cho nơi chôn nhau cắt rốn. Và Nutifood đã, đang thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ bệnh nhân trong toàn quốc. Bình Định là một trong những nơi được tài trợ chương trình uống Vitamin A cho trẻ em từ 6-36 tháng tuổi. Chưa có một "món quà" gì cụ thể cho quê hương nhưng tôi nghĩ những gì mình làm được cho người dân Việt Nam cũng là một món quà có ý nghĩa cho quê hương tôi.
Khi hẹn chị để thực hiện bài phỏng vấn này, tôi cứ nghĩ lãnh đạo một công ty qui mô và có tiếng tăm như Nutifood chắc chắn là một con người không dễ… tiếp xúc. Điều này càng đúng khi chị trễ giờ hẹn đến 30 phút vì bận tiếp khách. Thế nhưng trước mắt tôi là một người phụ nữ có khuôn mặt dễ thương như một… diễn viên. Chị Lệ cởi mở, hoạt bát mặc dù trong hơn 2 tiếng đồng hồ tiếp chuyện với tôi thì câu chuyện luôn bị đứt quãng bởi những hóa đơn giấy tờ mà nhân viên… đem đến cho chị ký. Và khi bài báo này sắp lên khuôn, Tòa soạn Báo Bình Định điện xin chị một tấm hình sinh hoạt gia đình (chị đang bận công tác tại Hà Nội), chị lại nhẹ nhàng chối từ: "Hãy đừng nói gì về cá nhân tôi! Thành công của Nutifood là của cả tập thể!"
. Mỹ Sơn - Quang Khanh
|