Người lính năm xưa và ước vọng hôm nay
16:44', 16/8/ 2004 (GMT+7)

40 năm trước, ông Đinh Văn Đến (nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện An Lão) hãy còn là một thanh niên tham gia lực lượng bộ đội địa phương trong chiến dịch An Lão. Nay, đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn miệt mài với việc công. 

Hàng ngày, người cựu chiến binh này vẫn lọc cọc đạp xe đến với anh em trong Hội

Nghe tôi gợi lại những kỷ niệm 40 năm trước, khi ông hãy còn là một thanh niên tuổi đôi mươi, tham gia chiến dịch An Lão, ông Đinh Văn Đến trầm ngâm: "Hồi đó, tui làm Chính trị viên Trung đội 2…". Ông nói đến đó rồi bỏ lửng, thư thả bập điếu thuốc đang hút dở. Cái vóc dáng nhỏ của ông như đang chìm lẫn vào khói thuốc, cùng những mảng hồi ức hãy còn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Đó là vào cuối năm 1964, ông trực tiếp chỉ huy một tiểu đội tấn công vào thôn Thuận An những ngày mở màn chiến dịch… "Bước vào trận đánh, bác lo nhất điều gì?" - tôi hỏi. Ông cười: "Lo là lo nó thả bom trúng đồng bào mình, rồi lo mình chưa đánh được nó mà đã bị thương".

Ông tâm sự với chúng tôi rằng năm nào, hễ cứ đến những ngày kỷ niệm chiến thắng An Lão là ông thấy thắc thỏm trong bụng, không ngủ được. "Mừng lắm chớ. Được gặp lại bạn bè chiến đấu cũ" - ông nói. Rồi ông tự so sánh: "So với anh em thì đúng là tui may mắn. May mắn vì còn được chứng kiến sự thay đổi của quê hương. Bởi vậy, bây giờ tui còn làm được gì nữa thì gắng mà làm".

Năm 1990, ông về hưu khi đang là trung tá, huyện đội trưởng. Về hưu, nhưng chẳng thấy ông ở nhà ngày nào. Ông tham gia hoạt động làm phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh, rồi là chủ tịch từ năm 1997. Văn phòng Huyện Hội có 4 người, anh em thay nhau đi về cơ sở. Chỉ với chiếc xe đạp, ông cũng lóc cóc đạp về cơ sở. "Đi chứ! Không đi làm sao được. Đi để lên với anh em, để biết anh em cần gì nữa chứ!"- ông giải thích. Còn những ngày nghỉ, hay sau những giờ làm việc, ông cũng đi, nhưng là lên với vườn cây, ao cá, với rẫy mì… Len lỏi qua vạt cây dại và những bờ ruộng nước, ông dẫn chúng tôi lên triền dốc thấp, đến với cơ ngơi ấy của ông hôm nay. 5 con bò, 2 ao nuôi thả trắm cỏ, cá chép; 1,5 ha đất vườn trồng xoài, mít; thêm khoảng 1 ha rẫy trồng mỳ, trồng chuối. Ông khoe: "Ao này tui đào từ 3 năm trước. Tốn nhất là thuê ủi đất, mất chừng 4 triệu. Mấy hôm trước mới bắt một lứa, được vài ký, bán rẻ cho bà con quanh đây cải thiện. Có lẽ sắp tới cũng phải trồng thêm 1 ha keo nữa. Cứ làm dần dần vậy".

Nghe tôi nói muốn viết về ông, ông giãy nảy: "Tui thì ăn thua gì. Hiện trong anh em cựu chiến binh của huyện, đã có khoảng 30 hộ có thu nhập khá, còn những hộ có bò, có trâu, có xe máy này thì nhiều lắm. Bây giờ đa số anh em đều rất có ý thức vươn lên, mong muốn phát triển VAC, phát triển kinh tế trang trại nhưng cũng còn khó lắm. Tiền đầu tư này, rồi đất còn ít lắm. Huyện Hội hiện đang cố gắng giảm tỷ lệ gia đình nghèo trong anh em cựu chiến binh còn dưới 6% đấy. Mà có viết thì chú nên viết về mấy cái chuyện đó kia" - ông dặn. 

Trời trở mưa. Chúng tôi ngồi trong căn nhà mới xây của ông khá lâu. Trong câu chuyện, ông kể với tôi kỷ niệm về điệu Calêu người H’rê ông nghe hồi trẻ. Rồi ông bảo: "Này, anh em cựu chiến binh tụi tui còn nhớ mấy bài hát theo điệu Calêu anh Đinh Gok sáng tác từ những năm 60. Hay lắm! Bao giờ có ai để tâm sưu tầm lại thì rất quý". Rồi ông nhẩm khe khẽ: "Tru mà rính wa vền ta ghèa zóc xông… xung phong má ti dêh pa zí mới đồn"... Theo điệu hát, những kỷ niệm trong ông lại ập về.

. Thạch Trung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Kiểm - Một đời sông vẫn chảy   (11/08/2004)
Đã thương thì thương cho trót  (08/08/2004)
NSƯT Hoài Huệ: Tình yêu bài chòi quá lớn trong tôi  (01/08/2004)
Cuộc đời tôi có hai cái nghĩa phải trả...   (26/07/2004)
Làm nhân đạo phải có cái tâm và lòng nhiệt tình  (18/07/2004)
Nhà giáo ưu tú Trương Tham: Thầy mà "lưỡng cước" trò sẽ "lờn xơn"   (11/07/2004)
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định: Câu thơ mưa gió bọt bèo...  (04/07/2004)
Chị Trần Thị Lệ, Giám đốc Nutifood: Tôi luôn dành cho quê hương một góc trong ký ức, trong con tim   (27/06/2004)
Ông Trình Nghiên, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh: Tôi chỉ có một nghề, đó là nghề nông…  (20/06/2004)
"Vĩnh Thạnh đã trở thành quê hương của tôi"   (13/06/2004)
Bà Cao Thị Phước: Tôi soi ngọn đèn, con tôi được đi trong ánh sáng  (06/06/2004)
Không làm việc với cường độ cao, tôi không chịu được  (30/05/2004)
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội tỉnh: Cách ly người nhiễm HIV là giết họ  (23/05/2004)
NSND Võ Sỹ Thừa: "Tổ cho tôi sự nghiệp"   (09/05/2004)
Chàng kỹ sư trẻ người Bình Định với sản phẩm Hoa Lài  (29/04/2004)