Nụ cười luôn nở trên môi, thoạt trông tưởng ông là một con người xuê xoa, dễ chịu. Nhưng ở ông có sự nghiêm khắc, toát ra cái uy lực khiến những người đối diện phải tôn trọng. Đã nói là làm, đã làm là quyết làm đến nơi đến chốn và có lẽ cái tính cách ấy đã giúp vực dậy cái doanh nghiệp từ chỗ ngoắc ngoải trở thành đơn vị anh hùng thời đổi mới, là một trong những công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu trong nước.
Giữa lúc Xí nghiệp Dược phẩm (vừa tách khỏi Xí nghiệp Liên hiệp Dược) đang ngoắc ngoải, CBCNV thiếu việc làm phải luân phiên nghỉ việc không hưởng lương... thì dược sĩ Lê Minh Tấn được đề cử vào chức vụ giám đốc.
* Chắc anh đã nhìn thấy một đóm sáng nào đó nên mới dám mạnh dạn ứng cử vào chiếc ghế giám đốc?
|
Đón đồng chí Đỗ Mười đến thăm công ty |
- Không chỉ là tôi thấy mà tôi còn công khai hướng đi của xí nghiệp cho tất cả CBCNV bằng cái đề án đổi mới sản xuất, kinh doanh. Mọi người bầu tôi vào chức danh giám đốc chính là lựa chọn đề án đổi mới sản xuất kinh doanh của xí nghiệp chứ không phải đơn thuần là lựa chọn tôi.
Cái mà tôi quan tâm đầu tiên là xây dựng lại một bộ máy quản lý đồng thời chấn chỉnh toàn bộ các mặt công tác của đơn vị. Công nhân không đáp ứng được yêu cầu lao động do yếu sức khỏe, do lớn tuổi thì cho nghỉ việc, còn do yếu tay nghề thì cho đi đào tạo. Thiết bị nào không bảo đảm yêu cầu thì thanh lý hoặc cải tiến. Nỗi lo lắng lớn nhất lúc đó vẫn là tiền vốn. Cơ quan có chiếc ô tô cũ cũng phải bán đi để lấy vốn sản xuất. Còn anh em công nhân thì nhiều tháng phải chấp nhận lãnh lương bằng... bánh tráng mì! Là tôi nói xí nghiệp đi mua mì về lấy tinh bột nhất bán cho các công ty ở TP Hồ Chí Minh còn tinh bột nhì thì tráng bánh để phát lương cho anh em, trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ để vượt qua khó khăn.
* Nhân nói chuyện vốn, xin hỏi anh, từ năm 1993, không biết anh học được ở đâu cái bài huy động vốn trong công nhân để đến giờ phút này, doanh nghiệp có đến hơn 17 tỉ đồng vốn huy động?
- Đó chẳng qua là "cái khó ló cái khôn thôi". Năm 1993, tỉnh kiểm tra để giao vốn thì doanh nghiệp có được 300 triệu đồng vốn tự có. Lúc này, nhu cầu mở rộng sản xuất tăng cao, doanh nghiệp cần nhiều vốn. Tuy nhiên nếu đi vay ở ngân hàng thì lãi suất phải trả là 12% lại không vay được số lượng nhiều và chỉ được vay ngắn hạn 3 tháng, doanh nghiệp rất bị động. Trong khi đó huy động vốn từ CBCNV doanh nghiệp vẫn trả lãi suất bằng lãi suất ngân hàng (lúc đó là 12%) rõ ràng CBCNV của công ty vừa được lĩnh lương tháng vừa được nhận lãi suất từ tiền vay. Hơn thế nữa là khi biết đồng vốn của mình bỏ vào kinh doanh, CBCNV ngày càng gắn bó trách nhiệm hơn với công ty.
* Nếu chọn một quyết định "xé rào" làm anh vui nhất, anh sẽ chọn điều gì?
|
Kiểm tra dây chuyền sản xuất thuốc viên |
- Hồi mới nhận nhiệm vụ, doanh nghiệp tôi chỉ có 5-6 dược sĩ, hầu hết đều đã lớn tuổi. Một thời gian dài, tôi không biết tìm đâu ra dược sĩ đại học. Con em Bình Định theo nghề này đã hiếm hoi, khi tốt nghiệp ra trường lại cứ ở các thành phố lớn, thậm chí thà đi làm trình dược viên cho các hãng thuốc được lương cao chứ không ai muốn vào công tác ở công ty. Từ năm 2000, tôi quyết định đầu tư lớn cho phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Dược sĩ tốt nghiệp đại học vào công ty được ưu đãi. Nếu tốt nghiệp loại khá vào doanh nghiệp sẽ được thưởng 10 triệu đồng. Dược sĩ được ký hợp đồng với mức lương cứng doanh nghiệp trả mỗi tháng 2,6 triệu đồng. Đây được coi là bước đột phá để giải bài toán nguồn nhân lực. Còn đối với người có công trình tốt cho doanh nghiệp thì khỏi nói, tôi không hề tiếc tiền! Tôi vốn rất coi trọng lao động chất xám. Hiện giờ, công ty của tôi đã có 54 dược sĩ đại học, trong đó đang đào tạo 17 cán bộ chuyên khoa I, 3 thạc sĩ và 1 đang làm luận án tiến sĩ. Ngoài ra còn có 2 dược sĩ được cử đi du học ở Anh và Mỹ. Chính nhờ đội ngũ này mà doanh nghiệp đã sản xuất được nhiều mặt hàng mới. Hiện công ty chúng tôi có đến 187 mặt hàng được Bộ Y tế cho lưu hành trong toàn quốc, trong đó có 50 mặt hàng xuất khẩu.
Ông là người đầu tiên ở Việt Nam biến dầu cá từ dạng nước đóng chai thành viên nang hình giọt; rồi công trình nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ sản xuất hóa chất Becberin Clorua từ cây hoàng đằng, công trình ứng dụng địa nhiệt sản xuất muối tinh khiết... Mỗi một công trình của ông đều mở ra một hướng sản xuất mới cho doanh nghiệp.
* Được trao tặng Huy hiệu Vì sự nghiệp khoa học, anh đã nghiên cứu thành công nhiều công trình có giá trị, anh thấy tâm đắc nhất là công trình nào?
- Có lẽ tôi tâm đắc nhất là công trình nghiên cứu dây chuyền sản xuất dịch truyền. Công trình này đã mở ra cho doanh nghiệp một hướng sản xuất mới mà cả nước đến giờ chưa có nơi nào làm được. Nó là tiền đề cho nhà máy dịch truyền 12 triệu lít/năm mà công ty đang triển khai. Khi Nhà máy này hoạt động sẽ giải quyết được việc làm cho hơn 400 lao động.
* Anh mừng khi thu nhận được nhiều công nhân vào làm việc cho công ty nhưng nghe nói anh cũng rất nghiêm khắc với công nhân, có lần anh đuổi việc cả một tập thể?
- Hiện Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định có hơn 1.000 công nhân. Tôi rất mừng mỗi lần công ty lớn mạnh và tạo được nhiều cơ hội cho người lao động nhưng trên đời tôi ghét nhất là tính vô kỷ luật. Những công nhân mà tôi đuổi việc là những người luôn vi phạm giờ giấc, tác phong làm việc.
* Vậy điều gì được anh xem trọng?
- Trong sản xuất, quy trình làm việc là điều bắt buộc mọi người phải tuân thủ triệt để. Mỗi viên thuốc khi được bán ra không có nghĩa là nhà sản xuất đã kết thúc trách nhiệm mà trách nhiệm còn ở chỗ tính an toàn và hiệu quả của viên thuốc khi nó đã vào trong cơ thể người bệnh. Tôi luôn coi trọng chữ tín nên hết sức giữ mình để bảo đảm sản phẩm có chất lượng nhất.
* Giờ đã 55 tuổi, thời gian chỉ vừa đủ để anh thực hiện kế hoạch phát triển của công ty đến năm 2010, công ty giờ hiện đại như vậy anh đã thỏa mãn chưa?
- Tôi còn phải lo nhiều. Cái lo lớn nhất là làm sao xây dựng được hoàn chỉnh nhà máy sản xuất dịch truyền. Rồi xây nhà máy kéo ống thủy tinh, nhà máy sản xuất dây dịch truyền. Tất cả để tạo ra một quy trình sản xuất khép kín. Xong ba việc đó thì tôi về hưu thanh thản.
. Quang Khanh (thực hiện)
Dược sĩ Lê Minh Tấn sinh ngày 1-1-1950 tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ.
Năm 15 tuổi thoát ly hoạt động cách mạng, theo học lớp dược tá Khu 5 rồi về công tác ở Bệnh xá huyện Phù Mỹ. Năm 1969 được chuyển về công tác ở Xưởng dược đóng ở Kon Trú (Vĩnh Sơn - Vĩnh Thạnh), chuyên sản xuất các loại thuốc B1, B6, B12, nước cất, Tetracylin... phục vụ chiến trường. Năm 1970 tiếp tục học dược trung cấp. Tháng 4-1972 làm Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ y tế của Ban Dân y. Năm 1974 tiếp tục học chuyên khoa dược liệu. Sau giải phóng về công tác tại Trạm Dược liệu tỉnh, tiếp tục học văn hóa và chuyên tu đại học tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1986, tốt nghiệp đại học về công tác tại Sở Y tế. Năm 1987 được điều về Xí nghiệp Dược phẩm của tỉnh và đến năm 1989 được bầu làm giám đốc xí nghiệp.
Được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học, nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...
|