Ông Lê Sĩ Nguyên, người thầy của trẻ em nghèo:
Đã thương thì thương cho trót
11:38', 8/8/ 2004 (GMT+7)

Những lớp "bình dân học vụ" của thời "chống giặc dốt" bây giờ chỉ còn trong ký ức của người cùng thời. Phong trào phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ sau buổi lễ mừng công năm nào cũng đã lắng sâu. Riêng "lớp học tình thương" của những con người giàu lòng nhân ái thì vẫn lặng lẽ, bền bỉ chống mù chữ và tái mù cho những đứa trẻ còn chịu nhiều thiệt thòi. Ông giáo làng Lê Sĩ Nguyên cũng bền bỉ và lặng lẽ như vậy.

Ông Lê Sĩ Nguyên

Vào một ngày cuối tháng bảy, chúng tôi trở lại thôn Tây Định, khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Mới đó mà đã 8 năm, cái thôn nhỏ nằm bên dòng sông Hà Thanh ngày ấy (thuộc xã ngoại thành), bây giờ cũng theo nhịp sống đô hội… Đường bê tông láng vào tận bờ đê. Chỉ có ông giáo thì vẫn cái dáng lom lom, đầu bạc trắng, áo sơ mi màu cháo lòng, chân trần đẩy chiếc sõng nan chở mấy đứa trẻ lam lũ sang sông học chữ.

- Thầy sẽ còn làm công việc này đến bao giờ?

+ Chắc sẽ không lâu nữa đâu. Nhớ lại quãng những năm 1995-1998, mấy đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm dắt díu nhau đến xin học chữ đông quá. Không nhận thì thương chúng thất học, mà nhận hết thì cái lớp học bé cỏn con này không chứa đủ. Bởi như cô thấy đấy, chúng đâu có cùng một lứa, vào một lớp. Có đứa lớn ngồng nhưng một chữ cắn đôi chưa biết, có đứa học hết lớp một, lớp hai nhà nghèo quá phải bỏ học... Vậy nên tôi phải chia ra nhiều lớp để dạy. Đứa nào học được ban ngày, tôi dạy ban ngày, đứa nào bận bươn chải kiếm sống thì tôi dạy chữ vào ban đêm; trò nhiều thì tôi mở lớp riêng, trò ít thì tôi ghép lớp lại... Thế mà, bây giờ học sinh đã vơi đi rất nhiều. Mấy năm nay, tôi đã vào tận các thôn Đông Định, Thuận Nghi, Lạc Trường hay qua sông (thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) để vét học sinh, nhưng chủ yếu chỉ còn mấy cháu thiểu năng, khuyết tật là chưa được đến lớp.

- À, nghe nói vừa rồi thầy phải bán đôi bò, tài sản lớn nhất của mình để nâng cao nền nhà cho lớp học tình thương...

+ Lớp học này nguyên thủy là cái bếp của gia đình. Thương lũ trẻ không có nơi học, năm 1991 tôi bàn với bà xã sửa sang thành lớp học. Từ đó đến nay, dành dụm được chút tiền nào tôi lại bỏ ra tu bổ thêm nên còn chắp vá lắm. Nền lớp vẫn nằm lọt thỏm dưới chân đê nên cứ vào mùa mưa thì các cháu phải lội bì bõm để học. Thấy các cháu đã khổ, ráng lắm mới theo được thầy kiếm mấy cái chữ cho bằng chị bằng em vậy mà đi học cũng phải chịu khổ như thế, tôi không đành, nên mấy năm trước, tôi bàn với bà xã, bán đôi bò cái được 14 triệu đồng, lấy tiền nâng nền lớp học. Thế mà, (giọng kể của thầy Nguyên chợt đượm buồn) lớp học vừa được tươm tươm một chút, cơn bão số 2 vừa qua lại tiếp tục xốc mất cái mái. Bà xã lại bóp bụng bán đôi heo 80 cân để lấy tiền cho tôi sửa lớp...

Dù ông giáo nghèo đã dồn hết vốn liếng để gầy dựng lớp, nhưng nhìn bên ngoài, "lớp học tình thương" của ông trông thật nhỏ nhoi, lỏm thỏm trước sự mênh mang của dòng nước Hà Thanh. Cả đời thầy đã gắn bó với bài học i, t... cùng những đứa trẻ nghèo khó ven sông với cái triết lý giản dị như chính cuộc sống của ông vậy: "Làm gì được cho mọi người, cho xã hội thì cố sức mà làm...".

Khi ông dạy một đứa trẻ nghèo học hết lớp ba (chương trình phổ cập giáo dục tiểu học), chúng sẽ được trường phổ thông ở khu vực đó tổ chức thi. Nếu đạt chất lượng thì đứa trẻ đó được hòa nhập vào trường phổ thông và một tương lai, một chân trời mới sẽ mở ra...

- Thầy có nhớ mình đã "bắc" được bao nhiêu "nhịp cầu" cho những đứa trẻ bên dòng Hà Thanh này rồi không?

Lớp học tình thương của thầy Nguyên

+ Làm sao mà tính hết được. Năm 1957, tôi thi "đệ ngũ" rớt nên đi học sư phạm ở Quảng Ngãi 6 tháng, rồi từ đó về quê làm anh giáo "hương trường" dạy a, b, c... cho những đứa trẻ ở quê đến khi biết đọc, biết viết. Vào cái thời Pháp thuộc, hầu hết trẻ em đâu được học chữ, đâu được đến trường nên những người biết chữ được quý trọng lắm. Tôi may mắn có được người cha (ông Lê Quang) làm ông đồ dạy học. Khi còn bé, ông dạy tôi học chữ, lớn thêm một chút, ông gởi tôi đến học "dự thính" tại một trường tiểu học ở Phước Thuận do bạn ông làm hiệu trưởng. Hồi đó, chỉ những con nhà có "lưng thế" mới được đi học. Trò nghèo như tôi, muốn theo học phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Từ tờ mờ sáng đã phải cuốc bộ hàng chục cây số để đến trường. Bà con chòm xóm thấy tôi chăm học quá nên thương, sáng nào đi học cũng dúi cho ít khoai lang khô lận lưng để dành ăn trưa. Không có vở học, tôi phải xin mấy quyển vở cũ của mấy đứa bạn cùng lớp đem nhúng nước rồi phơi trên mái tranh cho mực cũ nhòe đi làm vở, mua ngòi viết "lá tre mỏ cu" cắm vào ống trảy mà viết. Tối về, không có đèn dầu, tôi đi nhặt hạt dông đồng xỏ lòi thành cây rồi đốt cháy lấy ánh sáng mà học... Bởi vậy, sau này thấy lũ trẻ nghèo không được cắp sách đến trường tôi thương lắm. Tôi chỉ mong dạy được cho chúng cái chữ, mong cho đời chúng bớt được cái nghèo, cái khổ là tôi mừng.

- Ngày xưa, ông đồ Lê Quang mở lớp dạy Hán tự và Quốc ngữ cho bà con không bao giờ lấy một một xu. Giờ đến đời thầy, dạy học cũng không vì mục đích kiếm sống. Vậy thầy lấy gì để nuôi vợ và 7 cô con gái?

Ông Lê Sĩ Nguyên, sinh năm 1933, tại thôn Tây Định, khu vực 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.

Năm 1957, ông đi học một lớp sơ cấp sư phạm rồi về dạy "vỡ lòng", dạy "phổ cập giáo dục tiểu học" cho những học sinh nghèo, thất học tại quê hương cho đến nay.

 

+ Đã theo nghề dạy học thì không nên lấy mục đích kiếm tiền làm lẽ sống. Ngày còn sống cha tôi đã dặn rằng: "Con nên cố gắng, đạo làm người không có gì quý bằng "trồng người". Nhưng "trồng người" không phải dễ, phải dạy được mình trước khi dạy người". Tôi luôn canh cánh lời dạy của cha tôi. Vì nghèo, nên vào khoảng năm 1978-1979, tôi phải đưa vợ con lên xã Canh Hiệp, Vân Canh để làm ăn. Nhưng rồi lận đận hơn chục năm trên miền núi heo hút, vừa làm rẫy, vừa tranh thủ dạy thêm cái chữ cho bà con người dân tộc thiểu số... cũng không mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, vợ chồng chúng tôi lại quay về cố hương. Thấy ngôi nhà cha mẹ để lại đã sập. Nhìn lên bàn thờ người cha quá cố tôi nhớ lại lời dặn dò của ông trước lúc lâm chung: "Cha mong con tiếp tục dạy học cho mấy đứa trẻ trong làng như cha đã làm ngày trước..." Thế là tôi quyết định gầy dựng lại lớp trên nền lớp học của cha tôi ngày trước.

Ở gần sông Hà Thanh, đa phần người dân kiếm sống bằng nguồn lợi của sông nước. Với nhà ông giáo Nguyên thì vì quá nghèo không mua nổi tấm lưới nên phải dùng bổi để bắt cá. Ban ngày, ông sắp xếp cho con cái đi chặt cây duối bó đùm lại thành vài chục bó, đêm đến đem thả dọc theo mé sông. Sáng ra, cầm rổ đi rũ bổi kiếm mớ cá, tôm... đem ra chợ bán. Mãi đến năm 1990, thầy Nguyễn Đức Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình, trước đây cũng là học trò của ông mới mời ông ra "đứng" lớp học linh hoạt (một tên gọi mới của mô hình lớp học tình thương). Và từ đó thầy Nguyên mới nhận được lương của Phòng GD-ĐT Quy Nhơn.

+ Cảm giác của thầy khi được nhận lương?

- Ban đầu tôi nhận được 30.000 đồng/tháng. Sau đó, tôi dạy 2 lớp, phòng trả 165.000 đồng/tháng. Rồi địa phương cũng hỗ trợ vợ chồng tôi mỗi tháng 10 kg gạo và 120.000 đồng... Tôi rất vui vì đồng lương cũng giúp tôi giải quyết được nhiều việc gia đình nhưng điều vui hơn là thấy được công việc của mình được xã hội biết đến và ghi nhận.

Đã gần trăm năm nay, lớp học vỡ lòng của cha con ông giáo nghèo ở thôn Tây Định vẫn tồn tại và tỏa hơi ấm của lòng người. Có rất nhiều gia đình ở đây đã ba, bốn đời theo học ông giáo Lê Sĩ Nguyên. Có những người trong số đó đã bứt phá ra khỏi "cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo và thất học" để có được cuộc sống no ấm, đủ đầy. Nhưng cũng không ít người vẫn còn khó nhọc, lam lũ bên dòng Hà Thanh đầy nắng, đầy gió. Dù cái chữ mà thầy Nguyên truyền dạy có thể chưa đủ sức làm thay đổi cuộc đời của một con người nhưng những bài học "khai tâm" của ông giáo làng hẳn đã giúp cho con người ta biết sống và sống tốt hơn rất nhiều. Cũng như ông giáo Nguyên bây giờ đang rất vui, vì mấy đứa cháu gái vừa thi đỗ vào đại học. Đứng bên dòng Hà Thanh, ông nở nụ cười, thật rạng rỡ trên khuôn mặt đã hằn sâu những nếp nhăn và nói với chúng tôi: "Mơ ước mà đời tôi chưa làm được (thoát khỏi đói nghèo bằng con đường học vấn), con tôi chưa làm được thì đến đời cháu tôi, chúng đã và sẽ làm được".

. Quỳnh Hoa (thực hiện)

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
NSƯT Hoài Huệ: Tình yêu bài chòi quá lớn trong tôi  (01/08/2004)
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...   (26/07/2004)
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình  (18/07/2004)
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)
Chị Trần Thị Lệ, Giám đốc Nutifood: Tôi luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim   (27/06/2004)
Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông…  (20/06/2004)
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"   (13/06/2004)
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)
Chân chất thuốc Nam   (26/04/2004)
Tôi chỉ muốn được làm một người tốt  (26/04/2004)