Ông Đinh Bá Lộc, người đi tìm đồng đội:
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...
9:49', 26/7/ 2004 (GMT+7)

75 tuổi, trong những ngày này, đôi dép lốp vẫn cùng ông vượt bao non cao suối sâu đi tìm hài cốt đồng đội. Có lẽ ông là người duy nhất còn mang đôi dép lốp đi về trên đường phố Quy Nhơn, cả khi ông đến Tòa soạn Báo Bình Định để gửi bài cho mục "Kỷ niệm kháng chiến". Ông bảo: "Tôi chỉ bỏ đôi dép râu này ra khi đã về nhà và trong khi bốc rửa hài cốt đồng đội".

- Đôi dép cao su của bác còn mới quá, chắc chắn là bác chỉ mới đặt làm trong thời gian gần đây thôi?

Ông Đinh Bá Lộc

+ Đôi này hư, tôi lại mua đôi khác, cuộc đời tôi gần như gắn bó suốt đời với nó rồi!

- Nhưng thời nay, ai còn bán loại dép đó nữa mà bác mua?

+ Có đấy, ở thị trấn Phù Mỹ còn có người chuyên làm và bán loại dép này. Tôi thường xuyên phải đi rừng nên còn cần đến nó. Đi rừng thì không mang thứ gì tốt hơn loại dép râu này.

- Lúc nãy bác bảo chỉ bỏ dép ra khi bốc rửa hài cốt đồng đội...

+ Đúng rồi, thực ra chẳng phải là lễ nghĩa gì cái việc này. Ngày trước tôi cứ mang dép mà bốc hài cốt, sau này cái cổ chân của tôi nó sưng to. Tôi chạy đủ thuốc không bớt, may sao có ông lương y bảo chân tôi bị nhiễm độc do khi bốc rửa hài cốt không chịu bỏ dép ra, độc ngấm mỗi ngày một ít lâu dần ứ lại. Tôi phải uống gần 50 thang thuốc giải độc mới bớt. Từ đó hễ mỗi lần bốc rửa hài cốt là tôi phải bỏ dép ra.

- Đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" lâu rồi mà bác vẫn quanh năm suốt tháng trèo đèo lội suối đi tìm hài cốt liệt sĩ, bác không thấy mệt mỏi sao?

+ Tôi còn hai cái nghĩa phải trả cho những đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu vì sự sống còn của dân tộc này. Cái nghĩa thứ nhất tôi phải trả là đi tìm hài cốt của anh em; chừng nào mà tôi còn đi đứng được thì tôi còn phải làm. Còn cái nghĩa thứ hai là viết sách về họ. Trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng mà tôi đã tận mắt chứng kiến luôn thôi thúc tôi phải cầm bút tái hiện lại. Tôi không phải là nhà văn nên viết lách cũng khó khăn lắm nhưng tôi cứ viết những gì mà mình ám ảnh rồi nhờ người sửa chữa. Vậy mà tôi đã viết được hơn 300 mẩu chuyện rồi đó. Có 137 mẩu chuyện đã được in trong tập "Ký sự thời kháng chiến" do Hội VHNT Bình Định ấn hành năm 2000. 194 mẩu chuyện khác tôi cũng đã tập hợp xong bản thảo và gửi đến Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Lần này tôi lấy tên cho tập truyện là "Núi Bà - Khu Đông thời ấy".

- Bác đã khởi sự đi tìm hài cốt liệt sĩ như thế nào?

Ông Đinh Bá Lộc (áo sậm) trong một chuyến đi tìm đồng đội

+ Năm 1990, sau khi về hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về cuộc đời, thăm thú bạn bè, đồng chí và những cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu tôi trong kháng chiến. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc đi tìm hài cốt của những đồng đội, ban đầu là hài cốt của những người thân cận tôi. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là liệt sĩ Đoàn Ái Quốc. Trong kháng chiến, tôi và Quốc ở cùng một tổ và khi nó hy sinh ở làng Konblo, xã Vĩnh Sơn, tôi mang chôn ở bìa rừng. Lúc đó tôi có dặn một người dân tộc Bana là cơ sở ở đây trông coi giùm phần mộ. Tôi đi tìm hài cốt của Quốc bằng chiếc xe Cúp 50 cùng với người em rể của nó. Hồi đó đường Vĩnh Sơn mới mở còn xấu lắm. Chỗ nào đi được thì đi, đi không được thì dắt, đẩy. Lúc chúng tôi đến nơi thì người mà tôi nhờ trông coi mộ đã mất. May mà trước khi mất, ông này đã dặn lại người con trai nên khi biết bác Lộc đến tìm mộ của bác Quốc, anh con trai đã nhiệt tình chỉ ngay.

Ông Lộc kể: Trên đường về, đi đến chỗ cái barie của xã Vĩnh Sơn, ông bảo người em rể của anh Quốc tiếp tục đưa hài cốt về còn ông thì quay lại để thăm viếng một số cơ sở cũ. Nhưng khi quay lại thì đạp mãi mà chiếc xe Cúp không nổ máy. Sửa kiểu nào cũng không được, ông mới mang xe đem gửi và tiếp tục đi. Tối đó ông nằm mơ thấy anh Quốc hiện về trách móc vì sao ông không đưa anh ấy về đến tận nhà. Ông thức dậy thắp hương vái và viết xong một bài thơ về bạn. Sáng ra ông đạp một cái chiếc xe Cúp đã nổ máy ngay. Câu chuyện có vẻ tâm linh này càng thúc giục công việc đi tìm hài cốt đồng đội của ông.

- Bác có nhớ được trong gần 14 năm qua bác đã tìm được bao nhiêu hài cốt liệt sĩ?

+ Nhớ làm sao được, hơn nữa đó là việc làm không nên tính đếm. Cuộc chiến tranh đã qua không có giới tuyến nên hài cốt liệt sĩ có ở khắp nơi, cả đồng bằng và rừng sâu núi thẳm. Việc đi tìm hài cốt liệt sĩ chắc là còn chưa biết đến thời điểm kết thúc. Có nhiều thi hài liệt sĩ 30 năm sau phát hiện lên vẫn còn nguyên cả thịt da.

Rồi ông lại kể về cuộc khai quật hầm mộ liệt sĩ tập thể ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn hồi năm 1997. Sau khi phát hiện và xác định là mộ liệt sĩ tập thể, cánh đồng trở thành một công trường. Do chôn dưới hố bom sâu, bọn địch lại bỏ đầy kẽm gai trước khi lấp đất nên cuộc khai quật rất khó khăn. Thi hài 26 liệt sĩ vẫn còn cả thịt da. Cả cái trứng vịt đựng trong lon guigo do bị vùi sâu dưới lòng đất nên khi khui ra vãn còn nguyên lòng đỏ. Trong đợt khai quật này, chính tay ông Lộc đã cùng với các chiến sĩ ở tỉnh đội dùng hết 3 thùng rượu mạnh để rửa sạch hài cốt các liệt sĩ trước khi đưa về nghĩa trang.

- Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, bác đã từng vào sinh ra tử rất nhiều lần, đối diện với biết bao phen hy sinh, chết chóc, chẳng hiểu cảm xúc của bác như thế nào trước sự chết chóc?

+ Tôi cũng là người bình thường, có điều trong chiến tranh tôi là người chỉ huy nên mọi thái độ của tôi đều ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của anh em nên không ít lần tôi phải đè nén cảm xúc của mình trước những hy sinh mất mát. Nhưng rồi một lần khi đi tìm đồng đội, phát hiện ở núi Bà hình ảnh 12 chiếc sọ của anh em còn ở trong một cái thau, tôi đã không thể nào cầm được nước mắt. Bọn địch ác quá, nó rải chất độc, anh em chịu không nổi phải chụm đầu trong thau nước mà chịu chết...

- Là người đã sống qua 2 cuộc kháng chiến và hầu như có mặt ở khắp các chiến trường của Bình Định, nhất là ở khu Đông, theo bác hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập có thể còn có nhiều ở những nơi nào?

+ Khốc liệt nhất của chiến trường Bình Định là vùng núi Bà - khu Đông, vùng Hoài Ân, An Lão. Những năm qua chúng ta đã tập trung quy tập mộ liệt sĩ ở khu Đông - núi Bà khá nhiều; vùng Hoài Ân, An Lão cũng đã có quy tập nhưng tôi nghĩ ở đó còn nhiều hài cốt liệt sĩ lắm, nhất là những liệt sĩ của Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Ở cái tuổi 75, lại là thương binh nhưng ông Đinh Bá Lộc hãy còn minh mẫn và khỏe mạnh. Tại một ngôi nhà sống chung với các con, có đủ 3 thế hệ trên đường Nguyễn Huệ - Quy Nhơn, sáng sáng người ta vẫn thấy ông ngồi cả giờ luyện khí công. Ông bảo, ngoài bữa sáng được ăn cơm thoải mái, bữa trưa và bữa chiều ông chỉ ăn một chén cơm với rau. Thỉnh thoảng nhà ông vẫn có khách. Đó là những người từng là cơ sở của ông hoặc những thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Trong những ngày tháng 7 này rất khó tìm được ông ở nhà. Bởi cái tổ tìm hài cốt liệt sĩ của ông đang có kế hoạch quy tập ở vùng rừng núi Hoài Ân. Khi biết câu chuyện về ông sẽ đăng trên mục Người Bình Định hôm nay, ông lắc đầu quầy quậy: "Các chú nên viết về anh Phan Văn Tuấn ở Phù Cát, người cùng tổ quy tập mộ liệt sĩ với tôi. Chính anh ấy làm công việc tìm hài cốt đồng đội còn tốt hơn tôi nhiều".

. Quang Khanh (thực hiện)

 

Ông Đinh Bá Lộc tuổi Canh ngọ (1929), quê quán xã Cát Tài, huyện Phù Cát. Tham gia cách mạng từ năm 1946, là bộ đội thuộc đại đội 100 trong chiến dịch Át-lăng. Đi tập kết ra Bắc trên chuyến tàu đầu tiên của Bình Định. Năm 1955 là phái viên của Tổng cục chính trị. Năm 1958 làm chính trị viên đơn vị ĐKZ 75 ly. Năm 1959 trở lại miền Nam làm công tác xây dựng lực lượng tập trung của tỉnh Bình Định. Năm 1963 làm chính trị viên tiểu đoàn 50. Năm 1965 làm chính trị viên tiểu đoàn 52 rồi chủ nhiệm chính trị Tỉnh đội. Năm 1972 làm chính trị viên tỉnh đội, Phó bí thư Tỉnh ủy. Năm 1975 làm Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Năm 1978 làm trưởng đoàn chuyên gia ở Campuchia đến cuối năm 1989 nghỉ hưu. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ hoạt động chủ yếu ở chiến trường khu Đông.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình  (18/07/2004)
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)
Chị Trần Thị Lệ, Giám đốc Nutifood: Tôi luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim   (27/06/2004)
Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông…  (20/06/2004)
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"   (13/06/2004)
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)
Giáo sư... "Gas"  (20/04/2004)