Năm 1990, xuất phát từ tấm lòng yêu thương những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Lê Thị Minh Tâm đưa vấn đề dạy chữ cho trẻ lang thang, trộm cắp ra bàn với Chi bộ Đảng địa phương. Lúc đó, không ít người bàn ra tán vào, họ không tin rằng có thể mở được cái lớp học cho đám trẻ "đầu đường xó chợ". Bà Tâm đã quyết tâm thuyết phục và được Chi bộ nhất trí. 25 đứa trẻ đầu tiên đến lớp thì 10 đứa bỏ học, chúng kéo nhau ra ngoài vỉa hè mà ngủ. Bà Tâm đã đi kiếm chúng về, lựa lời dỗ dành để chúng đi học trở lại. Đến năm 1995 lớp học tình thương khu vực 6, phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn) mới đi vào ổn định. Trong số những đứa trẻ từng học ở lớp tình thương này, nhiều đứa đã trưởng thành, có đứa đi học đại học; đám con gái đứa đi bán cá, đứa làm thợ may, cũng có nhiều đứa đã lập gia đình, có con cái; đám con trai, đứa thì đi bộ đội, đứa đạp xích lô, thợ hồ... đủ cả. Hầu hết đều làm ăn lương thiện. Giờ mỗi lần ra đường, bà vẫn thường được nghe lời thăm hỏi "bà ngoại".
|
Bà Lê Thị Minh Tâm cùng các cháu trong buổi lễ khai giảng lớp học tình thương |
Lúc chúng tôi đến, bà còn đang mải loay hoay dọn dẹp nhà cửa. Bà mới chuyển lên ở khu nhà mới ở phường Ghềnh Ráng này chừng mươi hôm. "Bây giờ đã được "xuống đất" rồi ( trước đây gia đình bà phải ở trên gác 2 trong một khu nhà tập thể). Có nhà mới mừng thật đấy nhưng ngặt cái ở chỗ đây xa nơi làm việc quá, phải phiền con cháu chở đi chở về. Mình già rồi, đâu còn đi bộ được xa nữa" - bà tâm sự.
- Đã qua cái tuổi "thất thập", còn bao nhiêu "nợ" trên đời phải lo, nào là nhà cửa, bếp núc, chợ búa... lại đa mang công tác xã hội, bà đã thấy mệt mỏi chưa?
+ Cái tâm thì vẫn còn y nguyên đấy, vẫn cứ muốn làm nhiều việc tốt nhưng tôi chỉ tiếc là cái lực nó bất tòng tâm. Hôm rồi, tôi đi mấy huyện: Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát... thăm các cháu mồ côi, khuyết tật. Một ngày đi hai huyện, lại xuống tận các xã vùng sâu, vùng xa, đi trên xe mà thở không ra hơi. Đến lúc về nhà chân tay đau nhức, rã rời cả tuần lễ. Tôi tự nhủ, lần sau có đi thì cách nhật, chứ đi cái kiểu này e thân già chịu không thấu. Bây giờ tôi mới hiểu trọn ý nghĩa của câu "lực bất tòng tâm". Mà có đi thì mới thấy, xem ra bọn trẻ khó khăn ở Quy Nhơn còn sướng hơn đám trẻ ở đấy nhiều lắm. Tôi đã vào thăm một gia đình có 5 con thì 3 con bị mù, thêm một đứa bị điếc. Thấy hoàn cảnh mà rơi nước mắt.
- Những năm 90 của thế kỷ trước, khu vực 6 phường Lê Lợi "nổi tiếng" bởi có lớp học tình thương quy tụ nhiều đứa trẻ mồ côi, lang thang, trộm cắp... ở tứ xứ. Bà còn nhớ gì về những đứa trẻ đã qua lớp học đó không?
+ Nhớ chớ! Trước sau phải đến hơn 700 đứa. Ngoài Bắc có 4 đứa là thằng Đại, thằng Sĩ, thằng Dũng, thằng Hòa; trong Nam có thằng Trung, con Bé, con Ngọc, đông nhất là ở Huế: tới 25 đứa lận; rồi Đà Nẵng 8 đứa, Quảng Ngãi 6 đứa, Phú Yên 6 đứa... Trong số bọn chúng tôi nhớ nhất là thằng Đại, Nguyễn Văn Đại vừa ăn cắp, ăn trộm, ở tù lại không có cha mẹ. Nó đi đánh nhau, bị dao chặt trúng chân, phải băng bó, chữa vết thương mất cả mấy tháng trời. Bây giờ nó ở Nha Trang, làm nghề bán đồ lưu niệm, thỉnh thoảng nó cũng ghé thăm tôi. Thời đó, ai đi chợ bị mất cắp lại chạy tới chỗ tôi: "Cô Tâm, giúp giùm". Thế là tôi ra chợ, hỏi thăm mấy đứa, chả cần phải tra hỏi gì thì đứa lấy đã tự nguyện đem lại cho bà.
- Bỏ chức Chủ tịch Hội khuyến học ở phường để lên tỉnh làm Chủ tịch Hội Người tàn tật và Trẻ mồ côi, rồi giờ lại dọn nhà đi ở chỗ khác, bà có để lại "tài sản" gì cho phường Lê Lợi không?
+ Trước khi chuyển đi ở nơi khác, tôi cũng đã kịp xin với các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho khu vực 6 cái trụ sở sinh hoạt. Tôi để lại 3 cái máy may cũ cho khu vực đem bán lấy tiền đặng mua sách vở cho lũ nhỏ lớp tình thương cùng với 1.000 quyển vở, thêm 8 triệu đồng vận động cho lớp tình thương và Quỹ khuyến học của khu vực. Lúc thôi làm Chủ tịch Hội khuyến học phường Lê Lợi, tôi cũng đã bàn giao lại cho phường 31 triệu đồng đã vận động được từ các nhà hảo tâm. Tôi đến nơi ở mới giờ chỉ có hai bàn tay trắng thôi.
- Dù biết là bà đi xin chỉ để cho những trẻ lang thang, cơ nhỡ, những người hoạn nạn, khó khăn nhưng cứ phải đi xin hoài bà có thấy tủi thân không?
- Người ta bảo "gầy nhân đức để đời cho con"....
+ Khi làm từ thiện, tôi chẳng nghĩ đến việc để nhân để đức gì đâu. Thấy bọn trẻ nghèo khổ tội nghiệp, thất học thì tôi giúp chúng có chỗ ngủ, có miếng cơm, manh áo, dạy cho chúng biết cái chữ, cái nghĩa, thế thôi. Nhưng mà tôi nghiệm thấy, khi gia đình tôi gặp tai họa thì sự dữ hóa sự lành. Người ta bảo "tại bà ăn ở nhân đức đấy", tôi cũng tin vậy. Song, tôi biết chắc chắn là làm điều tốt cho mọi người thì tâm hồn mình thanh thản, nhẹ nhõm lắm, ăn ngon ngủ khỏe. Chả thế đã 72 tuổi rồi mà tóc tôi vẫn còn ít sợi bạc lắm. (cười)
- Xin hỏi bà khí không phải, bà cứ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" triền miên như vậy ông nhà không nhăn nhó sao?
+ Không có đâu. Chẳng phải khoe khoang gì, chứ ông nhà tôi tuyệt vời lắm. Nếu ổng mà không ủng hộ thì tôi khó lòng làm được những chuyện như vậy từ hàng chục năm trời nay. Thực ra mình nhờ ổng chẳng phải là nhờ chuyện gì cụ thể nhưng mỗi lời nói động viên, khuyến khích, nhất là những khi gặp chuyện bực dọc, ổng biết chia sẻ là tốt rồi. Chứ mình làm công tác xã hội mà gia đình không ưng thì làm sao toàn tâm toàn ý được.
- Dành quá nhiều thời gian để làm việc cho xã hội, bà có thấy mình thiệt thòi lắm không?
+ Tôi thấy bằng lòng với những gì hiện có: đủ ăn, đủ mặc, con trai con dâu đều hiếu thảo, có thằng cháu nội dễ thương. Vậy là mãn nguyện lắm rồi.
- Còn với việc Hội, bà có điều gì trăn trở chăng?
+ Người tàn tật và trẻ mồ côi Bình Định còn nhiều. Đa phần họ vẫn sống rất khổ sở, chưa tự nuôi sống bản thân, nhất là ở các vùng xa xôi, hẻo lánh. Với họ, cần nhất là mái nhà để ở, có việc làm để tự lực cánh sinh. Để họ tự thân vận động thì khó lắm. Bởi vậy, mới cần đến nhiều người, nhiều cơ quan, đoàn thể giúp đỡ họ cái "con cá, cần câu", rồi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ họ. Muốn thế thì phải phát triển được hội viên, làm cho nó lớn mạnh thành một phong trào chung, nhưng xem ra nghe đến chữ "tàn tật" và "mồ côi" thì ai cũng "căng thẳng" lắm (cười). Hiện tôi đã đi được 8 huyện để vận động thành lập Hội và phát triển thêm hội viên mới. Con số 130 hội viên như hiện nay vẫn còn quá ít ỏi.
. Thu Hà
Bà Lê Thị Minh Tâm sinh ngày 1-5-1932 tại thôn Long Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão. Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, thương binh hạng 3/4. Từ năm 1976 đến năm 1989: làm Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ Bà mẹ và chăm sóc trẻ em tỉnh Nghĩa Bình. Được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng II, cùng nhiều huy chương "Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ", "Bảo vệ và chăm sóc trẻ em", "Xóa nạn mù chữ". Hiện là Chủ tịch Hội Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Bình Định. | |