NSƯT Hoài Huệ: Tình yêu bài chòi quá lớn trong tôi
14:46', 1/8/ 2004 (GMT+7)

Lúc chúng tôi đến, NSƯT Hoài Huệ (Phó Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) đang mân mê bên những lõi cây mang đủ dáng hình. Hoài Huệ tâm sự: "Mình mê những khúc cây này lắm, mê từ mười mấy năm nay rồi. Sau những đêm lưu diễn là những ngày cuốc bộ hay cưỡi xe máy lặn lội săn tìm. Da cứ cháy đen ra. Đến bây giờ thì cũng sưu tập được kha khá rồi". Rồi anh xuýt xoa khoe với tôi những lõi cây: "Đấy, cậu xem, dễ gì mà có lõi cây mang hình rồng như thế này. Mà lại đúng là rồng thời Lý mới tuyệt chứ!". Nghe NSƯT Hoài Huệ nói, nhìn anh say mê trau chuốt bên những sư tử, voi, rồi cả hươu, cheo… mới thấy cái sự đam mê làm cho con người ta trở nên sôi nổi, hào hứng. Phải chăng, chỉ trong những đam mê đích thực như vậy, người ta mới thật sự được là mình…

Hoài Huệ vai Nguyễn Huệ trong "Anh hùng với giai nhân"

Và câu chuyện của anh bắt đầu từ một ký ức, một không gian thấm đẫm nghệ thuật, nơi ấy, đã khai sinh cho một nghiệp diễn - một đam mê khác, luôn lớn lao và cháy bỏng trong anh…

- Trọn cuộc đời tôi đã sống trong môi trường nghệ thuật. Khu Văn công Mai Dịch, nơi tôi lớn lên hồi nhỏ, khi ấy gần như có tới hai mươi mấy đoàn cùng về tụ hội. Bên cạnh các đoàn như vậy, lại còn những trường như trường xiếc, trường múa, trường sân khấu, cả trường nghệ thuật quân đội cũng đóng ở đấy. Bước vào Khu Văn công Mai Dịch là đờn, ca, sáo thổi... tưởng như bước vào một lãnh thổ riêng của những nghệ sĩ. Ai ở đó mà không biết hát thì cũng sẽ biết hát. Không khí ấy tạo cho mình một môi trường nghệ thuật từ bé, từ những ngày còn chập chững. Và rồi những kịch bản, vai diễn, vở diễn nhiễm vào trong đầu khi nào chẳng biết. Tất nhiên, trước đó, còn phải nói đến cái gen nghệ thuật của gia đình. Mấy đời gia đình mình đều đi theo nghiệp nghệ thuật truyền thống cả: từ chèo, rồi tuồng Bắc này, cả ca múa nhạc, dân ca… Bố mình là NSƯT Nguyễn Hoài Ân, nhạc công của Đoàn tuồng Liên Khu V, nổi danh với biệt danh Tám Kèn.

+ Vậy là anh đã gắn bó với nghệ thuật truyền thống từ những ngày còn chập chững. Nhưng rồi, vì đâu mà anh lại gắn với nghiệp bài chòi? Mà anh chọn bài chòi, hay chính bài chòi đã chọn anh?

- Nghiệp bài chòi vận vào mình, âu cũng là điều dễ hiểu. Bố mình trước khi tập kết ra Bắc vừa đi đờn bài chòi, hô bài chòi, diễn bài chòi; vừa hát, diễn tuồng, đánh đờn cho tuồng nữa. Chính ông cụ đã dạy cho mình hô bài chòi. Đến khi cả gia đình chuẩn bị vào Nam thì ông già lại chuyển qua Đoàn Dân ca Liên khu V. Do vậy, thời thiếu niên thời gian đắm mình trong bài chòi khá nhiều, rồi thấy dân ca hay quá, cảm thấy những câu hò, câu lý nó trữ tình quá, cuốn hút quá. Năm 1975, khi cả gia đình cùng trở về quê hương Bình Định mình lại tiếp tục được tắm trong không khí nghệ thuật bài chòi. Và từ đấy, con đường nghệ thuật của mình xem như đã được lựa chọn. Năm 1978, theo học Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, năm 1981 ra trường, để rồi trung thành với nghiệp diễn viên bài chòi từ đó đến nay.

+ Gắn bó vậy, yêu nghề là vậy, nhưng trước những khó khăn của nghề, xin hỏi thật, đã bao giờ anh có ý định bỏ bài chòi?

- Đúng là hồi trẻ, cũng có lúc mình nghĩ, mình nắm được khá nhiều làn điệu dân ca nhiều vùng, miền nên có điều kiện để bay nhảy. Hơn nữa, chị Hiền (tức NSND Thu Hiền - chị của NSƯT Hoài Huệ) có thể xin cho mình vào thành phố Hồ Chí Minh hay ra Hà Nội. Cách đây 10 năm về trước, mình có nhiều thuận lợi để đi lắm. Nhưng tình yêu bài chòi mãnh liệt quá, gần như là cái nghiệp nên mình sẽ gắn bó nó đến cuối đời.

+ Hiện tại, anh có cảm thấy lạc quan trước tương lai của ngành ca kịch bài chòi?

- Nói thật là tôi cũng không thấy lạc quan lắm. Tôi không muốn tự dối lòng mình. Có hai điều chủ yếu để tôi không thấy lạc quan, thứ nhất là "có thực mới vực được đạo". Bây giờ mà cứ bảo xách tù và hàng tổng đi làm miết thì cũng… khó. Hai là hướng đi của ngành. Chế độ với nghệ sĩ thì dần dần đã được cải thiện cùng với mặt bằng chung của xã hội, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là hướng đi. Với cơ chế và cách nhìn như hiện nay thì liệu sân khấu truyền thống có trở về thời hoàng kim hay không? Mà cho dù có quay lại được thì bước đường bọn mình từ bây giờ đến khi đó sẽ còn gặp nhiều bấp bênh lắm. Phải nói thẳng ra là hiện các nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật truyền thống còn trụ được với nghề là nhờ còn có tình yêu nghề. Trong hoàn cảnh như thế này, nhiều người cũng muốn ngãng ra, nhưng vì còn yêu nghề quá, nếu mà bỏ thì cảm thấy như đời mình mất một cái gì, trống vắng một cái gì đó rất lớn, nên không thể bỏ. Nhưng dù gì thì gì, bọn mình cũng sẽ theo nghề này, gắn bó với câu xuân nữ nhịp song loan đến cùng.

Hoài Huệ (bên phải) vai Vạn Lịch trong "Đồng tiền Vạn Lịch"

Trên sân khấu của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định những năm qua, Hoài Huệ và Hồ Thu là hai gương mặt chói sáng. Đây là hai người bạn diễn, hai người bạn đời, hai ngôi sao của dân ca bài chòi miền Trung đã luôn đồng hành trên con đường của những sáng tạo nghệ thuật. Nếu Hoài Huệ là chàng "Hoàng tử Kha Láp" đa tình thì Hồ Thu sẽ là nàng "Công chúa Tô Lan" xinh đẹp; nếu Hoài Huệ là Chế Mân thì Hồ Thu sẽ là Huyền Trân Công chúa; nếu Hoài Huệ xuất sắc trong vai Quang Trung thì Hồ Thu sẽ là nàng Ngọc Hân chung thủy...

+ Cả hai vợ chồng cùng làm nghệ thuật, với anh, đó là khó khăn hay thuận lợi.

- Khó khăn thì tất nhiên là có khó khăn. Chẳng hạn chỉ riêng việc đi diễn như thế này, tất nhiên nhà là phải đóng cửa, con cái đành phải gửi ông, bà. Rồi cả khó khăn về vật chất… Thế nhưng thật ra cũng có điều thuận. Hai vợ chồng trong nghề thì nhiều thứ rất đồng cảm, tôn trọng nhau hơn. Có những việc gì Thu cần có sự giúp đỡ của mình, cần có sự trau dồi riêng của mình về nghề nghiệp thì mình chia sẻ rất thuận lợi và ngược lại...

+ Khi người bạn đời của anh trở thành đại biểu quốc hội (NSƯT Hồ Thu là đại biểu Quốc hội khóa X), tâm trạng của anh thế nào?

- Khi Thu trở thành đại biểu quốc hội thì đó là vinh dự chung cho ngành, cho đoàn và cũng là vinh dự riêng cho cá nhân mình nữa. Mình rất sẵn lòng tạo điều kiện cho Thu. Thu một năm đi họp mấy kỳ, mỗi kỳ vài tháng, công việc gia đình nói chung là công việc phụ nữ ở nhà thì mình đảm nhiệm được hết. Nhưng đúng là hồi đó cũng khá vất vả.

+ "Chín" trên sân khấu ca kịch bài chòi ngay từ những vai diễn đầu tiên. Đến nay, khi trong tay anh đã có khoảng trên 50 vai diễn, lại thấy anh lục tục đi học làm đạo diễn. Phải chăng, đến một tầm tuổi nào đó thì diễn viên chuyển sang làm đạo diễn?

- Điều này cũng gần như bên bóng đá. Cả diễn viên lẫn cầu thủ đều có một thời xuân sắc. Với mình, đó gần như là cả một bước ngoặt về nghề nghiệp, bởi hai nghề này hoàn toàn khác nhau, có cái tư duy riêng của nó. Là diễn viên chuyển sang làm đạo diễn có thuận. Nhưng đó cũng mới chỉ là 50% thôi, còn 50% nữa phải là đam mê. Mình thì phải nói là đã đam mê từ hồi trai trẻ. Cũng đã có một lần mình thử sức rồi, trúng tuyển đại học đạo diễn chính quy hẳn hoi ngay từ khi còn là diễn viên mới về đoàn cơ. Nghề diễn viên cũng phong phú nhưng chỉ phong phú ở từng vở diễn, từng vai diễn. Tất nhiên, mỗi một vai diễn là một cuộc đời, là một sự nghiên cứu về số phận nhân vật, nhưng để trở thành đạo diễn thì phải nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Bởi vậy, cũng đâu phải ai nghỉ diễn viên đều thành đạo diễn cả đâu.

+ Mới đây, anh đã làm đạo diễn phục hồi vở Chuyện tình nàng Sita. Điều đặc biệt nhất là trong lần phục hồi này là các vai diễn lớn của vở lại do các em học sinh lớp trung cấp dân ca năm thứ 3 (Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) đảm nhận. Bản thân anh đã cảm thấy hài lòng với những bạn diễn trẻ tuổi đời, non tuổi nghề này chưa?

- Nói chung có được một lớp trung cấp dân ca như thế này là dấu hiệu rất mừng rồi. Mừng vì có thế hệ nối tiếp, trong đó có những em thật sự yêu nghề, chịu khó, học hỏi, có năng khiếu. Tôi cũng đã đi một số đoàn dân ca ở các tỉnh khác, phải nói là họ thua thiệt hơn mình vì họ tuyển không ra người. Nhưng nếu như gọi là sướng thì thú thật là chưa. Nếu nói về tình yêu nghề, năng khiếu thì các em này chưa bằng lớp bọn mình, mà lớp bọn mình thì cũng chưa thể bằng lớp trước nữa được. Mà muốn làm nghề giỏi thì trước tiên phải yêu nghề, đây mới là điều quan trọng nhất. Phải nói là 10 diễn viên, 2 nhạc công trong lớp dân ca khóa này đều có tương lai cả. Nhưng tất nhiên, có giữ được tương lai ấy hay không thì lại tùy thuộc hoàn toàn ở sự cố gắng của chính các em. Nhưng, cuộc đời cũng như một cái cây vậy. Một vài năm nữa các em sẽ khác, rồi một vài năm nữa… cứ vậy và ta hãy hy vọng.

. Lê Viết Thọ (thực hiện)

 

NSƯT Hoài Huệ sinh năm 1962 tại Nhơn Phong - An Nhơn. Tốt nghiệp lớp trung cấp dân ca khóa 1 (Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) năm 1981. Giải thưởng: Giải A Liên hoan Tiếng hát hay năm 1982 (vai Lâm, vở Hoa Sơn Mỹ); Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 (vai Hùng - vở Tội lỗi); Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chuyên nghiệp Toàn quốc các năm: 1990 (vai Vạn Lịch - vở Đồng Tiền Vạn Lịch); 1995 (vai Chế Mân - vở Huyền Trân công chúa); Huy chương Vàng Liên hoan Dân ca Toàn quốc năm 1998 (vai Mai Tấn Hồng - vở Người tử tù mất tích). Được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997. Ngoài ra, Hoài Huệ còn đạo diễn cho 8 vở diễn, 2 chương trình nghệ thuật. Là Phó Đoàn từ năm 1994 đến nay.

 

 

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...   (26/07/2004)
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình  (18/07/2004)
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)
Chị Trần Thị Lệ, Giám đốc Nutifood: Tôi luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim   (27/06/2004)
Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông…  (20/06/2004)
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"   (13/06/2004)
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)
Đặng Lâm Thành và những ước vọng tuổi trẻ  (26/04/2004)