Bánh thuẫn bột mì
16:5', 22/10/ 2004 (GMT+7)

Vào những ngày giáp Tết, vùng Hoài Nhơn người dân rộn rịp đổ bánh thuẫn cho ba ngày tết, để cúng giỗ, để ăn. Bánh được làm từ tinh bột mì phơi thật khô. Có hai loại bánh thuẫn: một loại bánh làm có trứng vịt hay gà; một loại bánh dùng trong ăn chay nên không có trứng.

Đổ bánh thuẫn (ảnh: Cát Hùng)

Trước hết, về loại bánh thuẫn có trứng. Một cân tinh bột khô được nghiền thật mịn, cho 8 lạng trứng vịt (hay gà), 1 kg đường cát trắng (tốt nhất là đường làm thủ công), cùng cho vào một cái thau rồi dùng hai cây đũa lớn (đũa bếp) đánh trộn mạnh từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, càng mạnh càng tốt. Cho đến khi nào thấy thau bột đều bọt là bột đã nhẹ và bắt đầu chuẩn bị lò than và khuôn đổ. Lò than đã được quạt đỏ, người ta bắc trên lò một trã rang có vung đậy, trong lòng trã đổ cát mịn chừng một nửa, rồi đặt các khuôn bánh thuẫn được thợ thiếc gò có hình thuẫn (bầu dục), nên người ta gọi là bánh thuẫn. Tất cả khuôn đều được thoa dầu dừa hay dầu phụng bên trong. Khi nồi cát nóng làm cho các khuôn nóng, người ta bắt đầu dùng muỗng rót bột vào khuôn cho vừa đầy và đều khắp, xong đậy nắp vung lại. Trên nắp bỏ nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả màu vàng là bánh đã chín, lấy cây tăm tre dài xeo vào bánh vớt ra mâm.

Ngày nay, việc đánh bột bánh thuẫn đã có máy đánh chạy bằng điện, đỡ hao sức, và bánh đổ nổi đẹp hơn, giúp người làm bánh đỡ nhọc. Hơn nữa, khuôn bánh ngày nay được đúc bằng đồng với 10 cái trên cùng 1 khuôn tròn, kính cỡ 25 cm, có nắp đồng phẳng để cho than hừng lên trên nắp, giữa có đai để xỏ đũa mỗi khi muốn mở nắp, nên không còn cảnh trã cát, đặt khuôn rời nữa.

Còn cách làm bánh thuẫn thứ hai là bánh không có trứng và được thay vào đó là nước cốt dừa. Cứ 1 kg tinh bột mì phơi khô là ba trái dừa được mài nhồi nước vắt lấy nước cốt, để cho cốt dừa lắng nước lã ở phía dưới, người ta múc phần cốt dừa được nổi trên rồi đổ vào chung với bột thêm đường cỡ 1 kg, đánh chung cho đều để đường được hòa tan. Cũng không cần đánh bột nhiều lần và lâu như bánh thuẫn có trứng. Nhờ có nước cốt dừa mà bánh nổi, xốp, giòn ăn rất thơm ngon, khi bánh thấm nước bọt là tan luôn trong miệng. Cách đổ bánh thuẫn không có trứng này cũng giống như đổ bánh thuẫn có trứng như đã trình bày ở trên.

Tam Quan là một làng nghề chuyên làm ra các loại bánh bằng vật liệu địa phương rất nổi tiếng trong vùng, nhất là bánh thuẫn, và người ta coi đây như một ngón nghề ruột của họ.

. Trần Xuân Liếng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bánh cốm Cát Tường   (21/10/2004)
Gỏi cá diếc   (18/10/2004)
Bánh dún, bánh mõ bột mì   (15/10/2004)
Kẹo đỗ   (14/10/2004)
Trà cam khổ   (13/10/2004)
Bánh ít, bánh rế, bánh tai vạc   (11/10/2004)
Cá bống mủn cơm niêu  (11/10/2004)
Bánh xèo  (08/10/2004)
Gỏi cá niên   (05/10/2004)
Thức ăn cua đồng   (04/10/2004)
Cá rô, cá diếc lên đồng…  (29/09/2004)
Cá rô, cá diếc lên đồng…  (29/09/2004)
Bún số 8 Hoài Nhơn   (27/09/2004)
Canh hến   (24/09/2004)
Gỏi lòng cá nạng   (22/09/2004)