Cụ là Nguyễn Thiều, 85 tuổi, quê ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng với nhiều người trong gia đình, họ tộc học hành giỏi giang, đỗ đạt.
|
Cụ Nguyễn Thiều hiện sống tại nhà riêng ở đường Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn |
Trong đó có các cụ tổ nội, ngoại là Huỳnh Văn Minh, đậu cử nhân năm Tân Tỵ (1821) là người khai khoa tỉnh Bình Định; Nguyễn Văn Hoằng, đậu cử nhân khoa năm Mậu Thân (1848), Lê Đức Dĩnh, cháu ngoại của cụ tổ Huỳnh Văn Minh đỗ thủ khoa cử nhân năm Quý Mão (1903)… Đến đời con, cháu của cụ cũng có 24 người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân.
Cụ Thiều tâm sự: "Người Bình Định có truyền thống hiếu học và học giỏi. Vậy mà những gương hiếu học ấy không được tập hợp và lưu lại cho con, cháu noi gương mà học tập thì thật là uổng phí!". Nghĩ vậy, nên cách đây vài năm, tuy tuổi già, sức yếu, cụ Thiều vẫn đã cùng người em trai út của mình là ông Nguyễn Phu đã bắt đầu công việc sưu tầm những vị khoa bảng, cử nhân người Bình Định. Được hỏi, cụ dựa vào những tài liệu nào để xác thực danh tánh của những vị khoa bảng người Bình Định? Cụ Thiều cho biết: Trước đây cũng đã có nhiều cuốn sách viết về cử nhân, tiến sĩ như cuốn "Các nhà khoa bảng Việt Nam" (Nhà xuất bản Văn học Hà Nội- 1993); "Danh nhân Bình Định" của Bùi Văn Lãng; "Nhân vật Bình Định" của Đặng Quý Địch…
Tuy nhiên, chưa có sách nào viết đầy đủ, cụ thể và mang tính đặc trưng riêng về người Bình Định. Để hoàn thành cuốn "Các nhà khoa bảng Bình Định-Tiến sĩ và cử nhân (1807-1919)" của mình, cụ Thiều đã dựa vào những nghiên cứu trước đây rồi nhờ con, cháu về tận quê hương, bản quán của từng cử nhân, tiến sĩ để dò hỏi, xác định thêm về hành trạng và những giai thoại. Phải mất 3-4 năm bỏ nhiều công sức sưu tầm, tìm kiếm, đến đầu năm 2003, hai anh em cụ Thiều mới cho xuất bản được cuốn sách này. Trong cuốn sách, 244 phó bảng, tiến sĩ, cử nhân người Bình Định (trong số 5.232 tiến sĩ, cử nhân cùng thời trong nước) từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Duy Tân đã lần lượt góp mặt, mà theo cụ Thiều thì "không vắng vị nào!."
Rồi cụ mở sách và điểm qua vài gương mặt khoa bảng xuất sắc như nhà giáo Trương Văn Hiến (thầy giáo của Nguyễn Huệ), cụ tú Nguyễn Diêu (thầy của Đào Tấn), cụ tú Lê Dung (thầy của Mai Xuân Thưởng); những học giả uyên thâm như Hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, tiến sĩ Lê Văn Chân; những nhà quân sự kiệt xuất như Đào Duy Từ, Nguyễn Huệ, Lê Đình Lý; những nhà thơ, nhà văn, nhà soạn tuồng như Đào Tấn, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Đức Siêu…và cụ kết luận: "Đó là những tấm gương học rộng, tài cao, khí phách kiên cường đã góp phần hình thành nên tính cách của dân tộc Việt Nam và người Bình Định nói riêng".
Không dừng lại đó, từ đầu năm 2004, cụ Thiều lại tiếp tục sưu tầm, tập hợp những vị tiến sĩ thời hiện đại (từ 1920-2005). Cụ cho biết: "Từ khi tỉnh có Hội khuyến học và mở mang các hoạt động khuyến học đến từng thôn, xóm, dòng họ, tôi đã quyết định tập hợp và cho in thêm cuốn tiến sĩ đương đại nữa để góp phần khuyến học, khuyến tài cho thế hệ trẻ!". Hiện nay, cụ Thiều đã có trong tay khoảng 150 tiến sĩ người Bình Định. Trong đó có nhiều vị đã từng nổi tiếng và thành đạt như GS-TS Đặng Hữu (người từng giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước như Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương), GS-TS toán học Nguyễn Cang, GS-TSKH Nguyễn Thị Thế Trâm (người đã được nhận giải thưởng Kovalepskaia, Huân chương Loui's Pasteur), GS-TSKH Phạm Phố, PGS-TS Dương Ái Phương… Cụ Thiều cho biết, cụ sẽ tiếp tục sưu tầm và hoàn tất cuốn sách vào cuối năm nay.
Tuy những cuốn sách cụ Thiều làm ra còn nhiều điều phải bàn, nhưng tấm lòng tôn vinh hiền tài, mong muốn con, cháu noi gương tiền nhân mà học hành tấn tới của cụ thật đáng trân trọng.
. Ngọc Quỳnh |