Cái dáng người thấp đậm chẳng có vẻ gì là nghệ sĩ, cái vẻ mặt phớt tỉnh cũng chẳng có vẻ gì là quan chức vậy mà Nguyễn Thanh Mừng lại là một nhà thơ thứ thiệt được liệt vào hàng "anh tài" của thơ Bình Định hiện tại cùng với rất nhiều chức tước văn nghệ từ trung ương đến địa phương.
- Tôi biết hiện nay anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và đeo trên mình cả chục chức: Ủy viên BCH Trung ương Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy viên Ban liên lạc các nhà văn miền Trung, Ủy viên Ban kiểm tra Hội VHNT các dân tộc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Bình Định, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định... Thực ra, anh là ai vậy?
|
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng |
+ Trước sau tôi vẫn chỉ là Nguyễn Thanh Mừng - nhà thơ; hiện tại tôi được giao trọng trách là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định còn những hội, những ban khác, tôi chỉ là "ủy viên", đó là sự tín nhiệm của anh em nhưng trách nhiệm thì không phải là quá lớn.
- Trách nhiệm không lớn nhưng cứ tính ra mỗi năm anh phải vi vu với cả chục cuộc họp: khi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... khi Sa Pa, Điện Biên... khi lại Cần Thơ, Châu Đốc… Đã vậy, trở về Hội VHNT Bình Định là anh lại lo đưa anh em đi thực tế; rồi khai mạc, bế mạc các trại sáng tác Đà Lạt, Vũng Tàu… cùng bao nhiêu công việc của tạp chí Văn nghệ Bình Định, của công tác phong trào, công tác hội viên… anh viết lúc nào mà thơ và cả những bài tùy bút được in hết báo nọ đến báo kia?
+ Tôi có cái đức dễ chịu là có thể viết bất cứ nơi đâu, trên ô tô, tàu lửa, máy bay, thậm chí giữa các cuộc họp. Hôm dự Hội nghị Cần Thơ, đi tham quan nông trường Sông Hậu, ăn cơm xong tôi viết thông trưa và đọc qua điện thoại một bài thơ cho tờ Mực Tím in trong chương trình nối mạng với Tây Đô. Trong cuộc gặp gỡ các chủ tịch hội VHNT với Huyện ủy Ô Môn và Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, người ta giới thiệu tôi đọc luôn bài tùy bút chưa ráo mực "Bóng sa kê cuối chân trời" trước khi fax về cho báo Bình Định theo yêu cầu của tòa soạn... Tôi đã rèn cho mình một sự thích nghi khi thời gian sáng tác bị co lại nhiều do công tác quản lý. Tôi rất nhớ câu thơ của một người bạn: Một chuyện tầm phào nơi công quán - Bỗng dưng vằm nát cả mùa trăng và luôn lấy đó cảnh giác mình.
- Không ít người hình dung nhà thơ là người râu tóc phong sương, áo quần bụi bặm, xem thế gian là quán trọ, tâm trên mây hồn dưới gió, không một xu lận lưng nhưng vào tiệm là hét rượu ngon gái đẹp… Anh thì ngược lại, lúc nào cũng comple, cravat với tư cách VIP xuất hiện trong các hội nghị hội thảo; ăn nói thì luôn dè dặt, tránh cả sự thừa lẫn sự thiếu; đối với người khác giới, cho dù là các nữ sinh viên trường đại học Hồng Đức vì hâm mộ thơ anh mà đến xin chữ ký, anh cũng hết sức chừng mực. Anh cho đó là phạm trù đạo đức hay là một sự khiếm khuyết của bản thân?
+ Không có một khuôn mẫu nhất định cho giới thi sĩ ở bất kỳ thời đại nào. Song song với phong cách sáng tác thể hiện trong tác phẩm, phong cách sống cũng "mỗi người một vẻ...". Tôi chưa bao giờ đặt những ngôn từ có vẻ quy kết vào đây, rằng - thì - là đạo đức hay rằng - thì - là sự khiếm khuyết, mà chỉ hồn nhiên ứng xử phù hợp với tính cách và nguyên tắc sống của mình.
- Trong các tùy bút đăng trên Báo Bình Định và qua tự bạch trong quyển "Các nhà văn Việt Nam thời đi học đã học văn", anh đã nói thật cảm động về xứ sở Hoài Ân thời thơ ấu với những đồi sim tím, giếng đá ong, tiếng nai kêu, ánh sao chiều và gió. Ở đó có bà nội thuộc làu làu Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, có ba má là những nhà giáo hiền từ và nghiêm khắc, có bà nhũ mẫu kiếm cho anh chiếc lá thuộc bài… Những bước đi vào ngôi đền văn chương sang trọng của anh có mối liên hệ bí ẩn nào với bước chân xưa trên con đường quê lấm láp bùn đất?
+ Tôi có một kỷ niệm son sắt với trời xanh, đúng hơn là với người cai quản trời xanh - Ngọc hoàng thượng đế. Theo các chuyện cổ tích tuổi thơ tôi nghe, đích thân Ngọc hoàng thường vi hành trong chốn dân gian để trừng phạt bọn gian tà và giúp đỡ kẻ hiền lương. Bà tôi không do dự chỉ tay vào ngọn núi sau nhà để giải đáp thắc mắc của tôi là Ngọc hoàng xuống đất bằng đường nào. Lúc ấy, bà tôi không ngờ được đứa cháu ngấm ngầm nuôi một khát vọng tìm đường chiêm ngưỡng phút giây Ngọc hoàng giáng thế với hy vọng ông sẽ đưa về thăm xứ sở Nhà Trời. Một đứa trẻ con bảy tuổi một mình vượt qua bao nhiêu rừng suối lách lau, rêu trơn đá trợt với một niềm tin đẹp đẽ và mãnh liệt. Đột nhiên nỗi khiếp hãi khẽ khàng lan tỏa khi chim chiều về tổ. Bớt những rợn ngợp khi đứng dưới thấp nhìn lên, thêm những rợn ngợp lúc ở trên cao nhìn xuống! Thế rồi màn đêm vây phủ thật nhanh ở chốn thâm sơn cùng cốc. Tôi nhớ rành rọt đến từng nhánh cây khô đã rơi trên sự hoảng loạn của mình và tiếng gọi thống thiết chỉ có vách núi dội ngược lại. Một đêm khủng khiếp cuối cùng cũng đã qua. Cuộc tìm kiếm hồn xiêu phách lạc của gia đình tôi mãi đến chiều hôm sau mới đạt kết quả, khi không phải Ngọc hoàng mà một người thợ sơn tràng lực lưỡng đã cõng tấm thân đầy vết cào xước của tôi về bờ suối đầu thôn.
Càng khôn lớn, tôi càng sinh thích chiêm nghiệm bao nhiêu nghĩa lý thú vị từ chuyến đi ấy. Dù chưa gặp Thượng đế nhưng tôi đã gặp được thượng nguồn, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy biển cả xanh mờ. Nhiều câu thơ tôi viết sau này có dính dáng đến kỷ niệm đó. Tôi sống với nơi "chôn nhau cắt rốn" chỉ chưa đến mười năm đầu đời nhưng một trái ớt rừng, một vị gừng núi cứ mãi "vùi vào trăng khuyết trăng tàn mà cay".
- Tập thơ "Ngàn Xưa" của anh ra đời đã có khoảng 30 tờ báo có bài về nó. Anh tâm đắc điều gì nhất khi người ta nhận định về "Ngàn xưa"?
+ Đi tìm cái hồn Việt ngàn năm của chính mình, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói thế. Tôi có niềm khích lệ rất lớn khi phần nào đó người ta có hiểu mình. Câu thơ mưa gió bọt bèo - Dìu nhau qua những vương triều phế hưng. Phải không?
- Còn với công việc lãnh đạo Hội VHNT Bình Định, tôi thấy anh em văn nghệ sĩ mỗi người một vẻ và đầy cá tính; anh lại không phải là người có quyền lực chi phối miếng cơm manh áo của họ nên chắc là niềm vui trong công việc này không thể bù được những nỗi phiền muộn?
+ Tôi có niềm vui là được đối diện với những tác phẩm dù có thể hay hoặc chưa hay mà anh chị em tin cậy trao cho mình. Tôi yêu mến sự lặng lẽ của các tài năng và dị ứng với những gì ngược lại. Tôi chấp nhận mọi cá tính và phong cách của hội viên. Trước thái độ chưa đúng mực của anh chị em, tôi luôn bình tĩnh và tế nhị giải quyết. Vấn đề là tạo cho người ta một hành lang thông thoáng để nhận thức đúng chứ không phải lên lớp, áp đặt ý mình hoặc sổ toẹt ý người một cách phũ phàng.
Có lần, Nguyễn Thanh Mừng kể cho tôi nghe câu chuyện về thiền sư Hakuin với câu cửa miệng "thế à?". Cô gái chửa hoang đẻ con vu cho mình, cha mẹ cô phẫn nộ đến mắng thiền sư Hakuin cũng "thế à?". Đến khi cô gái sám hối nói thật với cha mẹ, cha mẹ cô đến ngàn lần tạ lỗi và xin mang đứa bé đi Hakuin cũng "thế à?". Đôi lúc tôi nghĩ cái vẻ phớt tỉnh của Nguyễn Thanh Mừng trước những thái độ chưa đúng mực của anh chị em hội viên cũng có cái gì đó hao hao từ câu chuyện của vị thiền sư kia. Cho đến một lần nghe anh em văn nghệ kháo nhau: Có nhân vật nọ chê Mừng một cách thiếu thiện chí, khi được nghe kể lại, Mừng đáp: "Lỗi do mình làm cho họ chưa hiểu mình". Bẵng đi một thời gian, anh em lại kể với Mừng rằng cũng nhân vật ấy đã ca ngợi anh hết lời, Mừng lại đáp: "Lỗi do mình làm cho họ chưa hiểu mình", thì tôi cả quyết là ý nghĩ của tôi không sai.
- Cái câu chuyện về một người chê anh rồi khen anh, anh đều nhận lỗi về mình, tôi thấy anh có vẻ giống vị thiền sư Hakuin với câu cửa miệng "thế à?" quá!
+ Cái "thế à?" của thiền sư Hakuin là thái độ của bậc thượng thừa, kẻ hậu sinh đâu dám giỡn. Còn thực ra, anh em nhân đấy sáng tác câu chuyện về tôi là để giải trí cho vui. Dù sao, nó cũng có cái lõi là mình mong muốn anh chị em thực sự hiểu bản chất công việc mình làm cho tường tận rồi hãy nhận xét. Nếu không đầy đủ thông tin chính xác, khen hay chê đều vô nghĩa. Thế thôi.
. Quang Khanh (thực hiện)
Nguyễn Thanh Mừng sinh năm 1960 tại Hoài Ân, Bình Định. Cử nhân khoa học. Cao cấp Lý luận chính trị.
Tác phẩm: RƯỢU ĐẮNG, nxb Trẻ, 1991. BÍCH KHÊ TINH HOA VÀ TINH HUYẾT, nxb Hội Nhà văn 1992. NGÀN XƯA, nxb Hội Nhà văn 1998.
Có thơ in chung trong các tuyển tập: Thơ lục bát Việt Nam, Thơ Việt Nam 1986-1990, Thơ Việt Nam hiện đại, Hai thập kỷ thơ Huế, Dạ thưa xứ Huế, Trăm năm Đà Lạt, Thơ Việt Nam 1945- 2000, Thơ Bình Định thế kỷ XX…
Giải A giải thưởng Xuân Diệu- Đào Tấn 1990-1995 và 1996-2000; giải Nhì giải thưởng Ủy ban toàn quốc LHVHNT Việt Nam 1998; giải thơ hay tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn 2003. | |