Do người ta quen gọi là thế. Thực ra, bánh cốm sản sinh tại xóm Sở Trung, thuộc thôn Chánh Liêm của xã Cát Tường, huyện Phù Cát.
Phải gọi là bánh, bởi cốm không để rời, đong bằng chén như cốm miền Bắc. Cốm Cát Tường ngào với mật, đổ khuôn tạo thành từng bánh tùy theo mỗi nhà.
Làm bánh cốm, người ta dùng hạt thóc lúa Ba Trăng hay lúa Nhe, là thứ lúa ưa thích vùng ruộng rộc ven chân núi Bà ở địa phương. Lúa Ba Trăng là lúa ngắn ngày (ba tháng) có mấy giống: Ba Trăng chùm, Ba Trăng hồng, Ba Trăng đỏ và lúa Nhe đỏ chắc hạt, cơm hơi dẽ và cứng nên chỉ làm bỏng rang nên làm cốm là thích hợp, vì hạt nở to và xốp.
Lúa Ba Trăng vừa chín thì gặt về đập, hong khô ủ ít hôm rồi đem rang bằng nồi gốm. Hạt lúa nở to, tách vỏ rất đều và dễ làm, chỉ cần sàng hoặc sẩy qua một lượt là sạch.
Mật mía được nấu sôi khi lên "mặt quỉ" thì cho bỏng nổ vào trộn đều cho đến khi cốm nhuốm vàng là được. Cho mật vào cốm theo một tỉ lệ nhất định sao cho phù hợp. Nếu nhiều mật quá vừa hao mật vừa cốm ngọt gắt, không ngon. Ít mật quá cốm không kết dính với nhau được. Trộn xong, người ta đổ cốm vào khuôn, lèn sơ sơ cho các hạt cốm đủ dính vào nhau. Để cốm nguội dỡ khuôn ra, dùng dao mỏng thật bén cắt cốm thành từng miếng vuông hoặc chữ nhật, gói mười hai miếng thành một chục bánh rồi xếp cốm vào "bầu" gánh đi các chợ hoặc bán dạo các làng quê. Bầu là đôi bồ đan tre khá lớn hình viên trụ cao chừng 1 mét, đường kính khoảng 60 cm. Người gánh cốm đội nón lọt thỏm giữa đôi "bầu" cốm, trông xa chỉ thấy đôi "bầu" và chiếc nón nhấp nhô di động mà thôi.
Nghề làm cốm ở Sở Trung, Cát Tường có từ mấy chục năm nay. Làm cốm không vất vả lắm lại có công việc và thu nhập thêm khi nông nhàn, bởi làm cốm "ba vốn vốn lời" như câu ca dao:
Nghề chi ba vốn bốn lời
Theo nghề làm cốm cho đời ngọt thơm
Ngày nay nghề làm bánh cốm ở đây vẫn được duy trì. Cốm Cát Tường lại đến các phiên chợ, theo những chuyến tàu xe ngọt thơm thêm mỗi dặm đường.
. Thôn Trang |