Bắt đầu nghiệp dạy thầy chỉ có hai bàn tay trắng. Ngày về hưu ông vẫn chỉ là ông giáo "trắng tay" với cuộc sống độc thân vò võ, đơn chiếc. Nhưng thay vào đó, mấy ngàn học sinh (HS) đang vững bước trên đường đời là "gia sản khổng lồ" để ông tự hào và hy vọng... Và một buổi sáng, tôi đã đến tìm ông tại căn "biệt thự màu hồng" nằm khuất lấp trong khuôn viên trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn). Ông là Nhà giáo ưu tú Trương Tham.
* Đi dạy chính khóa, thầy đã dạy thêm. Nghỉ hưu rồi, thầy vẫn dạy thêm. Đa số giáo viên (GV) dạy thêm để cải thiện đời sống cho gia đình. Còn thầy, không vợ, không con, thầy dạy thêm vì lẽ gì?
|
Nhà giáo ưu tú Trương Tham |
- Dạy thêm không phải là không cần thiết nếu người thầy dạy thêm theo đúng nghĩa của nó. Tôi không bao giờ đặt nặng vấn đề kinh tế trong việc dạy thêm. Hồi còn là GV Trưng Vương, tôi dạy thêm để củng cố, mở rộng kiến thức cho học trò. Khi đã nghỉ hưu, mỗi tuần tôi dạy vài tiết ở các trung tâm để cho đỡ nhớ nghề. Gần 40 năm gắn bó với bục giảng, tôi đã quen với viên phấn mất rồi!
* Gần 40 năm hết mình với nghiệp dạy, có lẽ, thầy đến với nghề bằng tình yêu mãnh liệt và sâu sắc lắm?
- Không đâu! Tôi học Văn bắt đầu từ sự độc đoán của cha tôi. Tốt nghiệp phổ thông ở trường Miền Nam 24, ông đưa tôi vào Vinh và căn dặn: Con phải học ĐHSP Vinh vì 3 lý do: "Đây là đất cách mạng. Là đất học. Hơn nữa, cha đã điều tra kỹ lắm, hầu hết các giáo sư giỏi đều ở Vinh chứ không phải là Hà Nội. Ông nói: Vào Vinh con sẽ học Văn vì sau này khi con trở về miền Nam, GV Văn sẽ được trọng dụng vì người ta chỉ có thể sử dụng GV dạy tự nhiên của chế độ cũ, chứ GV Văn thì không…". Tôi nghe cha phân tích mà đắng họng, nhưng không cãi cha, vì ngày mai cha sẽ rời tôi để đi B... Ngày khăn gói vào Vinh, tôi định bụng sẽ theo học Vật Lý vì mê môn Vật Lý lắm nhưng không ngờ cha tôi đã sắp xếp tất cả... Lúc đầu, tôi cảm thấy rất chán vì vừa xa bạn bè, xa cha, vừa phải vào học ngành mà mình không thích. Nghe bài hát "ngày thơ ấu mơ ước sao lớn lên sẽ làm giáo viên. Từng đàn em vây quanh..." tôi cảm thấy ngán ngẩm vô cùng. Nhưng rồi, tôi được học với những thầy giỏi như GS Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Trần Minh Châu, thầy Phùng Văn Tửu... các thầy đã đưa tôi từ chỗ ghét nghề sư phạm, ghét học Văn đến yêu Văn từ lúc nào.
* Được học những thầy giáo giỏi là diễm phúc của mỗi HS. Thầy đã dốc lòng với nghề, phải chăng là muốn "trả nghĩa" cho những thầy giáo cũ?
|
Cùng HS cắm trại tại Ao cá Bác Hồ năm 1990 |
- Không hẳn vậy! Tính chất nghề nghiệp luôn thôi thúc, đòi hỏi người GV phải cố gắng. Ngày mai anh lên lớp, anh đã có gì trong đầu khi đứng trước mấy chục đôi mắt đang chờ đợi và hy vọng vào tiết giảng. Do vậy, dù có những bài giảng tôi đã lên lớp hàng chục lần, hàng trăm lần, nhưng mỗi lần lên lớp tôi vẫn phải suy nghĩ, vẫn phải làm mới nó. Như thế, mới là tôn trọng mình và tôn trọng học trò. Một HS có chất "giỏi" nếu gặp được người thầy tâm huyết, nhiệt tình, HS đó sẽ trở thành người thành đạt trong tương lai. Bằng không, chất "giỏi" ấy cũng nhanh chóng lụi tàn.
* Vào những năm 1990, thỉnh thoảng người trong ngành giáo dục vẫn gặp một ông thầy nhỏ bé, gầy gò đạp xe về các trường huyện để "săn" HS giỏi?
- Chắc em vẫn còn nhớ, đó là khoảng thời gian mà tỉnh xây dựng Trường PTTH Quang Trung thành trường trọng điểm chất lượng (Trường Quốc Học Quy Nhơn) và bốc đi tất cả những "hạt gạo trên sàng". HS Trưng Vương lúc đó, lực học chỉ nhỉnh hơn HS trường bán công một chút. Tôi rất băn khoăn, làm thế nào giữ vững được thành quả đào tạo HS giỏi của trường? Thế nên, vào đầu năm học mới, tôi đã phải ngồi đọc hết tất cả những bài kiểm tra môn văn của HS toàn trường để nhặt nhạnh những HS có một chút hơi hướm văn chương. Mặt khác, tôi lặn lội về các trường nông thôn, trường huyện để tìm HS có năng khiếu về đào tạo, bồi dưỡng. Đây quả là hành trình gian nan vì đưa được các em về rồi, tôi không chỉ dạy mà còn phải quản lý các em. Những HS giỏi bao giờ cũng có cá tính, điều khiển được chúng không phải dễ...
* Bởi vậy mà thầy hay chửi. Có những HS cũ vẫn còn nhớ như in những câu chửi của thầy. Và không ít người nhờ thầy chửi mà đã được bay cao, bay xa...
+ (Cười sảng khoái) Mấy thằng quỷ! Chúng cứ "lười như hủi". Có lần tôi đã nhốt cái thằng H. vào phòng để cho nó học. Thế mà giờ này, đứa nào cũng "ngon" hết trơn. Cái thằng Nghệ, hồi xưa học thể dục bị mấy đứa ném tạ trúng đầu... Vậy mà giờ đang du học tại Mỹ, thỉnh thoảng nó vẫn gọi điện hỏi thăm tôi luôn...
* Ngày xưa, có lần theo bạn đến lớp phụ đạo của thầy và em đã được nghe thầy giảng tác phẩm "Đôi mắt" của Nam Cao. Đã bao nhiêu năm rồi em vẫn không quên được cái nhìn "lệch" của nhân vật Hoàng. Giữa cái tốt và cái xấu, Hoàng chỉ nhìn thấy cái xấu. Giữa người và mình, Hoàng chỉ nhìn thấy mình chứ không thấy người... Bây giờ theo nghiệp viết, em vẫn luôn lấy cái nhìn "lệch" ấy để răn mình.
- Để giảng dạy thành công một tác phẩm, người thầy phải nắm bắt được linh hồn, cốt lõi của nó. Biến những điều khó hiểu thành những điều giản dị để mọi đối tượng học sinh đều có thể tiếp thu. Bởi thế, mỗi tác phẩm tôi đều bỏ công nghiền ngẫm để tìm ra cấu trúc của nó. Từ cấu trúc đó, tôi khơi gợi và phát triển tư duy cho học trò và truyền cho được cái hồn của văn chương cho các em. Chỉ có bằng phương pháp đó, HS mới có thể nắm chắc được cốt lõi của bài văn, bài thơ. Mọi câu chữ, có thể sau này các em quên hết, nhưng cái thần thái của bài thơ, bài văn thì mãi mãi đi theo các em.
* Ngành giáo dục đang khởi động đổi mới nội dung và phương pháp dạy học theo hướng khơi gợi, phát huy tính độc lập suy nghĩ sáng tạo của HS. Còn thầy, đã từ lâu vẫn bền bỉ theo đuổi phương pháp tiên tiến ấy?
Nhà giáo ưu tú Trương Tham có tên khai sinh là Trương Sầm Tham, sinh năm 1943, tại xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).
Năm 1954 tập kết ra Bắc, học tại Trường Học sinh miền Nam 11 (Như Quỳnh - Hưng Yên) và 25, 24 (Chương Mỹ - Hà Tây).
Năm 1965 tốt nghiệp ĐHSP Vinh, về dạy học ở huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) sau đó chuyển về Trường cấp 3 Hoàng Văn Thụ (Nam Định).
8-1975 trở về Nam, tiếp tục giảng dạy tại Trường THPT Trưng Vương - TP Quy Nhơn. Năm 1990 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
9-2003, nghỉ hưu. Trong suốt 39 năm giảng dạy ông đã trực tiếp đào tạo được 8.200 HS, trong đó có 126 HS giỏi cấp tỉnh, 30 HS đạt giải HS giỏi cấp quốc gia. |
- Để có một chút mới mẻ trong bài giảng không đơn giản chút nào. Nó đòi hỏi GV phải có tình yêu nghề và tâm huyết với nghề mới làm được. Cái thiệt thòi của HS hiện nay là đa số GV chỉ mới dạy ở mức "hoàn thành nhiệm vụ", những người hết lòng vì nghề nghiệp không có nhiều. Các cụ ngày xưa đã tổng kết "thầy nào trò ấy" thật đúng lắm. Nếu thầy giỏi làm việc hết mình thì sẽ đào tạo được những trò giỏi. Còn thầy mà "lưỡng cước" (lưng chừng, không rõ bên nào) thì trò sẽ "lờn xơn" (nhờn nhã, không chịu nghe lời)!
* Năm 2000, tại Hội đồng xét chọn danh hiệu thi đua của Sở GD-ĐT, thầy đã bị "trượt" cơ hội được đề nghị Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Thầy có cảm thấy buồn không?
- Tôi cảm thấy hơi buồn! Nhưng, mục tiêu tôi đặt ra cho mình khi bước vào nghề dạy học đâu phải là danh này, hiệu nọ mà là làm sao đào tạo được nhiều HS giỏi, trưởng thành trên đường đời và trong số ấy sẽ có những học sinh nối bước mình. Bây giờ, sống những năm tháng cuối cuộc đời, tôi đã không đơn độc. Những HS cũ bao giờ cũng bên cạnh tôi, chăm sóc tôi lúc đau ốm. Như em biết đấy, căn "biệt thự" này, phần lớn là tiền của lũ chúng gom góp mà xây cho tôi. Vừa rồi, bọn thằng Khải (một trong những HS giỏi được thầy đào tạo) trở về họp lớp, đến thăm trường, thăm thầy, thấy tôi vẫn đi chiếc xe đạp cũ ngày nào, chúng nó đã mua tặng tôi chiếc xe đạp điện... Đối với tôi đó mới là những phần thưởng vô giá nhất.
. Quỳnh Hoa - Thực hiện |