Cá chình thì nhiều nơi có. Đấy là những vùng cửa sông, cửa biển, đầm phá nước lợ, các hồ nuôi tôm dọc bờ biển miền Trung và ở Bình Định, nơi nào chẳng có cá chình. Cá chình thuộc họ nhà lươn, chạch nhưng thân dẹt và lớn hơn nhiều. Có con nặng hàng ký. Riêng chình mun thì chỉ có ở đầm Trà Ổ, cũng gọi là đầm Châu Trúc, thuộc huyện Phù Mỹ. Gọi là chình mun có lẽ vì da nó đen chũi, đen như gỗ mun.
Đầm Trà Ổ rất rộng, đáy đầy rong rêu và không bao giờ cạn nên là nơi các loài thủy sinh phát triển rất phong phú. Chình mun sống ở đây không nhiều nên bắt được nó không phải dễ. Chình lại sống sâu dưới lớp bùn nên càng phải có nhiều cách đánh bắt. Ngư dân Châu Trúc (Mỹ Đức), Chánh Khoan (Mỹ Lợi), các thôn xóm thuộc Mỹ Thắng đánh bắt chình mun bằng giăng câu, đóng đăng, đóng đó lớn, nơm thùng v.v…
Hai ba người ta ngồi trên ghe thuyền, dùng sào chọc, đánh rầm rầm xuống nước. Chình mun cũng như các loài cá khác thấy động thì phóng chạy. Người ta dùng chiếc nơm đan bằng tre, đường kính rộng chừng 1,5 mét chụp xuống bắt. Chình mun cũng dễ mắc câu nếu có mồi ngon như giun, tôm ươn.
Thịt chình mun ngon, thơm, nhiều đạm. Trước đây nhiều, đánh bắt dễ, bà con chở vào TP Hồ Chí Minh bán cho những người Hoa với giá khá đắt. Người Hoa ăn chình mun không bao giờ làm mất lớp nhớt ngoài da chình. Họ cho đó là thức ăn ngon và bổ.
Thông thường, bắt được chình mun, người ta để hơi ươn mới chế biến. Sau khi làm sạch, xắt chình thành từng lát mỏng độ 2 cm, ướp các loại gia vị tiêu, tỏi, ớt và nước mắm nhĩ rồi cho vào kho. Nếu làm món nhậu thì nướng. Cũng có thể um, nấu lẩu lai rai với rượu Bàu Đá hay bia cũng được. Trước kia đánh bắt còn dễ nên muốn ăn chình mun, đến các chợ Bình Dương, chợ Miễu, chợ Châu Trúc quanh khu vực đầm Trà Ổ là mua được. Bây giờ thì khó hơn vì đánh bắt nhiều, chình không kịp sinh đẻ.
Chình mun là một thứ đặc sản cần được bảo tồn. Nếu không, với kiểu khai thác "tận diệt" như hiện nay thì một ngày không xa, chình mun sẽ biến mất khỏi danh sách các loài thủy sản vùng nước lợ.
. Nguyễn Văn Chương
|