Trong khi đa số những nhà quản lý giáo dục vẫn bằng lòng đi theo những con đường đã vạch sẵn, thì ông lại miệt mài nghĩ ra cách đi riêng của mình để tạo nên một trường học đầy tính năng động. Ông là Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Tuy Phước số 1.
* Từ khi ngành giáo dục chưa có chủ trương phân ban, học sinh (HS) Trường THPT Tuy Phước 1 đã được phân loại để lĩnh hội kiến thức phù hợp. Ông có nghĩ là mình đã liều lĩnh không?
|
Nhà giáo ưu tú Bùi Đình Chi |
- Tôi không nghĩ như thế, thực chất việc phân chia lớp theo năng lực học tập và năng khiếu của HS là dựa trên nguyên tắc giảng dạy sát đối tượng để đạt được hiệu quả đào tạo cao. Phân tích kết quả học tập của bậc học dưới, vào lớp 10 HS được chia lớp theo 2 trình độ: A (giỏi, khá), B (trung bình, yếu). Lên đến lớp 12, HS lại được phân chia lớp theo các ban A,B,C,D. Bởi trong thực tế, cùng một thời gian với cùng một nội dung học, đối tượng HS này có thể không tiếp thu được đầy đủ trong khi đối tượng khác có thể đã tiếp thu nhanh hơn và đặt yêu cầu được bổ sung kiến thức nhiều hơn, sâu hơn. Nếu xếp hai đối tượng này vào cùng một lớp học thì để dạy cho đối tượng này hiểu bài lại phải bớt đi phần kiến thức lẽ ra đối tượng kia được tiếp nhận và ngược lại. Phân chia lớp theo trình độ là làm cho mọi HS đều được học theo năng lực của mình. Còn khi đã lên lớp 12, HS đã có mục tiêu phấn đấu thi vào đại học, nhà trường sẽ phân ban theo khối thi để vừa tổ chức dạy chương trình phổ thông vừa tổ chức luyện thi đại học cho các em. Cũng nhờ cách làm này mà trong những năm qua, tỉ lệ HS của trường đỗ đại học khá cao, từ 30-50% (có năm đỗ 60%, có lớp đỗ 95%).
* Trong thời gian làm cán bộ quản lý giáo dục ông đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), ông còn tâm đắc sáng kiến nào?
- Thời đại ngày nay là thời đại công nghệ thông tin (CNTT), do đó việc vận dụng CNTT vào công tác dạy học là con đường tất yếu của GV. Bắt được xu hướng này, tôi đã hướng nhà trường vượt mọi khó khăn về tài chính, nhân lực để sớm đưa CNTT vào trường, vận dụng thế mạnh CNTT tạo ra bước đột phá trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong điều kiện của một trường nghèo, chúng tôi đã đi theo con đường của "con nhà nghèo", trang bị từ ít đến nhiều nhưng phải cập nhật được những phương tiện dạy học hiện đại và có tính cơ động cao, thuận tiện cho việc sử dụng ở nhiều vị trí lên lớp khác nhau. Hiện nay, trường đã trang bị 2 hệ thống máy: 1 hệ thống máy cố định đặt tại phòng đa chức năng gồm 1 vi tính, 1 bộ chuyển đổi, 1 tivi 53 in, camera, máy quét, máy chiếu và một hệ thống máy di động gồm 1 máy vi tính xách tay, 1 máy chiếu đa năng… 100% GV của trường đều sử dụng vi tính để soạn giáo án. Những tiết dạy quan trọng như thao giảng, dạy rút kinh nghiệm… đều được tổ chức ở phòng đa chức năng hoặc mang máy đến phòng học để dạy.
* Những người thích vượt lên phía trước thường được coi là "cầm đèn chạy trước ô tô" và hay gặp những trắc trở, cản ngại, ông có thấy như vậy không?
- Đối với tôi, những giải pháp nào nâng cao được chất lượng giáo dục là tôi làm, còn những thứ không có lợi cho chất lượng, không có lợi cho GV và HS tôi kiên quyết không làm. Trong cơ chế hiện nay, quan điểm đó không phải ai cũng dễ chấp nhận… Do đặc điểm vùng Tuy Phước năm nào cũng có lụt, mỗi năm học sinh phải nghỉ học từ 12-15 ngày. Để đảm bảo chương trình, GV thường phải tổ chức dạy bù vào chủ nhật vừa không khoa học vừa rất bị động đối HS và GV. Trước thực tế đó, cách đây vài năm, chúng tôi đã có sáng kiến dạy trước khai giảng khoảng 2 tuần để tránh lũ… Chủ trương này, ban đầu đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người. Lấy lý do thu tiền không đúng quy định, trường đã bị các cấp quản lý làm khó suốt cả năm trời. Thế nhưng, bây giờ việc học trước tránh lũ đã trở thành chủ trương chung của huyện, của tỉnh, của cả nước.
* "Tuy Phước 1" bây giờ trở thành trường tiến tiến xuất sắc, luôn dẫn đầu bậc học nhưng lại là trường đầy "cá tính", ông nghĩ sao về những cái riêng ấy của nhà trường?
- Dù thế nào thì nhà trường cũng phải thực hiện đầy đủ những chủ trương, những quy định chuyên môn từ cấp trên, nhưng để tạo ra những sản phẩm giáo dục có chất lượng cao thì không thể áp dụng các chủ trương, quy định đó một cách máy móc vào các hoạt động của nhà trường. Tuy Phước 1 bây giờ vừa mang những đặc điểm chung của một trường trung học phổ thông vừa có những nét đặc sắc rất riêng. Để tạo ra nét đặc trưng đó, tôi cho rằng người lãnh đạo phải biết cụ thể hóa những chủ trương, chỉ thị của ngành, của cấp trên bằng con đường và cách đi phù hợp với trường mình.
* Đưa phương pháp dạy học hiện đại vào nhà trường, buộc GV phải tăng cường độ lao động, soạn giáo án trên máy vi tính rồi thì cắt giảm hàng loạt các hoạt động ngoài chuyên môn khác, liệu ông có nhận được ngay sự ủng hộ của GV?
- Tạo điều kiện cho GV tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại là có lợi cho họ, cho GV đi học nâng cao trình độ, người được lợi cũng là GV… và cuối cùng HS là người có lợi nhất. Có thể ban đầu phải soạn giáo án trên máy tính, GV cảm thấy chưa quen, nhưng khi đã quen rồi họ sẽ không bao giờ muốn quay về với kiểu soạn bài truyền thống. Để khuyến khích GV mua máy vi tính, trường hỗ trợ về chính sách và tạo điều kiện cho họ về thời gian. Ở trường, GV được giải phóng khỏi việc họp hành thường xuyên không dính dáng gì đến chuyên môn, mọi công việc mang tính sự vụ đều được thực hiện bằng hàng loạt văn bản do nhà trường đề ra. Công việc của họ chỉ còn là đầu tư cho chất lượng giảng dạy và chăm lo đời sống cho gia đình, thì sao họ lại không ủng hộ.
* Tôi nhớ có một thời, người trong ngành giáo dục vẫn truyền tụng câu: "nhất Chi, nhì Bích…" ý muốn ám chỉ những ông hiệu trưởng đầy "nguyên tắc" trong quản lý, thi cử… Ông có thấy phật ý trước câu nói cửa miệng đó không?
- Những việc mình làm nghiêm túc nhằm tạo điều kiện giúp HS học hành, thi cử đúng thực chất thì lại được coi là khác người, không giống ai. Còn mở cửa cho HS tự do mang tài liệu, tự do quay cóp trong thi cử thì được xem là năng động, thức thời… Ai cũng có suy nghĩ như vậy thì giáo dục sẽ đi đến đâu? Nói thật, nếu chỉ vì tôi thì tôi sẽ không bao giờ "khó". Cứ là một anh hiệu trưởng làng nhàng, làm cho xong việc để về nhà nghỉ ngơi, an nhàn. Nhưng, vì chất lượng giáo dục, vì mục tiêu "thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường", buộc tôi lúc nào cũng phải suy nghĩ, cũng phải làm việc mà tính tôi nếu đã cho cái gì là đúng, là nên làm thì tôi phải làm bằng được, nghĩ bằng được mới thôi.
* Bây giờ nghỉ hưu rồi, ông có còn tiếp tục theo đuổi cái nguyên tắc ấy nữa không?
- Nghỉ hưu là lúc việc quản lý của tôi ngừng lại. Tuy nhiên, tư duy của tôi không ngừng một khi sức khỏe của tôi còn cho phép… Tôi sẽ dùng điều tích lũy được từ mấy chục năm làm quản lý giáo dục để chiêm nghiệm cuộc sống. Và rất có thể, tôi sẽ nghiên cứu hoặc viết một cuốn hồi ký về quản lý giáo dục chẳng hạn...
* Cảm ơn những lời tâm sự của ông!
. Quỳnh Hoa (thực hiện)
NGƯT Bùi Đình Chi sinh năm 1944 tại thị trấn Tuy Phước, Bình Định.
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, học trường Học sinh miền Nam.
Tốt nghiệp Trường ĐHSP 1 Hà Nội, ngành Ngữ văn (năm 1967) và dạy tại Trường cấp 3 An Dương, TP Hải Phòng.
Sau giải phóng về làm chuyên viên môn văn cấp 3 tại Sở Giáo dục Nghĩa Bình và làm hiệu trưởng Trường THPT Tuy Phước số 1 từ năm 1980 đến 6-2004 thì nghỉ hưu.
Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 2000), chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh; bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. | |