Tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh khóa 1996-2001, chàng sinh viên (SV) Bình Định Nguyễn Văn Hải được nhận ngay vào làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng HSBC (Hồng Kông). Nhưng chỉ 4 tháng sau, lại thấy Hải lục tục chuẩn bị đi học. Anh là SV Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng Cambridge Trusts, sang Anh du học. Cuối tháng 8 này, vừa tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Cambridge, Hải lại lên đường sang Canada để theo học lấy học vị Tiến sĩ tại Đại học Concordia (TP Montreal). Vậy nhưng, trò chuyện với Hải, anh cho biết: "Tôi chỉ mới đi được một phần ba quãng đường"…
- Mới chỉ đi được một phần ba quãng đường. Vậy hẳn là Hải đã xác định mục tiêu cho mình từ trước và mục tiêu đó không dừng lại ở mảnh bằng Tiến sĩ?
|
Nguyễn Văn Hải (người thứ hai từ trái sang) cùng các bạn học ở Đại học Cambridge |
+ Không chỉ bây giờ mà ngay từ lúc học đại học, nói thật là mình đã nghĩ đến việc nên làm gì trong tương lai và xác định phải cố gắng để đạt được mục tiêu đó. Mục tiêu đó với mình là làm việc cho Việt Nam trong vấn đề hoạch định chính sách, nhất là các chính sách kinh tế liên quan đến phát triển. Nhưng để làm tốt công việc này thì bên cạnh sự hiểu biết, kiến thức nói chung, cần phải có một tầm nhìn cao, rộng và một kiến thức ở cấp độ vĩ mô. Điều đặc biệt quan trọng khác là mình phải được làm việc để tiếp thụ kinh nghiệm trong một môi trường quốc tế. Môi trường mà tôi quan tâm ở đây chính là Ngân hàng Thế giới (WB), hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... Chỉ có làm việc ở những nơi này mình mới có cơ hội đi đó đi đây, được làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong việc nghiên cứu và hoạch định các giải pháp. Sau đó, tôi sẽ quay về Việt Nam và nếu được sử dụng thì những kiến thức và kinh nghiệm đó sẽ rất tốt. Nhưng để có cơ hội làm việc trong bộ phận nghiên cứu của các tổ chức như WB, IMF thì điều kiện bắt buộc đầu tiên là phải có bằng Tiến sĩ. Đó là lý do tôi học để lấy bằng Tiến sĩ. Chứ thực sự, tôi cũng không quan tâm lắm đến bằng cấp.
- Nhưng tại sao Hải lại chọn cho mình ngành kinh tế phát triển mà không phải là những ngành kinh tế khác, cụ thể và thực dụng hơn?
+ Tôi thực sự quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như: tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, phát triển thương mại… Tất cả đều là những vấn đề có liên quan đến Việt Nam. Chẳng hạn như đề tài Thạc sĩ của tôi cũng là: Tác động của tự do hóa tài chính đối với sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển. Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, tự do hóa thương mại. Nhưng bước tiếp theo, cấp phát triển cao hơn trong quá trình hội nhập là tự do hóa tài chính. Tuy nhiên, đây hiện vẫn là vấn đề chưa có tiếng nói thống nhất. Có người thì cho rằng tự do hóa tài chính có hại, nhưng lại có người nói tự do hóa tài chính có những mặt tích cực của nó. Đi vào nghiên cứu vấn đề này, tôi hy vọng là mình có thể đóng góp được một cái gì đó.
- Khó khăn lớn nhất với Hải khi du học là gì?
+ Khó khăn trước tiên là ngôn ngữ. Cho dù mình có học giỏi tiếng Anh đến mấy thì vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là trong nói và nghe. Bởi vậy, mình phải chủ động làm quen, tạo cơ hội giao tiếp để giúp mình nói và nghe tiếng Anh tốt hơn. Khó khăn khác là khí hậu, khí hậu bên đó rất lạnh. Rồi thức ăn lại khác mình. Với tôi, chỉ có ba khó khăn đó thôi. Còn lại mọi thứ đều rất tuyệt. Nhất là không khí học tập bên đó.
- Điều ấn tượng nhất sau 2 năm theo học ở nước ngoài với Hải là gì?
+ Khóa học đầu tiên tôi theo học là khóa đào tạo sau đại học kéo dài trong 9 tháng mang tên Diploma in Economic tại Đại học Cambridge. Khóa học này dành cho những người muốn chuyên sâu về kinh tế nhưng ít có kiến thức về kinh tế trước đó nhằm trang bị cho SV một nền tảng kiến thức ở cấp độ cao về kinh tế học. Sau đó, mình tiếp tục theo học Thạc sĩ cũng tại trường Đại học này. Nhìn chung, ấn tượng nhất với mình vẫn là chất lượng các khóa học. Chất lượng này đã thể hiện sự tương thích giữa chương trình học và một môi trường sống, học tập tuyệt vời. Nó đòi hỏi SV phải làm việc cật lực mới hoàn tất chương trình học. Phải nỗ lực nhiều không chỉ để quen với môi trường học tập và cũng là để quen với khí hậu, thức ăn, ngôn ngữ, văn hóa và rất nhiều thứ khác nữa.
- Với một yêu cầu như vậy về thời gian và cường độ, hẳn Hải không còn thời gian cho các hoạt động giải trí và cả… nỗi nhớ nhà?
Nguyễn Văn Hải sinh năm 1978 tại Quy Nhơn. Từng là học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn. Năm 2001, tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 9-2001 đến tháng 8-2002: là SV Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng chương trình Cambridge Trusts, tham gia khóa học sau đại học Diploma in Economic tại Đại học Cambridge (Anh). Từ tháng 8-2003 đến tháng 8-2004: tiếp tục học Thạc sĩ ngành Kinh tế Phát triển cũng tại Đại học Cambridge. Từ tháng 9-2004: tiếp tục học Tiến sĩ ngành Kinh tế Phát triển tại Đại học Concordia (Montreal - Canada). |
+ Tất nhiên là tôi vẫn tranh thủ thời gian để tham gia các chương trình do trường, lớp tổ chức chứ. Không chỉ để thư giãn sau giờ học đơn thuần, đây chính là cơ hội để mình được hội nhập với bạn bè quốc tế và tranh thủ học thêm ngôn ngữ, giao tiếp. Bởi vậy, sau mỗi khóa học, mình không chỉ được học thêm, biết thêm nhiều về kiến thức mà còn hiểu thêm nhiều về thế giới. Mình có bạn ở khắp các châu lục. Mỗi khi có một người bạn mới là tự nhiên mình hiểu thêm chút gì đó về văn hóa một đất nước. Ngoài ra, năm đầu tiên thì mình tranh thủ để đi lòng vòng, ghé các thành phố, thăm các viện bảo tàng, hiểu được thêm nhiều về nước Anh. Còn như năm nay thì tham gia đánh bóng bàn. Cũng nhiều cái lợi lắm. Sức khỏe đã đành, nhưng cứ mỗi lần cầm vợt ra là mỗi lần mình tiếp xúc với một người bạn mới. Còn tất nhiên, đi đâu thì mình cũng nhớ về quê hương, gia đình và cả bạn bè nữa.
- Nhiều bạn trẻ hiện cũng đang có mơ ước được đi du học như Hải, nhưng họ lại không có sự kiên trì như Hải. Hải muốn nói gì với họ?
+ Cơ hội đôi khi nhiều hơn mình tưởng rất nhiều. Chỉ cần một mục tiêu, kế hoạch thực hiện mục tiêu đó và một nỗ lực cộng với sự kiên trì trên mức bình thường một chút là mình sẽ đạt được. Nói chung, với các trường đại học nước ngoài, khi người ta yêu cầu mình cái gì mà mình thỏa mãn cao hơn yêu cầu đó thì mình sẽ có cơ hội.
- Hải về Quy Nhơn được 10 ngày rồi lại lên đường. Trong 10 ngày ấy, Hải đã kịp làm được việc gì rồi?
+ Chủ yếu là về để thư giãn thôi. Vì sau mỗi khóa học như thế, mình cảm thấy như đã vắt kiệt sức. Về đến nhà, gặp lại gia đình và bạn bè, ăn những món ăn đã quen và được sống trong nhịp sống nhẹ nhàng của Quy Nhơn là thấy khỏe ra. Lại sẵn sàng cho một khóa học mới và những dự định mới.
Trước khi chia tay, Hải thổ lộ rằng anh đang tìm địa chỉ email cơ quan chức năng, nơi có thể tiếp thu những ý kiến đóng góp vào những chương trình, dự án phát triển kinh tế của tỉnh. "Có thể đúng, có thể chưa đúng, có thể phù hợp, có thể chưa, nhưng mình cũng muốn được đóng góp chút gì đó, ngay từ bây giờ, cho quê hương" - Hải nói.
. Lê Viết Thọ (thực hiện) |