Bánh ít, bánh rế, bánh tai vạc
17:9', 11/10/ 2004 (GMT+7)

Bột mì được người nông dân Bình Định chế biến ra nhiều thứ bánh, trong đó có bánh ít, bánh rế, và bánh tai vạc.

Bánh ít được làm như sau: cũng bột mì lát đem giã rây bột, xú nước sôi nhồi thật nhuyễn, nặn tròn bỏ vào trong nhân đậu đen hầm chín, quết chung với cơm dừa sò có đường, rồi lăn tròn, gói bằng lá chuối, có thoa dầu cho khỏi dính, gói lại thành 4 góc (một góc cao, 3 góc thấp). Xong đưa lên nồi nước có vỉ kê, sắp bánh lên từng lớp để hấp. Nước sôi độ vài tiếng đồng hồ thì chín bánh, đem ra chợ bán cho những nhà có cúng giỗ, hoặc ở nhà có giỗ người ta cũng làm nhiều như thế để biếu bà con đến ăn cỗ sau khi về có cái mang cho con cháu. Đúng ra, bánh ít phải làm bằng bột nếp, nhưng lúc kháng chiến chống Pháp khó khăn bấy giờ gạo nếp hiếm, nên người dân phải thay thế bằng bột mì.

Để làm bánh rế mì, từ củ mì tươi sau khi đã lột vỏ, người ta xắt dài nhỏ như cộng rạ cỡ 3-5 cm. Dùng một chảo con có lòng sâu và một lò than nhỏ, chế dầu dừa vào chảo một ít, khi dầu bắt đầu sôi người ta cho vào chảo dầu chừng một nắm củ mì đã được xắt nhỏ như đã nói, dùng một vá có cán dài, lòng vá sâu tròn, và một đôi đũa, lấy đũa vạch mì cộng cho đều trong lòng chảo, rồi dùng lưng vá để đè các cộng mì sát xuống lòng chảo. Dầu làm cho mì chín kết đính vào nhau, sau trở màu vàng là đã chín. Dùng đũa vớt ra ngoài, tiếp tục chế thêm ít dầu nữa rồi chiên cái khác. Nhờ chảo nhỏ có lòng sâu nên bánh cũng có hình thù như chảo và giống cái rế mà nông dân ta thường dùng lót các nồi niêu nên gọi là bánh rế. Chiên hết số sợi mì đã thành bánh rế xong, thì dùng một chảo khác có đường và ít nước được bắc lên lò lửa. Đường chảy ra, người ta từ từ lấy từng bánh một nhúng lưng bánh vào chảo đường rồi lấy ra làm cái khác, cho đến khi cả rổ bánh được ngào đường mới thôi. Nhờ có chiên dầu nên bánh rế vừa giòn, vừa béo, vừa thơm, vừa ngọt. Người lớn dùng vài cái với tô nước chè có thể đi làm suốt buổi, còn trẻ con cũng thích ăn món bánh ấy lắm.

Bánh tai vạc cũng được làm từ tinh bột mì, xú vào ít nước sôi để tạo độ dẻo và đem nhồi thật nhuyễn (tinh bột phơi khô thường đóng cục như hạt bắp, trước khi xú nước sôi nhồi, phải bóp hay cán cho các hạt ấy bể ra như bột mịn). Người ta làm nhân bằng tôm và thịt heo, tôm chợ cỡ mút đũa con hoặc lớn hơn một tí, lặt bỏ đầu đuôi rồi cho lên bếp xào với thịt heo và đậu xanh bỏ vỏ hầm chín, thêm gia vị. Khi nặn bột, người ta nặn một tấm tròn vừa lấp bàn tay, cho thịt và tôm đậu vào giữa, tấm bột tròn được xấp bọc nhân vào trong tạo hình bán nguyệt, giữa bụng lớn vì có nhân, ngoài rìa được nén kín mỏng giống đôi cánh con vạc đang bay nên người ta gọi là bánh tai vạc. Bánh làm xong được sắp vào một vỉ tròn, hai bên vỉ có cột hai đai để xách ra bỏ vào nồi nước hấp, trong nồi có cây kê cao khỏi mực nước trong nồi. Vỉ này chín xong lấy ra, thoa dầu cho khỏi dính rồi sắp vào rổ lớn, cứ thế hấp tiếp vỉ khác cho đến khi hết. Bánh tai vạc là loại bánh ngon, hơn các loại bánh bình dân khác cũng được chế biến từ mì, nên khách ăn bánh cũng thuộc loại "khá" hơn.

Đây là những món bánh dân dã trước đây của người dân Bình Định nói chung và của người dân Hoài Nhơn quê tôi nói riêng.

. Khả Xuân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cá bống mủn cơm niêu  (11/10/2004)
Bánh xèo  (08/10/2004)
Gỏi cá niên   (05/10/2004)
Thức ăn cua đồng   (04/10/2004)
Cá rô, cá diếc lên đồng…  (29/09/2004)
Cá rô, cá diếc lên đồng…  (29/09/2004)
Bún số 8 Hoài Nhơn   (27/09/2004)
Canh hến   (24/09/2004)
Gỏi lòng cá nạng   (22/09/2004)
Gỏi bưởi   (21/09/2004)
Các món ăn từ ốc biển  (20/09/2004)
Bánh… mì   (19/09/2004)
Bún cá - Thoải mái ăn mà không sợ béo!   (15/09/2004)
Canh chua cá lạc  (13/09/2004)
Cá nghéo nấu lẩu   (07/09/2004)