Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trang Xuân Chi
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình
18:51', 18/7/ 2004 (GMT+7)

Mái tóc bạc và dáng người trông có vẻ "mình hạc xương mai" nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Ông là ân nhân của rất nhiều mảnh đời bất hạnh; trong 3 năm ông đã kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 300 triệu đồng để giúp đỡ những người bất hạnh ở Bình Định.

BS Trang Xuân Chi đang khám bệnh cho người nghèo ở Vĩnh An (Tây Sơn)

Trên giá sách của BS Trang Xuân Chi có rất nhiều cặp tài liệu ghi ở bìa những cái tên gợi nhiều nỗi niềm: Da cam, Chân giả, Xe lăn, Mổ tim, Mổ mắt, Hiến máu nhân đạo... Câu chuyện giữa tôi và ông nhiều lần bị ngắt quãng bởi khi thì cú điện thoại của một nhà hảo tâm từ TP HCM hẹn vài hôm nữa sẽ ra thăm và giúp đỡ những người bất hạnh; khi thì cú điện thoại từ khoa Nhi BVĐK tỉnh nhờ ông giúp cho 1-2 cháu nhỏ nhà nghèo, ốm nặng; khi lại là một người khách phụ nữ ẵm con đến hỏi về tình hình ông vận động giúp đỡ mổ tim cho cháu...

- Ông có nhớ trường hợp người bất hạnh đầu tiên mà mình kêu gọi giúp đỡ?

+ Là cháu Võ Ngọc Anh, lúc đó 14 tuổi, ở Phước An, Tuy Phước. Cháu Anh bị u xơ thần kinh một cánh tay khiến tay sưng rất to (nặng 29kg) không thể cử động được. Sau khi tôi viết bài trên báo kêu gọi các nhà hảo tâm giúp cháu, Công ty TNHH Hương Sen ở TP Hồ Chí Minh đã ra tận nhà cho cháu toàn bộ chi phí phẫu thuật (hơn 30 triệu đồng). Đó là vào năm 2001.

- Thế còn số lượng người được ông giúp đỡ, chắc là ông còn nhớ đủ?

+ Không, gặp ai khó quá thì tôi giúp, giúp đủ cách đủ kiểu thì làm sao mà nhớ hết được. Làm nhân đạo là phải làm từ cái tâm của mình, tuyệt đối không có tư tưởng ban ơn và cũng đừng phân biệt là người nào, ở đâu. Không chỉ giúp cho người Bình Định, tôi cũng đã giúp cho nhiều người ở Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên... Vậy mà cái nơi "chôn nhau cắt rốn" của tôi là Hội An, Quảng Nam thì tôi lại chưa giúp cho ai được gì.

- Nhưng nếu chỉ có cái tâm thôi thì đâu đã đủ để làm nhân đạo?

+ Còn phải có lòng nhiệt tình và chịu khó nữa. Có lúc, nghe bạn bè kể đây đó có người nhà nghèo nào mà bị ốm đau, bệnh tật, tôi lại âm thầm tìm đến họ, chụp một tấm ảnh, viết một bài báo với niềm hy vọng họ được cứu giúp. Muốn làm công tác nhân đạo có hiệu quả cũng phải quen biết với nhiều người có cùng tâm nguyện giúp đỡ người nghèo như mình, đặc biệt là có mối quan hệ tốt với các tòa soạn báo. Điều quan trọng nhất là phải trung thực. Dù người ta cho 20.000 đồng hay 50.000 đồng thì cũng phải chuyển đến tận tay người được giúp và thông báo lại với nhà hảo tâm, có như vậy họ mới tin và tiếp tục hợp tác với mình.

Ông có một tuổi thơ không êm ả: cha mẹ mất sớm, mười tuổi, ông theo bà nội tản cư từ quê nhà Hội An (Quảng Nam) vào An Nhơn, đi ở đợ chăn bò cho nhà giàu. Có lẽ vì thế mà sau này, khi đã vào quân đội, trở thành bác sĩ, hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi đau của những người nghèo bị trọng bệnh.

Không là người giàu có nhưng cũng lắm khi ông rút tiền túi cho người nghèo và cũng sẵn sàng bỏ tiền nhà cho các dịch vụ bưu phí như gọi điện thoại đường dài, fax, thư từ... liên lạc với nhà hảo tâm.. Ngay như ngôi nhà của ông cũng lắm khi trở thành "phòng trọ" miễn phí cho người nhà bệnh nhân nghèo khi đưa con đến Quy Nhơn trị bệnh.

- Trong cuộc đời làm bác sĩ và làm công tác nhân đạo của mình, điều gì làm ông vui nhất?

+ Ấy là lúc tôi được nhìn thấy những bệnh nhân nghèo mà tôi giúp đỡ được điều trị khỏi bệnh. Khi còn là bác sĩ chuyên khoa nội ở Viện Quân y, niềm vui của tôi là cứu sống được một đồng đội, còn bây giờ nghỉ hưu, đi làm công tác nhân đạo, không gì vui hơn là đem lại niềm vui cho những người nghèo khó. Và còn một niềm vui nữa là từ chỗ tôi phải đi xin để cho người nghèo thì giờ đây có nhiều nhà hảo tâm chủ động đến gặp tôi để làm từ thiện. Chị Lý Thu Linh ở TP HCM, anh Nguyễn Thế Hội ở Vũng Tàu, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng ở Viện Vệ sinh dịch tể T.Ư, chị Hồng Ánh ở Báo Công An TP HCM; hay ở Quy Nhơn có Công ty TNHH Trung Hùng, nhà thuốc An Bình, nhà thuốc Cẩm Hưng, chị Mỹ Hoa, Công ty TNHH Tân Phương… Hễ khi nào có người cần giúp đỡ đột xuất là tôi lại gọi điện trao đổi với họ. Hoặc cũng có khi họ tự động gởi tiền cho tôi và nói "Anh Chi thấy ai cần giúp thì giúp họ".

Ông Đào Duy Chấp - Chủ tịch Hội CTĐ Bình Định - nhận xét: "Thầy thuốc ưu tú, BS Trang Xuân Chi có cái tâm nhân đạo tuyệt vời. Ông làm việc nhân đạo một cách vô tư, trong sáng và đầy nhiệt tâm. Đối với công tác Hội, ông làm việc rất tận tụy, có tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp nhiều công sức cho hoạt động Hội CTĐ và phong trào nhân đạo xã hội tỉnh nhà". Còn bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kể rằng, bà vào TP HCM, ra Hà Nội, làm việc với Bộ Y tế, đến báo Lao Động… đi đâu người ta cũng hỏi BS Trang Xuân Chi ở Bình Định là ai. Bà đã trả lời rằng, đó là một bác sĩ quân đội về hưu và là một người làm công tác nhân đạo xuất sắc ở Bình Định.

Tôi cũng đã gặp và đọc thư cảm ơn của nhiều người được BS Chi giúp đỡ, tất cả đều nói: "Bác Chi là ân nhân của gia đình tôi". Ông Hồ Hoàn Kiếm (Hoài Hải, Hoài Nhơn) - một trong số rất nhiều người có người thân được BS Chi kêu gọi giúp đỡ để chữa bệnh - xúc động nói: "Bác Chi đã sinh ra con tôi lần thứ hai.". Và tôi biết, đến cả những người vốn không thích ông nhưng cũng phải thốt lên: "Tôi kính trọng BS Trang Xuân Chi!".

- Bận rộn như thế, thời gian đâu ông dành cho gia đình, và cho chính mình nữa?

+ Xin cảm ơn vợ và các con tôi cùng gia đình bên ngoại đã giúp tôi dành trọn thời gian của mình cho công tác nhân đạo. Tuy rất bận nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để nghiên cứu thêm về một số bệnh nội khoa và viết các bài báo chuyên môn, nhân đạo xã hội.

Phía sau mỗi việc làm của ông luôn luôn có hình bóng bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng - vợ ông, cũng là một người lính giải phóng quân, Nam, Thảo - hai người con của ông. Họ chăm cho ông từng bữa ăn giấc ngủ, thức chờ cửa mỗi khi ông đi công tác về khuya.

- Ông có nghĩ mình giúp người là để đức lại cho con cháu?

+ Điều này tôi hoàn toàn không dám nghĩ đến. Tôi chỉ nghĩ một điều rất đơn giản là hãy sống thật với mình, với người. Ở hiền rồi sẽ gặp lành, tôi tin như vậy.

- Nhưng ông cũng cần phải nghỉ ngơi chứ?

+ Tôi chưa nghĩ đến, vì các anh chị em trong cơ quan Hội CTĐ rất yêu quý tôi và luôn tạo điều kiện tốt nhất để tôi làm việc. Tôi nguyện sẽ làm tốt hơn nữa mảng công tác xã hội nhân đạo để tiếp tục giúp đỡ những người khuyết tật nghèo. Còn đến một lúc nào đó, khi không đủ sức để làm công việc ở Hội CTĐ nữa, tôi sẽ về nhà, kết hợp với những người bạn tâm đắc thành lập một nhóm tư vấn, giúp đỡ người nghèo và khám bệnh miễn phí cho họ.

. Nguyên Sương (thực hiện)

 

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trang Xuân Chi:

 

Sinh năm 1936 tại Hội An, Quảng Nam

Từ năm 1949 - 1954: đi thiếu sinh quân, học y tá

Năm 1955: tập kết ra Bắc

Năm 1957: công tác tại Viện Quân y 4 - Quân khu IV

Năm 1965: về tiểu đoàn quân y Sư đoàn 325C và vào chiến trường miền Nam, đóng tại Quảng Trị. Tham gia các chiến dịch giải phóng làng Vây, Khe Sanh, dốc Miếu…

Từ năm 1972 - 1976: công tác tại Viện Quân y tiền phương ở Quảng Trị, Viện Quân y 17 - Quân khu V

12-1980: chủ nhiệm khoa Nội, Viện Quân y 13 - Quân khu V

7-1992: nghỉ hưu

Từ năm 1998 đến nay tham gia công tác tình nguyện tại Hội CTĐ Bình Định

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)
Chị Trần Thị Lệ, Giám đốc Nutifood: Tôi luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim   (27/06/2004)
Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông…  (20/06/2004)
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"   (13/06/2004)
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)
Nguyễn Thị Tuyết vượt lên số phận   (21/04/2004)