Dù đã hẹn trước, nhưng phải mất gần buổi sáng, tôi mới tìm được ngôi nhà nhỏ nơi gia đình chị sinh sống ở tổ 20, khu vực 2, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn. Ngôi nhà nép mình bên nghĩa địa nên ít ai biết đến. Vậy mà từ đây sản sinh ra một câu chuyện cảm động đến nao lòng: chị quét rác Lê Thị Cúc và anh thương binh Nguyễn Lý Hải nghèo rớt mồng tơi lại nuôi được cả 3 người con vào đại học (có người đang theo cao học). Chị tâm sự: "Đôi khi nghĩ lại, bản thân tôi cũng cảm thấy rất kỳ lạ!".
* Nhiệm vụ các con chỉ có học hành!
- Anh chị có đến 3 người con cớ sao hàng xóm vẫn cứ gọi là vợ chồng "son"?
|
Chị Lê Thị Cúc với công việc hàng ngày của mình |
+ À, thì họ đùa đấy thôi, vì cả 3 đứa đều vừa mới nhập trường sau kỳ nghỉ hè. Nhà vốn đông người, hai vợ chồng tôi nhiều năm bận bịu, vất vả vì kế sinh nhai và nuôi các cháu ăn học, giờ chúng đi xa hết, 2 vợ chồng già hóa son. Đứa lớn đang chuẩn bị tốt nghiệp Học viện Chính trị quân sự ở Bắc Ninh; đứa em gái kề vừa đạt thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp chuyên ngành Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh, được chuyển thẳng vào cao học; thằng út đang học năm thứ ba, khoa Mỹ thuật công nghiệp trường Đại học dân lập Hồng Bàng TP Hồ Chí Minh.
- Không phải chỉ vậy đâu, ở tuổi ngũ tuần mà nghe anh chị cứ "anh anh em em" nên người ta gọi vợ chồng son là đúng rồi.
- Đúng vậy, tuy nghèo khổ, khó khăn nhưng chính tình yêu thương và cùng chung ước nguyện nên vợ chồng tôi vượt qua hết. Hai chúng tôi lấy nhau sau ngày đất nước giải phóng. Anh ấy phục vụ trong ngành quân đội, rồi công an, đến năm 1982 thì nghỉ chế độ một lần, với thương tích 31% sức khỏe bị mất. Còn tôi, xuất thân trong một gia đình nghèo, đến khi lập gia đình rồi cái nghèo vẫn không ngừng đeo đẳng. Suốt cả thời bao cấp vợ chồng tôi lăn lộn với đủ thứ nghề để kiếm sống. Tôi thường bán bánh mì, bắp rang, xôi chiên nơi vỉa hè, góc phố. Còn chồng tôi, dù thương tật nhưng thương vợ con nên cũng lặn lội khắp nơi, làm thuê, làm mướn để nuôi gia đình. Những năm đó cả gia đình tôi 5 người sống chung trong căn nhà chỉ rộng chừng 9 mét vuông, che bằng tôn, bạt và ván cũ. Chỗ ở chật chội, ăn uống thiếu thốn, kham khổ nên các con tôi cũng thường xuyên đau ốm, khiến cho hai vợ chồng phải nhiều phen khốn đốn. Tuy luôn phải chật vật, khó khăn để kiếm sống, nhưng lúc nào trong nhà tôi cũng có tiếng cười và sự trìu mến.
- Nghe nói anh nhà chị dạy các cháu rất nghiêm khắc?
+ Nhà tôi là người trọng tình cảm và đạo đức nên luôn hướng cả gia đình sống theo nguyên tắc: mọi người tôn trọng lẫn nhau, kính trên, nhường dưới, quí trọng sức lao động và con cái phải cố gắng học hành. Trên cửa sổ nơi bàn học của các con tôi bây giờ vẫn còn treo cái roi "hướng đạo" - vật luôn nhắc nhở các cháu phải vâng lời cha mẹ, chăm chỉ rèn luyện trong học tập và sinh hoạt; thế nhưng không mấy khi chồng tôi sử dụng đến nó. Được cái, các cháu nhà tôi cũng hiểu được hoàn cảnh của gia đình nên rất biết vâng lời. Cả 3 cháu đều rất chăm học và chịu khó giúp đỡ cha mẹ; sau giờ học ở trường, các cháu thường tự động làm những việc trong nhà, rồi không ai bảo ai các cháu tự ôn bài, để cha mẹ đỡ lo tiền học thêm.
- Con nhà giàu nếu chăm học thì được thưởng đủ thứ, còn nghèo như anh chị chắc các cháu cũng chẳng nghĩ gì đến quà thưởng?
+ Có chớ! Nhà nghèo thì thưởng theo "kiểu" nghèo. Cháu nào thi chuyển cấp đạt kết quả tốt sẽ được thưởng một chiếc xe đạp riêng để đi học. Dù chỉ là một chiếc xe cũ làm mới lại. Nghĩ thương cho cháu Vân, khi vào lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, ngay cả chiếc áo dài trắng, tôi cũng phải mua lại "đồ si đa", vậy mà cháu chẳng một chút buồn lòng. Cháu đã quá hiểu nếu làm được điều gì cho con cái, vợ chồng tôi đều đã cố hết khả năng.
- Chị có nghĩ là các con của anh chị do thông minh bẩm sinh nên chẳng cần phải phải "cua kèm" gì mà vẫn đỗ đạt?
+ Không phải như vậy đâu. Những năm cấp I các cháu đều đạt học sinh xuất sắc, lên cấp II, cấp III có cháu giỏi, có cháu khá. Do biết rằng mình không có nhiều điều kiện vật chất để hỗ trợ cho học tập nên đứa nào cũng chịu khó, cần cù, chăm chỉ. Còn vợ chồng tôi thì ưu tiên số một cho việc học của các cháu. Hễ đứa nào ngồi vào bàn học thì chúng tôi chẳng bao giờ sai bảo điều gì.
* Ba lần bán nhà vì sự học của con
- Nghe nói để nuôi các cháu ăn học, anh chị đã phải ba lần chuyển chỗ ở?
|
Vợ chồng anh chị Hải - Cúc |
+ Đúng như vậy đấy! Đầu tiên, căn nhà - đúng hơn là rẻo đất 9 mét vuông ở tổ 25, khu vực 5 phường Đống Đa. Nhưng nhờ nằm ở đường lớn vợ chồng tôi bán đi cũng được khá tiền để mua một căn nhà rộng hơn trong hẻm để các cháu có chỗ riêng học tập. Năm 1999, cháu Nguyễn Thị Thanh Vân có giấy báo trúng tuyển vào đại học, cả nhà mừng đến rơi nước mắt. Nhưng lấy đâu ra 3 triệu đồng để nộp cho nhà trường, trong khi tiền ăn hàng ngày của cả nhà còn thiếu thốn? Vui nhiều nhưng lại lo vô cùng. Vợ chồng đêm đêm thao thức nghĩ nát óc vẫn không có cách nào để có tiền cho cháu Vân đi học; chúng tôi quyết định bán ngôi nhà, mua một miếng đất ở khu nghĩa địa nằm ở triền núi (bây giờ) để cất nhà, số tiền còn lại dành cho cháu Vân vào trường. Cháu Nguyễn Thanh Tùng học ở Học viện Quân sự nên đỡ gánh nặng về học phí, ăn ở; tuy vậy cũng chẳng thể "khoán trắng" cho trường học được. Khi cháu Tùng và cháu Vân vào những năm học cuối là lúc cháu Kiệt đỗ vào đại học. Cấp học của con càng cao, vợ chồng tôi lại càng bươn chải nhiều hơn, ban đêm tôi đi nhặt ve chai, gom góp đồng nát, nhôm nhựa ở khắp các đường phố, bãi rác còn anh Hải đi làm mướn khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng, lúc thì ở quán cà phê, lúc đi buôn bán linh tinh với bạn, có khi làm bảo vệ phải xa nhà hàng chục cây số. Cháu Vân thì vừa học vừa đi dạy thêm, làm nhân viên bán hàng; cháu Kiệt vừa học vừa làm người mẫu cho Trường Cao đẳng Văn hóa, chế bản in cho nhà in tư nhân…. Nhờ vậy mà chúng tôi duy trì được việc học của các cháu.
Còn giờ đây, do đặc thù của ngành học, yêu cầu các cháu phải có xe máy để đi lại, để làm thêm; có vi tính để học và nghiên cứ nên chẳng còn cách nào khác, một lần nữa, vợ chồng tôi phải quyết định bán một nửa căn nhà đang ở.
- Chị có nghĩ là sau này còn phải bán tiếp cái gì đó cho việc học tập của con cái nữa không?
+ Sẵn sàng thôi! Nhưng bây giờ các cháu đã học hành cơ bản và đã bắt đầu trưởng thành rồi nên tôi cũng không lo lắng nhiều như trước.
- Chúc mừng chị được biểu dương là người phụ nữ lao động giỏi ở cấp tỉnh và vừa rồi là đại biểu đi dự "Đại hội Biểu dương nữ CNVC- LĐ khắc phục khó khăn lao động giỏi nuôi con học giỏi" toàn quốc!
+ Phần thưởng này phải chia 3 mới hợp lý; bởi sự chịu thương, chịu khó của chồng tôi và sự hiếu thảo, chăm học của các con tôi đã giúp tôi vượt qua tất cả mọi khó khăn và bây giờ tôi được hạnh phúc.
. Ngọc Diên (thực hiện)
- Chị Lê Thị Cúc, sinh năm 1954, quê ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Chồng chị là anh Nguyễn Lý Hải, sinh năm 1951, quê ở xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương; là bộ đội chiến trường B, bị thương năm 1972; cưới nhau đầu năm 1979.
- Trước năm 1995, chị Cúc mua bán hàng rong và làm thuê. Từ năm 1995 đến nay, là công nhân ở Đội 3- Công ty Môi trường Đô thị Quy Nhơn. Chị có 9 năm liền đạt lao động giỏi, là đại biểu dự Hội nghị nữ CNVC-LĐ giỏi nuôi con học giỏi năm 2003, do Hội Liên hiệp phụ nữ và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tổ chức. Chị còn là đại biểu dự "Hội nghị Biểu dương nữ CNVC- LĐ khắc phục khó khăn lao động giỏi nuôi con học giỏi" toàn quốc (ngày 10-6-2004). | |