Ông sinh ra bên dòng sông Lại rồi lớn lên bên dòng sông ấy. Những giấc ngủ tuổi thơ của ông ngọt ngào trong lời ru của mẹ và hương dừa, hương bưởi bay quanh. Có lẽ mẹ và quê hương Hoài Nhơn đã làm nên chất giọng Nguyễn Kiểm lừng lẫy trên sàn diễn dân ca sau này.
|
Nguyễn Kiểm vai Quân ngự y trong vở Huyền Trân công chúa |
Mười mấy tuổi, Nguyễn Kiểm đã theo gánh hát anh Dần rồi gánh Nguyễn Đốc diễn trên những tấm chiếu ở sân đình. Bé người nhưng hát hay, gia đình họ mạc cũng thơm lây với cả huyện về giọng hát ấy.
Năm 1952, đoàn dân ca Liên khu 5 thành lập. Nguyễn Kiểm được tuyển vào đoàn. Đến năm 1954 cùng đoàn tập kết ra Bắc. Qua hai mươi năm trên mảnh đất XHCN, được sự quan tâm chăm sóc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đoàn dân ca Liên khu 5 đã có những bước tiến vượt bậc, gặt hái nhiều thành quả trong nghệ thuật.
Và, Nguyễn Kiểm như cá gặp nước. Suốt 20 năm trực tiếp trên sàn diễn, tên tuổi ông cùng Lệ Thi, Thái Sơn đã ghi sâu vào tiềm thức của khán giả hâm mộ sân khấu. Ông đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng như: Hồ Tôn Hiến (Kiều), Lê Duy Hiên (Nguyễn Huệ), Tương Tử (Thoại Khanh, Châu Tuấn), Già Liêu (Tiếng sấm Tây Nguyên), Chi Trưởng (Đội kịch chim chèo bẻo)…
Với chất giọng thanh, vang xa, âm vực rộng, kỹ thuật luyến láy trong họ hát chuẩn mực, giàu sức biểu cảm cho mọi tình huống nhân vật. Cùng với sự cẩn trọng, nghiêm túc trong nghiên cứu tính cách nhân vật, đã tạo cho những vai diễn của Nguyễn Kiểm dù chính hay phụ, xuất hiện nhiều hay chỉ một thoáng trên sân khấu cũng gây được sức thuyết phục người xem. Có những vai diễn của ông như Tương Tử, Chi Trưởng đã trở thành vai mẫu cho công tác đào tạo diễn viên dân ca khu 5 sau này.
Những cơn mưa huy chương màu vàng mà ông nhận được trong những mùa hội diễn, đã khẳng định tài năng của ông trên sân khấu. Năm 1984 Nguyễn Kiểm là một trong những nghệ sĩ đầu tiên của ngành kịch hát dân ca Liên khu 5 được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
Là một nghệ sĩ sống tâm huyết, có trách nhiệm với nghề. NSƯT Nguyễn Kiểm như một đời sông không ngừng nghỉ. Năm 1975 đất nước thống nhất, đoàn dân ca Liên khu 5 đưa về Thuận Hải. Nguyễn Kiểm chia tay đồng nghiệp về lại quê hương Bình Định để xây dựng đoàn. Và cũng từ đây Nguyễn Kiểm vừa làm công tác quản lý, vừa dành thời gian cho sáng tác và đạo diễn.
Với kiến thức đã được đào tạo, cùng với kinh nghiệm gần cả đời lăn lộn trên sàn diễn, nên ở bất cứ cương vị nào ông cũng gặt hái được những thành tựu nghệ thuật đáng khâm phục. Trong công tác chuyển thể, tác giả Nguyễn Kiểm luôn có sự bứt phá ngoạn mục đầy tính sáng tạo. Sự sáng tạo ấy được thể hiện trong việc cải biên, nâng cao làn điệu. Các giai điệu, nhạc nền xuất sắc của nhạc sĩ khi viết cho vở diễn, ông chuyển thành lời. Tạo thành làn điệu dân ca mới làm phong phú thêm cho vở diễn, và bổ sung thêm cho bộ sưu tập những bài bản dân ca Liên khu 5. Những vở ông chuyển như: Đồng tiền vạn lịch, Hoa Sơn Mỹ, Trần Thủ Độ, Muối mặn đời em, Lọ nước thần, Chuyện tình Sa My, Tội lỗi… đã in đậm dấu ấn và phong cách riêng của tác giả Nguyễn Kiểm. Năm 1998 Liên hoan sân khấu dân ca tại thành phố Huế với hai vở: Chuyện tình trong vương phủ và Chia tay hoàng hôn, ông đã được hội đồng giám khảo trao giải tác giả chuyển thể xuất sắc.
Vừa chuyển thể, tác giả Nguyễn Kiểm cũng đã trực tiếp viết khá nhiều kịch bản. Những vở ông viết đã được dàn dựng và đã gây được ấn tượng tốt trong công chúng như: Biển động tình người, Lâm sanh Xuân nương, Láo thật, Trận mới bắt đầu và năm 1998 Nguyễn Kiểm đã hoàn thành vở lịch sử "Trần Cao Vân" đang được đoàn dân ca Quảng Nam đầu tư chuẩn bị dàn dựng.
Trong công tác đạo diễn nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm cũng khá chắc tay. Những vở ông dàn dựng đã đạt sức sống và tuổi thọ khá cao. Đến hôm nay khán giả Bình Định vẫn còn nhắc đến những vở đã từng vang tiếng một thời mà ông đạo diễn như "Núi rừng năm ấy", "Hoa Sơn Mỹ"…
Như một duyên nghiệp, văn chương chữ nghĩa đã vận vào NSƯT Nguyễn Kiểm, để rồi đêm đêm trên căn gác ở cuối đường Nguyễn Thái Học thành phố Quy Nhơn ông lại tâm huyết với cây bút ngọn đèn, để trăn trở sống cùng với các nhân vật mới của ông trên trang giấy, cũng như những công trình mang tính khoa học về nghệ thuật biểu diễn trong kịch hát bài chòi.
Bước vào tuổi "xưa nay hiếm", NSƯT Nguyễn Kiểm vẫn chưa chịu hưởng cảnh thư nhàn, vui thú điền viên. Ông hiện đang là một cộng tác viên tích cực và cần thiết cho phong trào văn nghệ không chuyên, cho các cơ quan tuyên truyền ở địa phương. Hình như trong ông niềm đam mê sân khấu không hề bị thời gian làm ảnh hưởng. Vẫn dõi theo từng thành công của đồng nghiệp, của học trò. Mà học trò của ông đâu có ít. Có người giờ là NSƯT, nghệ sĩ xuất sắc, giữ những vị trí then chốt trong các đoàn nghệ thuật. Ngày tết, ngày lễ họ vẫn tìm đến để thăm hỏi sức khỏe thầy Kiểm, để báo cáo với thầy những gì mình làm được từ cái vốn liếng mà thầy Kiểm đã truyền đạt cho. Thầy Kiểm như trẻ lại với những cuộc gặp gỡ ấy. Ông lại sôi nổi hào hứng như chính mình đang đứng trên sàn diễn, trên bục giảng năm nào…
Một đời sông vẫn tha thiết chảy qua những bến bờ tâm hồn, như đã chảy suốt nửa thế kỷ 20. Và tôi, một học trò cũ của ông vẫn tin rằng với tấm lòng, kinh nghiệm và tài hoa của mình, NSƯT Nguyễn Kiểm hẳn sẽ còn tạo ra cho chúng ta nhiều bất ngờ thú vị. Mong sao ông dồi dào sức khỏe để thực hiện những hoài bão nghệ thuật, mà một đời ông đã theo đuổi, đã cống hiến và cũng đã gặt được những thành công lớn.
. Theo Tạp chí Sân khấu |